Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Lưới cá mè vinh

Bây giờ đã đầu tháng 12, qua thời điểm cá rộ hơn tháng mà mùi con cá mè vinh chiên tươi chấm tương hột xào hành vẫn còn phảng phất. Ngoài chợ vẫn còn bán lai rai nhưng thời điểm "ăn ngán thôi" đã vừa qua rồi. Mùa nước giựt có nhiều cách bắt cá mè vinh nhưng giăng lưới hoặc thả lưới là những cách bắt cá hấp dẫn và hồi hộp.

Từ khoảng đầu tháng chín, xuồng trét dầu chai xong bắt đầu ngâm xuống nước là lúc xóm lưới rộn rịp. Cả xóm đan lưới già trẻ, lớn bé tay đều cầm ghim đan thăn thoắt cho kịp hàng đón cá. Tay trái cầm cỡ (ni), tay phải "múa" không cần nhìn. Thỉnh thoảng, họ dừng lại chằn mặt lưới cho ngay hoặc tuốt lưới khỏi cỡ để bắt đầu hàng đan mới.

Lưới dầy cho giăng đồng khoảng 4 phân (4cm) đổ lại dùng bắt cá nhỏ mới lên đồng như mè vinh lứa, cá rô, cá trê, cá lăng, cá lóc. Lưới thưa 5- 8 phân để giăng hoặc thả đón cá lớn khi nước giựt. Lưới có thể đặt bắt viền sẵn hay mua ký về tự tay khách bắt viền. Đây là một công đoạn mất thời gian và đòi hỏi có kinh nghiệm. Lưới phải chùng vừa đủ để gói cá khi vùng vẫy cũng như không hao lưới. Thường lưới làm sẵn thì khách khải mất công nhưng vì lợi nhuận, những người làm lưới thường bắt viền căng, cá dễ dội lưới hay đâm bể mặt lưới làm cá chạy luôn. Vì thế, người ta thường mua lưới dầy bắt viền sẵn và mua lưới ký loại lưới thưa để tự tay bắt viền cho ưng ý, không sợ vuột cá.

Lưới ký mua về phải xỏ từng mặt theo hai viền bằng hai thanh tre già, chuốt nhỏ như chiếc đũa bếp mỗi thanh có cột một sợi dây dù chắc chắn ỏ một đầu để chuẩn bị dằn lưới. Sau khi luồn hai viền xong mà không để sót mặt lưới nào dù lưới có dài hàng trăm mét, đầu còn lại của sợi dây dù nào sẽ khóa đầu thanh luồn đó tạo thành một cái quai giống như quay võng. Tùy theo dạo cỡ nào mà người ta treo một quai dây dù lên cao vào một chỗ chắc chắn như xà nhà hay cành cây đâm ngang trong sân, quai còn lại ở dưới sao cho cách mặt đất chừng 1 mét. Đầu dưới được treo một vật nặng tối đa có thể nhưng không làm dứt toàn bộ các mặt lưới. Ví dụ với 100 mét lưới đo theo chiều dài mới đan, sau khi luồn viền sẽ dằn khoảng 15 đến 20 kg ở thanh luồn viền dưới. Sau khi treo dằn chắc chắn, người ta lấy nước sôi pha khoảng còn 80 độ trong một ấm lớn bắt thang treo lên cao và xối nước này từ đầu trên chảy dọc xuống đầu dưới. Nước chảy đến đâu, lưới giãn bựt bựt ra tới đó. Có thể nước nóng sẽ được đổ thêm vài lần và người ta có thể dùng tay hay dùng thanh tre nhẵn cạnh vuốt lên xuống theo chiều lưới treo. Lưới thường được đan theo bề dạo (chiều sâu) và cứ đan tới nên mặt lưới chỉ được xiết chặt theo chiều dài. Dằn lưới giúp mặt lưới được xiết chặt theo chiều đứng của dạo lưới làm mặt lưới đều đặn, chắc chắn và không bị chạy mặt.(Chạy mặt là một nút thắt lưới nào đó không chặt, chạy tuột đi làm mặt lưới không còn giữ đúng hình thoi vốn có).

Sau một đêm dằn, lưới có thể giãn ra so với trước khi xối nước nóng từ 3 đến 6 tấc. Lưới được tháo neo hạ xuống. Mặt lưới đều ro, khi buông ra lưới nằm đâu vẫn nằm đó. Tới lúc này hai dây viền trên dưới được luồn theo thanh luồn và gạt toàn bộ lưới từ thanh luồn sang dây viền. Chiều dài dây viền chính là chiều dài lưới thực tế và khoảng hơn phân nửa chiều dài lưới ký mới mua về.

Viền trên hay viền dưới đều là một cặp dây, dây sống và dây chết, hai dây này tương đương nhau và bằng chiều dài của lưới. Dây chết là dây luồn hết các mặt lưới viền. Dây sống là dây tạo gút với dây chết và không luồn vào mặt lưới nào. Công việc bắt viền xuất phát từ một đầu bằng một cây ghim dài bằng tre. Đó là một thanh tre dẹt rộng chừng hai ngón tay được chuốt mỏng còn khoảng 5-6 ly (mm), cắt hình chữ V hai đầu và cuộn hết  dây sống của viền vào cái ghim đó. Thường lưới thưa bắt viền nhanh vì ghim cũng là khoảng cách từ gút này sang gút kia của viền mà mỗi gút viền dưới là điểm gắn chì và vài gút viền trên là điểm cột phao.

Nếu muốn bắt cá to thì dùng lưới 7- 8 phân, bắt cá nhỏ thì 5 phân, thường người ta dùng lưới 6 - 6 phân rưỡi. Như lưới 6 phân, khoảng cách gút thường là 4 tấc với 14 mặt lưới. Nếu là lưới thả, viền trên có thể không cần gắn phao mà chỉ dằn chì viền dưới; lưới giăng thì khoảng 3-4 gút là gắn một phao nhựa, viền dưới dằn chì. Chì viền dưới có thể dùng chì lá cuốn rồi bóp hai đầu lại nhưng kiểu này lưới dễ vướng đầu chì gây rách lưới. Người ta có thể lấy chì khoen của cái chài chặt ra rồi bóp vào mỗi gút. Hai đầu lưới dùng chì nặng hơn bằng 3 tấc dây chì gai đơn, cuốn tròn rồi luồn một đoạn ống nước biển để khép hai đầu chì gai lại tạo thành một cái vòng chì dằn đầu lưới.

Lưới làm xong, người ta thường chọn ngày và con nước để giăng hay thả lấy hên. Ngày mồng 4 hoặc mồng Năm tháng Mười âm lịch hay được chọn nhất vì lúc này con cá trong đồng rục rịch ra sông nên dễ dính lưới và cũng bắt đầu vào mùa thu hoạch cá. Nếu chậm hơn thì ...hơi tiếc vì có năm con cá ra sớm.

Lưới giăng là dành cho dân làm biếng, ít tiền, không có xuồng hoặc ... sợ ra nắng. Giăng lưới chỉ cần hai cây sào dài hoặc hai cặp phao và neo ở hai đầu lưới và tay lưới chỉ cần 6- 10 mét và ...khúc chuối cây để ôm lội giăng lưới là đủ. Phao thì dùng bất cứ thứ gì có thể nổi lên mặt nước để treo lưới được như mút xốp, thùng nhựa vặn nắp, dừa điếc...Lưới thường giăng ở đầu các đống chà, cặp các bụi cây sống dưới nước như đám lục bình, đám nga, đám dứa dại, cây gừa mọc chồm ra sông ...tùy theo chiều nước chảy sao cho lưới khỏi tấp vào, mắc gốc. Giăng lưới xong có thể bỏ đi chơi hoặc làm chuyện khác khỏi cần đi theo tay lưới làm gì cho mệt nhưng năng suất lưới giăng thấp, đôi khi mắt gốc phải lặn gỡ, cá dính lâu bị chết và thiệt thòi nhất là không có cảm giác "cá đâm lưới trong tay" của lưới thả.

Lưới thả không có phao viền mà chỉ có phao treo. Phao treo cũng đơn giản bằng mút hay thùng nhựa 2 lít vặn nắp mà lý tưởng nhất là chai nước biển bằng nhựa. Mỗi phao treo cách nhau khoảng 8 - 10 mét. Chỗ sông quê tôi thì tay lưới thả dài khoảng 60- 80 mét.

(Còn tiếp)


Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Chuyện những con trắm hồ Chín Súng

Đã hơn một năm, lần đi hồ Chín Súng trước, tớ có dịp chứng kiến trắm khủng, tận tay bắt một em nhỏ và bó tay trước một "trắm cụ".

Con cá trắm bắt được, khi cân lên là 3,7kg (dù nhỏ nhưng tôi sẽ lục tìm hình gửi anh em sau). Vị trí câu là đường dọc chòi lá sau nhà, chỗ rãnh cỏ cặp cây bần và mớ dừa nước, bên trái đi vô, gần của xả ra rạch. Mồi câu là bánh mì ngọt Đức Phát (ABC) loại 6 múi. Câu phao mút, chì nhẹ, một lưỡi đúc số 14, dây 24. Quăng cần đúng đường hẻm cỏ, so dây, gát cần ngồi lai rai. Uống được khoảng 3-4 vòng, phao lừ đừ chìm rồi thình lình dây rút, cần ben. Ngoài kia con cá nhảy dựng lên. Biết là "bạn mình" nên sau khi "đóng", tôi rất cẩn thận dìu. Nó cứ miết miết đi, ổ câu cứ xả rẹt rẹt. Chừng 5-7 phút, ông tui tới gần bờ, lật ngang. Con cá tuy không lớn nhưng hồ bán hoang dã như Chín Súng mà chộp cổ được anh này cũng "hơi bị sướng".

Câu thêm gần hai tiếng, chỉ được thêm mấy con rô phi cỡ bàn tay. Biết chắc còn "hàng" nên tôi bỏ mặc đám nhậu, cầm cần dạo dạo sang mấy hồ kia. Một bác ngồi chỗ chòi lá, bên phải chỗ đậu xe, trong giỏ cũng 6-7 em trắm cỡ cườm tay. Tôi càn bờ lủi bụi lên cống xi măng đối diện bác ngồi câu trắm, sang cái hồ nhỏ đầy rau muống gần phía mới đi vô hồ. Chỗ này ít ai lên vì cỏ, kiến vàng, lá dừa nước lủ khủ. Trời mới tắt nắng. Đang đứng quan sát tìm điểm, tôi thấy bụi lác cơm cặp bờ cách miệng cống chưa đầy 3 mét tự nhiên rung rung nhớm lên rồi như có ai đang kéo rút từ từ xuống. Sau đó năm bảy cây lác trong bụi đó phình lên mặt nước và tất cả đều bị tiện ngang phần lõi non màu trắng. Một bụi lác nữa đang ngọ nguậy. Tôi nín thở bước nhẹ tới miệng cống. Trời ơi! Một vệt trắng phếu như cái gối ôm nhỏ đang ẩn hiện dưới mặt nước chỉ khoảng 5- 6 tấc. Đúng là trắm rồi. Con này lớn lắm, không biết mấy ký nhưng so với em tôi vừa câu chắc dài gấp đôi. Chỉnh phao, móc mồi, tôi hồi hộp thảy câu vào cái lỗ ngay phía đầu con trắm. Kỳ lạ, nó như không quan tâm cứ tiếp tục loay hoay nhổ lác. Tôi tứ tốc trở ra mé đường cách đó chừng 50 mét bẻ mấy lá khoai mì của ông chín trồng, tiện tay xuống mé nhổ luôn một bụi lác nhỏ. Trở lại chỗ cũ, con cá đã đi ra gần tới hồ. Tôi móc một đoạn non lác cơm thảy theo. Rau muống chằng chịt, miếng mồi chật vật mới xuống được đúng chỗ. Con cá vẫn làm ngơ, mải miết quanh mấy gốc lác cặp bờ chẳng đoái hoài đến cọng lác cơm "hóa trang kiểu Úc" của mình. Tôi thay lá khoai mì vô, liệng xuống ngay mặt. Cụ trắm vẫn không thèm ngó. Rồi thay đõi lác, theo tiếp. Con cá cứ vẹt cỏ, nhởn nhơ đi ra lòng hồ. Trời tối, muỗi nhiều, con cá có vẻ no. Tôi đành bất lực nhìn theo.

Mấy ngày sau, tôi trở lại, đi quanh quẩn hồ đó nhưng vẫn không thấy tăm hơi nó. Xả mẻ, ngồi chờ miết cũng không thấy có dấu hiệu gì. Thêm hai ngày nữa, nó cũng bặt tăm. Hồ có chòi lá bên, cạnh mấy anh em ngồi câu hôm nào cũng được mớ trắm cửng nhưng chưa ai lên được hàng ba. Tôi biết nó còn đâu đó quanh mấy lạch dừa nước, dưới đám rau muống mà tìm hoài không biết nó núp chỗ nào. Hệ thống hồ Chín Súng cứ luồn tuôn ra mãi tận mấy hồ vĩ đại phía sau. Tôi phán đoán có lẽ nó đi theo bờ dừa nước, ngược lên phía trên, chỗ chưa có anh em nào tới được vì không có đường đi.

Tôi nổi nóng con cá này đến nỗi bữa đó có mang theo thấu, tôi dám uốn thẳng lại làm chĩa và "chọt vô cổ cúp" của nó để ôm lên. Cái thứ nằm lật nghiêng nghiêng, to đùng, phơi bụng kiểu đó mà đâm không xuyên hầu, trổ mang thì đừng kể. Nghĩ cái hồ cho câu rẻ bèo như vầy làm gì có thứ dữ? Tôi đi chẳng qua vì mấy đứa trong nhà rủ xuống cho tụi nó câu cá lòng tong lăn bột chiên rồi kêu thêm mồi nhậu nên tôi chỉ mang theo cây cần và tòn teng chiếc túi vải nhỏ đựng mấy thứ cần thiết, đồ nghề bỏ hết ở nhà. Mà giờ nghĩ lại, mình dân câu chớ đâu phải dân soi cá đâu mà làm vậy thì còn gì thể thống nữa. Nhưng nếu có thấu, chắc tôi làm thiệt! Con trắm này thật bạo gan quá cỡ!

Đoàn Nhật Trung

Câu cá mè "dinh"(*)

Cá mè dinh có nhiều cách bắt như giăng lưới, thả lưới, dỡ chà. Nhưng "đã tay" nhất là câu cá mè dinh trong đống chà.

Từ khi bắt đầu nước đổ già ngọn cuối tháng Bảy đầu tháng Tám âm lịch, đám cá mè dinh lứa được đẻ hồi đầu mưa giờ bắt đầu dựa chà, chuẩn bị lên đồng. Đám cá này chỉ cần hai tháng hơn vô đồng đã đạt trọng lượng nửa ký đến 1 ký hơn khi nước giựt. Sau mùa cá ra, con mè dinh nào vượt ngục, thoát ải được sẽ chu du dọc sông Cửu Long và lớn lên. Thêm một mớ bị dính lưới, mắc đáy, kẹt chà, trự nào còn thoát được sẽ sống sót và tìm chỗ chà chôm mà kết duyên nhau khoảng cuối tháng Ba âm lịch và sinh con đẻ cái. Chu trình cứ thế mà tiếp tục từ bao đời nay. Và người ở vùng Sông Hậu cũng "canh me" câu con cá này vào thời điểm chúng dựa chà.

Con cá mè dinh tháng Bảy đang cỡ 3-4 ngón tay xíu xiu nhưng được cái chiên thì giòn, câu thì dễ. Lũ nhóc tì đang tuổi ăn tuổi lớn này bạ gì xơi nấy. Nhưng theo một tập tính lâu đời, hạt lúa ngậm sữa là món khoái khẩu mà con cá này ăn cho tới bến. Chính vì thế, người muốn câu con cá mè dinh lứa chỉ cần ra đồng, tìm những bụi lúa hạt còn xanh nhưng đã tròn lẳn, bóp vào có cảm giác núng nính, cắn nhẹ hạt lúa thấy chảy ra dịch đục như sữa là ...cắt liền vài bụi. Mớ lúa này về tuốt hết lá, chỉ chừa cuống hạt bó lại chừng một ốp bàn tay và một vài nhành lúa đạt chuẩn để riêng. Bó lúa được cột chặt vào một cái sào trúc chừng ba mét, đặt lên trên mặt đống chà sao cho bông lúa chìm hết vào nước rồi người câu lên bờ ngồi chờ. Khi con nước sựng lại, nhìn đuôi bó lúa cứ bị giật giật liên hồi kỳ trận là người câu nhanh chóng xuống xuồng ra chà thu hoạch cá.

Xuồng buột thật êm; cần trúc ba bốn mét với dây câu vừa tầm; Lưỡi câu chỉ cỡ lưỡi cá rô số hai, to hơn hạt lúa một chút hay lưỡi đúc số 18.;Phao chì không cần thiết. Lưỡi câu móc một chút trên "mầu" của hột lúa ngậm sữa, xoay lưỡi câu thẳng hàng với hột lúa và nhẹ nhàng buông xuống "cái đám hát bội" ngoài kia sâu độ hai ba tấc. Nước đứng dây đi, nước lùa dây đứng là giật. Gỡ cá rồi móc mồi, sửa mồi, thả xuống, nhìn dây và giật. Cứ thế, người câu phải thao tác nhanh vì qua con nước khó câu hay cá rỉa hết trơn mồi dụ nên tản bầy. Một con nước qua thì lại chờ con nước tới để câu tiếp. Thông thường mỗi con nước như vậy có thể kiếm khoảng trên dưới hai mươi em, đủ ăn hay nhậu rồi. Đám nhỏ này câu mỏi tay, rung người lắm nhưng giật cảm giác "phê" phải là con cá đẻ.

Câu cá mè dinh đẻ thường vào tháng Tư âm lịch hằng năm. Sau chuyến đi thăng trầm từ mùa nước giựt trước, đến nay, các cu cậu đã trưởng thành, bén duyên nhau và tán tỉnh nhau trong các đống chà chờ mưa xuống.

Cách câu vẫn là câu bằng xuồng, có mồi dụ và cầu câu không chì phao nhưng dây lưỡi phải "dữ" hơn và cần phải đem theo nhiều lưỡi dự phòng. Lưỡi câu chọn lưỡi đúc khoảng 13-14 với dây tương thích. Mồi dụ bây giờ là xà lách hoặc dây cứt quạ. Không ai dùng ngò rí vì ...quá sang và không biết bao nhiêu cho đủ; Xà lách đã quá đáng lắm rồi. Xà lách chọn mua loại thân nhỏ lá láng, có chút sâu, dập cho rẻ. Thường nhất là dùng dây cứt quạ cho nhạy và không tốn tiền.

Dây cứt quạ là một thứ dây leo mọc hoang, bò trên đầu các đám cỏ, sậy. Đây là loại dây lá có ba chia, mặt lá nhám, hoa có màu trắng tinh, trái có nhiều cạnh như mướp khía nhưng chỉ bằng ngón tay và ngắn. Khi chín, trái có màu đỏ cam đến đỏ máu rất bắt mắt và lũ chim trau trảu rất khoái. Muốn hái dây cứt quạ phải là người quen nhìn hay đi vào lúc mặt trời chưa lên vì khi đó, màu trắng của hoa nhìn xa đã thấy. Chỉ cần mặt trời lên khỏi ngọn cây một chút là hoa sẽ tàn ngay. Cá mè dinh mà gặp dây này "như lân thấy pháo", sẽ nhào lên đớp ngay mặc dù lá cứt quạ đắng không thể tưởng.

Mồi dụ cũng buột thành chùm nhử cá trước. Khi thấy đám mồi dụ bị giật giật là người câu cũng chuẩn bị ra tay. Trên xuồng bây giờ còn có thêm cái vợt sâu lòng, cán chừng sáu tấc có đóng sẳn cái nỏ để uốn lưỡi bị "quác" và một cây dò để gỡ lưỡi câu khi mắc chà. Cây dò có chiều dài tương đương cần câu nhưng to hơn một chút, trên đầu có gắn một đoạn lò xo khoảng 3 đến 4 vòng (giống như dụng cụ tháo lưỡi câu khi cá nuốt lưỡi sâu). Khi cá sảy, lưỡi câu thường bật lên mắc chà, người ta sẽ luồn dây câu vào lòng lò xo, nắm dây và đẩy cán dò trượt xuống đến khi đầu dò bị cản lại. Bằng cảm nhận, người câu sẽ lắt và đẩy nhẹ để gỡ "lưỡi câu mắc gốc" bên dưới lên một cách nhẹ nhàng, không làm cá hoảng sợ tan bầy.

Câu cá mè dinh đẻ cần một sự tinh tế hơn câu đám "cá mè một lứa" kia. Mồi phải là một phiến lá non vừa đủ hớp hoặc xé từ một phần lá non  ra sao cho thật giống một mảnh lá bị rỉa văng ra từ chùm mồi dụ. Lưỡi câu phải tóm đẹp, sát rạt, cắt thật gọn dây tóm thừa. Lưỡi câu móc mồi lá phải không làm lá giập mà chỉ xoay lá và luồn lưỡi vào. Thả mồi cặp sát mồi dụ độ sâu khoảng hai ba tấc. Cũng giật cá khi "nước đứng dây đi, nước lùa dây đứng".

Phiến lá được thả trên đầu nước, trôi phê phê lững lờ ngang mồi dụ rồi trôi dần xuống cuối nước khoảng năm sáu tấc tùy khoảng chà cho phép và cứ lặp lại như thế. Nước đứng thì thả mồi sát bên chỗ con cá rỉa mồi dụ. Người câu chong mắt căng người nhìn sợi dây mỏng tang chờ nó ngừng lại hay đi ngược nước lên là "phập một phát". Đọt cần câu oằn đi và "liệt liệt xuống". Người cầm cần sướng tê, nín thở để kềm sức chạy của con cá. Chà ở dưới rất nhiều nhưng do câu một lưỡi, con cá dính cứ luồn lách, người câu cứ chịu và căng giãn theo nhịp sức cá mà dìu. Có con va vào chà lộc cộc nhưng dần yếu sức và lên theo đường đã đi xuống rồi "ngã ngang", nhóc mỏ. Lúc này chỉ cần "rề" nhẹ vô gần be xuồng và cầm vợt xúc cá lên. Xuồng thường đậu mé ngoài chà, phía ngọn nên kéo cần là cá đi theo xuôi chiều chà. Xui lắm, con cá mới bị mắc vào kẹt chà và người câu bắt buột phải đẩy xuồng vào, thò tay gỡ cá ra rồi "bợ" lên luôn hay lấy vợt hứng rồi ...ngồi chờ thời. Con nước mùa tháng Tư cũng "lình bình" ít khi chảy xiết nên một lát sau cá tụ lại, người câu có thể câu tiếp cho tới tối. Mà nghiệt ngã, càng tối, con cá đẻ càng ăn dạn. Đôi khi lúc này không thấy dây, chỉ cần thả mồi đúng chỗ rồi giật quàng xiên cũng dính cá!

Con cá đẻ thường "to biết hát". Một buổi có thể kiếm năm bảy con, mỗi con cả ký lô, bèo nhất cũng tám chín lạng. Năm rồi, đống chà cặp Sông Hậu, Anh Hai tôi bị một em làm lưỡi câu đúc 14 "ngay đơ". Hai hôm sau, cũng đám chà đó, khi dây câu se se khựng nước, tôi vỗ một cái, trên lưỡi câu chỉ tòn teng một miếng vảy to bằng đồng 1 đồng nhôm thời năm tám mấy. Không biết "con quỷ" này bao lớn mà nói!

Con cá mè dinh câu về có thể rộng lại dưới sông hoặc làm thịt ngay. Nếu nướng hay chiên tươi (người Sài Gòn gọi là chiên xù) thì chỉ cần móc lấy mật. Nếu cá ngợp hay chết thì có thể đánh vảy, xẻ khứa và muối để chiên ăn dần. Món chiên tươi là hết chê vì vảy vi con cá vàng ruộm, giòn tan, béo ngậy mà thịt ngọt mềm. Con cá nướng thì "thơm phưng phứt".  Nhưng tôi khoái nhứt là món cá mè lứa dinh kho lạt, để vẩy ăn với rau ghém và cơm nóng. Cá mè dinh kho lạt mổ bụng giống chiên tươi. Lót cùi khóm (thơm) hay mía lau chẻ tư xuống đáy nồi. Cá ướp gia vị cho thấm rồi xếp vào nồi, đổ nước mắm xâm xấp, đun lửa nhỏ, vớt bọt liên tục và trở cá cho chín đều. Bỏ thêm vài lát thơm, ớt quả, nêm nếm lại đợi sôi lên rồi tắt lửa, nhấc xuống. Cơm nóng, dưa leo, rau xanh và đặt biệt là một dĩa chanh tươi cắt sẳn với một dĩa nước mắm sống thật nhiều ớt thì còn gì bằng.

Mấy hôm nay, ra chợ thấy mấy con cá mè dinh nhảy soi sói mà nhớ con cá quê mình. lũ năm nay ít quá, cá cũng ít theo. Không biết tháng Tư năm nay có về câu được con mè dinh đẻ nào nữa không?

Chú thích:
(*) Cá mè dinh: Cá mè vinh, cá trà vinh theo cách nói của người miền Tây. Tác giả sử dụng toàn bài theo cách gọi này.
Đoàn Nhật Trung

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Cuộc chiến giữa chủ hồ và người câu cá.

ĐNT
Nhân đọc bài này trên Việt Báo, thấy bài viết còn nhiều phiến diện, phản ánh chỉ một phần quá nhỏ. Dù kinh nghiêm câu kéo cũng chưa chắc hơn ai nhưng từ trải nghiệm bản thân, tôi muốn xem xét "cuộc chiến" này dưới góc độ khách quan hơn. Nếu có đụng chạm, mong anh em "bị trời đày" lượng thứ.

Mấy năm gần đây, phong trào câu cá giải trí rộ lên khắp nơi, từ Nam ra Băc. Ngay cả xứ miệt vườn như Cần Thơ, Vĩnh Long cũng có hồ câu cá giải trí. Có cầu ắt có cung tuy nhiên trong lĩnh vực này ẩn chứa nhiều xung đột giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ. Cho nên, để “thắng” được trong lĩnh vực này không phải là điều đơn giản. Và lý thuyết win- win quá mong manh khi áp dụng vào việc cung cấp dịch vụ này.
Đây là cuộc chiến không cân sức giữa "Chủ Hồ" và "Người Câu Cá" mà phần thua chắc chắn ở Người Câu Cá dù Chủ Hồ chẳng cần mánh khóe nào. Những trò thả dây điện, kéo cá ban đêm để sáng thả lại, dùng khí đá sục hồ, dùng hóa chất thay đổi môi trường nước...xem ra không cần thiết phải giở ra vì vừa tốn kém, cực khổ, lộ liễu không cần thiết đối với nhiều tay câu. Tại sao vậy?
Thông thường người câu muốn khoắng hết cá của chủ hồ nhưng thực tế người có khả năng này rất ít. Đa phần người đi câu còn lại là ...võ biền, "lực bất tòng tâm" vì cứ nghĩ mồi mình ngon mà sao cá không ăn, hay chủ hổ nó chơi chiêu gì đây? Hôm qua mình câu cá ăn quá mà sao hôm nay lại im re? Họ đổ thừa hoàn cảnh là chính mà không chịu xem xét lại.
Chủ hồ, đó là yếu tố không thể thay thế được và không nhiều. Chủ hồ có thể là người tốt hay người xấu (1), chịu chơi dám thả cá hay không (2); Hồ thì rộng hay hẹp (3) cạn hay sâu (4) nước có vô ra hay không?(5) Có cho cá ăn hay không (6)….Những yếu tố kể trên đây, người câu cá ít khi tác động làm thay đổi được.
Ngược lại, Người Câu cá có nhiều yếu tố phải tự mình khống chế được mới trở thành cao thủ được. Có ba thành tố chính: Người, Cần câu và hiểu biết của người câu về con cá.
Người đi câu sát cá hay không là do chính bản thân họ. Họ đến một hồ câu trong ngày nào (7), giờ nào (8), Mưa nắng hay râm (9); Vào hồ rồi thì phải chọn diểm câu chỗ nào ngon nhất (10), chọn câu tầng nước nào (11). Khi cá ăn người đi câu có giật đúng thời điểm (12), giật đúng kỹ thuật (13). Bấy nhiêu nghe đã đủ mệt huống chi đi câu còn phụ thuộc vào bản tính của người đi câu nữa. Thường người trầm tĩnh câu được nhiều cá hơn người bộp chộp, ồn ào.
Nhưng chưa đâu. Bây giờ đến cần câu và những thứ liên quan. Cần câu phù hợp với cách câu hay chưa (14), dây câu phù hợp với cần và máy chưa (15), dây câu nhỏ hay lớn (16), câu có chì hay không chì (17), chì nặng hay nhẹ (18), chì treo hay chì chạy (19), câu phao thì canh chì phao đúng chưa (20). Tiếp đến là lưỡi câu. Lưỡi câu mình đang câu có vừa miệng con cá chưa (21) Lưỡi câu và dây câu có tuân theo tỉ lệ chuẩn chưa (22), Lưỡi câu tóm có đúng kỹ thuật hay không (23) (như vị trí của dây câu so với đốc câu, dây câu dư ở lưỡi câu…). Tới đây là tới cái phần rắc rối, nhiêu khê và tốn kém nhất. Đó là mồi câu. Nào là chọn mồi gì (24), trộn với gì (25), ủ bao lâu (26),xả mồi gì, xả thế nào (27)….
Người đi câu cũng có những kiến thức và nhận định có cơ sở minh chứng. Họ cũng phải biết hồ có cá gì (28) mật độ nhiều hay ít (29), Cá mới hay cá bể (30), thường được cho ăn gì (31), mật độ cá khác cùng hồ (32), trong hồ thường ăn giờ nào (33)….
Kể sơ sơ thôi chứ tôi không dám đi vào chi tiết vì không dám múa rìu qua mắt …xưởng thợ được. Với 33 yếu tố kể trên, ngoài 6 yếu tố không thể cải thiện được, người câu cá phải đối diện với ít nhất gần 30 vấn đề của chính mình. Mỗi vấn đề có hai hướng giải quyết đúng và sai. Vị chi có 27 khả năng xảy ra và để muốn bắt được con cá thì người câu cá phải giải quyết "đúng" toàn bộ ít nhất 27 khả năng này. Nói như thế mới thấy được để trở thành một cao thủ câu chỉ một loại hình câu hay một loại cá nào đó thì cái giá phải trả đến mức nào. Các đại cao thủ vẫn là đại cao thủ dù trong bất kỳ hồ cá nào. Các cao thủ thể hiện tinh thần “phong độ nhất thời, đẳng cấp vĩnh viễn” là ở chỗ này. Dù bất kỳ điều kiện nào, cao thủ vẫn có thể ít nhất "gỡ gạc" được. Và chẳng may hôm nào ra quân thất thủ thì họ vẫn tin tường ngày mai “con cá này mày phải chết với ông”.
Bất kỳ người câu cá nào cũng có thể trở thành cao thủ nếu thật sự tìm hiểu tường tận về thú vui tao nhã này hơn là luôn miệng đổ thừa hoàn cảnh hay đổ thừa tại chủ hồ… xử lý hồ. Ngược lại, Chủ hồ chằng cần động móng tay, các cần thủ lơ tơ mơ cũng "chết dài dài" vì sự cố chấp của chính mình mà không chịu "lắng nghe và thấu hiểu"... con cá. Cái đó người ta gọi là "nặng bóng vía".

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Chuyện đồng quê- Trần Văn

DNT- Tôi không quan tâm ông Trần Văn xuất thân hay quá khứ như thế nào. Tôi chỉ thấy giữa mình và tác giả có nhiều điểm tương đồng. Đó là viết về quê hương mình một cách mộc mạc, chân tình với tình yêu da diết và bằng trải nghiệm của bản thân mình. Đó cũng là mục tiêu khi tôi viết blog này. Có điểm khác hơn một chút là tôi sẽ quay cả về quá khứ xưa hơn lẫn nhịp thở hằng ngày của đồng bằng hiện nay và viết thêm nhiều thứ hơn nhưng...dở hơn. Thêm vào đó, do khác biệt về địa lý dù đều là người Miền Tây nên với mọi sự kiện, sự vật chắc chắn sẽ đa dạng. Tôi xin mạn phép tác giả Trần Văn đưa ác phẩm của Ông vào blog của mình với tất cả sự trân trọng.

Tiểu sử tác giả
Lời bộc bạch của tác giả


      Chuyện Đồng Quê, những chuyện thật với những con người thật ở đồng quê, nơi chôn nhau cắt rún của tác giả.
      Ấp Bà Bài, một ấp nằm sát biên giới Miên Việt, thuộc xã Vĩnh Nguơn, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc, nay là tỉnh An Giang ở miền Tây Nam Bộ. Một ấp nhỏ có chưa đến hai trăm nóc gia; người dân hiền hòa chất phác và đa số mù chữ, nhưng tấm lòng của họ ngời sáng : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
      Câu chuyện đồng quê dưới đây được viết lại qua trí nhớ, bối cảnh từ sau năm 1940, những năm thanh bình êm ả (1940-1945).
      Sau nầy, tác giả thỉnh thoảng có dịp trở về quê ấp Bà Bài khi là giáo viên ở tỉnh lỵ Châu Đốc, hiệu trưởng trường sơ tiểu Vĩnh Tế (Bến Đá Núi Sam), giáo sư trung học ở Sài Gòn, Biên Hòa, Dĩ An, Thủ Đức. Thời gian phục vụ trong quân đội ở miền Tây, từ đầu năm 1963 đến cuối năm 1969, tác giả đi đây đó nhiều nơi nhiều chỗ khắp chín mươi hai quận của mười sáu tỉnh miền Tây trong nhiệm vụ sĩ quan báo chí, phát thanh của Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật. Đây là cơ hội tốt, hòa mình với bà con nông thôn và đặc biệt bà con họ hàng ở Châu Đốc, học hỏi được nhiều điều hay, thưởng thức được thêm nhiều món ăn độc đáo đặc sản của từng vùng ở nông thôn mà thị dân ít hoặc chưa từng biết đến. Về các thú tiêu khiển, từ xa xưa, người nông dân có nhiều thú chơi rất lạ đáng ghi nhận, có khi vừa giải trí vừa bồi bổ sức khỏe và đôi khi còn lãng mạn...Trong tập chuyện nầy, tác giả xin gởi đến bà con độc giả những điều mắt thấy tai nghe, ghi lại một cách trung thực. Đôi lúc, đôi chỗ cũng không tránh khỏi việc "dậm mắm dậm muối" cho câu chuyện thêm đậm đà.
      Độc giả có thể xem đây như là một bút ký, ký sự, phóng sự, hồi ký, truyện dài bất tận, hay những truyện ngắn ráp nối lại. Độc giả cũng có thể coi như là một tập sách chuyên khảo một số món ăn ở thôn dã của miền Nam.
      Những lời nói, cách phát biểu thoải mái của người nông dân chân chất Nam Bộ, nghĩ sao nói vậy. Vì thế, cách hành văn của tác giả rất bình dị, không chải chuốt văn chương hoa mỹ. Nghe sao, nghĩ sao, nhớ cái gì ghi lại y chang như vậy.

                       *****

     Cuộc sống của con người quả thật có nhiều phức tạp trải dài từng chặng đường với nhiều thử thách, khó khăn, vui ít buồn nhiều, lo lắng bâng khuâng cũng lắm.  Kỷ niệm trong đời người qua va chạm về tình, tiền, danh, nghiệp.  Còn nữa, địa phương, phong thổ, tập quán, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, ăn uống, tiêu khiển, thói quen... cũng có nhiều khác biệt.  Nhiều kỷ niệm, vấn nạn, suy tư mà trong ký ức chúng ta không quên và sẽ không bao giờ quên cho đến ngày ra đi về bên kia thế giới.

     Tất cả những thứ đó tạo thành một con người hiện hữu, một con người đích thực không chối bỏ cội nguồn.  Tác giả nhận thức rõ nguồn gốc, xuất xứ và một quá khứ ấu thơ ở chốn quê mùa khỉ ho cò gáy của mình.  Từ tấm bé, được trui rèn thử thách, chịu đựng chống chọi với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.  Tính bất khuất và luôn vươn lên ăn sâu trong tâm khảm của người dân quê mà tác giả đã hấp thụ. Bây giờ có ai hỏi: với tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, vật chất đầy đủ bảo đảm cuộc sống an nhàn, chắc chắn cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, tác giả có muốn về sống ở Việt Nam không ? Tác giả thành thật, mau mắn và dứt khoát xin thưa :
     Tác giả sẽ rời bỏ đất Mỹ xa hoa, tiện nghi giàu có nầy không luyến tiếc khi điều kiện cho phép trở về quê hương Việt Nam thân yêu.

     Quê tôi dù thiếu thốn nghèo khổ, với hai mùa khô, nước, nhưng nơi đây đất lành chim đậu, người dân chân chất hiền hòa, luôn tương trợ giúp đỡ nhau, không bon chen, ganh ghét, hãm hại nhau.  Quê hương là chùm khế ngọt vậy đó. Quê tôi có những cái đặc biệt do Trời Đất ban tặng mà các nơi khác ít có hoặc không có.

     Mời quý độc giả đọc "Chuyện Đồng Quê" để có cái nhìn sâu sát về đồng quê miền Tây nói chung và ấp Bà Bài nói riêng, cũng như các miền khác của đất nước.

     Độc giả sẽ bắt gặp những cách bắt cá, rùa, rắn, lươn, chuột... những món ăn độc đáo, thú tiêu khiển thanh tao và cũng kỳ cục mà tác giả là chứng nhân, là người trong cuộc. Trong Chuyện Đồng Quê, tác giả gói ghém tất cả tâm tình thân thương của quê hương, một câu chuyện dài bất tận nhớ đời. Với ngòi bút hạn chế, sự hiểu biết, tầm nhìn hạn hẹp, tác giả  xin  cố gắng  ghi lại thật nhiều chuyện đồng quê để nói lên tâm sự sâu kín của một người Việt Nam luôn hướng về quê hương, cội nguồn dân tộc.

     Xin quý vị độc giả thông cảm  và tha thứ cho những sự sai sót của tập sách nầy. "Chuyện Đồng Quê" đến được quý độc giả là do sự thôi thúc của bạn bè, độc giả của nhiều tờ báo.  Từ cuối năm 1997, tác giả khởi sự viết mãi cho đến tháng 6 năm 1999 mới hoàn tất. 

Sacramento, mùa thu 99 cuối thế kỷ 20
Trần Văn



_________________________________



Thành thật cám ơn :

- Giáo sư Đỗ Bá Khê với lời giới thiệu.
- Nhà báo Tô Ngọc với lời bạt
  và trình bày tập truyện (Mpax Graphics)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phước Tường 
  với những bức ảnh đồng quê Miền Tây,
  (trong đó có ảnh dòng sông An Giang, chụp từ 1970)


LỜI GIỚI THIỆU... ĐỒNG QUÊ

     Xã  hội Việt Nam nặng về nông nghiệp.  Ngược dòng thời gian, gần hoặc xa, người Việt nào cũng tìm được nguồn gốc đồng quê của mình.  Đã sinh kế, lập nghiệp ở thành thị, người Sài Gòn vẫn nhớ đồng quê, thích ra ngoại ô để thưởng thức không khí trong lành và nhắm những món ăn đồng quê, như cá lóc nướng trui của quán Ba Râu ở Phú Lâm, cháo lòng Chợ Đệm, gà nướng lưỡi cuốc và canh chua lá vang cầu Bình Lợi, cá hấp Biên Hòa, nem Lái Thiêu, gà xối mỡ suối Lồ Ồ, tôm càng nướng Tân Thuận, gỏi cá chìa vôi Nhà Bè v.v...

     Định cư nơi đất khách, nhiều người không mất cái tâm tư đồng quê ấy.  Nhớ câu "bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu", họ biến mảnh đất nhỏ quanh nhà thành rãnh rau, giồng khoai, líp mía để có đặc chất tăng thêm hương vị đồng quê cho các thức ăn hằng ngày.  Có người trồng các cây ăn trái ưa thích như sa-bô-chê (sapotier), ổi xá lỵ Mỹ Thuận, bưởi Biên Hòa, chuối xiêm v.v... .  Mua giống rất đắc, nhưng lắm lúc không thâu  hoạch  được bao nhiêu và hương vị hoa quả cũng phai lạt đi vì khí hậu không thích ứng.

     Tôi vốn là người đồng quê.  Lớn lên ở đồng quê, tôi đã thật sự làm ruộng, làm vườn, làm mắm, lái ghe rộng bán cá sống.  Mỗi khi bãi trường tôi về đến nhà là Má tôi biểu giặt sạch các bộ đồng phục bà ba trắng cất kỷ vào rương, rồi lấy quần áo cũ (rách vá nhiều lớp) bận để đi làm việc đồng áng.  Tôi đã giữ trâu, đứng bừa, đứng trục, giở chà, bao đăng, tháo ụ, đặt trúm bắt lươn, soi ếch, thăm nò, lặn bắt ốc gạo, cắm câu, lưới dơi, đuổi chim mùa lúa chín, bơi xuồng đâm chuột mùa nước nổi.
     Một lý do mà tác giả nhờ tôi có mấy lời giới thiệu là vì cái thẹo cá trê chém trên ngón tay tôi.  Số là... nhơn dịp lễ Phục Sinh năm 1942 tôi theo làm mắm với Má tôi.  Vì mùi mắm, ngày thì ruồi bu đầy mặt, đêm thì dòi bò tận miệng nóp.  Cá nhiều nhờ Ba tôi tháo đập.  Phần lớn cá trôi theo dòng nước cuốn về mặt đập và bị vớt lên bắt sống.  Tôi phụ kiểm soát cá lội ngược, cá còn sót từ ngọn đập đã cạn nước.  Lội bùn, bò trước đoàn con hôi (người bắt cá sót), tôi gặp một con cá trê quá lớn.  Để khắc phục, tôi cố sức nhận đầu nó xuống bùn, lừa hai ngạnh của nó để khóa chặt giữa các ngón tay trái, và lần kéo cá lên khỏi bùn.  Nhưng nó vùng vẫy quá sức tôi, ngạnh bén chém ngón tay giữa, lòi mỡ chảy máu, bùn non nhét vào làm độc, phải nằm nhà thương Chợ Rẫy hai tuần (năm 1942, giữa Thế Chiến Thứ Hai). Việt Nam chưa có thuốc trụ sinh nên vết độc lâu lành; hiện nay tôi còn mang thẹo dài lối 2 cm.  Kỳ thi tú tài Pháp trong tháng sáu gần kề.  Tôi phải đem sách vỡ vào nhà thương để học bù mấy ngày vắng mặt, và dọn thi.  Đáng sợ là kỳ đó, giám khảo môn Pháp văn là thạc sĩ văn phạm (agrégé de grammaire) đầu tiên của Việt Nam là thạc sĩ P.D.K., tác giả của quyển "Légende des Terres Sereines".  Ông có tiếng phê điểm rất gắt, đánh rớt nhiều thí sinh xuất sắc trong các khóa trước, nên được cái biệt danh là Đao Phủ Thủ của thí sinh (Bourreau des Candidats) - điểm loại là 6/10, mà không bao giờ ông phê quá 10/20.  Thật là học tài thi mạng. (Nghe nói, trong những ngày tàn của thực dân, có lần ông thạc sĩ bị chận đánh rớt xuống hồ Hoàn Kiếm).
Nay được đọc Chuyện Đồng Quê của Trần Văn, tôi rất thích thú hồi tưởng lại cái thiếu thời đồng quê của tôi.  Tác giả gốc ở Châu Đốc, nên kể nhiều chuyện ở quanh vùng kinh Vĩnh Tế, núi Thất Sơn và Hậu Giang.  Tôi học của tác giả các thú giăng câu trời, đập chim ngủ đêm, câu cá he, chuyện tình dang dở cá leo, nằm tum đâm cá bông, gỏi sầu đâu, mắm cá trèn... 
Tôi được đọc thêm ở nơi khác các món : mắm kho bông súng Đồng Tháp, mắm cồng và mắm tôm chà Gò Công, hủ tíu Mỹ Tho, bánh giá chợ Giồng Định (Định Tường), cá cháy kho rim Trà Ôn.  Đủ biết là món ăn đồng quê tận dụng thổ sản, phong phú dường nào.
     Có một lúc tôi trôi dạt về núi Châu Đốc, nên chuyện Thất Sơn của tác giả càng thắm thía đối với tôi.  Tôi có đi mua sỉ thổ sản ở các sóc người Miên buổi chiều, để đem ra bán lẻ ở chợ Ba Chúc buổi sáng.  Tôi lên rừng bứt mây về thắt giống, chuốt tre đan rổ, leo cây thốt nốt lấy mật, lên xuống đường dốc cong queo, gánh nước suối với cặp cà om (thay vì thùng thiếc như ở đồng bằng).  Cà om là loại nồi đất đựng nước của người Miên, khi lở đụng bể một cái ở đầu nầy thì cái ở đầu kia cũng rớt bể theo luôn.  Vì đường dài, để mau về tới nhà, tôi từng trở vai không ngừng, nghĩa là vừa đi vừa quay trở đòn gánh từ vai nầy sang vai kia, không thua các cô gái núi.  Tôi biết qua đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Thầy Tây An và chùa Long Châu.  Tôi có viếng một số đạo sĩ ẩn náo nơi hẻo lánh trên núi.

     Tác giả làm cho tôi sống lại quãng đời cần cù nơi đồng quê, nhọc xác nhưng khỏe tâm.  Đặc điểm của tập ký ức nầy là các câu chuyện độc đáo, lời văn hồn nhiên, gọn ghẻ, thành thật, không cầu kỳ, như  đê ø giữ  trọn tánh  cách mộc mạc của nông dân trong các sinh hoạt vất vả hằng ngày, các phong tục tập quán địa phương, các thú vui giản dị tùy mùa, và nhứt là các thức ăn đặc sản với phẩm chất và hương vị thanh khiết khó tìm lại được.

     Biến cố 1975 là cơn bão lốc, làm cho ta bị trốc gốc, phiêu dạt nơi đất lạ.  Nhưng ta không mất gốc.  Đọc chuyện của Trần Văn để nhớ lại đồng quê, một phần nhỏ của quê hương mà hình ảnh vẫn còn in sâu vào lòng người viễn xứ.

Đỗ Bá Khê
Thu 1999

(Lời nhà xuất bản : Tiến sĩ Đỗ Bá Khê, Cựu Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa - Cựu Khoa Trưởng Khoa Học Trường American River CollegeSacramentoNay đã về hưu ở Sacramento).


(Còn tiếp)
Nguồn: thatsonchaudoc.com





Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Vài kiểu bắt cá khi nước giựt

Nước giựt là mùa cá ra. Đó là vào khoảng từ mồng Sáu, Bảy, Tám tháng Mười âl trở đi. Lúc này cá nhiều vô kể. Và qua đó, phương cách bắt cá cũng tùy theo khả năng của từng người, từng gia đinh. Bài này chưa hoàn chỉnh, tôi sẽ sửa chữa trong các lần "tái bản" sau này. Xin lượng thứ!


Nơm cá


Giăng lưới










Nhiễm dioxin và bằng chứng trước tòa

Nhân vụ kiện về dioxin, tôi đã viết bài này và được đăng tại báo Thanh Niên vào ngày 21/03/2008
 
Phán quyết của Tòa án liên bang Mỹ (liên quan đến vụ kiện của các nạn nhân chất độc dioxin Việt Nam) gây bất bình trong lòng những người ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam. Hàng ngàn số phận đang chịu những bất công. Tuy nhiên, có thể nói, chúng ta còn thiếu yếu tố then chốt để buộc tội các công ty sản xuất, buôn bán dioxin.

Chúng ta đã có nhiều bằng chứng khi khởi kiện nhưng chưa đủ mạnh. Y văn thế giới đã ghi nhận, tổng kết và xác định rõ tác hại của dioxin trên súc vật và người. Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc màu da cam và thuốc diệt cỏ khác tại Việt Nam và chiến trường Đông Dương. Hiện nay, khi khảo sát tại các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng, nồng độ dioxin trong đất cao hàng trăm lần mức cho phép. Sự kiện các cựu binh Mỹ đòi bồi thường và được đáp ứng càng củng cố lòng tin giành lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhưng Tòa án liên bang Mỹ đã tạt một gáo nước lạnh vào lòng nhiệt tình của nhưng người ủng hộ và các tổ chức tự nguyện hay có trách nhiệm liên quan, vì các bằng chứng này chưa đủ sức thuyết phục các quan tòa.

Dù có dữ kiện các nạn nhân từng sống, tiếp xúc với dioxin, không phải tất cả những người có biểu hiện giống nhiễm chất độc màu da cam là hoàn toàn do chất độc này, mà còn có thể do nhiều nguyên nhân khác. Cho nên, tấm lòng và công sức của hàng triệu người, hàng trăm tổ chức trong ngoài nước cùng với hàng tỷ đồng đã trở nên vô nghĩa. Chúng ta cần có những nạn nhân cụ thể với những bằng chứng khoa học rõ ràng, có yếu tố phơi nhiễm và đã chịu những ảnh hưởng chắc chắn từ dioxin.

Theo một chuyên gia uy tín hàng đầu tại TP.HCM về sinh học phân tử, tác động của dioxin gây ra các di chứng trên các nạn nhân nhiễm độc bằng việc thay đổi một cặp bazơ Nucleotit trong một acid amin của bộ gen người nhiễm. Đây là đột biến gen di truyền do hóa chất đã được xác định. Việc tìm ra các đột biến này ở các nạn nhân sẽ là bằng chứng khoa học chính xác. Cùng với việc lập bản đồ gen người và khảo sát bộ gen dần trở nên dễ dàng như hiện nay, chúng ta có thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các quốc gia và các trung tâm sinh học phân tử trên thế giới, như: Anh, Pháp, Australia, Ấn Độ…, thậm chí từ Mỹ.

Không thể kêu gọi lương tri hay lòng trắc ẩn của các quan tòa khi không đủ bằng chứng vì họ có thể “thương thì được, không thương thì thua”. Chúng ta cũng không thể buộc tội chung chung, mơ hồ các công ty hóa chất Mỹ để họ phải chịu trách nhiệm cho dù có kháng cáo hàng chục lần.

Ra tòa là phải có bằng chứng. Bằng chứng là các nạn nhân có phơi nhiễm với dioxin, có các biểu hiện bên ngoài giống nhiễm chất độc da cam và tiên quyết là có thay đổi bộ gen được công nhận do dioxin. Đó là con đường giành lại công bằng cho hàng ngàn số phận đau khổ vì nhiễm độc dioxin thật sự.

DNT
http://www.thanhnien.com.vn/News/0108/Pages/200812/231217.aspx

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Ký ức mùa lũ

Đây là bài viết thể hiện trải nghiệm cá nhân của tác giả, trong bối cảnh  về địa lý có thể có sự khác biệt dù cùng nằm trên cùng dòng sông Cửu Long.

Sông Cửu Long đoạn An Giang- Cần Thơ có hai mùa nước chính: mùa nước kiệt và mùa lũ. Mùa nước kiệt từ khoảng cuối tháng Mười một âm lịch đến hết tháng Năm năm sau, nước kiệt nặng nhất khoảng giữa tháng Hai đến cuối tháng Ba. Mùa lũ là nửa năm còn lại, đỉnh lũ khoảng rằm tháng Tám đến đầu tháng Mười. Còn mùa nước đổ là đầu lũ và mùa cá ra là cuối lũ.

Mùa nước đổ: Thường vào tháng Bảy âm lịch, những cơn mưa đã dày làm nước thượng nguồn đổ về sông Mekong đỏ quạch. Có người gọi lúc này là nước xoay hay nước quay hoặc nước đổ. Lúc này, nước sông Cửu Long chì "đổ" một chiều về phía biển dù nước lớn hay ròng. Bình thường, những con sông nhánh sẽ có nước "chảy vô" khi lớn và "chảy ra" khi ròng; khoảng giữa hai con nước lại có nước đứng. Khi nước đổ,  trong những ngày nước rong, nước đứng chỉ khựng khựng một ít rồi tiếp tục chảy vô. Khi đó, vụ hè thu lúa đang thì con gái hớn hở đón dòng nước mang đầy phù sa để làm đòng. Có năm, nước đổ về nhanh, đỉnh lũ cao sớm, lúa cắt không kịp, thiệt hại không ít nhưng chỉ thỉnh thoảng vài năm mới có một lần như thế. Nước đổ thì chẳng có gì nhiều để nói ngoài chuyện cắt lúa, bao bồ trữ lúa, nâng nhà, be bờ, đắp đê chuẩn bị đón lũ. Vài người kỹ tính còn chuẩn bị sẵn mấy tube thuốc chống...nước ăn chân. Tất cả náo nức chờ nước giựt, đón mùa cá ra.

Mùa cá ra: thường quanh quẩn trong tháng Mười và chính vụ là khoảng mồng Sáu đến Mười một tháng Mười. Lúc này nước trong các cánh đồng bắt đầu cạn. Phèn dậy, con cá bị cay mắt nên ùn ùn đổ ra sông tìm nước ngọt. Cá ra đủ loại, đũ cỡ. Dưới sông xuồng ghe tấp nập. Người bắt cá, kẻ thu mua rộn rã. Tiếng gọi ý ới hỏi thăm nhau thu hoạch khá không hay báo cho nhau cá đang ra tập trung cứ ồn ả từng khúc sông. Già, trẻ, lớn, bé với đủ loại phương tiện đi lại và đủ kiểu bắt cá. Từ xuồng, bè, mảng ai có gì dùng nấy. Mấy năm nay, các kho đông lạnh thải ra các miếng xốp giữ nhiệt rẻ bèo, người ta mua về cắt ra tầm tầm, quẳng xuống nước là có ngay mội cái mảng có thể đứng trên đó quăng chài, thả lưới, giăng câu...Đám trẻ thì ngồi trên các bè cá mà câu. Người ít tiền thì làm dớn, làm vó, làm chà rào, đặt lọp, kéo bò, đặt bôn, chài. Người có tiền thì sắm câu lỡ, lưới giăng, lưới đăng mé, lưới thả, cất đống chà, chài rê, đóng đáy, sắm ghe cào. Năng suất thu hoạch cũng "tương ứng với mức đầu tư". Lũ nhiều hay ít, mùa cá ra cũng có thay đổi. Nếu nước nhiều, khi cá ra sẽ ra nhiều đợt và số lượng nhiều, đa dạng. Nhiều nhất là đám "cá trắng" như cá linh, cá dảnh, cá mè dinh, cá he, cá ét, cá mè hôi. Kế đến là tôm càng, cá bống tượng, cá hô đất, cá ngựa, cá chài, cá leo, cá lăng, cá chốt, cá ngát, cá cóc...Mấy năm nay lại có thêm ông cá lau kiếng. Cái thứ này không biết ở đâu ra mà "quá trời quá đất". Có đống chà dỡ lên được 300kg cá tôm thì hết....phân nửa là cá lau kiếng. Có người bảo, "nước lạ" họ thả để phá môi trường sống của con cá vùng Mekong, nhưng điều này không ai kiểm chứng được. Nói chung, mùa cá ra là mùa dân sông nước ăn cá "thả giàn", muốn ăn thứ gì cũng có.

Sông Cửu Long bao đời nay vẫn điều hòa, nhu thuận như vậy, Ai sợ lũ chứ người vùng Mekong không sợ mà còn mừng. Lũ về mang phù sa cho vụ hè thu, lũ đi để lại lớp bùn đầy dưỡng chất cho vụ đông xuân. Lũ càng lớn lúa càng trúng, cá càng nhiều, càng nhiều người nông dân đổi đời.

Lũ năm nay kém, cá linh 50.000đ/kg có khi lên 100.000đ/kg. Con cá "rẻ sình", chuyên để ủ nước mắm, giờ có ngày còn mắc hơn cá lăng, cá ngát. Nước ít, kiếm con cá ăn quá khó; lũ kém lúa lại thất. Người dân quê tôi giờ sắp khổ tới nơi rồi. Người ta bảo tại mấy con đập thủy điện ở "nước ngoài" nên sông Mekong chỗ tôi giờ nó như thế. Chuyện này thì ai cũng biết nhưng không ai biết làm sao để lũ lại còn về, còn mùa nước đổ để rốt ráo chuẩn bị đón mùa cá ra nhộn nhịp của những ngày...cách nay chưa xưa lắm.

Đoàn Nhật Trung

Vài tư liệu về Vương Quốc Phù Nam, chủ nhân vùng Nam Bộ xưa

Dưới đây là một số tư liệu được tập họp về Phù Nam- Vương quốc từng ngự trị vùng Mekong. Các tư liệu này lấy từ namkyluctinh.org của Bùi Tụy Đào Nguyên và phienvuong trong thotnot.forum. Bài của Bùi Thụy Đào Nguyên còn được đăng trong Wikipedia có nhiều tài liệu tham khảo giá trị. Chưa có thời gian kiểm chứng hết nên tôi tạm gửi ở đây mọi người cùng đọc cho vui.

DNT

Vương quốc Phù Nam Kingdom of Funan



Vương quốc Phù Nam là một quốc gia được cho là từng tồn tại ở khu vực Nam bộ (Việt Nam) nhưng hiện nay gần như không có nhiều tài liệu lịch sử đánh dấu sự hiện diện của nó.
Theo thư tịch cổ của Trung Quốc như Tam Quốc Chí (không phải truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung) thì Phù Nam là một quốc gia bao la, trải dài từ Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và nam Việt Nam ngày nay.

Theo các chứng tích còn sót lại trên lãnh thổ Việt Nam thì nền văn minh Phù Nam là cùng thời với nền văn hóa Óc Eo (trên khu vực tứ giác Long Xuyên). Các chứng tích khác hiện đã phát hiện được nằm rải rác từ Cát Tiên (Lâm Đồng) tới Tây Ninh, Sài Gòn, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Cà Mau.

Các nhà khảo cổ học và sử học cho rằng quốc gia này tồn tại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7 và bị thôn tính, chia rẽ bởi các quốc gia xung quanh mới nổi lên như Chân Lạp (Chenla), Chiêm Thành (Champa) vào thế kỷ thứ 7 (theo thư tịch cổ Trung Quốc như Tân Đường thư) cũng như do sự lục đục, chia rẽ nội bộ gây nên. Nếu đúng như vậy thì vương quốc Phù Nam có lẽ là một tiểu vương quốc theo Bà la môn giáo nằm trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay và là chư hầu của một đế chế rộng lớn như kiểu nhà Chu với các nước chư hầu ở Trung Quốc.

Cư dân Phù Nam sản xuất nông nghiệp, kết hợp với làm nghề thủ công, đánh cá và buôn bán. Ngoại thương đường biển rất phát triển.

Tập quán phổ biến của cư dân Phù Nam là ở nhà sàn. Phật giáo và Ấn Độ giáo (đạo Hindu) được sùng tín. Nghệ thuật ca, múa nhạc phát triển. Xã hội đã có sự phân hóa giàu nghèo thành các tầng lớp quý tộc, bình dân và nô lệ.

LẠI BÀN VỀ TÊN GỌI PHÙ NAM
Thuật ngữ chỉ về văn hóa Phù Nam chính thức được khai sinh trong một bối cảnh có nhiều quan điểm còn trái ngược nhau về việc xác định quốc gia cổ đại này.
Nền văn hoá Óc Eo vẫn còn những vấn đề chưa có lời giải đáp một cách thỏa đáng. Mặc dù chúng ta đã trải qua một hoa giáp sau sự kiện nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret (thời điểm đó là giám đốc bảo tàng Blanchard de la Brosse, nay là bảo tàng lịch sử TP. HCM) tiến hành đào thám sát vào năm 1944, nhưng vấn đề về văn hóa Óc Eo của một quốc gia mang nền văn minh đô thị Phù Nam vẫn được xem là chứa nhiều bí ẩn cần được khám phá. Từ khi tiến hành đào thám sát vào mùa khô năm 1944 và mãi đến 6 năm sau trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Viễn Đông Bác cổ EFEO (École Française d’Extrême Orient), ông mới cho công bố một cách chính thức về một nền văn hóa mang đậm yếu tố miền sông nước như Óc Eo và những vấn đề của cái gọi là quốc gia Phù Nam. Theo L. Malleret thì di chỉ Óc Eo có một mối quan hệ văn hoá khá rõ nét với các vùng khác trong khu vực. Đồng với quan điểm này, nhà nghiên cứu J. Boisselier khi tiến hành chủ sự đào thám sát ở U Thong (Thái Lan) đã công bố thêm bằng hiện vật để khẳng định về quan điểm trên. Cả hai ông đã cùng thuận để xếp di chỉ Óc Eo và di chỉ U Thong vào nền văn hoá Phù Nam.

Từ những ý định ban đầu này một thuật ngữ chỉ về văn hóa Phù Nam chính thức được khai sinh trong một bối cảnh có nhiều quan điểm còn trái ngược nhau về việc xác định quốc gia cổ đại này. Và rồi từ đó, dựa trên cổ sử Trung Hoa, quá trình tìm về một vương quốc ngày càng thu hút khá nhiều các nhà khoa học như G. Coedès, Yamamoto Taturo, Sungimoto, Naojiro, Inuishi Hidetoshi…, với những tranh luận nảy lửa về tên gọi và vị trí kinh đô của vương quốc Phù Nam. Dẫn đến Claude Jacques, một học giả Pháp, lại buộc phải lên tiếng về những nghi ngờ của ông về hai quốc gia Phù Nam và Chân Lạp này. Nhìn chung tất cả những vấn đề của Phù Nam vẫn luôn là đề tài cần được xác định, đặc biệt là từ sau 1975, khi mà hàng loạt các di chỉ được khai quật từ vùng Ba Thê (An Giang) kéo dài đến tận Nam Cát Tiên (Lâm Đồng). Từ đó, qua những điểm khai quật và những hiện vật tìm được, chúng ta có thể hình dung ra được một không gian văn hóa Phù Nam: trải rộng hầu khắp các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ, mang đậm yếu tố nội sinh với nguồn lực hấp thu từ rừng sâu, núi cao và đồng bằng trũng bởi hệ thống kinh rạch chằng chịt. Hệ thống cảng thị tiếp nối với kênh rạch là nét đặc trưng của quốc gia cổ đại Phù Nam, đã tạo nên một nguồn lực văn hóa mà phức hệ của nó vô cùng phong phú và đa dạng. Chính từ những yếu tố này mà sự phát triển của tôn giáo đã giữ vai trò chủ đạo. Nhìn chung, khi nói đến Phù Nam, người ta buộc phải nói đến những tôn giáo được truyền bá và tồn tại, trong đó nổi bật nhất vẫn là Hindu giáo và Phật giáo. Hai tôn giáo chủ đạo này đã phát triển một cách mạnh mẽ và chi phối hầu hết đời sống, văn hoá của cư dân Phù Nam. Rất tiếc rằng, gần 60 năm sau sự kiện phát hiện văn hoá Óc Eo và quốc gia cổ đại Phù Nam, vẫn chưa có một công trình nào viết về tôn giáo cả. Riêng đối với Phật giáo Phù Nam thì dường như lại càng ít được đề cập, trong khi đó hiện vật liên quan đến tôn giáo này đã tìm được khá nhiều và phổ biến hầu khắp trên những di tích đã được phát hiện. Bài viết này được rút ra từ một công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa Phù Nam sẽ được xuất bản trong thời gian sắp đến. Chúng tôi trình bày lại về vấn đề Phật giáo như là những công bố ban đầu về đề tài này hầu cung cấp thêm thông tin cho những nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam về một nền Phật giáo ở phương Nam trong bối cảnh còn khan hiếm tư liệu như hiện nay.

1. Tên gọi Phù Nam
Chung quanh cái gọi là vương quốc Phù Nam, vẫn còn bao nhiêu điều bí ẩn. Chỉ cái tên Kaundinya (Hỗn Điền và Kiều Trần Như) trong truyền thuyết dựng nước Phù Nam cũng đã tốn hao bao nhiêu giấy mực thảo luận. Trong hội nghị khoa học về Đông Nam Á thời cổ ở Luân Đôn năm 1973 - mà tài liệu công bố năm 1979 - Claude Jacques, học giả Pháp đã nêu ra một loạt nghi vấn quanh vấn đề Phù Nam và Chân Lạp. Ý kiến được nhiều người thừa nhận, do L. Finot đưa ra và được G. Coedès, P. Dupont phát triển, cho rằng Phù Nam là phiên âm từ bnam (hay vnam), có nghĩa là Núi, ứng với danh hiệu Vua Núi, tức kurun bnam trong tiếng Khmer cổ, và parvatabùpàla, từ sanskrit đã gặp trên bi ký. Nhưng Claude Jacques đã cho biết rằng cái tên kurun bnam chưa bao giờ tìm thấy trên bi ký Khmer, còn cái tên parvatabùpàla chỉ gặp ở bi ký Han Cei mà thôi. Trên bi ký Han Cei, từ parvatabùpàla xuất hiện hai lần, nhưng cả hai lần đều viết với số nhiều nghĩa là “các vua núi”. “Các vua núi” này bị một vua Bhavarman nào đó đánh bại. Không có lý do nào để coi các vua núi ở đây là vua Phù Nam, chúng ta chỉ có thể nghĩ như Claude Jacques, rằng đó chỉ đơn giản là những vua vùng núi cùng thời.

Về Bhavarman, thì Coedès cho là đã trở thành vua Chân Lạp sau khi kết hôn với bà chúa Kambujaràalaksmì thuộc dòng dõi vua Sresthavarman. Kết luận này Coedès rút ra từ bia Ta Prohm mà ông đã công bố, từ khi còn là một học giả thanh niên. Nhưng Claude Jacques đã chỉ ra một cách rõ ràng chỗ nhầm lẫn của Coedès khi đọc bia Ta Prohm. Theo bia này, Kambujaràalaksmì không phải là vợ của Bhavarman như Coedès nói, mà là vợ của một ông vua khác có tên là Harsavarman. Như vậy không có chứng cứ để coi Bhavarman là vua Chân Lạp, và kẻ bị ông chinh phạt là vua Phù Nam. Do một chỗ nhầm lẫn đó, toàn bộ giả thuyết của Coedès rõ ràng đã không đứng vững. Những điều mà ta tưởng là đã sáng tỏ thì vẫn mờ mịt.

Theo Jacques, trên đất Khmer cổ có nhiều vương quốc, mà trong đó biết rõ nhất là Bhavapura, Aninditapura, Vỳadhapyra, Srésthapura. Cũng có thể kể thêm các thành trấn thời kỳ tiền Angkor, có thể đã là những lãnh thổ độc lập như Amoghapura, Cakrankapura, Bhimapura, Tàmrapura, Dhavipura, Purandarapura, Lingapura, Ugrapura, Dhruvapura. Theo Jacques, những cái tên này cho chúng ta một ý niệm chính xác về địa lý của đất Khmer cổ hơn là những cái tên Phù Nam hay Chân Lạp - những từ dưới dạng đó không có trong ngôn ngữ Khmer.

Năm 1981, Lương Ninh cũng đã trình bày một suy nghĩ tương tự, cho rằng “không thể hình dung Phù Nam là một đế quốc đã được tổ chức thống nhất thành một bộ máy cai trị và bóc lột” mà “ chỉ là sự tập hợp của những tiểu quốc, trong đó mỗi tiểu quốc vẫn giữ nguyên tổ chức, tên gọi riêng và cả truyền thống của mình”. Điều thú vị là Lương Ninh đã định vị một tiểu quốc trong số đó là Naravaranagara ở miền Tây sông Hậu, mà Óc Eo là nằm trong đất của quốc gia này. Hiển nhiên đấy cũng chỉ là một giả thuyết, Óc Eo có thể nằm trong đất Naravaranagara, thậm chí là thủ đô của quốc gia này, nhưng cũng có thể quốc gia này không kéo dài đến đây

Một số di vật Óc EoDầu sao thì việc coi các vết tích đã khai quật được ở Óc Eo thuộc văn minh Phù Nam cũng là vội vã, khi chúng ta chưa biết Phù Nam là gì?

Với những hoài nghi của Claude Jacques đã có những yếu tố để chúng ta cùng đồng cảm. Thật ra, với danh xưng Phù Nam mà các nhà chép sử Trung Hoa ghi chép, luôn đặt lại vấn đề cho chúng ta ngày nay. Điều cần bàn thêm rằng, các nhà chép sử Trung Quốc đã gọi Phù Nam theo phiên âm từ ngôn ngữ nào. Chúng ta cần lưu ý, tài liệu ghi chép được thông qua chính bởi cách gọi đương thời của quốc gia ấy. Các nhà chép sử Trung Hoa thông qua văn thư ngoại giao và phái đoàn ngoại giao khi tìm đến cống nạp đầu tiên để gọi vùng hay lãnh thổ quốc gia này. Và một điều nữa, Phù Nam chỉ tồn tại trong khoảng 7 thế kỷ với một cương thổ bao chiếm phần lớn khu vực Đông Nam Bộ vùng hạ lưu sông Mêkông và trải dài đến Myanmar, rồi sau đó bị Chân Lạp thôn tính, biến thành những tiểu quốc mang tính độc lập khác nhau. Chính vì yếu tố này, chúng ta cần phải xác định lại tính nguyên khởi của tên gọi Phù Nam trong bối cảnh trước khi trở thành một đế chế rộng lớn như các cổ sử Trung Hoa đã từng gọi cho quốc gia Chămpa. Trong Cựu đường thư hay Hậu Hán thư, giới sử học Trung Hoa đã ghi chép đến hai quốc gia mang tính liên hoàn đó là nước Hồ Tôn và nước Chí Tôn. Hai quốc gia láng giềng này đã thực thụ có một mối quan hệ như thế nào trong quá trình hình thành và phát triển, là hướng gợi mở cho chúng ta có phương pháp tiếp cận. Thật ra câu chuyện được ghi chép một truyền thuyết về hai thị tộc trong cộng đồng người Chăm đã phần nào hé mở cho chúng ta về truyền thuyết các dòng họ vương tôn xuất thân từ hai dòng họ lớn. Mỗi dòng họ lấy một vật tổ (Totem) làm biểu tượng. Dòng vương tôn ở phía Nam lấy cây Cau (Kramuka vansa) làm biểu tượng, gọi là bộ tộc hay thị tộc Cau. Dòng vương tôn phía Bắc lấy cây Dừa (Narukela yamisa) làm biểu tượng, gọi là bộ tộc hay thị tộc Dừa. Truyền thuyết ghi rằng hai dòng họ đánh nhau liên tục để giành lãnh thổ, nhưng cuối cùng phải tạm thời chia nhau để trị; bộ tộc Cau cai quản phương Nam và bộ tộc Dừa ngự trị phương Bắc. Sự phân định ranh giới ấy như là cách ấn định vùng ngự trị của cả hai bộ tộc, tiến đến sự tách bạch thành hai quốc gia độc lập. Nếu theo cách gọi của ngữ hệ Malayo- Polynésien thì rõ ràng dòng họ Dừa được gọi là Li-U và sử gia Trung Hoa phiên âm thành Li-Y (Lâm Ấp), và dòng họ Cau được gọi là Fou-Nưn tiếng Trung Hoa phiên âm là Fou-Nan (Phù Nam). Điều này càng minh định rõ hơn khi mà cả hai dòng họ xác định dòng dõi của mình cụ thể rằng bộ tộc Dừa có tổ tiên thuộc dòng Biển (A-Tau tathik) và bộ tộc Cau thuộc dòng Núi (A-Tauchơk). Cách gọi nước Hồ Tôn Tinh và Chí Tôn mà sử gia Trung Hoa đề cập là cách gọi trại từ Atau-Tathik thành Hồ Tôn và Atau-Chơk thành Chí Tôn. Từ đó chúng ta thấy, quá khứ họ từng là hai bộ tộc sống hòa thuận, nhưng vì tranh giành lãnh thổ nên hai bộ tộc đã tiến hành những cuộc chiến tranh, để cuối cùng chia ra thành hai quốc gia đối lập đó là Lâm Ấp và Phù Nam.

2. Vấn đề biên giới Phù Nam và dấu ấn Phật giáo
Theo P. Pelliot thì vào thế kỷ thứ III, khi đã khuất phục những vương quốc lân cận, Srimara xưng tước Đại Vương Phù Nam, để đi khắp nơi trên biển lớn đánh vào hơn 10 quốc gia khác. Trùng lấp với sự kiện này, sách Lĩnh Nam Chích Quái viết: “Xưa kia bên ngoài lãnh thổ Âu Lạc có một vương quốc mang tên Diệu Nghiêm (có thể là Phù Nam). Vị vua của vương quốc này có tên là Tràng Minh, hiệu quỷ vương (Dasanana) có mười đầu. Phía bắc vương quốc có một vương quốc khác tên Hồ Tôn Tinh (quốc gia của người khỉ) do vua Dasaratha cai trị. Hoàng tử Chung Tư (Rama), người kế vị vua Dasaratha, có một người vợ là công chúa Bạch Tinh (Sati). Công chúa Bạch Tinh có một sắc đẹp tuyệt trần không giống như người phàm. Quỷ Vương mê hồn trước sắc đẹp của Bạch Tinh, mang binh sang đánh nước Hồ Tôn Tinh cướp công chúa về nước. Hoàng Tử Chung Tư quá căm giận, dẫn đầu một đoàn hầu binh xé núi, băng biển tiến vào vương quốc Diệu Nghiêm, giết Quỷ vương, đưa công chúa Bạch Tinh về”.

Theo nhận xét của học giả Huber (La Légende du Ramayana en Annam, Etudes indochinoises), Hồ Tôn Tinh có thể là vương quốc Chămpa cổ. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ thời đó điều có sự tích giống nhau, tại Indonésia trong các đền thờ Bà La Môn lớn đều khắc chuyện thần thoại này trên đá. Chuyện Quỷ vương có mười đầu chỉ là một cách mô tả “thô thiển” ngai vàng của các vị vua trong thần thoại Ấn Độ, và Phù Nam thường có hình con rắn hổ mang (naja) mười đầu.

Dựa vào một văn bia viết bằng chữ Sanskrit được phát hiện tại làng Võ Cạnh thuộc Thành Phố Nha Trang ngày nay, chúng ta biết vào thế kỉ II-III, một triều đại có tên gọi Srìmàla được hình thành, triều đại này được xem là triều đại được biết sớm nhất thông qua bi ký tìm thấy ở Việt Nam. Và bi ký Võ Cạnh là bi ký có mặt sớm nhất ở Đông Nam Á. Về mặt niên đại, từ những sự kiện về triều đại Srimara, một lần nữa cho chúng ta biết được địa bàn tồn tại của quốc gia cổ Phù Nam thật rộng lớn. Địa bàn xuất phát và nơi khai sinh ra thị tộc Cau, được đánh dấu bằng tấm minh văn mà nội dung của nó nói theo G.Coedès “thấm đậm tinh thần Phật giáo”. Căn cứ vào truyền thuyết dòng họ Cau - Dừa chúng ta có thể xác định nơi phát tích của thị tộc Cau thuộc dòng Khauthara (Nha Trang). Chính vì vậy mà vị hoàng đế mang miếu hiệu Srimara trong thời gian trị vì của mình đã cho đặt một tấm minh văn nhằm ghi dấu nơi khởi phát của tổ tiên trong tiến trình nam tiến về vùng đầm lầy lưu vực sông Mêkông trải dài đến Myanmar. Tiến trình nam tiến ấy là quá trình chinh phục thị tộc thuộc lưu vực sông Mêkông. Bên cạnh đó, với sự thiên di của các dân tộc hải đảo từ thế kỷ thứ II TCN cho đến thế kỷ thứ I giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã là bối cảnh chung cho những tiếp xúc văn hoá giữa các cộng đồng tiền sử và cổ đại ở trong vùng. Vào cuối thời đại đá mới, đã có những giao lưu hai chiều giữa các tộc người ở Ấn Độ và Đông Nam Á bằng đường biển vượt Ấn Độ Dương vào vịnh Thái Lan bên cạnh một đợt thiên di và hoằng pháp của các vị tu sĩ, các thương gia buôn bán hương liệu vượt cao nguyên Tây Tạng men theo dòng sông Mêkông đến Myanmar, rồi xuôi về vùng hạ lưu thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau nhiều thế kỷ tiếp xúc đã dần dần du nhập vào các dân tộc thuộc châu thổ sông Cửu Long nền văn hoá Ấn Độ mang hơi thở tôn giáo. Óc Eo từ đó trở thành một trung tâm văn hóa Phù Nam phát triển từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ thứ 7 trên đồng bằng Nam Bộ. Bắt đầu từ ranh giới Võ Cạnh (Nha Trang ngày nay) kéo dài đến vùng Mé Nam và bán đảo Mã Lai và cả vùng hải đảo phía Nam, mà một hình ảnh cụ thể có thể hiểu là: một tập hợp các tiểu vương quốc và những bộ lạc lớn được phân bố theo tộc người. Trong vùng hội tụ của những dòng giao lưu giữa các tộc người khác nhau của cổ vương quốc Phù Nam rộng lớn thông qua con đường truyền giáo và buôn bán đã có những quan hệ văn hoá mở rộng đến Trung Hoa, Java, Thái Lan, Mã Lai, Ấn Độ, Địa Trung Hải, Trung Á…, với một nền văn minh cảng thị tiên tiến. Chính từ nền văn minh cảng thị ấy, một nguồn lực tôn giáo được khởi mở đã hóa độ được một ông vua từng có thành tích chuyên đi chinh phục các nước láng giềng trở thành một Phật tử thuần thành để rồi khắc lên ý nguyện mang đậm yếu tố giáo lý Phật giáo trong bài minh văn của bi ký Võ Cạnh gắn chặt triều đại Srimara và dấu ấn Phật giáo khó phai mờ.

Thông Thanh Khánh, VĂN HOÁ PHẬT GIÁO SỐ 10 -THÁNG 11-2005

Vài nét về văn hóa óc eo

Văn hóa Óc eo thuộc các tỉnh Nam bộ, cư dân ở đây có nhiều vùng sinh thái khác nhau và có những nét văn hóa khác nhau
• Tiểu vùng từ giác Long Xuyên:
Vào những năm 1931 – 1936 Các nhà khoa học Pháp tìm thấy những di tích lớn như Ba Thê, Đá Nổi nằm ở những nơi giao hội của các đường nước cổ. Bản thân Óc eo là thị cảng. Ngoài ra, trong khu tứ giác Long Xuyên có các di tích cư trú nhà sàn, xưởng thủ công, kiến trúc đền thờ, đền tháp, mộ hỏa táng.
• Tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Di tích phân bổ ở nhiều vị trí khác nhau. Di tích có quy mô nhỏ. Dân cư sống ở trên nhà sàn hoặc nhà đất. Ngoài ra, còn có kiến trúc đền tháp, mộ hỏa táng, bia ký
• Tiểu vùng ven biển Tây Nam
(Vùng U minh – Năm Căn) Di tích đều tập tập trung ở vùng trũng: nhà sàn, kiến trúc đá, mộ táng, bệ thờ, tượng thần

• Tiểu vùng rừng Sác duyên hải: Di tích là những gò đất đắp nổi cao hơn mặt biển chừng 1-3m. Đó là các “giồng”. Đây là nơi giao tiếp giữa văn hóa Óc eo – Đồng Nai và Sa huỳnh.
• Tiểu vùng ven biển Đông: Từ sông Tiền đến Minh Hải. Di tich phân bố ở đồng bằng ven biển, giáp sông Tiền và sông Hậu với các di tích kiến trúc lớn như Lưu Cừ II, Trà Cú, Gò Thành, di tích mộ táng, minh văn chữ Phạn và di tích cư trú
• Tiểu vùng Đông Nam bộ:
• Đây là vùng chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng sông Cửu Long. Di tích di vật Oc eo có kiến trúc gạch đá hỗn hợp tượng thần như di tích Gò Cây Mai, Bình Tá, Gò Xoài.
• Văn hóa hậu Óc eo chủ yếu tìm thấy ở vùng Biên Hòa, Long Thành. Vùng Nam Cát Tiên là một trung tâm lớn
• Văn hóa Óc eo đã từng phát triển. Họ xây dựng nhiều công trình phục vụ tôn giáo như đền tháp, mộ táng. Rất tiếc những công trình này đều đã bị phá hủy, nay chỉ còn nền móng. Các công trình này có quy mô lớn, diện tích rộng, xây dựng kiên cố bằng gạch, đá, ngói
• Người Óc eo chủ yếu trồng lúa, dừa, mía, cau và nhiều loại cây quả khác. Phát triển chăn nuôi, thuần dưỡng gia súc
• Nghề thủ công phát triển cao như nghề làm đồ trang sức vàng, đá mang biểu tượng Bàlamôn giáo và phật giáo như linga bằng vàng đâm xuyên qua một lá vàng mỏng tượng trưng cho màng trinh v.v…
• Nghề gia công kim loại màu, nhất là đồ thiếc rất phát triển.
• Nghề chế tác đồ đá làm đồ gia dụng và điêu khắc như cối, chày, các bức tượng Phật, các loại thần
• Nghề làm gốm cũng phát triển, chế tác bằng bàn xoay như chén bát, bình, vò, chai,
• Nghề sản xuất vật liệu xây dựng cũng phát triển để xây dựng đền, tháp, mộ hỏa táng
• Trước đây, người ta cho rằng ngừơi Óc eo là tổ tiên của người khmer. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chứng minh ngược lại. Những di tích tìm được cho thấy đây là sản phẩm của người nói tiếng Malayo – Polinésien cư trú. Khi phân tích các sọ cổ và xương người cổ ở di tích Óc eo, các nhà khoa học cho rằng đây là hài cốt của người Indonesia.
• Như vậy văn hóa Óc eo có sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ
• Như vậy, thiên niên kỷ đầu công nguyên ở Việt Nam có ba nền Văn hóa: Văn hóa châu thổ Bắc bộ, Văn hóa Chăm và Văn hóa Óc eo. Diễn trình của Văn hóa Việt Nam là diễn trình của 3 nền văn hóa này.
• Ở châu thổ Bắc bộ, thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc
• Ở Trung bộ và Nam bộ là Văn hóa Chăm và văn hóa Óc eo tiếp xúc một cách tự nhiên với văn hóa Ấn Độ, khiến cho 2 vùng này có những nét văn hóa đặc thù riêng.

Phế đô của vương quốc Phù Nam

Phát hiện năm 1942. Từ tháng 2 đến tháng 4/1944 được Louis Malleret, nhà khảo cổ người Pháp, khai quật lần đầu ở nhiều địa điểm khác nhau trên cánh đồng Óc Eo bên chân núi Ba Thê (Thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày nay). Những công bố sau đó của ông về bằng chứng của vương quốc Phù Nam cổ xưa, ước vào đầu công nguyên đến thế kỷ VII, đã gây chấn động trong giới cổ học thế giới. Không cao niên về tuổi địa chất nhưng đồng bằng sông Cửu Long lại chứng kiến những bước chân văn minh đầu tiên của con người trên trái đất này. Những gì tìm được sơ bộ khi ấy cũng đã cho thấy dấu vết của thời đại đá mới bước sang thời đại kim khí, cư dân này cũng đã biết canh nông và đã có sự giao lưu với các nền văn hoá trong khu vực rộng lớn từ biển Đông thuộc Thái Bình Dương vươn dài về phía tây tới tận vịnh Bengan thuộc Ấn Độ.

Mất hơn 30 năm gián đoạn do chiến tranh, mãi sau 1975 những cuộc tìm kiếm dấu vết của vương quốc bị mất tích này mới được tiếp tục trở lại. Không chỉ có quanh vùng Óc Eo, dấu tích của vương quốc Phù Nam cổ xưa lần lược hiện lên từ Cạnh Đền (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Năm Tước, Gò Rộc Thanh (Long An) rồi ngày một lan toả ra các vùng Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu đến Nam Cát Tiên (Miền Đông Nam Bộ). Chắc chắn những vết lộ này còn chưa dừng lại ở đây nếu nó còn được tìm kiếm xa hơn về hướng Tây Nam trên lãnh thổ của hai quốc gia Campuchia và Thái Lan.

Sự phát hiện ngày một phong phú đã dẫn đến nhiều nhận định khác nhau về vai trò của khu di chỉ Oc Eo trong vương quốc cổ: “là một đô thị rộng lớn, một thị cảng phồn vinh, một tung tâm kinh tế sống động với mối quan hệ giao thương Âu-Á khá rộng rải. Đồng thời, đô thị Oc Eo xưa cũng là một di tích tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành vào loại sớm nhất ở Đông Nam Á” (theo Louis Malleret); hay: “vùng di tích quanh núi Ba Thê với phạm vi rộng lớn tập trung nhiều di tích thờ cúng, lăng mộ, thật sự là một trung tâm lớn, đã qui tụ nhiều tinh hoa kỹ thuật-nghệ thuật các mặt của nền văn hoá này. Từ vị trí được xác định như vậy, chắc hẳn vùng này cũng là một trung tâm quyền lực” (nhận định của Lê Xuân Diệm).

Dù là trung tâm tập quyền hay kinh thương, cho đến thời điểm này, các nhà khảo cổ trong và ngoài nước vẫn thống nhất với nhau rằng, Oc Eo là trung tâm đô hội lớn nhất của toàn bộ nền văn hoá Phù Nam.


Bằng chứng về một nền văn hoá đa sắc và rực rỡ

Dưới những hố khai quật ở Oc Eo đã tìm thấy nhiều di cốt của vật nuôi như chó, heo, gà, mèo. Trong những hình khắc trên vật dụng và trang sức bằng gốm, đồng và vàng có hình voi được đóng bành trên lưng. Thuần dưỡng được loài đại súc vật như voi để làm công cụ, chứng tỏ cư dân Phù Nam cổ đã có một trình độ phát triển rất cao. Việc này thư tịch cổ Trung Quốc còn ghi: “Họ (Phù Nam) có 5.000 voi chiến (…) (thời) Trúc Chiên Đàn (vua Phù Nam) xưng vua, sai sứ sang cống voi đã thuần dưỡng” (Tân Đường Thư). Đoạn thư tịch trên còn là bằng chứng: Phù Nam khi ấy đã là một nhà nước tập quyền, trong khi xã hội Sa Huỳnh, một nền văn minh kề cận (kết thúc thế kỷ I), vẫn chưa thấy dấu vết của một nhà nước có tổ chức.

Những mẫu lúa ở các di tích Nền Chùa, Oc Eo có dạng hạt tròn và cả những hạt lúa hoang dại. Theo Nguyễn Xuân Hiển: “Nghề trồng lúa ở Oc Eo thuộc dạng đầm lầy, đã sử dụng dạng kênh rạch để hỗ trợ cho cây lúa, và không xa nơi trồng lúa, còn bạt ngàn cả từng vạt lúa hoang dại”. Trong sách “Con đường lúa gạo” Watabe còn cung cấp một bằng chứng quan trọng: “Trong gạch mộc ở Oc Eo có chứa vỏ trấu hạt dài (…). Loại lúa hạt dài có tên gọi là lúa tiên, thuộc hệ Bengal, được du nhập từ Ấn Độ đến vào khoảng những thế kỷ đầu Công Nguyên”.

Nhưng thủ công nghiệp mới là hoạt động nổi bật nhất. Người ta dễ dàng tìm thấy thành phẩm rất đa dạng đủ kích cở từ tượng thần, tượng phật, linh vật thờ cúng đến đồ trang sức, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng được chế tác từ vàng, bạc, đồng, sắt, đá quí, gỗ, đất nung, thậm chí có cả thuỷ tinh nhiều màu. Không chỉ thế, rất nhiều dụng cụ để chế tác ra các sản phẩm này cũng được tìm thấy từ dấu vết lò nung, nguyên liệu, phế liệu, những vết quặng nung chảy cho đến con lăn, bàn nghiền, cối, chày, nồi nấu, khuôn đổ, bàn mài… Nhiều nghề thủ công này cho thấy có nguồn gốc ngoại nhập, nhưng đã được thiết lập tại chỗ để sản xuất cho nhu cầu nội địa và có thể cả cho xuất khẩu. Trong Lương thư và Tân Đường Thư còn ghi: “Xứ Phù Nam xuất vàng, đồng, thiết, trầm hương, ngà voi, công, chim thằng chài, vẹt ngũ sắc”, “Dân Phù Nam tìm thấy kim cương rất nhiều dưới lòng sông, trên núi đá. Dân chúng lặn xuống nước, mò kiếm dễ dàng. Xứ đó xuất kim cương”.

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ cũng không ít bối rối để phân biệt sản phẩm nào được sản xuất và đâu là những món hàng du nhập. Người ta tìm thấy ở đây từ những tấm huy chương của các vương triều La Mã, gương đồng Đông Hán, tượng Phật Bắc Nguỵ, tượng thần Bà-la-môn Ấn Độ, cho đến đồ trang sức, vật dụng sinh hoạt của các khu vực khác đương thời ở Đông Nam Á.

Một điểm nữa cũng đáng lưu ý: hầu hết những dụng cụ đồ đá tìm thấy ở vùng di chỉ này đều chỉ là công cụ dành cho sản xuất, không tìm thấy công cụ cho sinh hoạt.


Cuộc tàn sát của hậu thế

Cách nay 97 năm người ta phát hiện dưới chân núi Ba Thê có bức tượng “Phật bốn tay” nên đã dựng lên ngôi chùa để thờ. Đó là chùa Linh Sơn ngày nay. Thật ra đó là pho tượng Visnu Ananta, có hình rắn naga bảy đầu làm thành tán che phía sau. Bức tượng này cao tới 3m30, nhưng để biến nó thành bức tượng Phật ngồi người ta đã xây bít hết phần chân tượng thành ra cái bệ thờ. Có một việc có lẽ cũng ít người biết là bức tượng Bà được thờ trong chùa Bà dưới chân núi Sam, Châu Đốc, khiến làm nên lễ hội Vía Bà, một lễ hội hằng năm thu hút hơn 2 triệu khách du lịch cả nước, thực ra cũng không phải pho tượng của người nữ mà là pho tượng có dạng lưỡng tính thường gặp trong điêu khắc có nguồn gốc tín ngưỡng Bà-la-môn. Bức tượng này cũng được tìm thấy tương tự bức của chùa Linh Sơn. Nói điều này để thấy, công cuộc “phát hiện” của dân gian đã xảy ra trước ngày ông Louir Malleret khai quật Oc Eo rất lâu. Dù có gần 2000 năm tuổi, nhưng những di chỉ của Oc Eo không bị vùi lấp chôn sâu đến độ mất dấu.

Ngày nay, đứng giữa cánh đồng Oc Eo bên di chỉ Gò Cây Thị có mái che, dù trước mắt là vết lộ của kiến trúc móng chìm một đền đài khá kiên cố, bạn cũng khó mà hình dung nơi đây từng là kinh đô của một vương quốc hùng mạnh. Sau công cuộc khai quật có mục đích đầu tiên, có đến mấy mươi năm khu di chỉ này từng không có ai là chủ nhân. Đó cũng là thời gian của vô số những cuộc khai quật không có mục đích, hay nói đúng hơn chỉ có mục đích tàn phá. Cho đến bây giờ, nếu dạo quanh vùng Giồng Cát, Giồng Xoài, cả những làng quanh chân núi Ba Thê ta vẫn còn thấy nhiều thềm nhà, lối đi được kè lót bằng những viên gạch ngàn năm. Nhưng cuộc tàn sát tập thể lớn nhất khu di chỉ này phải kể đến là vào những năm 80 của thế kỷ 20. Cuộc tàn sát này có tên gọi là “bòn vàng”. Từ một ai đó tìm thấy vàng và tin được đồn thổi loan đi. Người của khắp nơi đổ đến như ong tìm mật, những lúc cao điểm có đến ngàn người. Người viết bài này từng có mặt ở đây vào một ngày của mùa nước nổi để chứng kiến những chiếc ca nô của ngàng công an rượt đuổi những người đào bới chẳng khác ném viên đá giữa ao bèo. Cả cánh đồng Ba Thê ngày ấy còn hoang hóa bị xới tung đến từng mét vuông. Người ta chỉ tìm vàng, còn tất cả đều là đồ bỏ đi. Gạch, đá, mảnh gốm ngổn ngang. Tượng đá, tượng gỗ xứt tai, gảy chân lăn lóc góc cây ụ đất. Thời đó dễ dàng tìm thấy ở góc tre, buội chuối bên hè nhà dân quanh vùng những bình gốm xứt mẻ có ngàn năm tuổi. Nhiều di vật giờ đây còn được lưu giữ trong các bảo tàng đã được thu gom từ trong dân giang sau trận bòn vàng này. Bức tượng phật bằng gỗ cao gần 2m hiện đứng trong lồng kính ở bảo tàng An Giang cũng đã được thu gom như thế. Thực ra đây là bức tượng gỗ dát vàng. Nhưng khi chủ nhân của nó bây giơ tìm được thì nó chỉ còn cái cốt gỗ.


Bí ẩn về sự tiêu vong

Dấu vết thời hưng thịnh của vương quốc Phù Nam thì nhiều vô kể. Nhưng dấu tích cho biết về thời kỳ suy yếu dẫn đến diệt vong của cả vương quốc này thì còn rất mơ hồ. Đọc qua một ít tài liệu khảo cổ về nền văn hoá này cũng chưa gặp được ý kiến nào đề cập đến việc này. Có hai giả thuyết thường được nghe truyền miệng trong giới chuyên môn.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng sự xoá sạch cả mộ cộng đồng cư dân rộng lớn như thế chỉ có thể là do thiên tai. Có thể đó là một trận hồng thuỷ hay một cuộc đại dịch bệnh. Nhưng theo những tại liệu được nhiều nhà khoa học thế giới đồng tình thì kỷ tan rã băng hà cuối cùng cách đây ít ra cũng đã 8.000 năm. Những trận động đất hay những cơn sóng thần cụt bộ như xảy ra ở Nam Á vừa rồi khó thấy khả năng xoá được cả một vương quốc như Phù Nam. Nguyên nhân dịch bệnh lại không thấy có căn cứ. Qua tổng kết các cuộc khai quật chỉ tìm thấy vài mươi bộ hài cốt cổ, mà hầu hết họ đều được táng trong mộ.

Nhiều ý kiến nghiêng về giả thuyết do những cuộc ngoại xăm tàn sát. Có ý kiến còn đi gần hơn, nghi vấn rằng ngoại ban ấy chính là người Java (Mã Lai). Nhưng chẳng thấy ai chứng minh được gì cho sự đổ thừa vô cớ này. Thư tịch cổ chưa tìm ra sách nào ghi như thế.

Thành ra người nay khi nhìn vào những di vật vẫn cứ bâng khuâng: “Người xưa đâu tá?”.


Ghi chú: Bài viết có dẫn tài liệu từ sách Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long và Văn hoá Oc Eo và các văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Trọng Tín

Chú thích
1. Ghi theo Lịch sử Camphchia (tr. 32). Sách Giáo trình du lịch ghi là Sailaraja và
cũng dịch là vua núi (tr. 97)
2. Lược theo Giáo trình du lịch (tr. 97), Lịch sử Camphchia (tr. 32)
3. Sử nhà Lương & sử Nam Tề chép tương tự. Ở bài soạn này, xin các bạn đọc
lưu ý là tên các vị vua Phù Nam, mỗi sách phiên âm mỗi khác. Và các năm tháng
ở trong bài, chỉ có tính tương đối.
4. Tư liệu & nhận định chép theo Lịch sử Campuchia (tr. 34) & Giáo trình du lịch (tr.
97).
5. Theo Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam (tr. 19), Giáo trình du lịch (tr. 98) và
Lịch sử Campuchia (tr. 34-35).
6. Lịch sử Camphuchia, tr. 39.
7. Cát Miệt, do người Hoa phiên âm từ Khmer. Về sau quốc gia này có tên gọi là
Chân Lạp. (chú thích lấy ở sách Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, tr. 19).
8. Tùy thư, Quyển 82, Liệt truyện 47, tờ 5. (Tư liệu khoa Sử, Đại học Quốc gia Hà
Nội, H. 1949).
9. Tân Đường thư, Quyển 222 hạ, Liệt truyện 147 hạ, tờ 3 (Bản chữ Hán, Tư liệu
khoa Sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 1948.
10. Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, tr. 20.
11. Mã Đoan Lâm, Văn hiến thông khảo, Quyển 332, Tứ duệ khảo, tờ 9. (Tư liệu
khoa Sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 875.
12. Óc Eo: tên một cánh đồng nay thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An
Giang.
13. Theo Địa chí văn hóa TP. HCM, tập I, phần 2, tr. 119.
14. Cuộc khai quật đầu tiên của Malleret đã tiến hành với 24 điểm. Cho tới nay, trên
sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo đã có trên 50 địa điểm có giá trị khảo cổ
học đã được ghi nhận và nghiên cứu. Tính đến năm 1975, bộ sưu tập về văn
hóa Óc Eo - Ba Thê đã có 3.969 hiện vật. Trong đó bao gồm: 498 đồ vàng, 137
đồ bạc, 4 chì, 83 thiếc, 149 đồ đồng, 2.749 đồ đá màu (trong đó có 2.522 chuỗi
hạt, 79 đồ đá khác, 285 đất nung, 7 đồ gỗ và một số hiện vật không xác định rõ)
13 | T r a n g
15. Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, tr. 17.
16. Từ điển Văn hóa Đông Nam Á, tr. 305.
17. Lược theo Giáo trình du lịch (tr. 101-102) và Lịch sử Campuchia (tr. 40-44)
18. Địa chí văn hóa TP. HCM (tập I, phần 2, tr. 113) & Giáo trình du lịch (tr. 99).
Sách Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam ghi cư dân Phù Nam mang đặc điểm
nhân chủng Tiền Mã Lai (Protomalais).
19. Ghi theo Lược sử vùng đất Nam Bộ (tr. 18). Giáo trình du lịch cho rằng chữ
Brami, là thứ chữ đã được dùng ở Ấn Độ từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 5. (tr. 99)
20. Ghi theo Lược sử vùng đất Nam Bộ (tr. 18). Giáo trình du lịch cho rằng người
Phù Nam nói tiếng Ngữ tộc Môn – Khmer (tr. 98).
21. Louis Malleret. L’Archéologie du delta du Mékong, Tome 3, Paris, 1963, tr. 314.
22. Lịch sử Campuchia, tr. 44.
23. Ngô thư, Ngô chủ truyện (quyển 47, tờ 31). Dẫn lại theo Lược sử vùng đất Nam
Bộ Việt Nam, tr. 14.
24. Mahaxvara, là một trong những tên gọi của thần Civa. Đoạn trích này in trong
sách Lịch sử Campuchia, tr.41-42.
25. Sử nhà Lương. Đoạn trích in trong sách Lịch sử Campuchia, tr.42.
26. P.Pelliot, Le Fou Nan, Hanoi, 1903 & Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, tr. 18.
27. Lược theo Giáo trình du lịch, tr. 111-114.
28. Xem chi tiết tại đây:
[http://www.skydoor.net/place/Khu_di_t%C3%ADch_G%C3%B2_Th%C3%A0nh]
29. Võ Sĩ Khải viết: Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu gần đây, có thể thấy
những di tích khảo cổ học mang dấu ấn Chân Lạp trên đất Nam Bộ trước thế kỳ
16 không nhiều và ảnh hưởng văn minh Angkor ở vùng này cũng không đậm nét.
(Địa chí văn hóa TP. HCM tập I, tr. 183.
30. Tùy thư, Quyển 82, Liệt truyện 47, tờ 5. Tư liệu khoa sử, Đại học Quốc Hà Nội,
H. 1949.
31. Tân Đường thư, (bản chữ Hán). Tư liệu khoa sử, Đại học Quốc Hà Nội, H.1948.
32. Lược theo Lịch sử Campuchia, tr. 28-29.
33. Vùng Bà Rịa ngày nay.
34. Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.45.
35. Xem bài Phế đô của vương quốc Phù Nam.
[http://dulich.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=96300&ChannelID=10
0]
36. Lịch sử Campuchia, tr. 47-48.
37. Địa chí văn hóa TP. Hồ Chí Minh, tập I, tr. 118.
14 | T r a n g
Tham khảo chính
 Lược sử vùng đất Nam Bộ (in lần thứ 2) do GS TSKH Vũ Minh Giang chủ biên.
Sách của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức biên soạn, NXB thế giới ấn
hành, Hà Nội, 2008.
 Lịch Sử Camphchia do Phạm Việt Trung, Nguyễn Xuân Kỳ, Đỗ Văn Nhung biên
soạn. Nxb Đại Học & THCN, 1982.
 Địa chí văn hóa TP. HCM, tập I, phần 2 do Võ Sĩ Khải biên soạn. Nxb TP. HCM,
1987.
 Ngô Văn Doanh, Từ điển Văn hóa Đông Nam Á phổ thông. Nxb VH-TT, 1999.
 Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch (gọi tắt là Giáo trình du lịch) giáo trình do
Hiệp hội du lịch TP HCM biên soạn, Nxb Tp. HCM ấn hành năm 1995.

Thuốc ngừa HPV hay ngừa ung thư cổ tử cung?

Hiện nay, nhiều người nhất là phụ nữ đang rất quan tâm vấn đề một số thuốc được cho là có khả năng “phòng ngừa ung thư cổ tử cung”. Nhưng có nên đánh đồng thuốc chống HPV (các type human papillomavirus) là thuốc “ngừa ung thư cổ tử cung” trong khi khả năng các thuốc này còn giới hạn trong các thử nghiệm lâm sàng và chỉ có tác dụng trên vài loại HPV trong rất nhiều loại HPV lây lan qua đường tình dục?

Y văn thế giới ghi nhận “HPV là nguyên nhân gần trong ung thư cổ tử cung”. Nhiễm HPV chỉ là nhiễm trùng có thể tạo điều kiện cho ung thư cổ tử cung dễ dàng phát triển. Ngay cả các hãng sản xuất thuốc ngừa HPV trong các nghiên cứu của mình cũng chỉ ghi là “thuốc chống HPV nguy cơ cao”. Nhiều nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng phần lớn các nhiễm trùng HPV “nguy cơ cao” đều tự khỏi và không gây ung thư. Theo hiểu biết của y học hiện nay, chỉ khoảng 5% phụ nữ bị nhiễm HPV không thể tạo miễn nhiễm sinh ra các tế bào cổ tử cung bất thường có khả năng hoá ác tính khi có thêm các yếu tố nguy cơ khác kèm theo (thuốc lá, sinh nhiều con, nhiều bạn tình…). Trong khi đó, các thuốc hiện tại chỉ được ghi nhận có tác dụng tối đa trên vài loại HPV thường gây u nhú ở cổ tử cung. Số các loại HPV có thể phòng ngừa được này chỉ chiếm khoảng 1/10 – 1/7 số loại HPV nguy cơ cao. Như vậy, không phải HPV nào cũng ngừa được, không phải HPV nào cũng gây viêm cổ tử cung, không phải viêm cổ tử cung do HPV nào cũng gây ung thư cổ tử cung. Mặt khác, thuốc ngừa hoàn toàn vô hiệu khi đã từng nhiễm HPV và chỉ có thể ngăn chặn các trường hợp chưa từng nhiễm. Cho nên các thuốc hiện tại được khuyến cáo là thuốc ngừa HPV và chỉ dùng cho đối tượng phụ nữ 9 – 26 tuổi, chưa sinh hoạt tình dục.

Có vài thứ thuốc được nghiên cứu kỹ đang đi đến giai đoạn thử nghiệm so sánh hiệu quả lâm sàng trong khi các thuốc khác còn đang trong giai đoạn xem xét tác dụng phụ và hiệu quả. Trên thế giới chỉ có vài quốc gia có cho triển khai thử nghiệm lâm sàng, chủ yếu ở Nam Mỹ và một số nước khác. Việc chấp nhận cho lưu hành các thứ thuốc này còn phải được xem xét lại và một trong hai thứ thuốc ngừa HPV danh tiếng nhất còn phải chờ đợi tối thiểu đến hết năm 2009 mới có thể có được sự công nhận của FDA – cục Quản lý thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ.

Vậy tại sao bộ Y tế lại ủng hộ việc đưa hàng triệu người Việt Nam vào chiến dịch “thử thuốc còn bị mất tiền” của hãng dược phẩm? Hàng chục ngàn tỉ đồng tiền thuốc sẽ rơi vào túi ai? Ai dám đảm bảo sự an toàn cho những người tham gia chích ngừa trong nhiều năm sau hay cả cuộc đời họ, khi các nghiên cứu còn chưa đầy đủ? Và ai phải chịu trách nhiệm khi cố tình đưa thông tin không rõ ràng gây hoang mang cho người dân?

Đoàn Nhật Trung