Đây là bài viết thể hiện trải nghiệm cá nhân của tác giả, trong bối cảnh về địa lý có thể có sự khác biệt dù cùng nằm trên cùng dòng sông Cửu Long.
Đoàn Nhật Trung
Sông Cửu Long đoạn An Giang- Cần Thơ có hai mùa nước chính: mùa nước kiệt và mùa lũ. Mùa nước kiệt từ khoảng cuối tháng Mười một âm lịch đến hết tháng Năm năm sau, nước kiệt nặng nhất khoảng giữa tháng Hai đến cuối tháng Ba. Mùa lũ là nửa năm còn lại, đỉnh lũ khoảng rằm tháng Tám đến đầu tháng Mười. Còn mùa nước đổ là đầu lũ và mùa cá ra là cuối lũ.
Mùa nước đổ: Thường vào tháng Bảy âm lịch, những cơn mưa đã dày làm nước thượng nguồn đổ về sông Mekong đỏ quạch. Có người gọi lúc này là nước xoay hay nước quay hoặc nước đổ. Lúc này, nước sông Cửu Long chì "đổ" một chiều về phía biển dù nước lớn hay ròng. Bình thường, những con sông nhánh sẽ có nước "chảy vô" khi lớn và "chảy ra" khi ròng; khoảng giữa hai con nước lại có nước đứng. Khi nước đổ, trong những ngày nước rong, nước đứng chỉ khựng khựng một ít rồi tiếp tục chảy vô. Khi đó, vụ hè thu lúa đang thì con gái hớn hở đón dòng nước mang đầy phù sa để làm đòng. Có năm, nước đổ về nhanh, đỉnh lũ cao sớm, lúa cắt không kịp, thiệt hại không ít nhưng chỉ thỉnh thoảng vài năm mới có một lần như thế. Nước đổ thì chẳng có gì nhiều để nói ngoài chuyện cắt lúa, bao bồ trữ lúa, nâng nhà, be bờ, đắp đê chuẩn bị đón lũ. Vài người kỹ tính còn chuẩn bị sẵn mấy tube thuốc chống...nước ăn chân. Tất cả náo nức chờ nước giựt, đón mùa cá ra.
Mùa cá ra: thường quanh quẩn trong tháng Mười và chính vụ là khoảng mồng Sáu đến Mười một tháng Mười. Lúc này nước trong các cánh đồng bắt đầu cạn. Phèn dậy, con cá bị cay mắt nên ùn ùn đổ ra sông tìm nước ngọt. Cá ra đủ loại, đũ cỡ. Dưới sông xuồng ghe tấp nập. Người bắt cá, kẻ thu mua rộn rã. Tiếng gọi ý ới hỏi thăm nhau thu hoạch khá không hay báo cho nhau cá đang ra tập trung cứ ồn ả từng khúc sông. Già, trẻ, lớn, bé với đủ loại phương tiện đi lại và đủ kiểu bắt cá. Từ xuồng, bè, mảng ai có gì dùng nấy. Mấy năm nay, các kho đông lạnh thải ra các miếng xốp giữ nhiệt rẻ bèo, người ta mua về cắt ra tầm tầm, quẳng xuống nước là có ngay mội cái mảng có thể đứng trên đó quăng chài, thả lưới, giăng câu...Đám trẻ thì ngồi trên các bè cá mà câu. Người ít tiền thì làm dớn, làm vó, làm chà rào, đặt lọp, kéo bò, đặt bôn, chài. Người có tiền thì sắm câu lỡ, lưới giăng, lưới đăng mé, lưới thả, cất đống chà, chài rê, đóng đáy, sắm ghe cào. Năng suất thu hoạch cũng "tương ứng với mức đầu tư". Lũ nhiều hay ít, mùa cá ra cũng có thay đổi. Nếu nước nhiều, khi cá ra sẽ ra nhiều đợt và số lượng nhiều, đa dạng. Nhiều nhất là đám "cá trắng" như cá linh, cá dảnh, cá mè dinh, cá he, cá ét, cá mè hôi. Kế đến là tôm càng, cá bống tượng, cá hô đất, cá ngựa, cá chài, cá leo, cá lăng, cá chốt, cá ngát, cá cóc...Mấy năm nay lại có thêm ông cá lau kiếng. Cái thứ này không biết ở đâu ra mà "quá trời quá đất". Có đống chà dỡ lên được 300kg cá tôm thì hết....phân nửa là cá lau kiếng. Có người bảo, "nước lạ" họ thả để phá môi trường sống của con cá vùng Mekong, nhưng điều này không ai kiểm chứng được. Nói chung, mùa cá ra là mùa dân sông nước ăn cá "thả giàn", muốn ăn thứ gì cũng có.
Sông Cửu Long bao đời nay vẫn điều hòa, nhu thuận như vậy, Ai sợ lũ chứ người vùng Mekong không sợ mà còn mừng. Lũ về mang phù sa cho vụ hè thu, lũ đi để lại lớp bùn đầy dưỡng chất cho vụ đông xuân. Lũ càng lớn lúa càng trúng, cá càng nhiều, càng nhiều người nông dân đổi đời.
Lũ năm nay kém, cá linh 50.000đ/kg có khi lên 100.000đ/kg. Con cá "rẻ sình", chuyên để ủ nước mắm, giờ có ngày còn mắc hơn cá lăng, cá ngát. Nước ít, kiếm con cá ăn quá khó; lũ kém lúa lại thất. Người dân quê tôi giờ sắp khổ tới nơi rồi. Người ta bảo tại mấy con đập thủy điện ở "nước ngoài" nên sông Mekong chỗ tôi giờ nó như thế. Chuyện này thì ai cũng biết nhưng không ai biết làm sao để lũ lại còn về, còn mùa nước đổ để rốt ráo chuẩn bị đón mùa cá ra nhộn nhịp của những ngày...cách nay chưa xưa lắm.
Đoàn Nhật Trung
mùa lũ quê tui
Trả lờiXóaHọc đàn guitar cơ bản