Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Thư gửi các con!

Các con thân yêu!
Ba viết những dòng này khi các con còn rất nhỏ. Anh Hai mới hơn 4 tuổi đang học Trường Mầm non Hoa Sen, Anh ba thì hơn 2, còn chưa đi học.... Ba muốn nói về tên của các con và nguyện vọng của Ba Mẹ và gia đình dòng họ mình.

Anh hai ĐOÀN LÊ AN! Tên con là một sự biết ơn của ba đối với một người Thầy đã chỉ cho ba con đường phụng sự: Bác sĩ Gia đình. Đó là Thầy PHẠM LÊ AN. Họ chính gốc của mình là Phạm, không phải là Đoàn như ghi trong khai sinh của con. Cái họ đó có một lịch sử bi tráng mà ba đã kể một phần trong bài "Cái lò rèn của Nội". Tên con chính là tên của người Thầy ba hằng kính trọng, biết ơn và mong mỏi suốt đời đi theo con đường của Thầy. Thầy là một người Bác sĩ trăn trở tìm một lối đi cho ngành y của nước nhà. Đến bây giờ, Thầy đã hơn 15 năm để xây dựng và đào tạo chương trình đào tạo Bác sĩ Gia đình mà ba là học viên thứ 25, khóa thứ 6. Đây gần như là một duyên nghiệp mà ba nguyện suốt đời theo đuổi, dù có cô độc, chịu nhiều áp lực. Con là một đứa bé có tâm hồn, có óc quan sát rất tốt và trí nhớ cũng tuyệt vời. Con cũng có nhiều thay đổi, vượt qua được chính mình đường hoàng bước lên sân khấu, dõng dạc trước các bạn. Ba tự hào về điều đó của con. Ba mong con tiếp tục dẫn đầu như thế, can đảm như thế trong suốt cuộc đời mình con nhé!

Ba Vui ĐOÀN LÊ THẾ TÂM! Tên con cũng là của một người Thầy của Ông Nội, là sư thúc bá của Ba. Ông Nội đã đặt tên đó cho con với một niềm tự hào là một học trò của vị bác sĩ tài danh ĐOÀN THẾ TÂM. Ba chưa biết thiên hướng của con thế nào nhưng trông ra một người tự lập. Lá số tử vi của con nói rằng con sẽ sống xa lìa quê hương, cách xa những người thân và là một người tài hoa, được nhiều người yêu mến. Hoàn toàn ba không tin vào tử vi nhưng ba cũng mong con như thế. Con là một đứa trẻ thông minh, trí nhớ rất tốt, tuổi này mà đã học được nhiều bài hát dù không ai dạy cho con. Con cũng có tâm hồn nhạy cảm khi nắm bắt được mình sắp mất sự quan tâm của mẹ vì mẹ sắp có em. Điều này cũng tốt nhưng ba mong rằng con mạnh mẽ và dũng cảm hơn để có thể đối diện với cuộc sống nghiệt ngã mà cha con mình sinh ra không nhằm thời. Ba cũng mong rằng con và anh Hai có được một nên giáo dục phát triển hơn, có tính nhân văn hơn dìu dắt.

Điều ao ước của ba là cả hai con phải trở thành một Hướng đạo sinh và thực hiện điều đó thật sớm. Nó sẽ giúp các con những kỹ năng cơ bản để tồn tại cũng như tình tương thân tương ái giữa người với người của một Hướng đạo sinh. Có lý tưởng, có ước vọng nhưng không tham vọng, không mưu cầu, Chỉ có Đạo lý, Tổ quốc- Dân tộc, Gia đình và thân hữu đồng bào là những giá trị các con cần đạt tới. Ba cũng muốn các con hiểu về Thiền học, Phật học để có một cái tâm trong sáng, làm chủ đời mình đạt đến mức VÔ NGÃ, VÔ ƯU. Ba Mẹ quyết định chọn cho anh em con vào trường Mầm non Hoa Sen cũng vì điều đó,

Ba không hề hối tiếc phải sống cơ cực, không kiếm tiền bằng mọi cách. Hiện tại ba hài lòng về ngành của mình nhưng cũng cảm thấy có lỗi khi không có nhiều điều kiện để thực hiện những ước muốn nho nhỏ của con, của mẹ, của Ông Bà. Mong rằng lớn hơn con sẽ hiểu. Ba chấp nhận sống thanh đạm để giữ được nguyên tắc sống của mình: TRUNG THỰC và DẤN THÂN. Ba không mong rằng con sẽ nối bước ba làm bác sĩ nhưng con phải giữ cho được nguyên tắc đó dù phải trả giá, dù cho con đang làm nghề gì, ở vị trí xã hội nào. Điều này nó là một sự kiên đinh trong lập trường của một người hiểu về đạo lý, hiểu về TỨ ÂN HIẾU NGHĨA sống dõng dạc, hiên ngang.

Tên của các con có ý nghĩa lớn lao như vậy đó!

Hôn các con
Ba Trung

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Góc kỷ niệm tuổi thơ 5: CÁI LÒ RÈN NHÀ NỘI.

Hôm chở hai cậu thăm trại ngựa, ngang qua cái lò rèn, tò mò quay lại để tìm thử có cái dao phay hay dao yếm nào vừa tay mua về dùng. Thất vọng vô cùng. Cái lò rèn thời hiện đại có khác. Nào là mô tơ mài, nào là quạt máy thổi than, hàn khí đá, búa, kẹp, dũa...cái gì cũng khác quắt so với Lò rèn nhà Nội khi xưa. Họ làm nhàn hạ và không tốn nhiều công sức. Không biết phải do những điều đó mà cầm cái dao lên mình...muốn liệng trở lại vô lò.
Cái lò rèn của Nội, trong ký ức mình là một sự đoàn kết và gắn bó của ba gia đình đời Ông Nội. Thợ cả là Ông Ba Chuột, hai thợ chánh là Ông Nội và Ông Mười Kèn, và một dàn thợ phụ là con trai của ba gia đình. Mỗi người một việc, răm rắp đâu vào đấy. Ông Ba là bậc thầy về trui, rèn, lựa thép, hoàn tất sản phẩm. Mấy bác, mấy chú là cỗ máy quay búa lực lưỡng còn hơn máy nén, máy dập. Tất cả đều làm bằng tay và máy cơ chạy... bằng cơm, công suất "10 mã lực" của Chú Tư Chẳng, Chú Sáu Đoàn, Bác Sáu Nhái, Chú Tuấn, Chú Cường.
Lửa than được duy trì bằng cách kéo hai bể thổi bằng gỗ, cao gần 2 mét, với hai cái bít tông vải đường kính khoảng 25 cm. Ống bể được nối sang lò bằng hai ống tự làm bằng bùn móc dưới bến sông trộn vỏ trấu, ép thành ống rồi phơi khô. Gió từ hai ống gỗ này thổi ra sang lò nghe "hù hù" như bão. Thường thì Chú Tám hay phụ trách khâu này nhất vì lúc đó còn nhỏ, không quai nổi búa.
Đã mắt nhất là cảnh quay búa phối hợp giữa 3 hay 4 người nện lên một mặt đe chừng 15 phân, vào điểm được thợ cả đệm búa con chỉ trên miếng sắt. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định hình hài cơ bản và độ bén (non hay già) của vật dụng tùy theo ngọn lửa lò, thời điểm trui và độ nén vật liệu. Tất cả đều làm trong thinh lặng, tập trung, nhịp nhàng và chính xác. Búa nặng (từ 10-15 kg), các chú bác phải đứng tấn chữ đinh, kéo búa về sau, vòng lên đầu rồi giáng xuống, rút búa về... liên tục chu trình vậy.chùng 20-30 vòng. Đến nghe tiếng "Hự" của Ông Ba thì mới được dùng lại, lau mồ hôi. Từ một cục sắt hay thép chẳng ra hình thù gì, không mẫu, không thước đo, Ông Ba hết đút vào lò, để lên đe, nện búa, ngâm vào bể trui, lật ngắm ngắm, đút vào lọ, chặt bớt cạnh...một lát sau, miếng sắt đã thành hình khá rõ về vật dụng muốn làm, cái nào cũng giống như cái nấy nhưng thật sự là các tác phẩm độc bản.
Tới đây,miếng sắt sẽ được làm nguôi (không đút vô lủa nữa) và hoàn thiện. Khúc này mất nhiều thời gian và sự tỉ mẩn. Công cụ được một trong hai người thợ chánh gò lại cho đẹp để người kia bào lưỡi. Gò thì "dễ hơn" nên được giao cho Ông Mười, bào lưỡi phải dùng sức và sự chuẩn xác nhiều hơn. Phần này thường là Ông Nội làm. Công cụ được Nội kẹp chặt vào "chân ngựa", dùng một cái bào bằng thép "chiến đấu" để bào thành cạnh bén của công cụ bằng sắt hay thép(!). Từng sợi thép bị gọt, cuộn lên như dăm bào gỗ và công cụ cũng rõ nét dưới bàn tay của Nội. Cuối cùng là mài bén và tra khâu, cán.
Mài dao hay các công cụ không dễ chút nào dù trông có vẻ nhàn hạ. Nó đòi hỏi bàn tay cảm nhận mặt đá mài ăn lên công cụ, cảm giác ngón tay vuốt ngang để tìm chỗ "cuốn mép" mà mài cho "đứt mép". Vụ này Chú Tu Chẳng là nghề nhất. Chú Sáu Đoàn (biệt danh là Sáu Tài Tộ- Tay tổ) thì hay bị Ông Ba la hoài vì "cái thằng vụt chạc". Chú Tám, Chú Tuấn, Chú Cường hay Bác Sáu thì thường gọt cán, cắt khâu (vòng trên cổ dao, liềm, hái ...chống vỡ cán, tụt dao). Công đoạn này nhiều khi các chú bác cũng sáng tạo nhiều kiểu cán đẹp, lạ mắt, mang dấu ấn riêng. Nhưng sáng tạo gì thì cũng phải cầm vừa và êm tay.
Sau này lớn lên, đọc mấy bài viết về cách rèn kiếm của Nhật, mình thấy các Ông, các Chú Bác nhà mình làm cũng nhiêu khê không thua gì họ (!). Tỷ như "cắt" lưỡi hái, hay liềm. Đầu tiên là cái hái được làm giống cái dao cong đúng dạng thế, trui đúng nước (thép). Tùy theo người cắt thuận tay nào thì một mặt sẽ được cắt khía, mặt kia để lại. Ông Nội thường gò lưng, dùng dũa để cắt. Các đường cắt phải đều nhau, xéo một góc so với lưỡi tùy theo kinh nghiệm của Nội, độ sâu và độ dài đường cắt cũng phải bằng nhau và chỉ với bằng 1 cái dũa đuôi sam. Cắt xong thì chỉ cần mài mặt bên kia, răng lưỡi hái sẽ hiện ra dều tăm táp. Hay mài một cái phảng có khi mất nguyên 1 ngày. Ác cái là phải mài từ từ, không được miết mạnh bất kỳ đoạn nào trên lưỡi phảng vì như vậy sẽ làm lưỡi phảng bị lõm vô. Hai cánh tay người mài phải dang ra và "ru" cái phảng liên tục trên mặt đá mài cho đến khi được thợ cả kiểm tra ưng bụng.
Thời đó, thường nhất là làm dao phay, chét, mác vót, mác thông, dao dâu, dao yếm, dao bằng, phảng, lưỡi hái, cù nèo, búa kinh củi, búa đẽo...thỉnh thoảng cũng có bừa cào, đòn xóc, lưỡi cưa cá mập.. Phảng thì Ông Ba chuyên trị. Tay nào phát thế giỏi trong vùng đều nhờ chính tay Ông Ba rèn mới chịu. Ông Nội thì "cắt" lưỡi hái siêu đẳng, đến cánh thợ gặt vùng Thối Nốt, Cờ đỏ, Miệt Thứ cũng sang đặt làm. Ông Mười thì dao các loại với búa đẽo. Chú Sáu và Chú Tám thì hay lượm thép vụn làm dao gọt trái cây, dao cắt chỉ lưới làm đáy, dao bổ cau...bá cháy. Chú Sáu Tài tộ còn lén Ong Nội làm một con dao găm bén ngót mà sau này chuyền qua làm cá, chú cũng còn mang theo phòng đám cướp Chòm Xoài.
Năm 76, Ông Nội mất vì tai biến khi mới 49 tuổi, lò rèn vẫn duy trì hoạt động tiếp tục thêm gần 3 năm nữa vẫn dưới sự chỉ huy của Ông Ba. Sau đó, Ông Ba và Ông Mười về nhà lập lò rèn riêng. Sau này chỉ còn Chú Tuấn và Bác Sáu Nhái giữ nghề. Hai cái ống bể, nghe đâu chú Tuấn giữ nhưng không biết còn mất. Tới giàn cháu thì không đứa nào còn nhớ tới cái lò rèn vì bọn nó còn quá nhỏ, thậm chí có đứa chưa ra đời. Không còn đứa nào phải lấm lem than bụi, nhể nhại mồ hôi mà được ăn trắng, mặc trơn, học hành đầy đủ.
Lò rèn không còn đỏ lửa, Các Chú bỏ nghề nhưng mỗi người đều còn mang dấu ấn của thời làm rèn thuở trước. Ông nào cũng mạnh khỏe như trâu nhờ rèn thể lực bằng búa tạ hàng chục năm. Chú Tư phiêu bạt làm lái khoai, bắp tận Sài Gòn vói biệt danh Tư Trời biển lẫy lừng Xóm củi. Chú Sáu chuyển làm đáy. Sức ông này vặn cái là vỡ toát hoáci cái ghế đôn bằng gõ đỏ. Chú Tám Thâm thì chắc đậm, học được nhiều nhất các tuyệt kỹ của Ông Ba Trần Văn Bá nhưng chưa bao giờ lớn tiếng với ai. Chú Tám giống Ông Nội nhiều nhất ở chỗ tính tình nhân hậu, hiền hòa. Lẫy lừng nhất là Chú Cường Sên, hậu vệ đội bóng làng dám cho Lưu Kim Hoàng (Thủ môn đôi Cảng Sài Gòn vang bóng thời Tư Lê, Cù Sinh, Cù Hè) ra ngã ba lượm banh vì chú sút phát, trái banh xé rách lưới, bay tuốt ra tới lộ.
Còn nhiều giai thoại đã được kể và nhiều điều nhân nghĩa được dạy quanh ánh lửa của Lò rèn này. Cái Lò rèn đó là nghề truyền thống của gia đình, là sinh kế của ba anh em ruột không mang cùng họ (?). Nó cũng là nơi cho con cháu biết thế hệ những người đi trước đấu tranh tồn vong trong thời chiến loạn như thế nào, y như bếp lửa trong nhà rông của đồng bào miền Thượng. Ba anh em đó giờ đã cùng nằm cạnh nhau, gắn bó như thủa đành đoạn ly hương vì lý tưởng sống hòa thuận, hữu hảo chán ghét chiến tranh của mình. Họ đã về lại cố hương nhưng con cháu vẫn còn ở lại quê hương thứ hai, nơi có CÁI LÒ RÈN mang nhiều giai thoại đó.
BS Từ Nhân Dân

Góc kỷ niệm tuổi thơ 4: BÀ TÁM TƯƠNG

Đó là bí danh của Nội mình từ trước giải phóng. Cái tên đó giờ đám trẻ dưới 40 không còn mấy người nhớ nhưng nhiều gia đình lại nhớ rất rõ.
Chẳng biết từ bao giờ, Bà Nội đã làm cái nghề này. Bà đi bơi xuồng gần 30 cây số sang Chùa Phước Huệ tận miệt Sa Đéc để "múc tương" về bán lại trong làng. Nghe Chú Tám kể lại, đó là công việc Nội làm để che mắt cho việc làm giao liên cho "mấy ổng". Chẳng biết thế nào mà sau giải phóng chẳng có con ma nào hay một giấy tờ gì để ghi nhận. Chắc Chú Tám thấy thương Nội mình nên "thần thoại" câu chuyện này. Mà cũng có thể là đúng nhưng đám đó làm quan lớn hết nên quên rồi.
Nội có một cái sạp bằng gỗ nhỏ do Ông Nội đóng để bà ngồi bán cho cao ráo, hợp vệ sinh. Sáng sáng, Bà chất mọi vật dụng lên xuồng, bơi qua chợ rồi chất hàng lên chỗ bán. Nội bày lên quanh mình từng "việm", từng thố, từng hũ tương chao các loại. Nào là tương hột, tương xay, tương nước, tương kẹo (hắc xì dầu), chao mới, chao cũ, chao"thúi"...Tôi nhớ nhất cảnh Nội ngồi chễm chệ trên thùng tiền, tay nhoai nhoáy múc tương bỏ vào lá môn hay lá sen rồi túm lại buột bằng dây lát.
Tương xay của Nội làm phải nói là đặc sản. Đó là thứ tương hột nguyên thủy Nội đem vào một chiếc cối đá lớn xay nhuyễn, nêm đường ớt đỏ, ớt xanh, nó mằn mặn, bùi bùi, cay cay, ngòn ngọt và ...thơm nức mũi. Ăn trực tiếp như chấm với rau luộc, rau sống, hay dùng để ướp chế biến đều ok hết. Và tương hột của Nội cũng khác bây giờ. Họt tương nở ra cỡ đầu ngón tay út, bùi và béo. Đem tương này mà xào hành lá với ít tóp mỡ heo rồi rưới lên cá linh hay cá mè vinh chiên giòn thì chỉ có nước ...lùa cơm mỏi tay.
Nội bán đắt hàng lắm. Có thể ở thế độc quyền một chợ, cũng có thể vì tương chao Chùa Phước Huệ ngon nổi tiếng vùng mình. Mà cũng có thể nhờ tay miệng mau mắn vui vẻ của Bà. Bà vừa múc tương, vừa hỏi thăm gia cảnh, đôi khi gói lại rồi mà còn giở ra thêm vô một ít để "ăn cho đủ". Nhiều người hay nói "Bà Tám bán kiểu này riết...cụt vốn quá!" Bà cứ cười hì hì.
Tánh Nội hay vì người khác còn hơn lo cho con cháu trong nhà như vậy. Cả cái làng Lai Vung bên phía Rạch Bà Nhan đến Tân Phước thời trước nhiều nhà có con cháu đều nhờ một tay Bà đỡ đẻ. Không biết bà đã học nghề này từ đâu nhưng hàng trăm trường hợp, kể cả ngôi ngược (Ngôi mông) như Bé Hồng con chú Ba Nhì vẫn mẹ tròn con vuông, không xảy ra tai biến gì. Bà Nội nói nhờ phưỡc Ông Bà. Mình thì lại nghĩ chắc là nhờ cái Tâm của Bà tốt, không lấy tiền bất kỳ của ai, nửa đêm nửa hôm kêu giờ nào Bà cũng đi bất kể mưa gió.
Nội đã nghỉ bán 20 năm có lẻ nhưng cũng từng ấy năm, tôi chưa ăn được một keo chao hay lọ tương hoặc chai nước tương nào "cho ra hồn" từ ngày lên Sài Gòn đến giờ. Không ăn được vì nó "dở ẹt" thua xa tương của Nội bán ngày xưa (và cũng không dám ăn vì sợ chết sớm do hóa chất Tàu.)
Đợt rồi có về Chùa Phước Huệ thỉnh mấy keo chao tặng mấy người bà con. Miếng chao giờ cắt vuông đều hơn, keo lọ giờ cũng khác xưa với nhiều diêm dúa hoa lá cành. Cầm lọ chao trong tay mà mình nghĩ không biết Nội có biết Bà đã từng là một bà mụ vườn, Bà Tám Tương lại làm nhiều người khó quên con người đã từng bán thứ tương chao trong có vẻ dân dã và sống hết lòng vì chòm xóm như Nội mình không?
Nhiều người nói tánh Bà "bao đồng" nhưng mình lại thấy khác. Mình rất tự hào về cái bao đồng của Nội. Và cũng có thể mình bị nhiễm cái tánh bao đồng này tự thuở nào từ Bà Nội mình, từ BÀ TÁM TƯƠNG đó!
BS Từ Nhân Dân.

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Góc kỷ niệm tuổi thơ 3: THẦY BA HỌC

Chiều nay chạy kiếm quà quê đi đám giỗ, ghé qua tiệm nem Cô Hoàn trên đường Hồng Bàng, đối diện Bệnh viện Hùng Vương. Chỗ này là nem Lai Vung chính hiệu, theo mình nó ngon hơn cả nem Giáo Thơ, ăn ghiền. Cứ tưởng gặp mấy đứa nhỏ dưới quê, ai dè gặp lại Thầy Ba Học. Thật là mừng vì Thầy gần 80 mà vẫn còn "ngon lành" đi đứng vững trân, gặp mình là nhận ra ngay "Con thằng Ba Ngọc!".
Đúng ra mình phải gọi Thầy là SƯ TỔ vì Thầy dạy cả ba mình. Nói tới tên Thầy, hầu hết đứa nào 40 trở lên ở Lai Vung cũng biết vì hồi đó Thầy nổi tiếng là nghiêm khắc với học trò. Mấy anh lớn lớp chín quậy cỡ nào, phá làng phá xóm ra sao Thầy cũng biết và gọt đầu không còn cọng tóc, đứng trước Thầy mà run hơn cầy sấy.
Những năm đầu thập niên 80 mà Thầy tổ chức được chương trình tập thể dục buổi sáng cho đám học trò từ lớp 5 trở lên trên địa bàn khắp mấy xã. Từ Lai Vung xuống Cái Sơn, lên Cái Đôi, vào Tắc Cây Me, giáp đến Kinh Cụt, Tân Phước. Sáng sáng, tiếng tu huýt của thầy nổi lên gần xóm nhà Thầy Thơ (Giáo Thơ- Ông Trùm nem của Lai Vung). Lần lượt đầu trên xóm dưới cũng rộn ràng tiếng í ới của đám học trò gọi nhau đi tập thể dục. Thầy biết hết từng đứa, con nhà ai, ở khúc nào và Thầy phân ra thành từng tổ, mỗi tổ có tổ trưởng chịu trách nhiệm, Sáng nào Thầy cũng cỡi chiếc xe 'đòn dông", cây roi cày giắt sau yên, vung vẩy như chiếc đuôi ...chó Phú Quốc chạy giáp vòng các nơi để kiểm tra. 5 giờ trở lên mà chưa tập họp xong tổ mình thì liệu thần hồn.
Tập thể dục mùa hè thì chẳng sao, mùa gió bấc lạnh thấu xương mà chui khỏi mền thì thật là một cực hình. Lạnh gì thì cũng phải tới giờ chui ra. Tập xong, chạy truyền lao đến tổ kế đó rồi quay về thì cả tổ gom lại đốt un cho ấm chờ Thầy "duyệt' xong mới được về nhà. Không thì thế nào ba má đứa vắng mặt cũng được Thầy kêu cửa hỏi thăm sao sáng đó không đi tập?
Ờ, con nhỏ Quynh Nhu Cam nhắc mới nhớ vụ học xong ra là phải đi hàng 1 bên lề phải cho đến khi ra khỏi khu thị tứ nữa chứ. Thầy mà gặp đứa nào đi hàng hai, ba là bị...xách lỗ tay đến hổng giò chứ chẳng chơi. Bị một lần là tởn tới...ra trường lớp chín luôn.
Thầy nghiêm khắc lắm nhưng suốt mười mấy năm, mình chưa thấy cây roi cày của Thầy quất vô đít đứa nào. Quá lắm thì Thây kêu lên hỏi lý do rồi ra..quỳ cột cờ cho mấy đứa con gái ngắm chơi thôi. Cũng vài đứa bị bộp tay nhưng thật sự lỗi quá nặng như đánh nhau, trốn học nhiều lần. Thời đó, Thầy giáo đánh học trò là chuyện được phụ huynh ủng hộ, không ai than phiền gì thậm chí còn cảm ơn Thầy Cô vì đã bỏ công kèm cặp con mình.
Có lẽ nhờ những Thây Cô như Thầy Ba Học, Thầy Đảnh, Thầy Thơ...mà bọn quỷ sợ như tụi mình ngoan, lễ phép và học hành đàng hoàng, nhiều đứa giờ cũng có những thành công nhất định.
Chiều nay gặp lại Thầy mà trong lòng có nhiều cảm xúc. Ông thần ve chai Thiệu Vương Tiến, Tran Phan và Phương Mập ơi! Mấy thằng giờ đang vi vu trên đất Mỹ, bây có nhớ Thầy Ba Học không?

CẢM NHÂN NGÀY HỌC CUỐI ĐỢT

Trong sân trường vắng lặng, ve đã không còn vang tiếng, vài cây phượng lá cũng đã xanh rì như báo đã vào giữa mùa hạ. Lui ra một góc, nhìn những bạn đồng môn đang túm tụm lại như cố níu kéo những phút cuối cùng của đợt học, trong lòng mình cũng dâng lên những cảm xúc đan xen.
Một tuần không dài nhưng mọi người ai cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đối với mình, điều học được nhiều không kể xiết, cảm giác choáng ngợp như đứng ngay trước biển, mênh mông, vô tận, thẳm sâu. Trải nghiệm thì đong đầy cảm xúc. Từ lo lắng để chuẩn bị trình ca, thấy tự tin khi được đồng trị liệu, cảm thấy đầy biết ơn khi được mọi người góp ý như một cuộc giám sát nhóm, sợ hãi như bị đang bị mang ra lột trần. Cũng có một vài sự tấn công nho nhỏ nhưng sau đó là một sự chia sẻ máng tính chuyên môn rất cao, tính nâng đỡ chuyên nghiệp làm mình cảm thấy phấn kích và tự tin hơn. Một cảm giác nhẹ nhõm, bay bổng khi được Thây Nicolas trị liệu lâm lý Nhân văn dù chỉ trong 15 phút ngắn ngủi. Tôi biết rõ, tôi hiểu cảm nhận về điều đó như thế nào và bệnh nhân tôi sẽ cảm nhận như thế nào khi tôi thực hiện các liệu pháp với họ rồi Thầy ạ!
Lời cuối trước khi chia tay, Nicolas nhấn mạnh :" Bản thân tôi tin các bạn đều có thể thực hiện một cách hoàn hảo những gì đã được học và trải nghiệm.t. Bản thân các bạn nên tự hiểu vì điều đó". Một sự ám thị nhẹ nhàng nhưng như nâng bước chân mình từ ngày hôm nay. Cám ơn GS Nicolas, Thầy đã truyền cho mọi người nguồn năng lượng mạnh mẽ. Thầy đã trao những tấm hải đồ để mọi người vững tay cheo. Xin Cám ơn vì tất cả.

BS Đoàn Nhật Trung

Góc kỷ niệm tuổi thơ 2: BÔNG TRA

Nhìn hình này của Út Trần tui nhớ Bà Nội vô cùng. Không phải vì Bà Nội tui... đep như người mẫu này (?) mà là vì phía sau Út Trần đang đứng là cây tra- Một thứ cây chỉ có miền sông nước.
Nhà Nội tui ngày xưa hứng gió lồng lộng từ sông Hậu . Buổi trưa, Nội nằm đưa Cô Út ngủ trong cháy cạnh lò rèn. Gió mơn man lẫn tiếng hát nho nhỏ của Nội. "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ...". Cảm giác nhẹ nhàng, yên ả và mát rượi như vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Những ngọn gió không bao giờ ngừng nghỉ, có khi gào thét trong những ngày mưa bão.
Không có mấy cây tra chắn gió, chắc nhà Nội tui bay từ ...tám kiếp. Cái thứ cây hoang dại chỉ thích mọc ở bờ sông. Mà cũng ngộ, nó cũng chỉ thấy nhiều ở dưới bến nhà Nội vô một khúc sông Lại Vung. Vô sâu nữa thì hoàn toàn không thấy bóng dáng của một cây nào.
Mà nói thật, có cây tra dưới bến cũng được mà không cũng được vì nó chỉ được cái giữ bờ và chắn gió. Ai cũng thấy rằng, cái cây tùm lùm mà chẳng làm được nên tích sự gi nên nó muốn mọc như thế nào mặc kệ. Lâu lâu thì phải mé bớt nhánh để lấy lối cho ghe xuồng vô. Chỉ có một điều mà tui không cảm thấy nó vô dụng vì hoa tra đẹp lạ lùng.
Hoa tra hình chuông 5 cánh, mỏng manh, mọc thành chùm nhưng thưa thớt. Sáng thì hoa mang sắc vàng tươi, chiều thì hơi ngã màu đỏ thẩm. Ngắm hoa trên cây không có gì ấn tượng nhưng chiều xuống, khi con nước đầy chảy vô, từng dòng hoa tra phiêu diêu trên mặt nước. Nó trôi dài trên sông như có ai đang đứng trên cầu chợ rải xuống. Hoa rơi cũng rất khéo, không bao giờ để một giọt nước nào vào trong nhụy, nên khi vớt lên, nó tươi nguyên như từ trên cây mới hái xuống. Bởi vậy mỗi chiều tắm sông, bọn tui thường lội ra để vớt vô chơi.
Cũng cái vụ vớt hoa tra này mà một lần tui xuýt chết. Cũng tại con nhỏ Thủy Tiên sún răng (Các bạn đã biết qua vụ cây bần rồi đó!). Cái con nhỏ ham hố! Chiều đó, tui vớt được bao nhiêu, nó lấy rổ gom hết. Vậy mà còn mấy cái trôi ngoài vọt nước nó cũng biểu tui vớt thêm. Ờ, tao lội giỏi mà. Biểu diễn cho em coi nè cưng! Tui xoải tay lướt trên nước như con rái cá vớt cái bông gần tầm tay nhứt. Nhưng có ngờ đâu, nước đạp mạnh quá nên "cái quần cộc dây thun giãn" của tui nó phản chủ, tuột khỏi eo, xuống "trói" ngang mắt cá chân. Không thể tưởng nổi lúc đó tui như thế nào. Vùng vẫy đã đời, uống hết mấy ngụp nước vây mà cái tay vẫn cố cầm mấy bông tra giơ lên khỏi mặt nước cho nó...khỏi ướt. Cái tay còn lại vói hoài mà cũng không chạm tới được..cái quần để cởi nó ra hay kéo lên. Thôi thì cứu mạng trước, Tui đạp mấy cái để nổi lên vá cái quần thì...trôi tuốt.
Đứng trên bờ, con nhỏ cứ léo nhéo" Anh làm ướt mấy cái bông hết rồi, anh đền em cái khác đi!" Trời ơi, lúc đó tui không biết làm sao với con nhỏ sún răng, nhiều chuyện này. Muốn chạy lên vố cho nó mấy cái mà làm sao lên được trong tình trạng bi đát như vậy? Tui đứng nửa người trong nước, nước mũi tèm lèm, cái bông tra bẹp dúm, rúm ró...y như tui lúc đó. Tui vụt cái bông vô giữa mặt nó và quát đuổi nó về nhà. Tội nghiệp con nhỏ nào biết mô tê gì mà tui thô lỗ vậy. Nó ngơ ngác rồi cắp rổ, vừa đi vừa khóc bù lu bù loa. Tiếng khóc "dậy sóc" của con nhỏ làm hại ba tui chayj xuống bến. Tui bị ba kéo đầu lên và phát hiện nửa dưới trống trơn của tui. Ông già lôi vô hàng ba bắt nằm xuống rồi quất cho mấy cây vì 3 tội: lội ra sông nguy hiểm xuýt chết, làm con Thủy Tiên khóc và vì ...làm mất cái quần. Tui lại một lần giận con nhỏ căm gan tím ruột. Tui thề trong bụng là cả đời đừng bao giờ để tui gặp con nhỏ xúi quẩy đó nữa
Lâu rồi tui không về quê nên cũng không biết bây giờ còn cảnh bông tra trôi êm đềm trên sông nữa không và còn những đứa nhỏ vớt bông tra như tui ngày trước? Nội cũng già đi nhiều. Con Thủy Tiên đi rồi cũng không về chỗ cũ. Nó đi luôn rồi! Tui hình như đánh mất một điều gì đó rất đẹp, rất đáng quý.
Dĩ nhiên điều mất mác đó là quý hơn... cái quần dãn dây thun đã bị trôi mất vì vớt hoa tra cho gái của tui.


BS Từ Nhân Dân

CẢM NHẬN: TỪ CHUYẾN KHÁM TỪ THIỆN Ở MỎ CÀY NAM 20.072014

Trải qua hàng trăm chuyến đi công tác xã hội, trong mỗi chuyến đều để lại trong lòng mình nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong lần này cũng không ngoại lệ.
Từ năm 1994, khi mới năm 2 mình chập chững theo các bậc đàn anh đàn chị rong ruổi trên những “chuyến xe bão táp” của Trung tâm Bảo trợ Bà Mẹ cô đơn do Cô Mười Mỹ (Cô Trần Thị Mỹ, một vợ liệt sĩ) tổ chức. Mỗi hai tuần một lần cứ thế, chiếc xe bán lam bán tải, ra đường là bị công an vịn, mang đầy ắp đến mức chật ních những niềm nâng đỡ đến những thân phận đơn chiếc, nghèo nàn của khắp các xã khó khăn của Cần Giờ, Bình Chánh, Quận 8, Hóc Môn…và 23 xã của Củ Chi không sót một xã nào. Những chuyến đi dài cùng Thầy Trần Văn Nhơn hay cùng với BS Nguyễn Quốc Bình- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115- trong đoàn thầy thuốc tình nguyện phía Nam …về Miền Tây giữa những mùa nước lũ. Có chuyến đi qua đêm hay cả nửa hoặc nguyên tuần lễ như đi Tây Nguyên hoặc ra Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu hay sang tận Kandal- Xiemriep- Campuchia…Trong những năm làm tại BVND 115, BS Nguyễn Quốc Khánh giao cho nhiệm vụ “mở rộng mặt trận” khắp nửa phía Nam của đất nước, dấu chân mình cũng in khắp vùng miền . Từ Sông Bé- Lộc Ninh, lên đến Buôn Hồ, Buôn ma Thuột, Buôn Đôn-Đak Lắc, lên tận Krong-Pa, vào Plây- me, Mang Yang, Phú Bổn, Tuy Hòa…Xuôi về Miền Tây đến tận Miệt Thứ, Cà Mau, Đồng Tháp Mười. Nhớ Nghệ sĩ Thanh Sang cầm loa tay hát giữa đồng lộng gió, hay Thiệu Ánh Dương lên xe về chỉ còn nói hơi gió phều phào vì khan tiếng. Rồi những thân phận nghèo khổ, bệnh tật đeo đằng là đối tượng mỗi lần đi là mỗi lần tiếp xúc nhưng có những ca suốt 20 năm cũng không thể nào quên được.
Rất nhiều kỷ niệm, không thể kể xiết. Những đứa trẻ chưa tới 4 tuổi đã lội như nhái khi bị chìm tàu do sóng tàu của đoàn đi qua trên sông Cao Lãnh. Nhớ những đứa trẻ người Ê đê oi nồng khét nắng mà cặp mắt trong veo, run run xé bao mì rồi bẻ từng cọng, ăn nhín nhín. Hay những đứa trẻ Khơme ở Lai Hòa- Vĩnh Châu mắt trắng tròng vì viêm giác mạc trên khuôn mặt thơ ngây. Những già làng Ba Na cứ gọi mình là “con trai Sài Gòn”, áo cài tay manchette bên còn nút, bên không, ngậm cần rượu xong đưa sang mình rồi vỗ vai “Làm đi!”. Hai lão hom hem bảy mấy, nhậu như hũ chìm trên vùng đèo heo hút gió vùng Cheo Reo đó lại có thể bật ra hàng tràng tiếng Pháp trôi chảy đến mức trong đoàn chỉ có BS Vũ Bằng Giang mới đối đáp nổi…Rồi cái thùng cua đá cỡ 2- 3 ngón tay của bệnh nhân khám hồi trưa, là chồng “nữ chúa đảo” Côn đảo , đến tối lại đội đèn đi bắt rồi rụt rè mang tặng đoàn khám trong khi quần áo còn ướt nhẹp... Mình nhớ hoài chiếc áo ấm của một bà mẹ ở phường 3 quận 8 làm bằng chiếc áo mưa được phân phát từ thời bao cấp. Nó cũ lắm, đã cứng quèo từ đời thuở nào, già cỗi và tội nghiệp như chính người đang mang nó. Năm đó trời lạnh thấu xương, mọi người đều co ro, bà mẹ nghèo lập cập, môi tím ngắt trong cái gọi là áo ấm đó. Thật xót xa! Trong đầu mình đã bật ra một điều, bên kia bờ sông hào nhoáng ánh đèn phố thị còn những phận nghèo lắt lay như chính những ngọn đèn dầu trong căn nhà của họ chứ không cần phải tìm kiếm đâu xa. Mình làm được gì cho họ đây? Thuốc ư? Giải quyết được gì với dăm ngày uống theo toa? Sau đó thì thế nào? Công tác xã hội làm được thật sự điều gì cho người bệnh nghèo?
Ô hay! Suốt 6 năm đi học, hai năm chuyên khoa, chưa một người nào, một khóa nào dạy cho mình điều này ngoài môn gọi là Tâm lý Y học cũ rich với nào Mác nào Lê đầy máu và một chủ nghĩa tôn thờ vật chất đến bất chấp thủ đoạn. Đó là chủ nghĩa ông thần ở trời Tây, lý luận lòng vòng, trong lòng hổ báo, ăn cháo đái bát, hoang tưởng điên khùng. Sau này có dịp sang Bỉ, mình vào tận cửa nhà của ông ta để xem thử. Đó là một căn nhà nhỏ xíu, tấm bảng cũng nhỏ xíu, lờ mờ nếu không để ý hay không ai giới thiệu thì chắc chắn sẽ bị bỏ qua. Có vẻ người ta chú ý đến bức tượng của một anh hùng của thành phố là một vị triết gia bị cắt lưỡi cùng với con chó của mình ở bên hông hơn là ngôi nhà tối tăm cũ kỹ đó. Bọn tư bản nó rất dã man và thủ đoạn. Phải chăng bọn nó muốn khuyến cáo rằng ai mà gan trời, dám nhắc đến vị chủ nhân ngôi nhà này ở đây thì coi chừng bị trừng phạt như thế, nên mình cũng chẳng nhắc ở đây (!)
Chuyến đi lần này lai mang cảm xúc khác biệt bởi vì nó là chuyến xuất quân đầu tiên mang thương hiệu Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố. Trong đoàn, lực lượng chủ yếu là các bác sĩ mới, tràn đầy nhiệt huyết nhưng là lính tập mới toe mang ống nghe còn bị ngược. Cứ tưởng đóng vai phụ, ai dè cả nhóm phải nhận hát chính với 600-800 khán giả trong khi kép chánh lẫn kéo màn chỉ vỏn vẹn 7 mống. “Sân khấu” lại dựng ngay trên đất Mỏ Cày, Bến Tre của Thầy Trần Hồng mới khổ. Thôi thì, soạn nhanh lại kịch bản, dàn dựng lại sân khấu cho phù hợp. Hai chú điều dưỡng góp vé thu tiền (đo huyết áp, điều phối bệnh nhân) 5 bác sĩ gồng mình chiến đấu, dược là chốt riêng cuối cùng. Thống nhất chung, mỗi bệnh nhân giải quyết trong ba phút, 2 phút vừa rờ rẫm nghe ngóng, hỏi chuyện, 1 phút ghi toa và dặn dò. Sau 3 tiếng quần thảo, non nửa số bệnh nhân đã được khám xong. Lúc này lại xuất hiện 2 đồng nghiệp chi viện từ một nhóm khám nhi sản ở xã bên sang. Sau buổi cơm trưa (lúc hơn 1 giờ), đoàn bắt đầu khám lại và giải quyết toàn bộ bệnh nhân khi quá 16 giờ một chút. Quá tuyệt vời những đồng đội của tôi ơi!
Nhiều người cho rằng, khám 3 phút thì làm được gì? Thoạt nhìn thì quả là như vậy nhưng mục tiêu thật sự của công tác xã hội trong những trường hợp này là phát hiện vấn đề cần lưu ý hoặc nguy hiểm cho bệnh nhân để tham vấn hướng can thiệp cần thiết, một chút nâng đỡ cho bệnh nhân là vô cùng quý báu. Thuốc là chuyện nhỏ. Ai dám quyết định cho bệnh nhân các thuốc chuyên khoa trong lần khám đầu tiên, ngoại trừ các ca đã có bằng chứng đã được điều trị từ trước thông qua các toa hay giấy xuất viện? Mục tiêu kế tiếp là cho các BS mới tiếp cận cộng đồng để hình thành nhận thức về bệnh tật và các điều kiện kinh tế xã hội , xây dựng thêm các giao tiếp xã hội trong việc hỏi bệnh, trao đổi giao lưu với các đồng nghiệp khác trong hoặc ngoài đơn vị. Mục tiêu thứ ba là xây dựng và quảng bá thông tin hình ảnh của Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố đến với người dân và các đối tác

Rất mừng và hãnh diện khi các thành viên trong đoàn đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Dĩ nhiên, để làm hết mọi chuyện trở nên thuận lợi và thành công trong chuyến đi thì có nhiều thành phần, cá nhân khác đóng góp. Ở đây xin nói riêng về nhóm của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM mà thôi. Anh em đã quá nhiệt tình, hết lòng vì công việc. Điều dưỡng Hồng- Phương bóp bóng máy đo huyết áp rã rời tay, điều bệnh nhân mỏi miệng. BS Đăng bỏ cơm để giải quyết ca Cao huyết áp cấp cứu (Có 5 ca tổng cộng, huyết áp tâm thu từ 190 đến 220mmHg), BS Oanh và BS Xuân mỗi người đều đảm bảo tốc độ làm việc với những biểu hiện vô cùng tích cực. BS Xuân trước khi lên xe đã dán thuốc chống say xe, đi một đoạn tới trạm dừng đã leo lên võng nằm dã dượi vậy mà khám xong vẫn tươi rói, cười nói bình thường. Thấy các bạn ánh mắt ấm áp hướng về bệnh nhân, ân cần khi hỏi chuyện, trân trọng đặt loa nghe trên người bệnh nhân, dặn dò bệnh nhân chu đáo, thế là quá đủ rồi. Lại thấy anh em quây quần với nhau sau buổi khám, trong bụng mình biết rằng sự tin cậy, tinh thần làm việc nhóm đã có vài nét khá rõ ràng, báo hiệu một sự thay đổi đầy mới mẻ cho phong cách làm việc của những người năng động.
Ông Hồ có câu nói mà không biết có phải của ông ấy hay không, chỉ thấy rất phù hợp khi vận dụng vào thực tế: Muốn xây dựng thành công XYZ thì phải có những con người (có tư duy kiểu) XYZ. Nhân sự hay cụ thể hơn là nhận thức của từng thành viên trong một tập thể về hình ảnh của cá nhân mình sẽ tạo nên hình ảnh của đơn vị. Đó là nền tảng của phát triển tổ chức. Làm vô tư, làm tích cực, làm một cách chuyên nghiệp để tồn tại và góp phần phát triển Trung tâm Cấp cứu 115 nhé các đồng đội năng động và đáng yêu của tôi!


BS Từ Nhân Dân

Góc hoài niệm tuổi thơ 1: NHỮNG CÂY BẦN


Hôm qua, về lại một khúc sông, cảm giác yên bình đến lạ. Con nước lững lờ nhẹ chảy, chút xôn xao những con sóng nhỏ trong lòng. Những cây bần bao năm vẫn như những nhân chứng thầm lặng cho dòng sông bên bồi bên lỡ. Những rễ bần đang chen như muốn níu giữ lại nguyên trạng của dòng sông cũng như những kỷ niệm của thời con trẻ.
Hồi đó, những cây bần đã mọc tự bao giờ, bự lắm. Bãi sình dưới gốc cây chứng kiến những trận chiến "long bùn lở đất" của đám "con nít quỷ" trong xóm mà kết thúc lúc nào cũng có đứa về mét má vì cặp mắt đỏ hoạch, sưng vù bởi lãnh mấy ệ bùn non. Chí ít thì cũng lãnh vài cục đầy miệng, lấp mũi, bít tai. Cứ nhớ cảm giác mùi bùn tanh tanh với vị chát chát, lặn ra xúc miệng rồi mà cát vẫn còn dính kẻ răng, nhai cứ nghe tiếng rào rạo. Chiến xong, ngồi ký cọ cả buổi mà lên bờ vẫn bị má bắt xuống tắm lại vì ngâm nước đến đóng rong, mọc râu, chà hoài mà vẫn còn sót sình.
Hôm nào nước kiệt, cả đám con nít tụi tôi lại lội xuống bãi bùn đi kiếm những trái bần rụng để đem về ăn. Trái bần chín mọng căng, vỏ hơi trong trong, sứt cuốn rớt xuống sình nằm tênh hênh như mời gọi. Thứ này rửa sạch, bẻ ra làm hai rồi quẹt muối hột, cắn một cái mà nghe hai hàm răng sít lại, đau buốt cạnh lỗ tai. Cái vị chua thanh thao, lẫn vị chát, cảm giác giòn giòn của hạt bần lẫn những hạt muối, cái mùi bần chín thơm thoảng đặc biệt cứ xông lên mũi, nuốt xuống tới ruột mà vị chua còn đọng lại trong cuống lưỡi. Siêng nữa thì lượm nhiều nhiều về nấu canh chua ăn bá phát.
Mấy thằng trộng trộng thì thường đợi nước đầy, leo ra nhánh bần đâm ngang để nhảy xuống sông, thách nhau coi thằng nào làm văng nước lên cao nhất. Thôi thì đủ kiểu, dừa khô rụng- cuộn hai chân sát người khi tiếp nước, thả bom- một chân co, một chân duỗi, mông và lưng dưới tiếp nước. Nhớ lần thằng Hậu Hai Tuấn leo ra nửa đường hứng chí thẳng đơ người nhảy cắm hai chân xuống. Chỉ nghe cái chụt, sình bựng bựng một lúc mà không thấy nó trồi lên. Cả đám nhảy xuống, nắm đầu kéo. Lú đầu lên khỏi mặt nước, nó hớp hớp, nước trong mũi trộn với nước mắt trào ra, nó bườn lên bờ rồi đi thẳng một lèo về nhà. Còn thằng Tý Hon con Tư U thì leo ra xong, bò vô cũng không được vì nhánh bần cong xuống run bần bật, mà nhảy xuống thì không dám vì quá cao, cứ nằm ôm nhánh bần khóc tu tu. Bị cản đường, anh em tức mình đứng nhún nhánh bần, nó tuột tay từ từ rồi ...rớt xuống như trái bần chín. Từ đó tới sau hai thằng tởn luôn, không léo hánh tới gốc bần đó trừ khi bị má nó kêu đi chặt c...t bần về làm nút chai.
.
Cái vụ nút chai rễ bần này cũng nhiêu khê. Mỗi lần nấu nước mắm cá linh, tới lúc lược nước đầu thì má tuii thế nào cũng sai đi cắt rể bần về tiện ra làm nút chai. Khúc rế bần đem về, róc vỏ, cắt khúc đem phơi khô rồi tùy miệng chai lớn nhỏ mà gọt lại cho vừa nhét vô cổ chai. Má biểu, nước mắm đựng trong chai nút c..t bần kín hơi, giữ mùi thơm lâu lắm. Nghe vậy, biết vậy, mà hình như cũng đúng vậy. Nút bần khô, gặp hơi nước mắm, nở ra, bít chịt, chai nước mắm để cả năm vẫn trong khe, vàng óng, khỏi bỏ chất bảo quản như bây giờ mà vẫn không lo hư hay ruồi tửa vô chai nước mắm.
Có hai loại côn trùng khoái quanh quẩn cây bần, đương nhiên đó là con ong bần và con đom đóm. Tối tối, đám đom đóm cứ xà quần quanh cội bần chớp tắt liên hồi, đẹp còn hơn giàn đèn led ở Đầm Sen vì đèn này chuyển động được, khi bung ra khi lại chụm vào. Còn ong bần thì tui nhớ đời. Số là gần nhà có con nhỏ tên Thủy Tiên con Ông Hai nhà mới (Lúc đó, nhà nó mới chuyển từ Sài Gòn về nên kêu ba nó như vậy) Theo tui, con nhỏ không đẹp nhưng má tui lại nói nó dễ thương, Dễ thương gì? Hàm răng nó sún hết trơn vì siết ăn, chỉ có mái tóc cắt "bum bê" gắn vô cái mặt nó nhìn tiếu hết sức. Một bữa chiều tui đang chuẩn bị tắm, nó chạy lon ton lại nói tui hái cho nó mấy cái "bông lồng đèn tím" cho nó về chơi nhà chòi. Con nhỏ này còn một cái tật là khi nó đòi cái gì là cứ đeo theo nhèo nhẹo hoài, phát bực. Tui tót lên cây bần, chồm ra mấy cái bông bần đang nở, ngắt cho nó một chùm, thảy xuống. Trời xui đất khiến, vừa định bẻ chùm thứ hai thì cái mặt tui ịn thẳng vô ổ ong bần đóng trên nhánh đó. Chỉ nghe "róc róc" mấy cái đau điếng, tui vội đạp nhánh bần vọt thẳng xuống sông. Trên đầu, mí mắt, gò má, sau lỗ tai tổng cộng 6 vít. Bữa sau, ngoài cái mặt sưng chà bá dù có bẻ đọt môn xức tui còn bị hành nóng lạnh. Trùm mền mà hận con nhỏ sún răng thấu xương, và cho tới bây giờ cũng còn...nhớ nó.
Ngồi gõ mấy dòng này, nhớ lại chuyện xưa, lại chợt thèm một tô canh chua cá dứa hay cá lăng nấu bần. Cái mùi của nồi canh chua bần không thể nào quên được cũng như tui không quên được con nhỏ Thủy Tiên sún răng đó. Mà bây giờ nói thiệt, gặp lại nó, nếu nó không trồng răng sứ hay cắm implant thì bảo đảm cái hàm răng của con nhỏ cũng y chang hồi lúc nó bắt tui hái bông bần cho nó chơi nhà chòi. Già hết rồi Thủy Tiên ơi!
BS Từ Nhân Dân

BỆNH NHÂN ĐÂU?

Hơn 1 giờ đêm, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM nhận được điện thoại báo một ca cấp cứu vì khó thở ở Phường HT, Quận XY. Kíp trực hướng dẫn người nhà gọi cho Bệnh Viện Quận, người nhà nhất quyết không đồng ý và yêu cầu phải là Trung tâm Cấp cứu 115. Điện thoại viên hỏi tình trạng bệnh nhân thì người nhà bảo đang mệt lắm. Điện thoại viên ái ngại báo rằng ít nhất 25 phút mới đến được, người nhà vẫn bảo "Bao lâu cũng chờ!" Bệnh nhân chờ thì phải đi thôi.
Kíp cấp cứu mắt nhắm măt mở lên đường. Gió mát mát, xe chạy rì rì, anh nào cũng lim dim nhưng rồi cả đám cũng dần tỉnh ngủ. Đi đâu vậy ta? Sao không chạy trên đường mà xe cấp cứu lại vòng vòng rồi rẽ luôn ra...cánh đồng.vậy bác tài? Anh lái xe nhăn nhó bảo đi đúng hướng dẫn nhưng sao nó lại rẽ ra đay không biết! Gọi điện về Trung tâm yêu cầu người nhà ra dẫn đường thì được báo lại người nhà sẽ ra đón tại điểm đó.
Điện thoại cháy máy vì không liên lạc được bệnh nhân.Gần 30 phút nữa trôi qua, anh em ai cũng sốt ruột sợ bệnh nhân có gì bất trắc thì cả đám "lãnh đủ" vì chậm trễ. Ngay khi đó, có ánh đèn pin chấp chới từ ven cây đi ra. Ánh đèn đi thẳng tới xe cấp cứu. Một chú lục tuần trông rất hom hem, tay cầm đèn, tay xách một túi nylon gọn gọn hỏi "Mấy chú Cấp cứu hả?" " Dạ. Chú dẫn đường cho tụi con hả?". "Thôi khỏi! Mấy chú lên xe đi!". "Nhưng...Bệnh nhân đâu? Tình trạng sao rồi chú?". "Bệnh nhân hả? TUI NÈ! Mấy chú mở cửa cho tui đi!" Cả đám đứng hình. " Tui bị COPD, hồi nãy lên cơn tưởng chết, Xịt hai nhát nên hơi khỏe rồi. Mấy chú làm ơn đưa tui tới bệnh viện ABC nghe" Nói xong, chú "người nhà ra dẫn đường" tự động lên xe, nằm xuồng băng ca. "Ai đi với chú?". " Bả cũng bệnh. Còn mình con út đang coi! Chú làm ơn cho tui miếng ốc xi. Còn nghẹt quá!" Trời ơi! nghe có lầm không?
Thiệt tình! Chưa thấy ai có hoàn cảnh tội nghiệp mà lại "khôn tổ cha" hơn bệnh nhân này. Muốn đi viện trong lúc khó khăn vậy mà nghĩ ra được chiêu lấy xe cấp cứu chở đi vừa rẻ, vừa sang, vừa nhanh lại vừa an toàn như vậy. Tính ra, trên xe có điều dưỡng lẫn bác sĩ, oxy đầy bình, đồ chơi đầy đủ, còi hụ ưu tiên, tiền thì bằng nửa giá taxi. Tại sao không gọi Trung tâm Cấp cứu 115 đi bệnh viện cho...bảnh?
Nghĩ vừa tức cười vừa quạu. Ông bà nào định giá thế này thì...giết anh em. Người dân biết được điều này, cũng cầu như vậy, thì mấy ông bà xuống đây mà ngồi xe đi cấp cứu cùng tụi tui nghe. Ai cũng như bệnh nhân này thì đám Cấp cứu 115 chuẩn bị...thở oxy là vừa. Độc còn hơn thịt vịt xiêm hầm măng nữa hả Bác sĩ To Quang Dinh ?

BS Từ Nhân Dân

BỆNH NHÂN NẶNG LẮM, XIN HỖ TRỢ.

Khoảng 24 giờ đêm, Trung tâm Cấp cứu 115 nhận một cuộc gọi yêu cầu cấp cứu cho một bệnh nhân người nước ngoài đang ngụ tại khách sạn gần với Bệnh viện Quận XX vì mệti. Sợ kíp cấp cứu Trung tâm đến không kịp, nên Trung tâm yêu cầu Bệnh viện Quận XX hỗ trợ và được chấp nhận nhanh chóng. Sau 20 phút, Trung tâm tiếp nhận cuộc gọi từ kíp cấp cứu BV XX yêu cầu Trung tâm cử người xuống tiếp vì bệnh nhân QÚA NẶNG nên không xử trí được.
Xe xuống đến nơi, cả nhóm hào hển leo lên đến ...lầu 4 khách sạn. Cửa phòng mở ra, bệnh nhân đang nằm tỉnh queo nhưng cao khoảng 1 mét 90, nặng sơ sơ khoảng... 120 kg, nằm chềnh ềnh chiếm gần hết chiếc giường đôi khách sạn. Đồng đội BV kia nhăn nhó:

-Bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn, đi ngoài nhiều, mất nước nên kiệt sức thôi. Ttụi em có 3 đứa ốm nhom, Bệnh nhân nặng quá nên...khiêng xuống không nổi, phải nhờ các anh....khiêng tiếp.

Trời ạ! 6 người khiêng bệnh nhân xuống 4 lầu còn mệt hơn cả bệnh nhân trong khi hắn thì nằm cười cười. Đúng là BỆNH NHÂN QUÁ NẶNG. BÓ TAY!

BS Từ Nhân Dân

ĐẦU HÈ NHỚ BẠN

Trường Thạnh Hưng những cuối những năm 80.
Lớp 10 trường huyện thằng nào cũng ngu ngơ như vịt đực lên bờ. Chỉ có Thằng Tiến- biệt danh Ông thần ve chai là to đầu nhất đám năm đó bắt đầu biết kiếm "ghệ". Hắn khoái nhỏ Trang Cầu Kinh Thầy Lâm. Cả năm học thằng Tiến ngày nào cũng 7 cây số đạp đi học, 7 cây đưa nàng về, 14 cây ngược lại nhà. Nó đi học bằng hai người khác, đúng là không khùng nào bằng. Một bữa giờ chơi cuối mùa thi, cả lớp xuống hết dưới sân, Ông thần đứng cạnh nhỏ Trang bên khung cửa sổ lãng mạn còn hơn Romeo và Juliet. Gió đồng mát rượi, mấy cây phượng thì đỏ rực cả góc sân. Kẻng vào lớp, anh em ùa lên thấy ông thần tui mặt đỏ lựng, tay bưng gò má. Xúm lại hỏi. hắn xoa gò má lầm bầm: "Hun có cái, nó táng tao hai bạt tai!". Cả đám cười ầm lên. Công nhận, con nhỏ coi nhỏ con mà táng mạnh thiệt. Bàn tay năm ngón vành vạnh. Nói thiệt, nếu nhỏ Trang đó mà đẹp được cỡ ...phân nửa cô người mẫu này thì tôi cũng chấp nhận cho nó muốn làm gì thì làm. Đằng này...

Giờ Ông thần bỏ ve chai đi làm bánh mì xứ Cờ Hoa. Nhỏ Trang lên chức ngoại rồi, 19 tuổi có chồng, con gái đầu nó cũng vậy. Anh Viet Dung Nguyen chụp mấy cây phương chi cho nhớ bạn bè muốn chết hè!

BS Từ Nhân Dân

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Bài sưu tầm: MUỐI BẠC LIÊU NẶNG TÌNH BIỂN CẢ

MUỐI BẠC LIÊU NẶNG TÌNH BIỂN CẢ

Nguyễn Văn Ba
(Tặng nhà văn Anh Vân)
 
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
(Ca dao)
 
Lần đầu tiên tôi đến Bạc Liêu khoảng năm 1970 - 71, đi bằng xe gắn máy. Vào thời điểm đó Quốc lộ 4 từ Cần Thơ tới Bạc Liêu có đoạn tốt, đường tráng nhựa bóng loáng, rộng rãi như từ Cần Thơ tới Cái Răng rồi Cái Tắc (còn gọi là ngã ba đi Rạch Gòi, Chương Thiện) và đoạn vừa qua khỏi Sóc Trăng, nhưng cũng có đoạn hẹp và xấu hơn, tuy nhiên nói chung lưu thông an toàn, tốt đẹp.

Khởi hành từ Cần Thơ, tôi và anh Nghiệp, một người bạn hiện còn ở Việt Nam, dùng xe Honda, anh Nghiệp xe đàn ông, tôi xe C 50. Chúng tôi xuống Đại Ngãi, một thị trấn nhỏ ven bờ sông Hậu, rước hai người em gái bà con chú bác với Nghiệp, Thủy và Vân, sau đó trở lại Sóc Trăng rước hai chị nữa, chị Nữ bạn cũ, lúc ấy dạy ở trung học Hoàng Diệu Sóc Trăng và chị Muối, em chị Nữ, dạy học ở Chương Thiện. Thêm một xe gắn máy khác cho chị Nữ và Thủy, Nghiệp chở Vân, tôi chở chị Muối.

Lần đó chúng tôi ghé chợ Vĩnh Lợi ăn cơm ở Quán Lá với cá rô mề kho tộ và canh chua cá dứa, rồi theo các giồng đất chạy song song bờ biển thăm các vườn nhãn (đi săn nhãn) dài cả mấy cây số, như một cánh rừng. Nhãn Bạc Liêu giống nhãn Châu Đốc và Tân Châu, tương đối nhỏ trái, lớn hột, cơm mỏng, thơm ngon. Khác Long Nhãn miệt Trung Lương lớn trái, cơm dày, hột nhỏ được trồng trước sân nhà hay vườn, thường rộng không quá hai ba công đất.

Vào vườn nhãn ở Bạc Liêu là được chủ vườn cho ăn tự do tại chỗ, chỉ khi đem về mới phải trả tiền, tuy nhiên giá rất thấp so với ngoài chợ. Có ông chủ vườn bảo, nếu mỗi gốc nhãn trong vườn ông chúng tôi ăn một trái và đi giáp một vòng vườn thì muốn mang bao nhiêu về cứ mang, không phải trả một xu nhỏ. Hỏi ra vườn ông có tới hai ngàn năm trăm gốc nhãn. Chúng tôi chỉ ăn mỗi người khoảng ba chục trái mà sáng hôm sau mở mắt không ra.

Chúng tôi cũng viếng nhiều ngôi chùa Miên kiến trúc cổ kính, mỹ thuật, bao bọc bởi những hàng cây sao, cây dầu thật thẳng, thật cao. Cảnh chùa yên tĩnh, tịch mịch, tàn cây cao là nơi lũ chim diệc, sếu, cò... từng bầy tụ họp, làm ổ, vì không ai quấy rầy chúng.

Tôi nhớ chuyến đi Bạc Liêu đầu tiên ấy rõ lắm vì mấy chuyện. Thứ nhất, ngay đêm đó trở lại Cần Thơ, trước khi về nhà tôi ghé qua phòng thí nghiệm trường đại học để ghi chú kết quả mấy cái thí nghiệm tôi cho tiến hành ngày hôm trước. Xong việc, bước ra cửa thì chiếc xe Honda C 50 của tôi dựng ở đó đã bị kẻ trộm lấy mất, tôi phải đón xe lôi về nhà.

Thứ hai, lúc ăn cơm trưa ở Quán Lá tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ, lúc ấy công tác ở Ty Học Chánh Bạc Liêu. Vui mừng gặp tôi, anh giành trả tiền bữa cơm trưa hôm ấy và mời tôi sau đó xuống chơi.

Tôi sắm chiếc Honda C 50 khác, rồi thỉnh thoảng người bạn gọi điện thoại lên Cần Thơ rủ rê, tôi chạy xuống Bạc Liêu chơi mấy hôm. Những lần đi Bạc Liêu như vậy, chuyến về cái giỏ nhôm trước xe luôn có chứa hai thứ đặc sản: tôm lụi và cua gạch. Cả hai thứ nầy tôi mua ở chợ Vĩnh Lợi ngay dưới mang cá cầu sắt trên đường đi xuống miệt biển.

Tôm lụi đây là tôm thẻ xỏ thành xâu liền nhau bằng cọng lá dừa, mỗi xâu chừng tám tới mười con, tôm lớn nhưng khô nên rất nhẹ. Cua gạch là cua biển thường từ miệt biển chở tới, gạch đỏ tươi, đội vun mu.
Tôm lụi và cua gạch là hai sản phẩm của biển bùn Bạc Liêu. Tôm lụi lúc nào cũng có bán. Cua gạch phải nhằm lúc tối trời, những khi sáng trăng hay trăng tròn không có cua gạch tôi mua đỡ cua thịt, hơi ốm nhưng vẫn ngon.

Hồi đó chúng tôi một nhóm độc thân, ưa nhậu nhẹt, nhưng chưa có người lo việc nấu nướng, nên rất thích hai món nầy. Chỉ cần năm bảy xâu tôm lụi, ba bốn con cua gạch tôi mang từ Bạc Liêu về là năm sáu đứa chúng tôi có thể "ngã" dễ dàng mấy kết bia 33 đít tròn hoặc vài chai Martell cổ lùn. Tôm lụi nướng ngay trên ngọn lửa từ dĩa rượu đế có bỏ chút muối hột hay cồn chín chục chữ như thường nướng khô mực. Cua gạch chỉ việc luộc chín rồi làm muối tiêu chanh là xong.
Về sau nầy nhóm chúng tôi, ngoài Khải, bác sĩ sản khoa, Tấn và Sơn, dạy ở trung học Phan Thanh Giản... còn có thêm mấy anh lớn tuổi gia nhập như anh Ba Trực, dạy ở trung học Phan Thanh Giản, Hai Nghĩa và Ba Chương, nguyên giáo viên tiểu học, sau làm việc ở Ty Học Chánh Phong Dinh... Mấy anh nầy làm đồ nhậu giỏi lắm. Đặc biệt anh Ba Chương, nhà ở hẻm Hai Địa, là một đầu bếp đa tài, món gì vô tay anh cũng trở thành đồ nhắm đặc sắc. Anh Ba Chương làm cua rang muối rất ngon, cua hấp chao cũng thiệt hấp dẫn. Đặc biệt hơn là anh Ba Chương chỉ làm đồ nhắm để cùng nhậu, cùng vui với bạn bè, anh không làm mướn cho bất cứ ai. Trong bữa tiệc, hễ thấy anh Ba Chương lấy cái xô (seau) đựng nước đá đội lên đầu, là biết lúc đó anh đã "tới chỉ".

Tôi đi Bạc Liêu nhiều lần lắm, xuống Hộ Phòng, Gành Hào, Giá Rai... câu cua, ăn lẫu mắm. Ra Vĩnh Châu ăn cháo lòng với bánh củ cải thiệt lớn, thiệt xốp do người Triều Châu ở địa phương làm, thăm xóm chài lưới ven biển... Trong số những kỷ niệm với Bạc Liêu, những hình ảnh về Bạc Liêu tôi nhớ nhất là các ruộng muối ven biển và chuyện đi bắt cá bống kèo.

Tôi đến thăm ruộng muối (diêm điền) vào một ngày cuối tháng hai âm lịch, nông dân đã bắt đầu việc khai thác muối từ tháng giêng. Tại sao từ tháng giêng? Ông Hai Cư chủ ruộng muối trả lời thật dễ hiểu: "Trong nước biển lúc nào cũng có muối, lấy muối từ nước biển lúc nào cũng được, nhưng muốn lấy muối từ ruộng phải chờ đến tháng giêng trời thôi mưa, lại có nắng, nước biển mới bốc hơi, ruộng khô, muối mới kết tinh, trước tháng giêng trời còn mưa, ruộng bị chèm nhẹp hoài...".

Nguyên tắc khai thác ruộng muối rất đơn giản, chia ruộng thành nhiều ô có đê thấp hoàn toàn cách biệt nhau. Đất ruộng được nện thật dẽ dặt, có khi tráng xi măng để muối không thấm vào đất, xong bơm nước biển vô ruộng bằng xa quạt gió, máy bơm hay gàu. Nếu trời nóng, nắng nhiều, ruộng sẽ mau khô, muối mau kết tinh. Ruộng khô, nông dân gom muối lại, gánh về sân nhà hay nơi cao ráo đổ thành đống như đống lúa. Khai thác xong đợt nhứt lại bơm nước biển vô ruộng, khai thác đợt thứ hai...

Ruộng muối lúc đầu rất trống trải, chỉ thấy những con đê thấp và nước. Trong lớp nước ngày càng đậm đặc do nồng độ muối gia tăng, tôi quan sát được vô số tinh thể muối hình lập phương hiện ra dưới đáy, những con cá, con tép nhỏ chết dần, những sợi rong xanh... Khi ruộng đã khô, nông dân dùng bàn cào rộng bản, mặt bằng và cán dài, cào muối lại thành đống nhỏ, công việc nầy do đàn ông làm vì khá nặng nhọc. Phụ nữ cho muối vào hai thúng giê, dùng đòn gánh mang về nhà đổ vào những đống muối lớn hơn. Nếu không bán được liền, phải đậy muối bằng lá dừa nước hay cỏ tranh bện lại.

Một đống muối lẻ loi trông giống một đồi cát trắng hình kim tự tháp ở Ai Cập. Nhiều đống muối gần nhau, nhìn từ xa giống một dãy đồi cát. Nếu lúc ấy có thêm vài phụ nữ gánh muối bằng đòn gánh mang hai thúng giê đằng đầu đang làm việc, thì đó chính là bức ảnh của dãy đồi cát duyên hải Trung phần mà các nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh đã đoạt giải nhiếp ảnh quốc tế năm nào.

Đêm khuya trăng sáng, thanh niên nam nữ họp đoàn cào muối, gánh muối dưới trăng. Họ chuyện trò, hát ca vui vẻ, gợi cho tôi hình ảnh những ngày mùa ở miệt Hậu Giang, những đêm trăng sáng đập lúa, giê lúa, giã gạo, quết nếp mới làm cốm giẹp... của những ngày thanh bình xưa cũ.

Lúa gạo và muối là hai nguồn tài nguyên chủ lực của Bạc Liêu. Oâng Hội Đồng Trần Trinh Trạch, gốc Triều Châu, ngày trước giàu có tiếng ở miền Nam là nhờ lúa và muối. Muối Ba Thắc nổi tiếng nhất miền Nam thuở ấy. Sau hai cuộc thế chiến diện tích ruộng muối thu hẹp lại rất nhiều. Nói đến người Bạc Liêu thì ngoài Hội đồng Trạch phải kể ba người con của ông là Hai Đinh, Ba Qui và Tám Bò nổi tiếng là Công tử Bạc Liêu, xài tiền như giấy lộn. Nổi tiếng nhất là Ba Qui (Hắc Công Tử) với giai thoại đốt tấm giấy ngẫu (giấy năm đồng) làm đuốc rọi để Cậu Tư Mỹ Tho Phước George (Bạch Công Tử) tìm đồng bạc kim khí đánh rơi dưới gầm bàn trong khách sạn.

Ngoài mấy giai thoại khá nổi tiếng trên, một đọan thơ khác về Bạc Liêu cũng được quảng bá trong dân gian:
 
Đất Bạc Liêu muối tên Ba Thắc
Nhãn cơm dày dễ lột thơm ngon
Dưa hấu cát nhiều mỏng vỏ
Mía Trà Nho ngọt gắt có đâu bằng
 
Như vậy ở Bạc Liêu ngoài lúa, nhãn và muối còn có nhiều loại tài nguyên khác, phong phú, dồi dào, có ở lâu, đi nhiều mớt biết hết.

Ông Hai Cư, chủ ruộng muối cho biết muối lấy thẳng từ ruộng là muối hột còn dơ nên chỉ dùng muối cá, làm khô hoặc làm nước mắm. Loại muối hột trắng hơn bán ngoài thị trường đã được nấu lại bằng cách hòa tan trong nước, để cặn cáu lắng xuống đáy, lấy phần lỏng bên trên nấu cho nước bốc hơi.
Mới đây tôi có đọc một tài liệu khoa học về muối. Theo tài liệu nầy thì muối là chất quan trọng trong cơ thể con người, chiếm đến 0.9% trọng lượng các tế bào; máu, mồ hôi và nước mắt chúng ta đều có vị mặn của muối. Số lượng muối dùng để nêm nếm các bữa ăn chỉ chiếm 5%, 95% còn lại dùng cho khoảng mười bốn ngàn công dụng khác. Một trong những công dụng quan yếu nhất là nguyên liệu để chế tạo sút (Na OH) và acid Chlorhydric (H Cl), hai hoá chất kỹ nghệ căn bản - công thức hóa học của muối là Na Cl - như sút được dùng tẩy rửa, làm trắng trong việc sản xuất giấy, hàng vải, xà phòng và chế tạo các hoá chất dùng trong máy lạnh, máy giặt, máy lọc dầu thô...

Tài liệu nầy cũng cho biết trong mỗi gallon (3.785 lít) nước biển trung bình có 113 gram muối và tổng số muối chứa trong các biển và đại dương trên mặt địa cầu là 4 triệu 419 ngàn cubic miles (dặm khối).
Kết quả những nghiên cứu mấy năm gần đây cho thấy sự ăn nhiều muối có liên quan đến bệnh áp huyết cao, sự liên quan nầy rõ nét ở lứa tuổi từ 40 trở lên, có thể giải thích là khi lớn tuổi hoạt động của thận yếu đi, sự bài tiết chất muối giảm sút.

Khi về lại Đại học Cần Thơ lúc ấy, tôi có hỏi một số đồng nghiệp chuyên môn về muối. Sự thật muối Bạc Liêu không tốt mà cũng không nhiều. Bờ biển Việt Nam từ Mong Cái đến Hà Tiên, rất nhiều nơi có ruộng muối, miền Trung sản xuất nhiều nhất, thứ nhì là miền Nam. Ở miền Nam diêm trường Phước Tuy rộng nhất, sau đó là Bạc Liêu, Gò Công, Trà Vinh, Cần Giờ. Ruộng muối có sản lượng lớn nhất và phẩm chất tốt (tinh khiết) là Cà Ná (Xã Hải Thương, tỉnh Ninh Thuận). Trong loạt bài nầy, viết về những nơi đã đi qua, những điều ghi nhận được, tôi hy vọng sẽ có thời gian viết về diêm trường Cà Ná và nước suối Vĩnh Hảo, hai đặc điểm của tỉnh Ninh Thuận.

Bây giờ xin nói sang chuyện cá bống kèo Bạc Liêu. Tôi thăm ruộng muối Bạc Liêu chỉ một lần, nhưng đi bắt cá bống kèo hai lần.

Lần đầu vào mùa nắng, khoảng tháng giêng, tháng hai âm lịch. Chuyện bắt cá bống kèo mùa nắng ở Bạc Liêu giống như chuyện đi thụt lịch, bắt cá chạch ở các sông rạch miệt Tiền Giang và Hậu Giang.
Lịch giống như lươn nhưng nhỏ và ngắn hơn nên có câu "Ví dầu lịch vắn lươn dài. Quạ đen cò trắng, thằng chài xanh lông". Cả lịch lẫn lươn đều nhớt như nhau nên còn có câu "Ốc tưởng rằng ốc vắn. Dè đâu ruột ốc trường. Lươn chê lịch. Lịch chê lươn. Nhớt." để chỉ hai người cùng có tính xấu như nhau (ví dụ như cùng làm biếng) lại đi chê bai lẫn nhau.

Cá chạch là loại cá nhỏ, mình giẹp và mỏng, dài chừng hai tấc, chiều ngang khoảng hai, ba phân, vảy thật mịn, thường có màu vàng lục, mỏ nhọn và dài (ngoài ra còn có loại cá chạch lấu lớn hơn mình có bông, màu nâu sậm).

Vào mùa khô, khi nước ròng sát, mặt bùn lộ ra, xách theo một sợi dây kẽm đi tìm "mà" lịch và cá chạch trên mặt bùn để bắt chúng.

"Mà" cá chạch là cái mỏ nhọn và dài của nó ló trong không khí để thở, mình chôn dưới bùn, lấy hai bàn tay móc cục đất lên là bắt được chú cá chạch.

"Mà" lịch là cái miệng hang nơi con lịch ẩn mình, thọc một tay vô hang, thụt tới thụt lui cho nước trào ra hang ngách, dùng tay còn lại thọc vô miệng hang ngách, hai bàn tay giáp công, tóm chú lịch ở giữa.
Dùng sợi dây kẽm xỏ xâu lịch và cá chạch, mang theo người.

Lịch nướng, trộn gỏi chuối cây xắt nhuyễn và rau răm để nhậu lai rai với rượu nếp thì hết trật, hoặc kho mắm với cà dái dê, tép thợ rèn, thịt ba chỉ... để ăn cơm thì ngon hết ý.

Cá chạch kẹp giữa hai nhánh tre chẻ dọc, nướng trên than hồng cho đến khi mỡ chảy ra xèo xèo, rồi làm một chén nước mắm gừng. Cá chạch nướng ăn với nước mắm gừng và cơm nấu bằng gạo nàng hương thì hết phản.

Cá bống kèo không có ở các vùng sông Tiền hay sông Hậu nước ngọt quanh năm, chúng thích hợp với môi trường sình lầy và nước lợ. Bạc Liêu, Cà Mau là nơi chúng dung thân.

Muốn bắt cá kèo cũng phải đi tìm "mà". "Mà" là chỗ miệng hang có đất đùn lên, dễ hơn bắt lịch vì hang cá bống kèo ngắn, không có hang ngách. Cá kèo lại không tìm cách trốn chạy, mỗi hang thường chỉ có một con. Người đi bắt cá bống kèo giữ cá trong giỏ tre hay trong loại tĩn dùng đựng nước mắm.

Lần thứ hai tôi đi bắt cá kèo ở Bạc Liêu vào đầu mùa mưa.

Ở miền Nam có danh từ đi coi hát cải lương hạng vé cá kèo. Hạng nhất ngồi ghế sát sân khấu, hạng nhì và hạng ba cũng ngồi ghế nhưng xa sân khấu hơn, còn hạng cá kèo thì xa sân khấu nhất.

Khán giả hạng cá kèo đứng chen chút nhau, kẻ xô người đẩy. Đó cũng là hình ảnh của đàn cá kèo đầu mùa mưa, cả đàn cả lũ, hàng ngàn con, hàng vạn con, đặc sệt cả một khúc sông hay kinh rạch, không biết bao nhiêu mà kể, chúng trôi theo dòng nước, không đủ chỗ để bơi nghiêng phải bơi đứng, nên chỉ thấy những đầu là đầu, dày đặc. Dân Bạc Liêu gọi đó là ngày hội của cá kèo.

Tôi đã chứng kiến ngày trăn hội ở rừng U Minh Thượng, ếch hội và cóc hội ở đồng bằng sông Cửu Long. Trăn, ếch, cóc... hội họp là để bắt cặp, để làm tình, khác cá bống kèo Bạc Liêu hội do hang bị ngập, không có chỗ trú ẩn, phải trồi lên mặt nước.

Tôi nghĩ danh từ coi hát cải lương hạng cá kèo không đủ để diễn tả một cách trung thực hình ảnh đàn cá bống kèo tập trung trên mặt sông vào đầu mùa mưa, đông đúc, hỗn loạn. Phải so sánh chuyện đó với hình ảnh đồng bào ta trên đường di tản về hướng Nam hồi tháng tư năm 1975 thì mới chính xác.

Bắt cá bống kèo lúc nầy thật dễ dàng, người nông gia quen tôi hôm ấy lấy đăng chận ngang con rạch rồi nhảy xuống nước dùng vợt xúc cá bống kèo đổ vô khoang ghe tam bản.

Chiều hôm đó tôi được ăn một bữa cơm để đời, nói là ăn cơm mà không ăn cơm, chỉ ăn cá bống kèo. Cá nhiều quá, ăn cá không, ăn hoài không hết, quá sức no, bụng đâu còn chỗ để chứa cơm.

Chủ nhà làm cá bống kèo bốn món, ba món ăn chơi, một món ăn thiệt. Món ăn chơi là canh chua, nấu mẳn và chiên, món ăn thiệt là kho tộ để ăn với cơm.

Bà chủ nhà nói với tôi cá bống kèo tuy nhiều nhớt nhưng không tanh, vì cá chỉ ăn bọt nước, ăn chay trường, không ăn mặn hay ăn các loại cá khác giống như cá lóc cá trê. Có lẽ bà muốn nói cá kèo ăn các phiêu sinh vật rất nhỏ trong bọt nước, chớ thiệt tình ăn bọt nước thì làm sao sống và lớn được.

Bà chỉ tôi cách làm món ăn với cá bống kèo. Cá nầy ngon là nhờ cái nhớt của nó, cạo nhớt quá sạch như làm lươn thì mất hết mùi vị, cá sẽ cứng đơ, ăn cá như cây, gỗ mục.

Bắt cá bỏ vô thau, bỏ thêm một nắm muối, đậy miệng thau lại. Gặp muối mặn, cá cay mắt dẫy dụa lung tung, nhớt bị tuôn ra bớt. Đợi cá hết còn dẫy dụa thì đổ ra rổ rửa sơ với nước ngọt. Để nguyên con cá như vậy mà nấu không phải chặt kỳ vi hay mổ bụng lấy ruột gan. Thịt cá mềm, xương không lớn nên nấu rất mau chín.

Trong ba món ăn chơi tôi ưa nhất món nấu mẳn, còn gọi là kho mẳn. Đại để là luộc với nhiều nước rồi nêm nếm với hành lá xắt thật dày, tiêu, nước màu, nước mắm... Không phải thêm đường vì cá tươi tự nó đã rất ngọt.

Ông chủ nhà chỉ tôi, ăn cá bống kèo phải ăn một lần nguyên một con. Con cá lớn bằng ngón tay cái, dài khoảng một tấc có hơn. Ngón trỏ và ngón cái của bàn tay trái giữ đầu cá, tay phải cầm đũa kẹp thân cá, suốt theo chiều dài, thịt cá rớt ra chỉ còn trơ lại xương sống.

Cá tươi mới bắt từ dưới sông lên, vừa ngon vừa ngọt, đưa cay một chung rượu nếp, húp vài muỗng nước cá nấu mẳn, thiệt đã điếu ông địa.

Con gái ông chủ nhà, tuổi độ trăng tròn, gò má hây hây hồng vì lửa bếp, dung nhan "mặn mà" của người con gái miền biển, làm cho tôi một tô bún nghi ngút khói, nước xâm xấp, năm sáu con cá kèo đã tuốt xương, trải trên mặt, điểm thêm tí hành lá, chút tiêu sọ trắng tinh...

Tô bún nầy ngon quá xá quà xa, tôi ăn một hơi ráo trọi. Tôi nghiệm ra hồi thuở tôi còn thanh niên, còn độc thân, món gì mấy "bà già trầu" nấu, dù khéo mấy tôi ăn cũng không thấy ngon, món nào mấy cô thiếu nữ chưa chồng nấu, dù có dở cũng thành ngon. Cô ấy càng đẹp, càng duyên dáng, thì món ăn càng thêm hấp dẫn. Nếu cô vừa đẹp lại vừa là gái Bạc Liêu thì món ăn ngon phải biết, có đúng vậy không? hở ông bạn thơ ở Edmonton?

Tôi nhớ thêm một chi tiết khác do ông chủ nhà chỉ, ăn cá bống kèo nên ăn luôn cái mật nhỏ và dài, hơi đăng đắng nhưng có vị thuốc khu phong, giúp trị phong thấp, ngứa ngáy.

Chuyện ăn cá bống kèo đâu đã hết. Về lại Cần Thơ, khoảng hai tháng sau tôi nhận được một gói quà từ Bạc Liêu. Mở gói ra, khô cá bống kèo, kèm theo dòng chữ mộc mạc của cô Tám Bạc Liêu: "Gởi thầy giáo ký khô nhậu chơi cho đỡ... buồn, cá bống kèo thầy bắt hồi tháng trước đó!".

Tôi hiểu ý cô lắm, cô Tám Bạc Liêu ơi! Ký khô cá kèo đơn sơ như vẻ đẹp mộc mạc, không son phấn của cô, như tình yêu chơn chất của người con gái miền duyên hải nắng bụi mưa bùn. Tôi cũng hiểu người buồn là cô, đang ở một nơi xa xôi vắng vẻ, chắc cô muốn nhắc khéo tôi, người đang ở nơi thành đô xe ngựa, xin đừng vội quên nhau...
 
"Anh về phố thị hôm nao
Gió lay bông sậy lệ trào mắt ai"
 
Một ngày cuối tháng, hết tiền đi nhậu quán, ăn hiệu, tôi và ba người bạn lôi ký khô cá bống kèo của cô Tám Bạc Liêu từ trong hộc tủ ra, nhậu với xoài sống, rượu công xi, chữa lửa bằng nước đá lạnh. Khô cá kèo nhậu không bắt bằng khô cá thiều Phú Quốc, khô cá sặc Long Xuyên, nhưng trong lúc thắt ngặt thì thiệt cũng... đỡ khổ. Trong bữa nhậu một anh bạn trêu ghẹo tôi.
- Mầy tính chừng nào đi bắt cá kèo nữa đây?
- Mùa cá kèo hội đã qua rồi!
- Qua thì qua, đi thì cứ đi, không bắt cá thì thăm cô Tám Bạc Liêu, mất mát gì?
 
Rồi người bạn tôi vừa chầm chậm vô ly rượu nếp, vừa i ỉ ngâm nga:
Giả đò mua chả, bán nem
Giả đi bắt cá, thăm em cho... đỡ buồn.

Lúc tôi viết gần xong bài nầy thì có một văn hữu gốc Bạc Liêu điện thoại nói chuyện chơi. Qua đường dây viễn liên nghe tôi đang viết về quê hương anh, anh rất mừng và nhắc tôi, chỗ cái chợ ngay dưới mang cá cầu sắt, nơi tôi thường mua tôm lụi và cua biển có động bà Tư Dần, rồi anh đọc luôn mấy câu:
 
Muốn chơi cho gần thì lại bà Tư Dần
Muốn chơi cho quạu thì tới cô Năm Mạo
Muốn chơi cho sang thì đến chú Tư Vàng...
 
Vậy cái biết về Bạc Liêu của tôi quả còn nhiều thiếu sót, chỉ có ăn mà thiếu chơi, mà "ăn chơi" là hai chuyện thường đi đôi. Có lẽ lúc đó tôi mê cô Tám Bạc Liêu quá nên không để tâm đến chuyện khác.

Đó là nói qua những chuyện ăn và đi chơi. Về công tác thì chỉ có một lần duy nhất tôi đi chung với các đồng nghiệp, theo yêu cầu của Sở Học Chánh Bạc Liêu, thuyết trình về cơ cấu của Viện Đại Học Cần Thơ tại rạp hát lớn nhất ở thị trấn Vĩnh Lợi. Mục đích giúp học sinh trung học trong tỉnh có một vài ý niệm về ngành học sẽ theo ở bậc đại học.

Đại học Cần Thơ vào thời điểm đó có bốn phân khoa: Khoa Học, Văn Khoa, Luật Khoa và Khoa học Xã Hội, và Sư Phạm cùng với trường Cao Đẳng Nông Nghiệp học trình bốn năm. Nhiều học sinh Bạc Liêu đã chọn học Nông Nghiệp để trở về xây dựng kinh tế địa phương.

Bạn có thể hỏi tôi nghĩ gì về người dân Bạc Liêu? Tình thiệt tôi không ở đó nên nhận xét có thể thiếu chính chắn.

Ở Bạc Liêu người Việt đông nhất, kế đến là người Triều Châu, người Phước Kiến, người Khờ Me. Tuy nhiên mỗi khi có ai nhắc tới Bạc Liêu là tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh những người Triều Châu với quang gánh và hai cần xé đan bằng tre, đi mua ve chai, lông vịt, đồ nhôm, đồ mủ... Họ ăn mặc sơ sài, có vẻ nghèo nàn, thật ra họ rất giàu trong cái vỏ nghèo nàn ấy, túi họ rủng rỉnh tiền. Bạn còn nhớ chuyện ông già nhà quê từ Bạc Liêu ôm một mo cau tiền lên Sàigòn mua đồ? Bạn nhớ chuyện ông Hội đồng Trạch mua một lần ba chiếc xe Delage bánh căm mui vải hồi năm 1926 và được người chủ hãng xe "Bonjour Papa"? Người Bạc Liêu ngoài chuyện giàu có còn rất có lòng, hằng sản và hằng tâm.

Cuối cùng xin nói về cái tựa. Muối Bạc Liêu Nặng Tình Biển Cả là câu đầu lấy từ một đoạn bốn câu thơ của Kiên Giang trong bài "Đẹp Hậu Giang". Sau bài nầy, hy vọng tôi có đủ hứng để viết ba bài nữa theo như ba câu thơ còn lại:

"Tiêu Hà Tiên Nồng Ý Quê Hương
Thơm Tho Khói Thuốc Mùi Cao Lãnh
Cá Cháy Bùi Ngon Vị Sóc Trăng".
 
Nguyễn Văn Ba
Muối Bạc LiêuMuối Bạc LiêuHình ảnh và nhà Công tử Bạc LiêuHình ảnh và nhà Công tử Bạc LiêuPhủ thờ của đại điền chủ Cao Minh ThạnhPhủ thờ của đại điền chủ Cao Minh ThạnhChợ Bạc Liêu cũ, hiện tại đã bị di dời ...Chợ Bạc Liêu cũ, hiện tại đã bị di dời ...Thu hoạch muốiThu hoạch muốiBánh củ cảiBánh củ cảiBánh tầm bì nước dừaBánh tầm bì nước dừaDanh thắng Bạc LiêuDanh thắng Bạc Liêu