Món điểm tâm có tên hủ tiếu có lẽ do người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) sáng chế và đem từ cố thổ sang Việt Nam từ khi họ di dân sang định cư tại đây. Theo thời gian, nó đã trở thành chẳng những món ăn sáng, mà còn là thứ ẩm thực phục vụ hầu như suốt cả ngày. Ngoài hủ tiếu nước, tức hủ tiếu trụng nước sôi cho vào tô với thịt bằm, thịt nạc, tim, gan, phèo, cật, giá, hẹ, chan nước lèo nấu xương heo, tôm khô, khô mực xăm xắp, rắc nhúm tang xại tỏa mùi thơm đặc trưng. Bên cạnh đó còn có hủ tiếu khô cũng được thực hiện bằng hủ tiếu trụng trộn chút mỡ nước, trải lên mặt cũng thịt băm, thịt nạc, tim, gan, phèo, cật, giá, hẹ cùng nhúm tang xại. Cũng như hủ tiếu nước, người ăn nặn chanh, cho ớt xắt lát ngâm giấm, xịt miếng nước tương vào rồi trộn đều trước khi ăn; ăn xong họ mới thưởng thức chén nước lèo đặt bên cạnh. Ngoài ra còn có hủ tiếu xào, cũng được thực hiện với các nguyên liệu gần như trên. Món nào cũng ngon, giúp thực khách thỏa mãn cái dạ dày khi đói hoặc khi lưng lửng muốn ăn chơi.
Hủ tiếu hấp cũng là món điểm tâm nhưng gần như khác “một trời một vực” với ba loại hủ tiếu nêu trên. Sợi hủ tiếu không trụng trong nồi nước sôi mà đặt trong xửng nhỏ chưng cách thủy. Món này muốn ngon phải dùng loại hủ tiếu tươi được làm bằng gạo lúa mùa nguyên chất. Sợi hủ tiếu vừa đủ một lần ăn xé rời ra cho vào xửng hấp, không được phép hấp một lần nhiều hủ tiếu vì sẽ không nóng và mất ngon. Ăn cùng với hủ tiếu hấp là xíu mại, thịt nướng, xá xíu, bì, dưa leo cùng một ít rau thơm. Bì được làm bằng da heo rửa sạch, xắt từng lát mỏng rồi xắt sợi thật nhỏ, ướp đường, tỏi, bột ngọt cùng chút thính cộng với thịt nạc chiên vàng xắt nhỏ. Thịt khìa làm bằng thịt nạc ướp gia vị và nước dừa xiêm đun trên bếp lửa riu riu. Xíu mại gồm thịt nạc bằm trộn chung chả cá thát lát đánh thật dai, ướp gia vị, vò thành viên hấp, không sử dụng củ sắn. Món này ngon nhờ nước xốt và nước mắm chan. Để có nước xốt ai ăn cũng “nhớ đời”, phải dùng cà chua bằm nhỏ xào với nước thịt khìa. Riêng nước mắm chan cũng phải có “công phu” điêu luyện là dùng nước mắm nhĩ thắng với đường cát trắng. Vậy là đã sẵn sàng cho một dĩa hủ tiếu hấp.
Hủ tiếu hấp ăn bằng dĩa. Dĩa đựng sợi hủ tiếu, trải lên mặt ít bì, viên xíu mại, miếng thịt nướng, miếng xá xíu cùng rau thơm và dưa leo bằm, chan nước xốt cùng chút nước mắm, gài đôi đũa góc dĩa, dọn ra bàn. Khách cầm đũa, cần ăn mặn hơn thì chan thêm nước mắm rồi trộn đều, thưởng thức. Món điểm tâm vừa nóng vừa mát là lạ này khiến bữa điểm tâm hấp dẫn, vì hủ tiếu hấp sao từa tựa bánh tằm bì, nhưng phong phú hơn với nhiều loại thực phẩm ăn chung. Ngon quá, căng bụng là chuyện thường.
Hủ tiếu hấp được bán xưa nay ở chợ Châu Đốc (An Giang), là đặc sản có mặt tại chợ Hà Tiên (Kiên Giang) và cả chợ Thốt Nốt (Cần Thơ). Ở Hà Tiên, hủ tiếu hấp được bán ở khá nhiều nơi với bì, chả giò. Đặc biệt, ở Hà Tiên bên cạnh hủ tiếu hấp người ta còn bán kèm bánh tằm bì. Khách muốn ăn riêng từng món hoặc “gộp” chung hai món một dĩa cũng được, gọi vui là “tiếu tằm”. Đặc biệt, ở Hà Tiên còn có “văn hóa” bán hàng, là: bạn cứ ngồi nhà điện thoại tới tiệm, quán, họ sẽ tự thân đem món ăn đến “tận miệng” bằng xe đạp hoặc xe gắn máy. Người bán một tay đỡ mâm hủ tiếu hoặc món gì đó, một tay cầm ghi-đông xe rồi phom phom đạp hoặc chạy đến nơi theo nhu cầu, thật tiện lợi. Riêng ở chợ Thốt Nốt, món ăn này chỉ bán ở góc chợ ngã tư đường Lê Lợi dưới dốc cầu Thốt Nốt vào lúc 18 giờ. Sớm hơn, lúc 15 giờ có một bà cụ bán trên đường Cầu Chùa.
Cứ tưởng đây là món đặc sản của người dân địa phương này, nhưng tìm hiểu kỹ mới biết nó có xuất xứ từ Phnom Penh (Campuchia), với bì và xíu mại. Té ra, “nhập” vào Việt Nam, hủ tiếu hấp đã chuyển mình phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Theo PHƯƠNG KIỀU-Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét