Trải qua hàng trăm chuyến đi công tác xã hội, trong mỗi chuyến đều để lại trong lòng mình nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong lần này cũng không ngoại lệ.
Từ năm 1994, khi mới năm 2 mình chập chững theo các bậc đàn anh đàn chị rong ruổi trên những “chuyến xe bão táp” của Trung tâm Bảo trợ Bà Mẹ cô đơn do Cô Mười Mỹ (Cô Trần Thị Mỹ, một vợ liệt sĩ) tổ chức. Mỗi hai tuần một lần cứ thế, chiếc xe bán lam bán tải, ra đường là bị công an vịn, mang đầy ắp đến mức chật ních những niềm nâng đỡ đến những thân phận đơn chiếc, nghèo nàn của khắp các xã khó khăn của Cần Giờ, Bình Chánh, Quận 8, Hóc Môn…và 23 xã của Củ Chi không sót một xã nào. Những chuyến đi dài cùng Thầy Trần Văn Nhơn hay cùng với BS Nguyễn Quốc Bình- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115- trong đoàn thầy thuốc tình nguyện phía Nam …về Miền Tây giữa những mùa nước lũ. Có chuyến đi qua đêm hay cả nửa hoặc nguyên tuần lễ như đi Tây Nguyên hoặc ra Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu hay sang tận Kandal- Xiemriep- Campuchia…Trong những năm làm tại BVND 115, BS Nguyễn Quốc Khánh giao cho nhiệm vụ “mở rộng mặt trận” khắp nửa phía Nam của đất nước, dấu chân mình cũng in khắp vùng miền . Từ Sông Bé- Lộc Ninh, lên đến Buôn Hồ, Buôn ma Thuột, Buôn Đôn-Đak Lắc, lên tận Krong-Pa, vào Plây- me, Mang Yang, Phú Bổn, Tuy Hòa…Xuôi về Miền Tây đến tận Miệt Thứ, Cà Mau, Đồng Tháp Mười. Nhớ Nghệ sĩ Thanh Sang cầm loa tay hát giữa đồng lộng gió, hay Thiệu Ánh Dương lên xe về chỉ còn nói hơi gió phều phào vì khan tiếng. Rồi những thân phận nghèo khổ, bệnh tật đeo đằng là đối tượng mỗi lần đi là mỗi lần tiếp xúc nhưng có những ca suốt 20 năm cũng không thể nào quên được.
Rất nhiều kỷ niệm, không thể kể xiết. Những đứa trẻ chưa tới 4 tuổi đã lội như nhái khi bị chìm tàu do sóng tàu của đoàn đi qua trên sông Cao Lãnh. Nhớ những đứa trẻ người Ê đê oi nồng khét nắng mà cặp mắt trong veo, run run xé bao mì rồi bẻ từng cọng, ăn nhín nhín. Hay những đứa trẻ Khơme ở Lai Hòa- Vĩnh Châu mắt trắng tròng vì viêm giác mạc trên khuôn mặt thơ ngây. Những già làng Ba Na cứ gọi mình là “con trai Sài Gòn”, áo cài tay manchette bên còn nút, bên không, ngậm cần rượu xong đưa sang mình rồi vỗ vai “Làm đi!”. Hai lão hom hem bảy mấy, nhậu như hũ chìm trên vùng đèo heo hút gió vùng Cheo Reo đó lại có thể bật ra hàng tràng tiếng Pháp trôi chảy đến mức trong đoàn chỉ có BS Vũ Bằng Giang mới đối đáp nổi…Rồi cái thùng cua đá cỡ 2- 3 ngón tay của bệnh nhân khám hồi trưa, là chồng “nữ chúa đảo” Côn đảo , đến tối lại đội đèn đi bắt rồi rụt rè mang tặng đoàn khám trong khi quần áo còn ướt nhẹp... Mình nhớ hoài chiếc áo ấm của một bà mẹ ở phường 3 quận 8 làm bằng chiếc áo mưa được phân phát từ thời bao cấp. Nó cũ lắm, đã cứng quèo từ đời thuở nào, già cỗi và tội nghiệp như chính người đang mang nó. Năm đó trời lạnh thấu xương, mọi người đều co ro, bà mẹ nghèo lập cập, môi tím ngắt trong cái gọi là áo ấm đó. Thật xót xa! Trong đầu mình đã bật ra một điều, bên kia bờ sông hào nhoáng ánh đèn phố thị còn những phận nghèo lắt lay như chính những ngọn đèn dầu trong căn nhà của họ chứ không cần phải tìm kiếm đâu xa. Mình làm được gì cho họ đây? Thuốc ư? Giải quyết được gì với dăm ngày uống theo toa? Sau đó thì thế nào? Công tác xã hội làm được thật sự điều gì cho người bệnh nghèo?
Ô hay! Suốt 6 năm đi học, hai năm chuyên khoa, chưa một người nào, một khóa nào dạy cho mình điều này ngoài môn gọi là Tâm lý Y học cũ rich với nào Mác nào Lê đầy máu và một chủ nghĩa tôn thờ vật chất đến bất chấp thủ đoạn. Đó là chủ nghĩa ông thần ở trời Tây, lý luận lòng vòng, trong lòng hổ báo, ăn cháo đái bát, hoang tưởng điên khùng. Sau này có dịp sang Bỉ, mình vào tận cửa nhà của ông ta để xem thử. Đó là một căn nhà nhỏ xíu, tấm bảng cũng nhỏ xíu, lờ mờ nếu không để ý hay không ai giới thiệu thì chắc chắn sẽ bị bỏ qua. Có vẻ người ta chú ý đến bức tượng của một anh hùng của thành phố là một vị triết gia bị cắt lưỡi cùng với con chó của mình ở bên hông hơn là ngôi nhà tối tăm cũ kỹ đó. Bọn tư bản nó rất dã man và thủ đoạn. Phải chăng bọn nó muốn khuyến cáo rằng ai mà gan trời, dám nhắc đến vị chủ nhân ngôi nhà này ở đây thì coi chừng bị trừng phạt như thế, nên mình cũng chẳng nhắc ở đây (!)
Chuyến đi lần này lai mang cảm xúc khác biệt bởi vì nó là chuyến xuất quân đầu tiên mang thương hiệu Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố. Trong đoàn, lực lượng chủ yếu là các bác sĩ mới, tràn đầy nhiệt huyết nhưng là lính tập mới toe mang ống nghe còn bị ngược. Cứ tưởng đóng vai phụ, ai dè cả nhóm phải nhận hát chính với 600-800 khán giả trong khi kép chánh lẫn kéo màn chỉ vỏn vẹn 7 mống. “Sân khấu” lại dựng ngay trên đất Mỏ Cày, Bến Tre của Thầy Trần Hồng mới khổ. Thôi thì, soạn nhanh lại kịch bản, dàn dựng lại sân khấu cho phù hợp. Hai chú điều dưỡng góp vé thu tiền (đo huyết áp, điều phối bệnh nhân) 5 bác sĩ gồng mình chiến đấu, dược là chốt riêng cuối cùng. Thống nhất chung, mỗi bệnh nhân giải quyết trong ba phút, 2 phút vừa rờ rẫm nghe ngóng, hỏi chuyện, 1 phút ghi toa và dặn dò. Sau 3 tiếng quần thảo, non nửa số bệnh nhân đã được khám xong. Lúc này lại xuất hiện 2 đồng nghiệp chi viện từ một nhóm khám nhi sản ở xã bên sang. Sau buổi cơm trưa (lúc hơn 1 giờ), đoàn bắt đầu khám lại và giải quyết toàn bộ bệnh nhân khi quá 16 giờ một chút. Quá tuyệt vời những đồng đội của tôi ơi!
Nhiều người cho rằng, khám 3 phút thì làm được gì? Thoạt nhìn thì quả là như vậy nhưng mục tiêu thật sự của công tác xã hội trong những trường hợp này là phát hiện vấn đề cần lưu ý hoặc nguy hiểm cho bệnh nhân để tham vấn hướng can thiệp cần thiết, một chút nâng đỡ cho bệnh nhân là vô cùng quý báu. Thuốc là chuyện nhỏ. Ai dám quyết định cho bệnh nhân các thuốc chuyên khoa trong lần khám đầu tiên, ngoại trừ các ca đã có bằng chứng đã được điều trị từ trước thông qua các toa hay giấy xuất viện? Mục tiêu kế tiếp là cho các BS mới tiếp cận cộng đồng để hình thành nhận thức về bệnh tật và các điều kiện kinh tế xã hội , xây dựng thêm các giao tiếp xã hội trong việc hỏi bệnh, trao đổi giao lưu với các đồng nghiệp khác trong hoặc ngoài đơn vị. Mục tiêu thứ ba là xây dựng và quảng bá thông tin hình ảnh của Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố đến với người dân và các đối tác
Rất mừng và hãnh diện khi các thành viên trong đoàn đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Dĩ nhiên, để làm hết mọi chuyện trở nên thuận lợi và thành công trong chuyến đi thì có nhiều thành phần, cá nhân khác đóng góp. Ở đây xin nói riêng về nhóm của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM mà thôi. Anh em đã quá nhiệt tình, hết lòng vì công việc. Điều dưỡng Hồng- Phương bóp bóng máy đo huyết áp rã rời tay, điều bệnh nhân mỏi miệng. BS Đăng bỏ cơm để giải quyết ca Cao huyết áp cấp cứu (Có 5 ca tổng cộng, huyết áp tâm thu từ 190 đến 220mmHg), BS Oanh và BS Xuân mỗi người đều đảm bảo tốc độ làm việc với những biểu hiện vô cùng tích cực. BS Xuân trước khi lên xe đã dán thuốc chống say xe, đi một đoạn tới trạm dừng đã leo lên võng nằm dã dượi vậy mà khám xong vẫn tươi rói, cười nói bình thường. Thấy các bạn ánh mắt ấm áp hướng về bệnh nhân, ân cần khi hỏi chuyện, trân trọng đặt loa nghe trên người bệnh nhân, dặn dò bệnh nhân chu đáo, thế là quá đủ rồi. Lại thấy anh em quây quần với nhau sau buổi khám, trong bụng mình biết rằng sự tin cậy, tinh thần làm việc nhóm đã có vài nét khá rõ ràng, báo hiệu một sự thay đổi đầy mới mẻ cho phong cách làm việc của những người năng động.
Ông Hồ có câu nói mà không biết có phải của ông ấy hay không, chỉ thấy rất phù hợp khi vận dụng vào thực tế: Muốn xây dựng thành công XYZ thì phải có những con người (có tư duy kiểu) XYZ. Nhân sự hay cụ thể hơn là nhận thức của từng thành viên trong một tập thể về hình ảnh của cá nhân mình sẽ tạo nên hình ảnh của đơn vị. Đó là nền tảng của phát triển tổ chức. Làm vô tư, làm tích cực, làm một cách chuyên nghiệp để tồn tại và góp phần phát triển Trung tâm Cấp cứu 115 nhé các đồng đội năng động và đáng yêu của tôi!
BS Từ Nhân Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét