Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Tôi viết: CHÌA KHOÁ THÀNH CÔNG CỦA MÔ HÌNH BÁC SĨ GIA ĐÌNH

Vài dòng về tác giả: Tôi là BS Chuyên khoa I Y học Gia đình từ Đại học Y Dược TPHCM, đã tham gia chương trình Bác sĩ Gia đình (BSGĐ) của Sở Y tế TPHCM từ 2006. Tôi cũng là một trong những người đầu tiên tham gia phòng khám BSGĐ đầu tiên của TPHCM tại BV Bình Tân để triển khai và giảng dạy mô hình này. Xin có vài dòng chia sẻ.

Hơn chục ngày nay, mô hình BSGĐ được truyền thông nhắc tới từ chuyến thăm BS Trần Đông A, một chuyên gia y tế hàng đầu tại TPHCM hiện nay, của tân Bí thư TPHCM, Ông Đinh La Thăng. Sáng nay, ngày 4 tháng 3, hội nghị triển khai nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM. 

Trong hội nghị này, tân Bí thư cũng kỳ vọng mô hình BSGĐ là một giải pháp quan trọng góp phần giảm tải y tế cho thành phố. Ông Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh các chỉ tiêu đề ra trong hội nghị còn chung chung như "đến hết 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai phòng khám BSGĐ". Ông muốn cụ thể hơn như là "sẽ có bao nhiêu phần trăm dân cư tham gia (mô hình BSGĐ) để góp phần giảm tải bệnh viện?". 

Để trả lời câu hỏi này cần có bước đột phá về tư duy từ lãnh đạo, bộ máy nhà nước, người dân, truyền thông, cơ sở đào tạo, nhân viên y tế...

Sau 4 năm triển khai tại TPHCM, những thành công bước đầu của mô hình BSGĐ tại Quận 2, Quận 10, Quận Tân Phú, Quận Bình Tân... đã giúp định hình một "công thức" thành công. Đó là, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, sự quan tâm đầu tư của cấp lãnh đạo...Bác sĩ trực tiếp khám điều trị cho bệnh nhân là yếu tố then chốt để giữ chân bệnh nhân ở lại phòng khám. Điểm qua các cơ sở này, chúng ta dễ dàng nhận thấy, nhân sự ở đây được bổ sung từ các trường Đại học Y đến hỗ trợ đã tạo niềm tin vững chắc ở bệnh nhân, đảm bảo được nguyên tắc "chăm sóc liên tục" trong nguyên lý Y học Gia đình. Sự gắn kết trong mối quan hệ bệnh nhân- bác sĩ góp phần giúp bệnh nhân bỏ phòng khám vượt tuyến. Điều này còn góp phần tăng sự hài lòng của bệnh nhân đối với cơ sở y tế.

Tại các nước đã có mô hình Bác sĩ Gia đình phát triển thì việc đào tạo và đào tạo lại với chương trình rõ ràng, thi cử minh bạch, tuyển dụng công khai ...đã góp phần làm cho bác sĩ phụ trách BSGĐ tại khu vực có chất lượng ổn định, nhận được sự tin tưởng của người bệnh.

Chính sách Bào hiểm y tế áp dụng như hiện tại còn nhiều bất cập nhưng bước đầu đã có sự hỗ trợ cần thiết cho khám chữa bệnh ban đầu, trong đó có BSGĐ. Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đào tạo được hàng trăm học viên chuyên khoa, sơ bộ chuyên khoa Y học Gia đình nhưng số thực tế có chứng chỉ hành nghề đang đếm trên đầu ngón tay và số phòng khám BSGĐ cũng lèo tèo như thế. Thêm vào đó, quy định phải "có 36 tháng hành nghề" và "thời gian cấp phép là 90" ngày đã là một rào cản không nhỏ cho việc phát triển mô hình này.

Cho nên, để có được 35% Bác sĩ là BSGĐ có chất lượng chuyên môn cao tham gia vào hệ thống y tế, như câu hỏi của Bí thư Thành uỷ TPHCM- Ông Đinh La Thăng, thì cần thiết tiếp tục xây dựng và củng cố chương trình đào tạo sát hợp tình hình bệnh tật trên từng khu vực; liên tục cập nhật thêm kiến thức về tâm lý lâm sàng để xây dựng tốt mối quan hệ bệnh nhân bác sĩ, sơ cấp cứu ban đầu để can thiệp hoặc chuyển viện kịp thời; có chính sách khuyến khích thu hút đào tạo; sửa đổi rút ngắn quy trình cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề khi các Bác sĩ có đủ điều kiện...để từng BSGĐ có thể nhanh chóng đảm đương được công việc của mình, tạo lòng tin ở người bệnh, góp phần tích cực trong giảm tải bệnh viện như hiện nay.

Chúng ta đã có nhiều bài học nhãn tiền của mô hình Trạm Y tế và nhiều phòng khám, thậm chí nhiều bệnh viện hoạt động không hiệu quả do vấn đề nhân sự. 

Phòng khám, bệnh viện rất dễ xây, phòng khám BSGĐ cũng vậy. Nhưng để các phòng khám hoạt động hiệu quả thì then chốt là vấn đề nhân sự phụ trách tại đó mới là điều quyết định mang tính sống còn. 

Đoàn Nhật Trung
BSCK Y học Gia đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét