Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Câu cá mè "dinh"(*)

Cá mè dinh có nhiều cách bắt như giăng lưới, thả lưới, dỡ chà. Nhưng "đã tay" nhất là câu cá mè dinh trong đống chà.

Từ khi bắt đầu nước đổ già ngọn cuối tháng Bảy đầu tháng Tám âm lịch, đám cá mè dinh lứa được đẻ hồi đầu mưa giờ bắt đầu dựa chà, chuẩn bị lên đồng. Đám cá này chỉ cần hai tháng hơn vô đồng đã đạt trọng lượng nửa ký đến 1 ký hơn khi nước giựt. Sau mùa cá ra, con mè dinh nào vượt ngục, thoát ải được sẽ chu du dọc sông Cửu Long và lớn lên. Thêm một mớ bị dính lưới, mắc đáy, kẹt chà, trự nào còn thoát được sẽ sống sót và tìm chỗ chà chôm mà kết duyên nhau khoảng cuối tháng Ba âm lịch và sinh con đẻ cái. Chu trình cứ thế mà tiếp tục từ bao đời nay. Và người ở vùng Sông Hậu cũng "canh me" câu con cá này vào thời điểm chúng dựa chà.

Con cá mè dinh tháng Bảy đang cỡ 3-4 ngón tay xíu xiu nhưng được cái chiên thì giòn, câu thì dễ. Lũ nhóc tì đang tuổi ăn tuổi lớn này bạ gì xơi nấy. Nhưng theo một tập tính lâu đời, hạt lúa ngậm sữa là món khoái khẩu mà con cá này ăn cho tới bến. Chính vì thế, người muốn câu con cá mè dinh lứa chỉ cần ra đồng, tìm những bụi lúa hạt còn xanh nhưng đã tròn lẳn, bóp vào có cảm giác núng nính, cắn nhẹ hạt lúa thấy chảy ra dịch đục như sữa là ...cắt liền vài bụi. Mớ lúa này về tuốt hết lá, chỉ chừa cuống hạt bó lại chừng một ốp bàn tay và một vài nhành lúa đạt chuẩn để riêng. Bó lúa được cột chặt vào một cái sào trúc chừng ba mét, đặt lên trên mặt đống chà sao cho bông lúa chìm hết vào nước rồi người câu lên bờ ngồi chờ. Khi con nước sựng lại, nhìn đuôi bó lúa cứ bị giật giật liên hồi kỳ trận là người câu nhanh chóng xuống xuồng ra chà thu hoạch cá.

Xuồng buột thật êm; cần trúc ba bốn mét với dây câu vừa tầm; Lưỡi câu chỉ cỡ lưỡi cá rô số hai, to hơn hạt lúa một chút hay lưỡi đúc số 18.;Phao chì không cần thiết. Lưỡi câu móc một chút trên "mầu" của hột lúa ngậm sữa, xoay lưỡi câu thẳng hàng với hột lúa và nhẹ nhàng buông xuống "cái đám hát bội" ngoài kia sâu độ hai ba tấc. Nước đứng dây đi, nước lùa dây đứng là giật. Gỡ cá rồi móc mồi, sửa mồi, thả xuống, nhìn dây và giật. Cứ thế, người câu phải thao tác nhanh vì qua con nước khó câu hay cá rỉa hết trơn mồi dụ nên tản bầy. Một con nước qua thì lại chờ con nước tới để câu tiếp. Thông thường mỗi con nước như vậy có thể kiếm khoảng trên dưới hai mươi em, đủ ăn hay nhậu rồi. Đám nhỏ này câu mỏi tay, rung người lắm nhưng giật cảm giác "phê" phải là con cá đẻ.

Câu cá mè dinh đẻ thường vào tháng Tư âm lịch hằng năm. Sau chuyến đi thăng trầm từ mùa nước giựt trước, đến nay, các cu cậu đã trưởng thành, bén duyên nhau và tán tỉnh nhau trong các đống chà chờ mưa xuống.

Cách câu vẫn là câu bằng xuồng, có mồi dụ và cầu câu không chì phao nhưng dây lưỡi phải "dữ" hơn và cần phải đem theo nhiều lưỡi dự phòng. Lưỡi câu chọn lưỡi đúc khoảng 13-14 với dây tương thích. Mồi dụ bây giờ là xà lách hoặc dây cứt quạ. Không ai dùng ngò rí vì ...quá sang và không biết bao nhiêu cho đủ; Xà lách đã quá đáng lắm rồi. Xà lách chọn mua loại thân nhỏ lá láng, có chút sâu, dập cho rẻ. Thường nhất là dùng dây cứt quạ cho nhạy và không tốn tiền.

Dây cứt quạ là một thứ dây leo mọc hoang, bò trên đầu các đám cỏ, sậy. Đây là loại dây lá có ba chia, mặt lá nhám, hoa có màu trắng tinh, trái có nhiều cạnh như mướp khía nhưng chỉ bằng ngón tay và ngắn. Khi chín, trái có màu đỏ cam đến đỏ máu rất bắt mắt và lũ chim trau trảu rất khoái. Muốn hái dây cứt quạ phải là người quen nhìn hay đi vào lúc mặt trời chưa lên vì khi đó, màu trắng của hoa nhìn xa đã thấy. Chỉ cần mặt trời lên khỏi ngọn cây một chút là hoa sẽ tàn ngay. Cá mè dinh mà gặp dây này "như lân thấy pháo", sẽ nhào lên đớp ngay mặc dù lá cứt quạ đắng không thể tưởng.

Mồi dụ cũng buột thành chùm nhử cá trước. Khi thấy đám mồi dụ bị giật giật là người câu cũng chuẩn bị ra tay. Trên xuồng bây giờ còn có thêm cái vợt sâu lòng, cán chừng sáu tấc có đóng sẳn cái nỏ để uốn lưỡi bị "quác" và một cây dò để gỡ lưỡi câu khi mắc chà. Cây dò có chiều dài tương đương cần câu nhưng to hơn một chút, trên đầu có gắn một đoạn lò xo khoảng 3 đến 4 vòng (giống như dụng cụ tháo lưỡi câu khi cá nuốt lưỡi sâu). Khi cá sảy, lưỡi câu thường bật lên mắc chà, người ta sẽ luồn dây câu vào lòng lò xo, nắm dây và đẩy cán dò trượt xuống đến khi đầu dò bị cản lại. Bằng cảm nhận, người câu sẽ lắt và đẩy nhẹ để gỡ "lưỡi câu mắc gốc" bên dưới lên một cách nhẹ nhàng, không làm cá hoảng sợ tan bầy.

Câu cá mè dinh đẻ cần một sự tinh tế hơn câu đám "cá mè một lứa" kia. Mồi phải là một phiến lá non vừa đủ hớp hoặc xé từ một phần lá non  ra sao cho thật giống một mảnh lá bị rỉa văng ra từ chùm mồi dụ. Lưỡi câu phải tóm đẹp, sát rạt, cắt thật gọn dây tóm thừa. Lưỡi câu móc mồi lá phải không làm lá giập mà chỉ xoay lá và luồn lưỡi vào. Thả mồi cặp sát mồi dụ độ sâu khoảng hai ba tấc. Cũng giật cá khi "nước đứng dây đi, nước lùa dây đứng".

Phiến lá được thả trên đầu nước, trôi phê phê lững lờ ngang mồi dụ rồi trôi dần xuống cuối nước khoảng năm sáu tấc tùy khoảng chà cho phép và cứ lặp lại như thế. Nước đứng thì thả mồi sát bên chỗ con cá rỉa mồi dụ. Người câu chong mắt căng người nhìn sợi dây mỏng tang chờ nó ngừng lại hay đi ngược nước lên là "phập một phát". Đọt cần câu oằn đi và "liệt liệt xuống". Người cầm cần sướng tê, nín thở để kềm sức chạy của con cá. Chà ở dưới rất nhiều nhưng do câu một lưỡi, con cá dính cứ luồn lách, người câu cứ chịu và căng giãn theo nhịp sức cá mà dìu. Có con va vào chà lộc cộc nhưng dần yếu sức và lên theo đường đã đi xuống rồi "ngã ngang", nhóc mỏ. Lúc này chỉ cần "rề" nhẹ vô gần be xuồng và cầm vợt xúc cá lên. Xuồng thường đậu mé ngoài chà, phía ngọn nên kéo cần là cá đi theo xuôi chiều chà. Xui lắm, con cá mới bị mắc vào kẹt chà và người câu bắt buột phải đẩy xuồng vào, thò tay gỡ cá ra rồi "bợ" lên luôn hay lấy vợt hứng rồi ...ngồi chờ thời. Con nước mùa tháng Tư cũng "lình bình" ít khi chảy xiết nên một lát sau cá tụ lại, người câu có thể câu tiếp cho tới tối. Mà nghiệt ngã, càng tối, con cá đẻ càng ăn dạn. Đôi khi lúc này không thấy dây, chỉ cần thả mồi đúng chỗ rồi giật quàng xiên cũng dính cá!

Con cá đẻ thường "to biết hát". Một buổi có thể kiếm năm bảy con, mỗi con cả ký lô, bèo nhất cũng tám chín lạng. Năm rồi, đống chà cặp Sông Hậu, Anh Hai tôi bị một em làm lưỡi câu đúc 14 "ngay đơ". Hai hôm sau, cũng đám chà đó, khi dây câu se se khựng nước, tôi vỗ một cái, trên lưỡi câu chỉ tòn teng một miếng vảy to bằng đồng 1 đồng nhôm thời năm tám mấy. Không biết "con quỷ" này bao lớn mà nói!

Con cá mè dinh câu về có thể rộng lại dưới sông hoặc làm thịt ngay. Nếu nướng hay chiên tươi (người Sài Gòn gọi là chiên xù) thì chỉ cần móc lấy mật. Nếu cá ngợp hay chết thì có thể đánh vảy, xẻ khứa và muối để chiên ăn dần. Món chiên tươi là hết chê vì vảy vi con cá vàng ruộm, giòn tan, béo ngậy mà thịt ngọt mềm. Con cá nướng thì "thơm phưng phứt".  Nhưng tôi khoái nhứt là món cá mè lứa dinh kho lạt, để vẩy ăn với rau ghém và cơm nóng. Cá mè dinh kho lạt mổ bụng giống chiên tươi. Lót cùi khóm (thơm) hay mía lau chẻ tư xuống đáy nồi. Cá ướp gia vị cho thấm rồi xếp vào nồi, đổ nước mắm xâm xấp, đun lửa nhỏ, vớt bọt liên tục và trở cá cho chín đều. Bỏ thêm vài lát thơm, ớt quả, nêm nếm lại đợi sôi lên rồi tắt lửa, nhấc xuống. Cơm nóng, dưa leo, rau xanh và đặt biệt là một dĩa chanh tươi cắt sẳn với một dĩa nước mắm sống thật nhiều ớt thì còn gì bằng.

Mấy hôm nay, ra chợ thấy mấy con cá mè dinh nhảy soi sói mà nhớ con cá quê mình. lũ năm nay ít quá, cá cũng ít theo. Không biết tháng Tư năm nay có về câu được con mè dinh đẻ nào nữa không?

Chú thích:
(*) Cá mè dinh: Cá mè vinh, cá trà vinh theo cách nói của người miền Tây. Tác giả sử dụng toàn bài theo cách gọi này.
Đoàn Nhật Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét