Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Về đồng ăn cua.

Rồi có một buổi chiều dong xe lang thang trên phố, trong cái ồn ào náo nhiệt giữa chốn đô thành, bất chợt khứu giác bắt gặp trong gió mùi thơm phưng phức của món bún riêu cua đồng bên hè phố. Ôi cái tô bún riêu cua nóng hổi, có mùi hành phi, mùi mắm tôm, dọn kèm rau muống chẻ, bắp chuối bào, giá, quế, ngò gai, chanh ớt tươi cắt lát, kèm theo là miếng chả cá chiên và huyết heo luộc cắt miếng nhỏ... càng làm cho đầu óc, hay chính xác hơn là bao tử, của những kẻ xa quê nhớ quay nhớ quắt về những vùng quê - nơi có những địa danh ghi trong giấy khai sinh nghe xa lơ, xa lắc; nơi có khi cả năm trời mới có dịp quay về vào những dịp tết hoặc giỗ ông bà. Miền quê xa xăm ấy, nơi những cánh đồng không mông quạnh với con cua, con ốc đã trở thành những sản vật trời ban cho những cánh đồng làng. Trong những ngày giáp hạt, mưa gió bão bùng, tứ bề dậy nước thì những món ăn từ con cua, con ốc là cứu cánh cho bao người dân nghèo, chất phác.


Ở quê tôi, cặp con đường Tỉnh lộ 904, có một vùng quê nghe tên rất đỗi thân tình - xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Khoảng vài năm nay, ở đây đã hình thành cái “chợ” chuyên thu mua cua đồng để cung cấp trong và ngoài tỉnh. Nói là chợ nhưng thật ra ở đây chỉ là điểm tập kết thu mua cua của vài ba hộ gia đình, lâu dần trở thành điểm thu mua cua đồng của nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người thu mua được gắn với tên con cua như Ba cua, Minh cua... mỗi ngày “chợ cua” ở đây cung cấp vài tấn cua cho các chợ đầu mối.

Vào các buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, “khu chợ” nhỏ bắt đầu đi vào hoạt động. Trong cái mùi khăng khẳng đặc trưng của thịt cua đồng, bắt đầu xuất hiện những người đến “chợ” bán cua, người ít thì xách bọc nylon chừng vài ký, người nhiều thì chở bằng xe môtô vài bao tải. Để kịp chuyến hàng, có nơi chủ phải thuê người phân loại. Cua loại lớn, dân quê thường gọi là cua “kình càng” thì bẻ lấy càng, cua trung và cua nhỏ để riêng. Hiện giá cua đồng thu vô khoảng 20.000 đồng/ký. Cua rộ nhất là khoảng tháng 6 đến tháng 10. Lúc ấy, nhiều nơi ngoài đồng lúa còn chưa thu hoạch nên cua càng chắc, thịt nhiều. Tuy vậy, mùa cua đồng còn phụ thuộc vào con nước lên xuống và cả mùa trăng.

Sau khi được chọn lọc, đưa về thành phố, từ đây con cua “tám cẳng, hai càng” đã có dịp bò ngang, bò dọc khắp các chợ, được những bàn tay khéo léo của các bà nội trợ, các đầu bếp biến thành những món ăn hấp dẫn như bún riêu cua, cua rang me, cua rang muối, cua hấp bia, súp cua đồng, lẩu cua đồng. Đặc biệt, càng cua đồng loại lớn rang muối hoặc hấp sả đã trở thành một món đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn sang trọng. Về mặt thuốc, trong “Nam dược thần hiệu” đã nêu: Điền giải là tên thuốc của con cua đồng, có vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc, có tác dụng liền gân, nối xương, trị nhiệt tà, ngộ độc, máu kết cục, lở ghẻ...

Trong nền kinh tế thị trường, con cua đã từ đồng bò lên phố, nhưng có điều chắc chắn rằng những người làm cái nghề mò cua, bắt ốc ở quê tôi không bao giờ khá, giàu lên được. Bởi nguồn cua tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, có khi lặn hụp cả ngày trời mà chẳng bắt được bao nhiêu. Trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, đường bột ngọt, nước mắm đều rục rịch tăng... Để có nguồn cua cung ứng cho thị trường, nhiều người dân ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đã tính đến việc nuôi cua đồng trong ao ruộng. Biết đến bao giờ con cua đồng quê tôi mới có thể giúp đổi thay những mảnh đời khốn khó.

Món cua đồng ngày nay có lẽ để cho những người nơi phố thị sau khi đã ngán ngẩm những món đặc sản trên rừng, dưới biển lại quay về món dân dã, chân quê nhưng không kém phần bổ dưỡng. Chiều nay bưng bát bún riêu cua thơm phức, bốc khói mà thấy dường như trong đó có bóng dáng của những người thân yêu đang vất vả trên đồng.

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua.

Long Vĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét