Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Thương lắm những cây Gòn

Miền Tây quê tôi đâu đâu cũng có dáng của những cây Gòn. Gòn mọc ở hàng rào, Gòn hiện diện đâu đó xen lẫn giữa những vườn cây trái.

Tuổi thơ tôi có rất nhiều kỉ niệm đẹp với cây Gòn. Chúng tôi thường hái thật nhiều lá Gòn non vò với nước tạo thành thứ dịch sền sệt để thổi bong bóng. Bong bóng từ lá Gòn cũng đâu thua kém gì bong bóng xà phòng. Rồi đến mùa trái Gòn khô, nứt ra khoe những chùm bông trắng muốt, lũ trẻ chúng tôi lại được mẹ giao nhiệm vụ tìm hái trái đem về để mẹ lấy ruột bên trong làm gối nằm. Những cơn gió mạnh làm bông Gòn bay tung toé khắp vườn, tôi thích mê và cùng tụi bạn hò reo “cảnh tiên, cảnh tiên!”

Gòn còn ban tặng cho người dân quê một đặc sản ngọt lành: mủ Gòn. Thật là tuyệt vời nếu giữa những ngày Hè oi bức mà được thưởng thức một ly mủ Gòn ướp đá nhuyễn cho thêm một ít đường cát, ngon bá chấy bồ chét luôn á. Kakaka

Gỗ Gòn không dùng làm củi đốt và cũng không thể dùng làm cột cất nhà vì độ bền kém. Song bù lại thân Gòn dùng để bắt cầu vì Gòn có đặc tính là chỉ cần tiếp xúc với đất là lại đâm chồi nảy lộc. Có lẽ vì thế mà Gòn dùng để làm cầu khỉ, cầu tỏm không bao giờ bị mục, ở hai đầu cây cầu còn mọc lên những đọt non nho nhỏ nữa.

Lá Gòn còn là nguyên liệu để xay thành bột sử dụng trong nghề làm nhang. Ngày xưa, ngoại tôi sống bằng nghề nhang nên hai bà cháu thường đi hái lá Gòn về phơi khô rồi chở ra nhà máy cho người ta xay thành bột. Và từ thứ bột ấy ngoại tạo thành những cây nhang đem bán. 
Cây Gòn đã trở thành hình ảnh thân thuộc của người dân miền Tây Nam Bộ. Gòn hiện diện trong đời sống hằng ngày. Có lẽ vì thế mà cây Gòn còn được dùng để đặt tên cho những quán ăn vùng quê như: quán Cây Gòn, quán Hàng Gòn… Cảm ơn cây Gòn đã dành tặng cho tôi những ký ức tuổi thơ tươi đẹp và những bài học ân tình sâu đậm. Thương lắm! Những cây Gòn…

1 nhận xét: