Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

TỰ TRÀO III

Bệnh viện thành nơi để móc tiền
Tớ buồn rồi tớ nổi cơn điên
Bỏ dao, xách kéo làm gà hấp
Vất thuốc cầm thìa trở cá chiên
Khách khứa nhiều khi gây bực dọc
Bạn bè lắm lúc rất buồn phiền
Vườn- chim đua hót, ao đầy cá

Một mái nhà tranh. Sướng tợ tiên!

DrTrungGP

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Món ngon Thốt Nốt: Hủ tiếu hấp

Món điểm tâm có tên hủ tiếu có lẽ do người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) sáng chế và đem từ cố thổ sang Việt Nam từ khi họ di dân sang định cư tại đây. Theo thời gian, nó đã trở thành chẳng những món ăn sáng, mà còn là thứ ẩm thực phục vụ hầu như suốt cả ngày. Ngoài hủ tiếu nước, tức hủ tiếu trụng nước sôi cho vào tô với thịt bằm, thịt nạc, tim, gan, phèo, cật, giá, hẹ, chan nước lèo nấu xương heo, tôm khô, khô mực xăm xắp, rắc nhúm tang xại tỏa mùi thơm đặc trưng. Bên cạnh đó còn có hủ tiếu khô cũng được thực hiện bằng hủ tiếu trụng trộn chút mỡ nước, trải lên mặt cũng thịt băm, thịt nạc, tim, gan, phèo, cật, giá, hẹ cùng nhúm tang xại. Cũng như hủ tiếu nước, người ăn nặn chanh, cho ớt xắt lát ngâm giấm, xịt miếng nước tương vào rồi trộn đều trước khi ăn; ăn xong họ mới thưởng thức chén nước lèo đặt bên cạnh. Ngoài ra còn có hủ tiếu xào, cũng được thực hiện với các nguyên liệu gần như trên. Món nào cũng ngon, giúp thực khách thỏa mãn cái dạ dày khi đói hoặc khi lưng lửng muốn ăn chơi.
Hủ tiếu hấp cũng là món điểm tâm nhưng gần như khác “một trời một vực” với ba loại hủ tiếu nêu trên. Sợi hủ tiếu không trụng trong nồi nước sôi mà đặt trong xửng nhỏ chưng cách thủy. Món này muốn ngon phải dùng loại hủ tiếu tươi được làm bằng gạo lúa mùa nguyên chất. Sợi hủ tiếu vừa đủ một lần ăn xé rời ra cho vào xửng hấp, không được phép hấp một lần nhiều hủ tiếu vì sẽ không nóng và mất ngon. Ăn cùng với hủ tiếu hấp là xíu mại, thịt nướng, xá xíu, bì, dưa leo cùng một ít rau thơm. được làm bằng da heo rửa sạch, xắt từng lát mỏng rồi xắt sợi thật nhỏ, ướp đường, tỏi, bột ngọt cùng chút thính cộng với thịt nạc chiên vàng xắt nhỏ. Thịt khìa làm bằng thịt nạc ướp gia vị và nước dừa xiêm đun trên bếp lửa riu riu. Xíu mại gồm thịt nạc bằm trộn chung chả cá thát lát đánh thật dai, ướp gia vị, vò thành viên hấp, không sử dụng củ sắn. Món này ngon nhờ nước xốt và nước mắm chan. Để có nước xốt ai ăn cũng “nhớ đời”, phải dùng cà chua bằm nhỏ xào với nước thịt khìa. Riêng nước mắm chan cũng phải có “công phu” điêu luyện là dùng nước mắm nhĩ thắng với đường cát trắng. Vậy là đã sẵn sàng cho một dĩa hủ tiếu hấp.
Hủ tiếu hấp ăn bằng dĩa. Dĩa đựng sợi hủ tiếu, trải lên mặt ít bì, viên xíu mại, miếng thịt nướng, miếng xá xíu cùng rau thơm và dưa leo bằm, chan nước xốt cùng chút nước mắm, gài đôi đũa góc dĩa, dọn ra bàn. Khách cầm đũa, cần ăn mặn hơn thì chan thêm nước mắm rồi trộn đều, thưởng thức. Món điểm tâm vừa nóng vừa mát là lạ này khiến bữa điểm tâm hấp dẫn, vì hủ tiếu hấp sao từa tựa bánh tằm bì, nhưng phong phú hơn với nhiều loại thực phẩm ăn chung. Ngon quá, căng bụng là chuyện thường.
Hủ tiếu hấp được bán xưa nay ở chợ Châu Đốc (An Giang), là đặc sản có mặt tại chợ Hà Tiên (Kiên Giang) và cả chợ Thốt Nốt (Cần Thơ). Ở Hà Tiên, hủ tiếu hấp được bán ở khá nhiều nơi với bì, chả giò. Đặc biệt, ở Hà Tiên bên cạnh hủ tiếu hấp người ta còn bán kèm bánh tằm bì. Khách muốn ăn riêng từng món hoặc “gộp” chung hai món một dĩa cũng được, gọi vui là “tiếu tằm”. Đặc biệt, ở Hà Tiên còn có “văn hóa” bán hàng, là: bạn cứ ngồi nhà điện thoại tới tiệm, quán, họ sẽ tự thân đem món ăn đến “tận miệng” bằng xe đạp hoặc xe gắn máy. Người bán một tay đỡ mâm hủ tiếu hoặc món gì đó, một tay cầm ghi-đông xe rồi phom phom đạp hoặc chạy đến nơi theo nhu cầu, thật tiện lợi. Riêng ở chợ Thốt Nốt, món ăn này chỉ bán ở góc chợ ngã tư đường Lê Lợi dưới dốc cầu Thốt Nốt vào lúc 18 giờ. Sớm hơn, lúc 15 giờ có một bà cụ bán trên đường Cầu Chùa.
Cứ tưởng đây là món đặc sản của người dân địa phương này, nhưng tìm hiểu kỹ mới biết nó có xuất xứ từ Phnom Penh (Campuchia), với bì và xíu mại. Té ra, “nhập” vào Việt Nam, hủ tiếu hấp đã chuyển mình phong phú, đa dạng và hấp dẫn.

Theo PHƯƠNG KIỀU-Báo Hậu Giang

Gác cúm núm - thú tiêu khiển ở đồng quê

Bác Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ vườn cò Bằng Lăng ở huyện Thốt Nốt, Cần Thơ, là người say mê gác cúm núm từ thuở nhỏ. Bác cho biết: Cách nay vài chục năm, cúm núm nhiều vô số kể. Hàng năm, khi trời vừa chuyển sang xuân, nhất là lúc bông lúa vừa ngậm sữa, khí xuân tràn về ấm áp, dòng họ nhà cúm núm bắt đầu đua nhau cất tiếng gọi tình và biểu dương sức mạnh. Con trống, con mái suốt ngày lao rao, rậm rật trong các lùm bụi, gần đầm lầy hoặc dọc theo chân đê, mé đìa, ruộng lúa, bờ ao, mương cá để bắt cặp, quầng tổ, âu yếm nhau như đôi uyên ương không rời nửa bước.
Cháu ruột của bác Thuyền là anh Nguyễn Trường Cửu cũng là một tay mê cúm núm. Mỗi lần đến nhà anh tôi có cảm giác như đang đứng trước một khu vườn đầy ắp những tiếng chim và có lúc bị hốt hồn bởi dòng âm thanh kỳ thú “hù... hù... cúm núm... cúm núm... cum... cum... cum... ọc... ọc...” vang lên nhịp nhàng, có lúc trầm hùng, có lúc vút lên cao tạo thành một điệp khúc rộn ràng và êm ái, giống như nhịp chày giã gạo khiến mọi người rộn lên một niềm vui khó tả. Anh nói: “Trời hửng sáng mà nghe tiếng cúm núm rộ lên, trong lòng nôn nao không sao chịu nổi...”.
Mùa gác cúm núm hàng năm bắt đầu từ tháng giêng đến tháng bảy âm lịch. Thời gian này lông con trống đen mượt, mồng đỏ và cất tiếng kêu vang dội khắp cánh đồng. Bác Thuyền vừa chỉ những con chim trong lồng vừa diễn tả: Cúm núm là loài chim nước, ngoài thiên nhiên chúng sống từng cặp trống mái, suốt ngày lủi thủi trong các bụi rậm, nơi ruộng lúa ken dày. Tới mùa ái ân chúng bẻ cò bông lúa hoặc cây cỏ làm tổ sơ sài rồi đẻ trứng. Mỗi năm chúng đẻ hai, ba lứa vào tháng tư, năm, sáu. Hồi còn đi học, tôi cũng thường hay ra đồng hốt trứng cúm núm, mỗi ổ 5 - 6 trứng đem về bỏ vô nồi cơm... Ngày tháng qua mau, bây giờ muốn tìm lại chút hương vị ngày xưa cũng không dễ gì!
Theo bác Thuyền, muốn gác cúm núm trước hết phải biết huấn luyện con mồi sao cho thật khôn lanh và dũng mãnh để áp đảo các đối thủ. Con cúm núm mồi lý tưởng thường có bộ lông mượt mà, mồng đỏ, lanh lợi, dạn dĩ và háo thắng, vừa thấy chim trống lạ là xòe cánh, hùng hổ và cất tiếng vang lên như một hồi còi xung trận. Muốn có một con cúm núm mồi “độc chiêu”, người nuôi phải lấy trứng từ ngoài đồng về cho gà tre ấp, sau đó mới chọn ra những con xuất sắc để thuần dưỡng trong 2 năm mới đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để trở thành cúm núm mồi.
Tiếng kêu của con trống vừa là giọng khiêu khích vừa là khúc nhạc “dạo tình”. Thường con mồi hay bao giờ cũng có giọng đầy kiêu hãnh, chúng kêu liên tục, kêu từng tràng dài hàng mấy phút cho đến khi nào chinh phục được con mái mới chịu thôi. Cũng như chim cu, mỗi vùng đất đều có một con đầu đàn cho nên tiếng kêu của con trống ngoài tác dụng gợi tình, quyến rũ “người yêu” còn nhằm thể hiện sức mạnh của “lãnh chúa” một vùng.
Thường mỗi buổi sáng đẹp trời, con đầu đàn thường tỏ ra hưng phấn, đập cánh, nhất là khi nó phát hiện có tiếng kêu lạ báo hiệu có kẻ xâm lược lãnh thổ hoặc trong thời điểm con mái “động tình” nó lại càng sung mãn, hiên ngang rồi tìm đối thủ lao thẳng tới, ưỡn cái ức no tròn để áp đảo đối phương và kết thúc hiện tượng “khoe mẽ” bằng một hồi vũ lực. Một khi con trống bị bắt, vài ngày sau sẽ có con trống khác thay thế chức “lãnh chúa” và bắt đầu phát huy thế lực của mình.
Bác Thuyền cho biết cúm núm tuy mộc mạc, thiếu bộ lông sặc sỡ nhưng bù lại có tiếng kêu thuộc bậc thầy của các loài chim nước. Đó là tiếng kêu vừa điệu đàng thân thiết, vừa xôn xao man mác, gợi lên cả một vùng trời ký ức về tuổi thơ.

Sau một hồi trò chuyện, anh Trường Cửu dẫn chúng tôi ra các lồng nuôi cúm núm mồi, vừa giới thiệu vừa mở cửa lồng rồi búng nhẹ hai ngón tay, miệng bắt chước tiếng chim, con cúm núm từ từ bước ra đứng trên tay anh cất giọng “cúm núm... cum... cum... ọc... ọc...” ngân vang như tiếng mõ tre nhịp nhàng. Sau đó anh xách lụp dẫn tôi ra đồng tìm chỗ gác.
Cũng như gác cu và gác quốc, người gác cúm núm chỉ cần một cái lụp (bẫy sụp) và một cái lồng để nhốt con mồi. Sau khi tìm được một nơi yên tịnh, vắng vẻ anh mới đặt lụp xuống, bên cạnh là lồng cúm núm mồi. Xong mọi người lùi ra xa chừng 20 mét ngồi chờ đợi. Một lát sau, con mồi trong lồng bắt đầu cất lên tiếng kêu to, càng lúc càng hối hả với một giọng điệu đầy kiêu hãnh. Tôi hồi hộp ngồi chờ... Hình như đánh hơi được có địch thủ đâu đó, con mồi càng phấn khích, nó niểng đầu, đập cánh một lúc rồi lại tiếp tục “hù... hù... cúm núm... cúm núm...”. Lúc đầu còn chậm rãi, sau trở nên giục giã, liên hồi tạo thành một dòng nhạc xôn xao và phấn khích. Ngay lúc đó, từ trong bụi rậm không xa, chàng “thủ lĩnh” đồng xanh, vừa bắt được giọng khiêu khích liền niểng đầu lắng nghe rồi cất tiếng đáp lại bằng những tràng âm thanh ngạo nghễ “cúm núm... cum...” như báo cho kẻ lạ mặt biết rằng “có ta đây”, nhưng con trong lồng vẫn tiếp tục vang lên một cách ranh mãnh và tự đắc. Thế là sau một hồi gờm, hai bên bắt đầu trổ hết tuyệt chiêu của mình để tranh tài. Chàng “hiệp sĩ rừng xanh” tức khí trổ hết món nghề rồi vỗ cánh nhắm hướng đối phương nhào tới, xòe cánh sà lên chiếc lồng của “vị khách không mời mà đến” để thị uy. Con cúm núm mồi cũng không vừa, tuy ở trong lồng nhưng nó cũng sừng sộ, tức khí, ăn miếng trả miếng rồi xòe rộng đôi cánh như thách đố. Chàng hiệp sĩ bên ngoài tức quá không dằn được cơn thịnh nộ, định phá tan chiếc lụp để xé xác con mồi cho hả dạ nhưng vừa nhảy xuống định xông vào lồng tấn công liền đụng phải chiếc thanh gài, chiếc bẫy lập tức sụp xuống, kết thúc một đời ngang tàng bướng bỉnh.
Bác Thuyền nói tuy chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn nhưng đối với cúm núm, quốc và chim cu đều là những con vật thân thiết của đồng quê, chúng ta chỉ thỉnh thoảng gác một vài con để tiêu khiển và tìm thú thanh nhàn, không nên lạm sát.

Theo THÀNH HIỆP (Khoa học phổ thông)

Món ngon cù lao Tân Lộc

(ĐNT)- Đây là bài viết còn nhiều thông tin cần chỉnh lại cho sát hợp với thực tế. Tuy nhiên, xem như một tư liệu để phát triển.

Tân Lộc (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) là một cù lao giữa sông Hậu có nhiều vườn cây (đu đủ, sa pô, mít Mã Lai, dừa) trĩu trái nên thu hút khá nhiều khách tham quan. Đặc biệt dịp Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch), hàng chục ngàn người từ Long Xuyên (An Giang) xuống, trung tâm TP Cần Thơ lên, Lai Vung (Đồng Tháp) qua, khiến cù lao này trở thành vùng quê náo nhiệt, vui tươi. Ngày hội này còn diễn ra vào mồng hai Tết Nguyên đán hằng năm.
Là “cù lao cá” nên Tân Lộc quanh năm đều có món ngon từ các “danh ngư”: Từ mồng 5 tháng 5 tới tháng 9 âm lịch là mùa đánh bắt cá sữu. Người ta “bắt lưới” khi con nước đục (mùa nước đổ từ thượng nguồn sông Hậu về, còn gọi mùa nước son). Nước trong thì câu cá ( ?) bằng mồi kiến non, gián, thuốc ủ. Từ rằm tháng 10 âm lịch, nước giựt, khai thác cá linh bằng chài, lưới và vó. Đặc biệt là cách dùng lưới giựt giúp ngư dân thu hoạch cá “bể tay”, có khi được 20 giạ cá/lần giựt (13kg/giạ), thậm chí đạt 40 giạ cá một lần giựt. Đó là chuyện trước đây, còn bây giờ cá cũng có nhiều nhưng chẳng bằng. Mùa thu hoạch cá linh dần thưa và chấm dứt sau 30 ngày.
Từ tháng 11 âm lịch, đến sau Tết Nguyên đán là mùa “săn” cá bông lau. Địa phương có phường chài, phân chia khu vực đánh bắt. Mỗi ghe có hai người, thường là vợ chồng, một người chèo, một người phơi (thả lưới). Nước dâng bắt đầu đánh. Trước khi nước rút, khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, thì kéo. Mỗi đợt kéo người ta thu hoạch trung bình chừng 4-5 con. Cá ở đây có con nặng tới 10kg. Để thu hoạch được nhiều cá, ngư dân nhìn dòng nước phán đoán “ổ cá” nằm ở nơi nào, thường là nơi ngã ba khúc sông nước chảy mạnh.
Đánh bắt cá sữu và cá linh diễn ra vào ban ngày. Riêng cá bông lau thì ngư dân hoạt động suốt đêm. Hàng trăm ghe đánh cá cùng hàng bao nhiêu ngọn đèn phao thả đầy khúc sông như một trời sao sa đọng lại, lấp lánh, đẹp mê hồn! Tất cả đều diễn ra nơi khúc Bắc sông Hậu nhánh Lai Vung. Chứng kiến cảnh “dọc ngang sông nước” của các con “kình ngư biết nói” vào ban ngày hoặc ban đêm đều là kỷ niệm nhớ đời của khách phương xa.
Cá sữu, đặc sản Tân Lộc chế biến thành nhiều món ăn: nướng, chiên, hấp gừng, muối sả ớt, chiên xù, kho, nấu canh chua... đều sự “khoái khẩu”. Mùa cá linh bạn sẽ được “nếm” cá linh chiên, kho lạt, kho me, nấu chua so đũa đầu mùa... Mùa cá bông lau thì cũng ngần ấy món nhưng cũng khiến bạn mê mẩn vì cái ngon của loài cá được mệnh danh là “thủy sâm”! Các món cá nước ngọt được quán Thiên Phúc (ấp Phước Lộc) phục vụ quanh năm, giá cả phải chăng, chừng 30.000-40.000 đồng/món. Riêng cá sữu đã chế biến giá 130.000 đồng/kg.
Du lịch ẩm thực miệt vườn Sơn Ca (ấp Tân Mỹ) trên cù lao có những món ăn “lạ”: gỏi bò ba khía, 40.000 đồng; gà ta xào lăn giả cầy, 50.000 đồng; cá hú nấu chua, 60.000 đồng...; đặc biệt là món gà hấp lá trúc, bán theo thời giá; tôm nướng lá trúc cay, 40.000 đồng. Lá trúc mùi vị giống lá chanh nhưng dầy và sậm màu hơn, là đặc sản vùng núi Ba Chúc (An Giang). Trái trúc được nhân dân Bảy Núi sử dụng nhiều nhất trong việc lấy chất chua thay nước cốt chanh tươi cho món cháo bò Tri Tôn nổi tiếng. Từ nhiều năm qua, loại cây này đã có mặt ở Thốt Nốt đi vào ẩm thực.
Theo PHƯƠNG KIỀU - Báo Cần Thơ