Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

BỆNH VIỆN NGỒI CHƠI, SỢ HAY MỪNG?

Hôm nay, 16/4/2015 trong hội nghị sơ kết đề án bệnh viện vệ tinh, Chị Tiến đã hăm các bệnh viện về tình trạng ế ẩm không có bệnh nhân có thể xảy ra trong thời gian tới nếu không thay đổi cơ sở vật chất và thái độ phục vụ. Trong phát biểu này có quá nhiều điều phải bàn

Điều đầu tiên, chẳng lẽ ngành y tế đang mong mỏi có nhiều bệnh nhân để "phục vụ"? Chuyện này giống như các trại hòm, cơ sở mai táng mong có nhiều người chết để có việc làm à? Với tư duy đó, vai trò chăm sóc ban đầu (primary care) của y tế đã bị truất phế ở cả 2 góc độ: không tạo đủ độ tin để bệnh nhân ở lại y tế cơ sở mà phải đổ dồn vào bệnh viện và quan trọng hơn, ngành y tế ít phân bổ nguồn lực cho y tế tuyến dưới. Từ đó, những vấn đề sức khỏe đơn giản cũng phải cần tới các bệnh viện tuyến cao. Thực trạng tình trạng quá tải hiện nay đang phản ánh rõ điều đó, thiết nghĩ cũng không cần phải có số liệu chứng minh vì nó quá rõ ràng. 

Điều thứ hai, nhiệm vụ chức năng của bệnh viện đang lệch trọng tâm chăm sóc vì chạy theo chỉ tiêu và lợi nhuận. Thay vì tập trung vào chăm sóc nội trú và nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ tuyến dứoi về chuyên môn, tất cả các bệnh viện từ Nam chí Bắc đều tập trung vào khám ngoại trú và xem đây là mỏ vàng để tập trung mọi nguốn lực khai thác. Việc tập trung vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật, mở rộng vệ tinh... cũng chỉ phục vụ cho mục đích đó. Vậy khi bệnh nhân bị hút vào những yếu tố đó, tràn lên vựợt tuyến, quá tải xảy ra, lại ngăn chặn bằng các biện pháp hành chánh như chính sách BHYT vừa đuợc ban hành đầu năm 2015 này có phải ngành y tế đã tự làm khó (hay sướng) mình?

Điều thứ ba, chỉ tiêu giường nội trú trong dân số càng cao là một tiêu chí đánh giá sức mạnh của ngành y tế? Chỉ có khoảng 5-10% những nguời có vấn đề sức khỏe cần đựoc nhập viện để điều trị nội trú (Barbara, 1967). Như vậy, việc đầu tư vào y tế tuyến cao có phải là giải pháp thật thụ để giải quyết vấn đề sức khỏe của nguời dân hiệu quả hay là đầu tư cho hơn 90% người dân chỉ cần điều trị ngoại trú tại y tế cơ sở. Song song đó, để lấp khoảng trống giừong bệnh, việc ép bệnh nhân nhập viện không cần thiết là điều tất yếu để đạt chỉ tiêu, có cái báo cáo là đương nhiên. Điều này không phải quá khó để kiểm chứng.

Về kinh tế y tế, nếu các bệnh viện ăn nên làm ra, không phải ngồi chơi xơi nước như Bà Bộ trưởng hăm, thì cái giá phải trả như thế nào? Cho rằng mọi quy chế chuyên môn được thực hiện trung thực, chính xác, không lạm dụng... thì chi phí mỗi bệnh nhân sẽ phải chi trả cao đến mức nào? Đó là chưa kể, đi bệnh viện còn phải có người theo hỗ trợ dù chỉ khám để ứng phó với một mớ bòng bong quy trình, chờ đợi phải mất ngày công làm việc....Rõ ràng là một gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Khi đi thực tế tại Pháp và Bỉ, chúng tôi cũng nhận thấy, bệnh viện ở đó rất vắng bệnh nhân. Ngay cả Viện trường của Đại học Liege cũng lèo tèo vài bệnh nhân. Bác sĩ thoải mái giảng dạy cho sinh viên, tham khảo tài liệu. Trong khi đó, các phòng khám Bác sĩ gia đình thì không khí nhộn nhịp hơn.  Chúng tôi ghé thăm BS Bùi Kim Hải, chị nói ngay sẽ dẫn chúng tôi đi tham quan sau vài cuộc điện thoại hẹn lại hoặc chuyển giao bệnh nhân cho đồng nghiệp khác trong nhóm. Dường như bên đó ngừoi ta không sợ ngồi chơi xơi nứoc đâu ạ

Tóm lại, chủ trưong thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh là một cái chết đựoc báo truớc nếu sức khỏe người dân được chăm lo đúng cách như bà Bộ trưởng đã cảnh báo, sẽ phải ngồi chơi xơi nứoc. Bằng không, cả nền kinh tế phải gánh chịu chi phí y tế bất hợp lý, số ngày công lao động bị mất một cách lãng phí, cụ thể nhất là quỹ BHXH sẽ càng có nguy cơ vỡ bất kỳ lúc nào do phải chi trả quá nhiều, cho các kỹ thuật cao, cho dù không đem tiền đó phung phí vào những lĩnh vực khác. Khi đó, e rằng cái sổ hưu (của bất kỳ ai) có cũng như không. 

Sài Gòn 16/04/2015
BS Từ Nhân Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét