Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Lưới cá mè vinh

Bây giờ đã đầu tháng 12, qua thời điểm cá rộ hơn tháng mà mùi con cá mè vinh chiên tươi chấm tương hột xào hành vẫn còn phảng phất. Ngoài chợ vẫn còn bán lai rai nhưng thời điểm "ăn ngán thôi" đã vừa qua rồi. Mùa nước giựt có nhiều cách bắt cá mè vinh nhưng giăng lưới hoặc thả lưới là những cách bắt cá hấp dẫn và hồi hộp.

Từ khoảng đầu tháng chín, xuồng trét dầu chai xong bắt đầu ngâm xuống nước là lúc xóm lưới rộn rịp. Cả xóm đan lưới già trẻ, lớn bé tay đều cầm ghim đan thăn thoắt cho kịp hàng đón cá. Tay trái cầm cỡ (ni), tay phải "múa" không cần nhìn. Thỉnh thoảng, họ dừng lại chằn mặt lưới cho ngay hoặc tuốt lưới khỏi cỡ để bắt đầu hàng đan mới.

Lưới dầy cho giăng đồng khoảng 4 phân (4cm) đổ lại dùng bắt cá nhỏ mới lên đồng như mè vinh lứa, cá rô, cá trê, cá lăng, cá lóc. Lưới thưa 5- 8 phân để giăng hoặc thả đón cá lớn khi nước giựt. Lưới có thể đặt bắt viền sẵn hay mua ký về tự tay khách bắt viền. Đây là một công đoạn mất thời gian và đòi hỏi có kinh nghiệm. Lưới phải chùng vừa đủ để gói cá khi vùng vẫy cũng như không hao lưới. Thường lưới làm sẵn thì khách khải mất công nhưng vì lợi nhuận, những người làm lưới thường bắt viền căng, cá dễ dội lưới hay đâm bể mặt lưới làm cá chạy luôn. Vì thế, người ta thường mua lưới dầy bắt viền sẵn và mua lưới ký loại lưới thưa để tự tay bắt viền cho ưng ý, không sợ vuột cá.

Lưới ký mua về phải xỏ từng mặt theo hai viền bằng hai thanh tre già, chuốt nhỏ như chiếc đũa bếp mỗi thanh có cột một sợi dây dù chắc chắn ỏ một đầu để chuẩn bị dằn lưới. Sau khi luồn hai viền xong mà không để sót mặt lưới nào dù lưới có dài hàng trăm mét, đầu còn lại của sợi dây dù nào sẽ khóa đầu thanh luồn đó tạo thành một cái quai giống như quay võng. Tùy theo dạo cỡ nào mà người ta treo một quai dây dù lên cao vào một chỗ chắc chắn như xà nhà hay cành cây đâm ngang trong sân, quai còn lại ở dưới sao cho cách mặt đất chừng 1 mét. Đầu dưới được treo một vật nặng tối đa có thể nhưng không làm dứt toàn bộ các mặt lưới. Ví dụ với 100 mét lưới đo theo chiều dài mới đan, sau khi luồn viền sẽ dằn khoảng 15 đến 20 kg ở thanh luồn viền dưới. Sau khi treo dằn chắc chắn, người ta lấy nước sôi pha khoảng còn 80 độ trong một ấm lớn bắt thang treo lên cao và xối nước này từ đầu trên chảy dọc xuống đầu dưới. Nước chảy đến đâu, lưới giãn bựt bựt ra tới đó. Có thể nước nóng sẽ được đổ thêm vài lần và người ta có thể dùng tay hay dùng thanh tre nhẵn cạnh vuốt lên xuống theo chiều lưới treo. Lưới thường được đan theo bề dạo (chiều sâu) và cứ đan tới nên mặt lưới chỉ được xiết chặt theo chiều dài. Dằn lưới giúp mặt lưới được xiết chặt theo chiều đứng của dạo lưới làm mặt lưới đều đặn, chắc chắn và không bị chạy mặt.(Chạy mặt là một nút thắt lưới nào đó không chặt, chạy tuột đi làm mặt lưới không còn giữ đúng hình thoi vốn có).

Sau một đêm dằn, lưới có thể giãn ra so với trước khi xối nước nóng từ 3 đến 6 tấc. Lưới được tháo neo hạ xuống. Mặt lưới đều ro, khi buông ra lưới nằm đâu vẫn nằm đó. Tới lúc này hai dây viền trên dưới được luồn theo thanh luồn và gạt toàn bộ lưới từ thanh luồn sang dây viền. Chiều dài dây viền chính là chiều dài lưới thực tế và khoảng hơn phân nửa chiều dài lưới ký mới mua về.

Viền trên hay viền dưới đều là một cặp dây, dây sống và dây chết, hai dây này tương đương nhau và bằng chiều dài của lưới. Dây chết là dây luồn hết các mặt lưới viền. Dây sống là dây tạo gút với dây chết và không luồn vào mặt lưới nào. Công việc bắt viền xuất phát từ một đầu bằng một cây ghim dài bằng tre. Đó là một thanh tre dẹt rộng chừng hai ngón tay được chuốt mỏng còn khoảng 5-6 ly (mm), cắt hình chữ V hai đầu và cuộn hết  dây sống của viền vào cái ghim đó. Thường lưới thưa bắt viền nhanh vì ghim cũng là khoảng cách từ gút này sang gút kia của viền mà mỗi gút viền dưới là điểm gắn chì và vài gút viền trên là điểm cột phao.

Nếu muốn bắt cá to thì dùng lưới 7- 8 phân, bắt cá nhỏ thì 5 phân, thường người ta dùng lưới 6 - 6 phân rưỡi. Như lưới 6 phân, khoảng cách gút thường là 4 tấc với 14 mặt lưới. Nếu là lưới thả, viền trên có thể không cần gắn phao mà chỉ dằn chì viền dưới; lưới giăng thì khoảng 3-4 gút là gắn một phao nhựa, viền dưới dằn chì. Chì viền dưới có thể dùng chì lá cuốn rồi bóp hai đầu lại nhưng kiểu này lưới dễ vướng đầu chì gây rách lưới. Người ta có thể lấy chì khoen của cái chài chặt ra rồi bóp vào mỗi gút. Hai đầu lưới dùng chì nặng hơn bằng 3 tấc dây chì gai đơn, cuốn tròn rồi luồn một đoạn ống nước biển để khép hai đầu chì gai lại tạo thành một cái vòng chì dằn đầu lưới.

Lưới làm xong, người ta thường chọn ngày và con nước để giăng hay thả lấy hên. Ngày mồng 4 hoặc mồng Năm tháng Mười âm lịch hay được chọn nhất vì lúc này con cá trong đồng rục rịch ra sông nên dễ dính lưới và cũng bắt đầu vào mùa thu hoạch cá. Nếu chậm hơn thì ...hơi tiếc vì có năm con cá ra sớm.

Lưới giăng là dành cho dân làm biếng, ít tiền, không có xuồng hoặc ... sợ ra nắng. Giăng lưới chỉ cần hai cây sào dài hoặc hai cặp phao và neo ở hai đầu lưới và tay lưới chỉ cần 6- 10 mét và ...khúc chuối cây để ôm lội giăng lưới là đủ. Phao thì dùng bất cứ thứ gì có thể nổi lên mặt nước để treo lưới được như mút xốp, thùng nhựa vặn nắp, dừa điếc...Lưới thường giăng ở đầu các đống chà, cặp các bụi cây sống dưới nước như đám lục bình, đám nga, đám dứa dại, cây gừa mọc chồm ra sông ...tùy theo chiều nước chảy sao cho lưới khỏi tấp vào, mắc gốc. Giăng lưới xong có thể bỏ đi chơi hoặc làm chuyện khác khỏi cần đi theo tay lưới làm gì cho mệt nhưng năng suất lưới giăng thấp, đôi khi mắt gốc phải lặn gỡ, cá dính lâu bị chết và thiệt thòi nhất là không có cảm giác "cá đâm lưới trong tay" của lưới thả.

Lưới thả không có phao viền mà chỉ có phao treo. Phao treo cũng đơn giản bằng mút hay thùng nhựa 2 lít vặn nắp mà lý tưởng nhất là chai nước biển bằng nhựa. Mỗi phao treo cách nhau khoảng 8 - 10 mét. Chỗ sông quê tôi thì tay lưới thả dài khoảng 60- 80 mét.

(Còn tiếp)


1 nhận xét: