Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Cuộc chiến giữa chủ hồ và người câu cá.

ĐNT
Nhân đọc bài này trên Việt Báo, thấy bài viết còn nhiều phiến diện, phản ánh chỉ một phần quá nhỏ. Dù kinh nghiêm câu kéo cũng chưa chắc hơn ai nhưng từ trải nghiệm bản thân, tôi muốn xem xét "cuộc chiến" này dưới góc độ khách quan hơn. Nếu có đụng chạm, mong anh em "bị trời đày" lượng thứ.

Mấy năm gần đây, phong trào câu cá giải trí rộ lên khắp nơi, từ Nam ra Băc. Ngay cả xứ miệt vườn như Cần Thơ, Vĩnh Long cũng có hồ câu cá giải trí. Có cầu ắt có cung tuy nhiên trong lĩnh vực này ẩn chứa nhiều xung đột giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Cho nên, để “thắng” được trong lĩnh vực này không phải là điều đơn giản. Và lý thuyết win- win quá mong manh khi áp dụng vào việc cung cấp dịch vụ này.
Đây là cuộc chiến không cân sức giữa "Chủ Hồ" và "Người Câu Cá" mà phần thua chắc chắn ở Người Câu Cá dù Chủ Hồ chẳng cần mánh khóe nào. Những trò thả dây điện, kéo cá ban đêm để sáng thả lại, dùng khí đá sục hồ, dùng hóa chất thay đổi môi trường nước...xem ra không cần thiết phải giở ra vì vừa tốn kém, cực khổ, lộ liễu không cần thiết đối với nhiều tay câu. Tại sao vậy?
Thông thường người câu muốn khoắng hết cá của chủ hồ nhưng thực tế người có khả năng này rất ít. Đa phần người đi câu còn lại là ...võ biền, "lực bất tòng tâm" vì cứ nghĩ mồi mình ngon mà sao cá không ăn, hay chủ hổ nó chơi chiêu gì đây? Hôm qua mình câu cá ăn quá mà sao hôm nay lại im re? Họ đổ thừa hoàn cảnh là chính mà không chịu xem xét lại.
Chủ hồ, đó là yếu tố không thể thay thế được và không nhiều. Chủ hồ có thể là người tốt hay người xấu (1), chịu chơi dám thả cá hay không (2); Hồ thì rộng hay hẹp (3) cạn hay sâu (4) nước có vô ra hay không?(5) Có cho cá ăn hay không (6)….Những yếu tố kể trên đây, người câu cá ít khi tác động làm thay đổi được.
Ngược lại, Người Câu cá có nhiều yếu tố phải tự mình khống chế được mới trở thành cao thủ được. Có ba thành tố chính: Người, Cần câu và hiểu biết của người câu về con cá.
Người đi câu sát cá hay không là do chính bản thân họ. Họ đến một hồ câu trong ngày nào (7), giờ nào (8), Mưa nắng hay râm (9); Vào hồ rồi thì phải chọn diểm câu chỗ nào ngon nhất (10), chọn câu tầng nước nào (11). Khi cá ăn người đi câu có giật đúng thời điểm (12), giật đúng kỹ thuật (13). Bấy nhiêu nghe đã đủ mệt huống chi đi câu còn phụ thuộc vào bản tính của người đi câu nữa. Thường người trầm tĩnh câu được nhiều cá hơn người bộp chộp, ồn ào.
Nhưng chưa đâu. Bây giờ đến cần câu và những thứ liên quan. Cần câu phù hợp với cách câu hay chưa (14), dây câu phù hợp với cần và máy chưa (15), dây câu nhỏ hay lớn (16), câu có chì hay không chì (17), chì nặng hay nhẹ (18), chì treo hay chì chạy (19), câu phao thì canh chì phao đúng chưa (20). Tiếp đến là lưỡi câu. Lưỡi câu mình đang câu có vừa miệng con cá chưa (21) Lưỡi câu và dây câu có tuân theo tỉ lệ chuẩn chưa (22), Lưỡi câu tóm có đúng kỹ thuật hay không (23) (như vị trí của dây câu so với đốc câu, dây câu dư ở lưỡi câu…). Tới đây là tới cái phần rắc rối, nhiêu khê và tốn kém nhất. Đó là mồi câu. Nào là chọn mồi gì (24), trộn với gì (25), ủ bao lâu (26),xả mồi gì, xả thế nào (27)….
Người đi câu cũng có những kiến thức và nhận định có cơ sở minh chứng. Họ cũng phải biết hồ có cá gì (28) mật độ nhiều hay ít (29), Cá mới hay cá bể (30), thường được cho ăn gì (31), mật độ cá khác cùng hồ (32), trong hồ thường ăn giờ nào (33)….
Kể sơ sơ thôi chứ tôi không dám đi vào chi tiết vì không dám múa rìu qua mắt …xưởng thợ được. Với 33 yếu tố kể trên, ngoài 6 yếu tố không thể cải thiện được, người câu cá phải đối diện với ít nhất gần 30 vấn đề của chính mình. Mỗi vấn đề có hai hướng giải quyết đúng và sai. Vị chi có 27 khả năng xảy ra và để muốn bắt được con cá thì người câu cá phải giải quyết "đúng" toàn bộ ít nhất 27 khả năng này. Nói như thế mới thấy được để trở thành một cao thủ câu chỉ một loại hình câu hay một loại cá nào đó thì cái giá phải trả đến mức nào. Các đại cao thủ vẫn là đại cao thủ dù trong bất kỳ hồ cá nào. Các cao thủ thể hiện tinh thần “phong độ nhất thời, đẳng cấp vĩnh viễn” là ở chỗ này. Dù bất kỳ điều kiện nào, cao thủ vẫn có thể ít nhất "gỡ gạc" được. Và chẳng may hôm nào ra quân thất thủ thì họ vẫn tin tường ngày mai “con cá này mày phải chết với ông”.
Bất kỳ người câu cá nào cũng có thể trở thành cao thủ nếu thật sự tìm hiểu tường tận về thú vui tao nhã này hơn là luôn miệng đổ thừa hoàn cảnh hay đổ thừa tại chủ hồ… xử lý hồ. Ngược lại, Chủ hồ chằng cần động móng tay, các cần thủ lơ tơ mơ cũng "chết dài dài" vì sự cố chấp của chính mình mà không chịu "lắng nghe và thấu hiểu"... con cá. Cái đó người ta gọi là "nặng bóng vía".

2 nhận xét: