Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Đề xuất dùng màn ngăn cách giường bệnh Covid-19 để tránh sốc tâm lý

 TTTĐ - Bác sỹ Đoàn Nhật Trung ở Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Vĩnh Long kể về một người bệnh Covid-19 vừa qua đời trong hoảng loạn và đề xuất dùng màn, vải ngăn cách giường người bệnh để tránh sốc tâm lý.

Câu chuyện bác sỹ Đoàn Nhật Trung kể vào ngày 21/8, mở đầu: “Đêm qua tôi mất một bệnh nhân còn trẻ lắm. Bệnh nhân ở một quận của TP HCM. Anh ấy 33 tuổi, có vợ và con 3 tuổi, vào viện vì u trung thất. Hậu phẫu cắt u, nằm hồi sức 6 ngày. Ở đó, sau khi tỉnh lại anh đã chứng kiến bệnh nhân Covid-19 suy hô hấp và chết, nên anh bị khủng hoảng bởi vì sau mổ một ngày anh đã tỉnh táo hoàn toàn”.

Lý do bệnh nhân hậu phẫu nằm cạnh bệnh nhân Covid-19, theo bác sỹ Trung là vì thiếu máy thở, dù giường đã bố trí giãn cách nhưng không khuất tầm mắt. Bệnh nhân vừa mổ xong, tỉnh táo nên thấy bệnh nhân Covid-19 hấp hối và chết trước mắt mình, dẫn đến bị khủng hoảng. Điều không may nữa là sau mổ 8 ngày, đã tạm ổn thì bệnh nhân 33 tuổi lại bị lây nhiễm Covid-19, khó thở, phải trở vào ICU.

Bác sỹ Trung kể tiếp: “Lần này anh hoảng loạn thật sự. Người nhà gọi vào thì anh trăng trối có lúc bảo nhờ công an, chính quyền can thiệp để đưa anh về nhà! Liên tục mấy đêm anh không ngủ được. Đêm trước, người nhà nhờ tôi tư vấn. Gọi điện, vì viêm thanh quản từ lần trước nên anh chỉ thều thào “Bác sĩ...chết...sát tôi...bác sĩ cứu...về... bác sĩ ơi!”. Tôi đã cố trấn an anh nhưng thấy rõ chưa hiệu quả. Sáng gọi người nhà thì chưa nghe tin tức gì. Tối nay nghe tin, anh đã không qua khỏi! Buồn cho gia đình anh nhưng đó là kết cuộc thấy trước”.

Bác sỹ Trung phân tích: “Tất cả bệnh nhân có sức thở yếu như có bệnh nền, phẫu thuật... mắc Covid-19 đã lo rồi, thấy chết trước mắt ai không tim đập, chân run, lại nhiều đêm không ngủ? Người thường còn chịu không nổi. Bao nhiêu năng lượng, oxy đưa vào bị hoang phí và suy hô hấp càng nhanh do nhu cầu tăng cao, tăng công thở bù đắp”.

Tuy nhiên, việc đưa nhiều người bệnh vào một chỗ để điều trị và khống chế dịch trong tình hình hiện nay là bất khả kháng. Hơn thế, trong lịch sử cũng đã xảy ra nhiều lần, những khi có dịch bệnh lớn. Bác sỹ Trung đồng ý: “Việc đưa bệnh nhân vào một chỗ để điều trị và khống chế dịch là việc làm từ hơn 100 năm trước, chẳng hạn từ dịch cúm Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lúc đó xem ra có chỗ đã làm tốt hơn bây giờ về mặt tránh truyền nhiễm và ổn định tâm lý bệnh nhân”.

Một giải pháp bác sỹ Trung nêu ra là: “Một cách rất đơn giản là dùng màn che từng giường cách biệt, dễ làm mà không tốn kém. Nên lúc này rất cần làm những việc nhỏ, cụ thể và thiết thực như thế bên cạnh nhiều việc lớn, để giảm bệnh nặng và tử vong do yếu tố tâm lý. Dẫu biết u trung thất như bệnh nhân vừa kể khó trụ lâu nhưng anh ra đi nhanh chóng trong lúc lòng đầy sợ hãi và cô đơn như thế thì thật đau xót và rất đáng nghĩ suy”.

Thái Đào - Sáu Nghệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét