Đó là bí danh của Nội mình từ trước giải phóng. Cái tên đó giờ đám trẻ dưới 40 không còn mấy người nhớ nhưng nhiều gia đình lại nhớ rất rõ.
Chẳng biết từ bao giờ, Bà Nội đã làm cái nghề này. Bà đi bơi xuồng gần 30 cây số sang Chùa Phước Huệ tận miệt Sa Đéc để "múc tương" về bán lại trong làng. Nghe Chú Tám kể lại, đó là công việc Nội làm để che mắt cho việc làm giao liên cho "mấy ổng". Chẳng biết thế nào mà sau giải phóng chẳng có con ma nào hay một giấy tờ gì để ghi nhận. Chắc Chú Tám thấy thương Nội mình nên "thần thoại" câu chuyện này. Mà cũng có thể là đúng nhưng đám đó làm quan lớn hết nên quên rồi.
Nội có một cái sạp bằng gỗ nhỏ do Ông Nội đóng để bà ngồi bán cho cao ráo, hợp vệ sinh. Sáng sáng, Bà chất mọi vật dụng lên xuồng, bơi qua chợ rồi chất hàng lên chỗ bán. Nội bày lên quanh mình từng "việm", từng thố, từng hũ tương chao các loại. Nào là tương hột, tương xay, tương nước, tương kẹo (hắc xì dầu), chao mới, chao cũ, chao"thúi"...Tôi nhớ nhất cảnh Nội ngồi chễm chệ trên thùng tiền, tay nhoai nhoáy múc tương bỏ vào lá môn hay lá sen rồi túm lại buột bằng dây lát.
Tương xay của Nội làm phải nói là đặc sản. Đó là thứ tương hột nguyên thủy Nội đem vào một chiếc cối đá lớn xay nhuyễn, nêm đường ớt đỏ, ớt xanh, nó mằn mặn, bùi bùi, cay cay, ngòn ngọt và ...thơm nức mũi. Ăn trực tiếp như chấm với rau luộc, rau sống, hay dùng để ướp chế biến đều ok hết. Và tương hột của Nội cũng khác bây giờ. Họt tương nở ra cỡ đầu ngón tay út, bùi và béo. Đem tương này mà xào hành lá với ít tóp mỡ heo rồi rưới lên cá linh hay cá mè vinh chiên giòn thì chỉ có nước ...lùa cơm mỏi tay.
Nội bán đắt hàng lắm. Có thể ở thế độc quyền một chợ, cũng có thể vì tương chao Chùa Phước Huệ ngon nổi tiếng vùng mình. Mà cũng có thể nhờ tay miệng mau mắn vui vẻ của Bà. Bà vừa múc tương, vừa hỏi thăm gia cảnh, đôi khi gói lại rồi mà còn giở ra thêm vô một ít để "ăn cho đủ". Nhiều người hay nói "Bà Tám bán kiểu này riết...cụt vốn quá!" Bà cứ cười hì hì.
Tánh Nội hay vì người khác còn hơn lo cho con cháu trong nhà như vậy. Cả cái làng Lai Vung bên phía Rạch Bà Nhan đến Tân Phước thời trước nhiều nhà có con cháu đều nhờ một tay Bà đỡ đẻ. Không biết bà đã học nghề này từ đâu nhưng hàng trăm trường hợp, kể cả ngôi ngược (Ngôi mông) như Bé Hồng con chú Ba Nhì vẫn mẹ tròn con vuông, không xảy ra tai biến gì. Bà Nội nói nhờ phưỡc Ông Bà. Mình thì lại nghĩ chắc là nhờ cái Tâm của Bà tốt, không lấy tiền bất kỳ của ai, nửa đêm nửa hôm kêu giờ nào Bà cũng đi bất kể mưa gió.
Nội đã nghỉ bán 20 năm có lẻ nhưng cũng từng ấy năm, tôi chưa ăn được một keo chao hay lọ tương hoặc chai nước tương nào "cho ra hồn" từ ngày lên Sài Gòn đến giờ. Không ăn được vì nó "dở ẹt" thua xa tương của Nội bán ngày xưa (và cũng không dám ăn vì sợ chết sớm do hóa chất Tàu.)
Đợt rồi có về Chùa Phước Huệ thỉnh mấy keo chao tặng mấy người bà con. Miếng chao giờ cắt vuông đều hơn, keo lọ giờ cũng khác xưa với nhiều diêm dúa hoa lá cành. Cầm lọ chao trong tay mà mình nghĩ không biết Nội có biết Bà đã từng là một bà mụ vườn, Bà Tám Tương lại làm nhiều người khó quên con người đã từng bán thứ tương chao trong có vẻ dân dã và sống hết lòng vì chòm xóm như Nội mình không?
Nhiều người nói tánh Bà "bao đồng" nhưng mình lại thấy khác. Mình rất tự hào về cái bao đồng của Nội. Và cũng có thể mình bị nhiễm cái tánh bao đồng này tự thuở nào từ Bà Nội mình, từ BÀ TÁM TƯƠNG đó!
BS Từ Nhân Dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét