Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Câu chuyện về gạo nhân điện

Mấy năm trước, cả nước xôn xao chuyện gạo nhân điện, từ đó rộ lên nhiều luông thông tin trái chiều làm người tiêu dùng hoang mang, các tay đầu cơ nhăm nhe hốt bạc. Vốn là dân vựa gạo, mình cũng nóng mặt nên viết mấy dòng cho Việt Báo. Nói chung, tôi phản đối chí tử cái vụ các "nhà khoa học" mà làm việc chẳng khoa học tí nào. Các nhận định, theo lời báo viết là của các Phá GS, GS hoàn toàn cảm tính mà không có một sự so sánh khách quan.

Gạo "nhân điện" - rất nhiều vấn đề cần bàn
Những điều lợi từ cây luá nhân điện qua thông tin của bài báo thật sự có một hấp lực cho nông dân và người tiêu dùng: Tiết kiệm chi phí sản xuất cho phân và thuốc trừ sâu; chất lượng gạo trắng, bóng, thơm, ít dính, không thiu; mang tính thuyết phục xã hội : cải tạo môi trường- môi sinh, làm ra thực phẩm sạch. Nhưng ý kiến ủng hộ gạo nhân điện có thực sự thuyết phục được không?
Đầu tiên, nhà nhân điện (?) chỉ nhìn ruộng lúa vài ba lần/tuần, lần 30 giây đến 1 phút, thời gian còn lại không phải chăm sóc? Không cần nhổ cỏ, không cần bơm nước? Cứ cho là có sự tồn tại của nhân điện và vai trò nhân điện ở đây là dinh dưỡng, là sức đề kháng, vậy "liều lượng nhân điện" là bao nhiêu cho mỗi đơn vị diện tích? Đem nhân điện tác động lên cây lúa, nhân điện tác động theo kiểu nào? "Công lực" (nếu có) của mỗi người mỗi khác, làm sao đánh giá được người đó có thực hiện được hay không? Hay ai cũng có thể học xong hành nghề được? Thật mơ hồ, từ cơ chế tác động đến cách đánh giá về nhân điện trên lúa.
Nhân điện có tác động tốt như vậy tại sao vẫn phải cần 3 yếu tố: Đất, con người, giống. Thực tế có khác gì kinh nghiệm đúc kết từ ngàn năm của những người nông dân: "Nhất nước nhì phân, tam cần, tứ giống"? Rõ ràng yếu tố "đất" đã bao gồm "nước" và "phân"; "cần" ở đây là "con người". Nếu có đủ các yếu tố đó thêm một chút biện pháp kỹ thuật thì đủ để lúa tốt rồi. Nhân điện là thừa.
Các thang đánh giá: độ phì nhiêu, chỉ tiêu dung tích hấp thu, so sánh cân thử 1000 hạt... là theo tiêu chuẩn nào? Thế giới đánh giá ra sao? Họ đánh giá các chỉ số gì? Các đặc điểm được đưa ra so sánh: để lâu thiu, ít bị chuột phá, màu sáng hơn do không bị bọ xít... căn cứ vào đâu, so với chuẩn mực nào? Chưa kể "tỷ lệ gạo nhân điện sau xay xát cao hơn lúa thường" là tỷ lệ gì? Cao hơn nhờ cái gì? Cái đó có lợi gì? Những đánh giá này phải thật thận trọng, khách quan và khoa học.
Một vấn đề khác, lúa nhân điện tiết kiệm chi phí sản xuất tại sao giá bán lại quá cao? Có phải do cầu vượt cung? Cầu vượt cung do nguyên nhân gì? Do chất lượng gạo, sản lượng chưa nhiều hay do điều gì khác? Có phải do người ta đang biến một "nhu cầu tiềm ẩn" thành một ""nhu cầu thật sự" về gạo nhân điện bằng cách nói quá sự thật về chất lượng cuả gạo nhân điện (cũng không loại trừ việc vận dụng các yếu tố mê tín)? Làm sao phân biệt gạo "made by nhân điên" hay gạo thường?
Khi lúa nhân điện được công nhận, chắc chắn sẽ có những "nhà nhân điện" hành nghề dạo, làm sao biết nhà nhân điện hay "nhà nhân điên"? Đây cũng là một vấn đề để các nhà quản lý thị trường, công an kinh tế quan tâm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến phương thức canh tác của cả nền nông nghiệp khi người người nhân điện, cây con giống đều nhân điện...

Đoàn Nhật Trung


Gạo "nhân điện" - bước đột phá hay chuyện hoang đường?
http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Gao-nhan-dien-buoc-dot-pha-hay-chuyen-hoang-duong/45162000/188/

Nghiên cứu tác động năng lượng sinh học đối với cây lúa" là đề tài khoa học cấp cơ sở của PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm và GS-TS khoa học Lê Xuân Tú (Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng của con người thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN). Với một phương thức sản xuất kỳ lạ mang tính đột phá, gạo "nhân điện" đã được bán ra thị trường với giá cao và được tiêu thụ mạnh vì theo các tác giả đề tài, nó có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến ngược lại từ một số nhà khoa học về phương thức sản xuất này.
Chỉ cần "nhìn" ruộng lúa
PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm cho biết: "Gạo nhân điện sản xuất đến đâu bán hết đến đấy!". Các tác giả đề tài đã mời một số nhà khoa học liên kết với Doanh nghiệp Khoa học sản xuất dịch vụ Đức Tiến, và lần đầu tiên gạo sạch được giới thiệu tại chợ công nghệ và thiết bị Bắc Trung Bộ (tổ chức ở Nghệ An) giữa tháng 5/2005. Tại đây, gạo được bán đến 10.000 đồng/kg mà "cháy" hàng, cung không đủ cầu.
Phương thức canh tác lúa "nhân điện" như thế nào? Người ta chỉ thấy các nhà nhân điện mỗi tuần về "nhìn" ruộng lúa vài ba lần, mỗi lần "nhìn" từ 30 giây đến 1 phút để "truyền năng lượng" cho cây lúa chứ không hề sử dụng phân, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học. Lúc đầu (năm 2003 - 2004), đề tài chỉ nghiên cứu tác động năng lượng trên 2 giống lúa Bắc Thơm 7 và Khang Dân 18 nhưng đến nay các nhà khoa học khẳng định giống lúa nào cũng có thể trồng được bằng phương pháp này.
Ưu điểm của gạo nhân điện
PGS-TS Đoàn Thị Băng Tâm cho biết: "Tâm nguyện của các nhà khoa học trồng lúa nhân điện là muốn dùng tác động của nhân điện để cải tạo môi trường môi sinh, không chỉ làm ra lương thực mà cả thực phẩm sạch. Vì lẽ đó, chúng tôi sẽ xây dựng làng phát triển về mọi mặt tại thôn Đan Thầm, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai - Hà Tây. Ở đây, không chỉ có cây lúa được trồng bằng nhân điện mà sẽ phát triển đồng bộ, từ ngan, lợn đến tôm, cá...". Hiện bà đang cùng các nhà nhân điện đi tiến hành thí điểm từ Bắc vào Nam. Vừa là để thử nghiệm tác động của nhân điện đối với các giống lúa ở các vùng đất khác nhau vừa để tất cả các nhà nhân điện ở các vùng miền đều tham gia làm lúa nhân điện. Theo bà, nếu được phép của Chính phủ, lúa nhân điện có thể trồng trên diện rộng, với điều kiện chuẩn bị tốt 3 yếu tố: đất, con người, giống và nơi nào cũng phải luyện trong 3 vụ liên tiếp.
Từ các mùa lúa thí điểm ở Bắc Ninh, Hà Tây, Bắc Giang, Trà Vinh... các tác giả đề tài đã gửi mẫu đất sau 3 vụ lúa đến Viện Nông hóa thổ nhưỡng. Theo các tác giả, kết quả phân tích cho thấy độ phì nhiêu của đất và các chỉ tiêu dung tích hấp thu không hề giảm đi. Năng suất lúa vụ sau cao hơn vụ trước, từ vụ lúa thứ ba trở đi năng suất ổn định hơn nhưng chất đất không bị nghèo.
Theo tiến sĩ khoa học Đinh Luyện: "Gạo nhân điện có độ trắng cao, độ bóng tốt, chất lượng cơm nấu thơm ngon, độ dính vừa phải". Bên cạnh đó có một số đặc điểm đáng chú ý như cơm nấu từ gạo nhân điện để lâu thiu, lúa nhân điện ít bị chuột phá, màu sắc sáng hơn do không bị bọ xít, cân thử 1.000 hạt lúa nhân điện thấy nặng hơn lúa thường, do vậy tỷ lệ gạo nhân điện sau xay xát cao hơn lúa thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét