Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Góc hoài niệm tuổi thơ 1: NHỮNG CÂY BẦN


Hôm qua, về lại một khúc sông, cảm giác yên bình đến lạ. Con nước lững lờ nhẹ chảy, chút xôn xao những con sóng nhỏ trong lòng. Những cây bần bao năm vẫn như những nhân chứng thầm lặng cho dòng sông bên bồi bên lỡ. Những rễ bần đang chen như muốn níu giữ lại nguyên trạng của dòng sông cũng như những kỷ niệm của thời con trẻ.
Hồi đó, những cây bần đã mọc tự bao giờ, bự lắm. Bãi sình dưới gốc cây chứng kiến những trận chiến "long bùn lở đất" của đám "con nít quỷ" trong xóm mà kết thúc lúc nào cũng có đứa về mét má vì cặp mắt đỏ hoạch, sưng vù bởi lãnh mấy ệ bùn non. Chí ít thì cũng lãnh vài cục đầy miệng, lấp mũi, bít tai. Cứ nhớ cảm giác mùi bùn tanh tanh với vị chát chát, lặn ra xúc miệng rồi mà cát vẫn còn dính kẻ răng, nhai cứ nghe tiếng rào rạo. Chiến xong, ngồi ký cọ cả buổi mà lên bờ vẫn bị má bắt xuống tắm lại vì ngâm nước đến đóng rong, mọc râu, chà hoài mà vẫn còn sót sình.
Hôm nào nước kiệt, cả đám con nít tụi tôi lại lội xuống bãi bùn đi kiếm những trái bần rụng để đem về ăn. Trái bần chín mọng căng, vỏ hơi trong trong, sứt cuốn rớt xuống sình nằm tênh hênh như mời gọi. Thứ này rửa sạch, bẻ ra làm hai rồi quẹt muối hột, cắn một cái mà nghe hai hàm răng sít lại, đau buốt cạnh lỗ tai. Cái vị chua thanh thao, lẫn vị chát, cảm giác giòn giòn của hạt bần lẫn những hạt muối, cái mùi bần chín thơm thoảng đặc biệt cứ xông lên mũi, nuốt xuống tới ruột mà vị chua còn đọng lại trong cuống lưỡi. Siêng nữa thì lượm nhiều nhiều về nấu canh chua ăn bá phát.
Mấy thằng trộng trộng thì thường đợi nước đầy, leo ra nhánh bần đâm ngang để nhảy xuống sông, thách nhau coi thằng nào làm văng nước lên cao nhất. Thôi thì đủ kiểu, dừa khô rụng- cuộn hai chân sát người khi tiếp nước, thả bom- một chân co, một chân duỗi, mông và lưng dưới tiếp nước. Nhớ lần thằng Hậu Hai Tuấn leo ra nửa đường hứng chí thẳng đơ người nhảy cắm hai chân xuống. Chỉ nghe cái chụt, sình bựng bựng một lúc mà không thấy nó trồi lên. Cả đám nhảy xuống, nắm đầu kéo. Lú đầu lên khỏi mặt nước, nó hớp hớp, nước trong mũi trộn với nước mắt trào ra, nó bườn lên bờ rồi đi thẳng một lèo về nhà. Còn thằng Tý Hon con Tư U thì leo ra xong, bò vô cũng không được vì nhánh bần cong xuống run bần bật, mà nhảy xuống thì không dám vì quá cao, cứ nằm ôm nhánh bần khóc tu tu. Bị cản đường, anh em tức mình đứng nhún nhánh bần, nó tuột tay từ từ rồi ...rớt xuống như trái bần chín. Từ đó tới sau hai thằng tởn luôn, không léo hánh tới gốc bần đó trừ khi bị má nó kêu đi chặt c...t bần về làm nút chai.
.
Cái vụ nút chai rễ bần này cũng nhiêu khê. Mỗi lần nấu nước mắm cá linh, tới lúc lược nước đầu thì má tuii thế nào cũng sai đi cắt rể bần về tiện ra làm nút chai. Khúc rế bần đem về, róc vỏ, cắt khúc đem phơi khô rồi tùy miệng chai lớn nhỏ mà gọt lại cho vừa nhét vô cổ chai. Má biểu, nước mắm đựng trong chai nút c..t bần kín hơi, giữ mùi thơm lâu lắm. Nghe vậy, biết vậy, mà hình như cũng đúng vậy. Nút bần khô, gặp hơi nước mắm, nở ra, bít chịt, chai nước mắm để cả năm vẫn trong khe, vàng óng, khỏi bỏ chất bảo quản như bây giờ mà vẫn không lo hư hay ruồi tửa vô chai nước mắm.
Có hai loại côn trùng khoái quanh quẩn cây bần, đương nhiên đó là con ong bần và con đom đóm. Tối tối, đám đom đóm cứ xà quần quanh cội bần chớp tắt liên hồi, đẹp còn hơn giàn đèn led ở Đầm Sen vì đèn này chuyển động được, khi bung ra khi lại chụm vào. Còn ong bần thì tui nhớ đời. Số là gần nhà có con nhỏ tên Thủy Tiên con Ông Hai nhà mới (Lúc đó, nhà nó mới chuyển từ Sài Gòn về nên kêu ba nó như vậy) Theo tui, con nhỏ không đẹp nhưng má tui lại nói nó dễ thương, Dễ thương gì? Hàm răng nó sún hết trơn vì siết ăn, chỉ có mái tóc cắt "bum bê" gắn vô cái mặt nó nhìn tiếu hết sức. Một bữa chiều tui đang chuẩn bị tắm, nó chạy lon ton lại nói tui hái cho nó mấy cái "bông lồng đèn tím" cho nó về chơi nhà chòi. Con nhỏ này còn một cái tật là khi nó đòi cái gì là cứ đeo theo nhèo nhẹo hoài, phát bực. Tui tót lên cây bần, chồm ra mấy cái bông bần đang nở, ngắt cho nó một chùm, thảy xuống. Trời xui đất khiến, vừa định bẻ chùm thứ hai thì cái mặt tui ịn thẳng vô ổ ong bần đóng trên nhánh đó. Chỉ nghe "róc róc" mấy cái đau điếng, tui vội đạp nhánh bần vọt thẳng xuống sông. Trên đầu, mí mắt, gò má, sau lỗ tai tổng cộng 6 vít. Bữa sau, ngoài cái mặt sưng chà bá dù có bẻ đọt môn xức tui còn bị hành nóng lạnh. Trùm mền mà hận con nhỏ sún răng thấu xương, và cho tới bây giờ cũng còn...nhớ nó.
Ngồi gõ mấy dòng này, nhớ lại chuyện xưa, lại chợt thèm một tô canh chua cá dứa hay cá lăng nấu bần. Cái mùi của nồi canh chua bần không thể nào quên được cũng như tui không quên được con nhỏ Thủy Tiên sún răng đó. Mà bây giờ nói thiệt, gặp lại nó, nếu nó không trồng răng sứ hay cắm implant thì bảo đảm cái hàm răng của con nhỏ cũng y chang hồi lúc nó bắt tui hái bông bần cho nó chơi nhà chòi. Già hết rồi Thủy Tiên ơi!
BS Từ Nhân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét