Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

BÀ NỘI TÔI.

 #ngày2, #BácsĩĐồnghành, #ngày12012022

Trong đám con cháu, có thể nói tôi và Ba tôi là ảnh hưởng Bà Nội nhiều nhất. Đó là tánh “bao đồng” và nghiệp y. Tôi có viết về Nội trên trang “Phèn’s Blog” về nghề bán tương và biệt danh Bà Tám Tương.(1) Ở bài này tôi sẽ nói tại sao tôi lại yêu quý Nội nhất trong những người tôi biết trên cõi đời này.
Bà chỉ là một mụ vườn nhiều năm trước khi qua lớp hướng dẫn ngắn hạn đỡ sinh vào những năm 69- 70 của thế kỷ trước. Bà đã giúp đỡ đẻ hàng trăm ca trong làng nhất là giai đoạn sau ngày giải phóng, tình hình y tế khó khăn. Bà tự đỡ đẻ cho chính mình 9 người con. Và cả đám cháu nội ngoại sinh trước năm 1986 đều qua tay Bà, trong đó có 4 anh em chúng tôi.
Bà làm công việc này không nhận một đồng thù lao nào nhưng nửa đêm hôm nhà ai hữu sự tới báo Bà đều lập tức đi, không từ nan. May mắn trong hàng trăm ca đó, có những ca khó như ngôi mông, thai suy… nhờ Ông Bà độ hay sao mà qua hết. Tới giờ, nhiều người vẫn còn nhắc ca đẻ ngược của nhỏ Cẩm Hồng con Thiếm Ba Nhì, hay trường hợp thằng Triệu Khiết con Chú Tư Chẳng đẻ ra nín thinh, tái nhợt, vỗ đít, hà hơi cả buổi nó mới chịu khóc tướng lên. Hay cả em Út nhà tôi đẻ bọc điều, Bà đã nhanh chóng phát hiện, xé bọc để lôi con nhỏ ra.
Năm 1976, ông Nội bị tai biến mất khi vừa 49 tuổi, bà một mình chèo chống, Cô Út mới được 3 tuổi, còn nhỏ hơn tuổi tôi. Ngày thường, hàng tuần bà đi bơi xuồng đi múc tương ở Chùa Phước Huệ- Sa Đéc về bán ở chợ mỗi sáng nên mọi người cũng gọi là Bà Tám Tương thay vì gọi Bà Tám Tăng theo tên Ông Nội.
Bày hàng xong, Bà Tám Tương lượn đầu trên xuống dưới, tới đâu bạn hàng đều réo nhờ Bà mở hàng giúp vì bà mua xong mọi người bán rất đắc hàng. Cũng vì vậy mà tiền vốn bán tương cứ hụt lên thiếu xuống. Bà lại cũng hay mua “vé số kiến thiết” mong “trúng số cho con cháu đỡ khổ”, nhưng thực tế là mua tới chết cũng có trúng được gì ngoài mấy lần trúng số đầu, không đủ tiền uống cà phê đá.
Nói về uống cà phê, Bà cũng có cái tật uống cà phê rất ngộ. Mỗi lần mua là phải lấy cái ca nhựa to, kêu một ly cà phê đá để vô, mua thêm một ly cà phê dảo đổ chung và thêm 4-5 muỗng đường, thêm đá. Ca cà phê thành thứ nước đường có mùi cà phê thoang thoảng, ứ hự, uống cả buổi mới hết. Cả chợ ai cũng cười, Nội cứ mặc kệ. Tao thích vậy!
Sau năm 1986, việc hành nghề đòi hỏi gắt gao hơn, Nội tôi không đủ băng cấp nên không được làm nữa. Bà cũng không còn đủ sức bơi xuồng đi về gần 60km để múc tương bán. Bà sống chung với vợ chồng Cô Út. Bà rất thương con cháu, có tiền bà cứ dấm dúi cho hết.
Nhớ năm lớp 9 vào lớp 10, Bà biết tôi thích cây đàn guitave, nên khi thấy một ông đi ghe kêu bán cây đàn còn mới, bà mua rồi giấu trên bồ lúa và kêu tôi ra để thưởng sau kỳ chuyển cấp. Ai ngờ đó là cây đàn phím lõm dành cho vọng cổ, thứ này thì hồi đó tôi chưa có mê.
Rời quê lên thành phố học rồi đi làm nhưng mỗi lần về tới quê là tôi ghé thăm Bà trước nhất để mang ít quà, một ít tiền để Bà…đánh vé số cho vui tuổi già. Mấy Cô chú thường rày tôi làm Bà hư. Tôi thì nghĩ không biết Bà không biết còn dò số được bao nhiêu lần nữa. Kệ đi! Vui là chính.
Nhưng không may, một ngày Bà trượt chân ngã gãy cổ xương đùi, không đi được. Tội vợ chồng Cô Út phải xoay sở chăm sóc cho Bà hàng ngày. Vậy mà mỗi lần anh em tôi về ghé qua “Thưa Nội!” thì Bà cũng nhổm lên nheo nheo mắt hỏi “Đứa nào dzậy bây!”, rồi nắm tay, sờ đầu từng đứa. Gần 10 năm Bà chỉ loay hoay trên chiếc giường nhỏ như vậy.
Chuối chín cây rồi cũng rụng. Bà ra đi nhẹ nhàng vào buổi chiều ngày cúng Tiên Thường của Ông Nội, 29 tháng giêng âl. Các Cô Chú cứ bảo ”Chắc Bà chờ Ông về rồi cùng đi một thể!” Bà mất mà con cháu cứ bảo nhau giờ Ông Bà đã đoàn tụ rồi. Nghĩ cũng lạ! Mỗi lần đám giỗ là mạnh ai nấy kể về kỷ niệm với Bà. Có người được Bà đỡ đẻ ngày xưa, giờ đã có cháu nội ngoại vẫn ghé thắp nhang cho Bà. Không khí thật vui và ấm lòng.
Còn tôi thì nhớ về Nội tôi như một bậc tiền bối trong nghề, hết lòng vì bệnh nhân, bất vụ lợi, làm hết sức khả năng mình có thể. Bà còn truyền cho tôi máu lỳ, làm bất kể thiên hạ muốn bàn tán gì. Và trên hết, sự chung thủy của Bà làm tôi kính phục và thương cảm. Bà đã chờ đợi suốt hơn 40 năm mới hội ngộ cùng Ông chốn cửu tuyền.
Bác sĩ Đồng hành
Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà
Phan Toàn, Quàng Hồng Nhung và 7 người khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét