Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

CHỮA BỆNH BẰNG KHÍ TRỜI

Người ta sống được nhờ ăn, uống và thở nhưng ai cũng chỉ quan tâm ăn gì cho khỏe, uống gì cho bổ chứ không ai nghĩ hoặc quan tâm đến chuyện thở. Thực tế nhịn ăn hơn 40 ngày mới chết, nhịn uống thì trên dưới 10 ngày mới tiêu tùng, trong khi NHỊN THỞ CHỈ CÓ 5 PHÚT LÀ ĐI ĐỜI.  Nói như vậy để thấy THỞ có tầm tối quan trọng để duy trì cuộc sống của mỗi người.

Thở bụng, cũng như thở 4 thì, thở sâu, thở bằng cơ hoành đã có lích sử hàng ngàn năm. Đây là cách thở đúng mà khi sinh ra người ta đã có. Thử quan sát một đứa bé sơ sinh đang nằm ngủ: phần cơ thể lên xuống đều đều theo nhịp thở là phần bụng! Đa phần những người lớn phải chịu những căng thẳng, lo toan và ưu tư trong cuộc sống dẫn đến căng cơ, thở nhanh, thở ngắn dần dần lâu ngày thành thói quen thở cạn, chỉ thở ở phần ngực tạm gọi là Thở nghịch.

Hiện nay, có gần 13% dân Mỹ được hướng dẫn cách thở tư nhiên này như một phương cách hằng ngày bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Nó cũng giúp điều hòa các hoạt động của hệ thần kinh, nội tiết, tim mạch, tiêu hóa…thông qua việc (1) cung cấp đầy đủ oxy, thải cạn thán khí, cân bằng nội dịch, (2) việc tập trung ổn định tinh thần trong khi luyện thở cũng như (3)các cơ quan nội tạng được kéo đẩy trực tiếp…Người ta cũng vận dụng cách thở này trong phương pháp “Sinh không đau” hoặc điều trị nâng đỡ cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Ở Việt Nam hay các quốc gia Châu Á thì chỉ một số ít người như đạo gia hoặc các nhà khí công, vận động viên, … mới luyện thở bụng như phương pháp bí truyền trong luyện phép trường sinh bất lão, nâng cao thành tích thi đấu.

Để giúp người Việt Nam dễ nhớ, dễ hiểu phương pháp Thở bụng- Thở sâu, BS Nguyễn Khắc Viện, một minh chứng cho phương pháp thở kỳ diệu này khi Ông sống đến 85 tuổi chỉ với nửa lá phổi bên trái, đã tinh giản phương pháp luyện thở chỉ với 12 câu “thơ con cóc” sau đây:

Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm châm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!
Bạn có thể ngồi hay nằm, hai tay để bên cạnh thân mình hoặc trên bụng dưới. Vừa hít vừa đếm thầm 1,2,3,4,5,6. Không dừng hít vào lại, bạn tiếp tục nối liền thở ra với đếm thầm 1,2,3,4,5,6 cho đến cạn hơi thở. Sau đó nối tiếp với một chu kỳ hít vào- thở ra như trên…

Điều quan trọng nhất là thở SÂU và ĐỀU với phối hợp của BỤNG hít phình, thở xẹp, hơi thở êm nhẹ, không khựng lại hay giật cục và thực hành đều đặn mỗi ngày đến thuần thục. Có thể thay vì đếm thầm đến 6, ta có thể đọc thầm “ Nam mô A Di Đà Phật” hay “Om ma ni bat me hom” hoặc “Cầu xin Chúa ban phúc lành”…

Chỉ cần 1 ngày 3 lần (Sáng sớm, Chiều tối  và bất kỳ lúc nào được nghỉ ngơi), một lần 3 hiệp, mỗi hiệp 5-10 hơi thở, mất khoảng 6 phút một lần mà ai cũng có thể giảm được: đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, ngủ gà, mau quên, đau mỏi vai gáy, lo lắng, stress, rối loạn tiền đình, đau lưng, đau đầu gối, đau đẻ, tăng huyết áp, táo bón, đắng miệng…


THỞ THÔI ĐÃ KHỎE và THỞ THÔI CŨNG TRẺ! Khí trời luôn sẵn, không phải mất tiền, luyện một lần dùng cả đời và phương pháp luyện thở sâu hay thở bụng rất đơn giản, nhưng vô cùng hiệu quả.  Bạn hãy làm thử đi nếu muốn vứt nỗi lo bệnh tật, thậm chí “cải lão hoàn đồng”!


BS Đoàn Nhật Trung
Chuyên khoa Y học Gia đình
Email: doantrungbv115@yahoo.com

Nguồn
1. http://www.erct.com/4-ChiaSe/Suckhoe/Tho_Bung.htm
2. https://en.wikipedia.org/wiki/Diaphragmatic_breathing
3. Từ sinh lý đến dưỡng sinh- Nguyễn Khắc Viện- NXB Thế giới 2007