(ĐNT)- Đây là bài viết còn nhiều thông tin cần chỉnh lại cho sát hợp với thực tế. Tuy nhiên, xem như một tư liệu để phát triển.
Tân Lộc (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) là một cù lao giữa sông Hậu có nhiều vườn cây (đu đủ, sa pô, mít Mã Lai, dừa) trĩu trái nên thu hút khá nhiều khách tham quan. Đặc biệt dịp Tết Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch), hàng chục ngàn người từ Long Xuyên (An Giang) xuống, trung tâm TP Cần Thơ lên, Lai Vung (Đồng Tháp) qua, khiến cù lao này trở thành vùng quê náo nhiệt, vui tươi. Ngày hội này còn diễn ra vào mồng hai Tết Nguyên đán hằng năm.
Là “cù lao cá” nên Tân Lộc quanh năm đều có món ngon từ các “danh ngư”: Từ mồng 5 tháng 5 tới tháng 9 âm lịch là mùa đánh bắt cá sữu. Người ta “bắt lưới” khi con nước đục (mùa nước đổ từ thượng nguồn sông Hậu về, còn gọi mùa nước son). Nước trong thì câu cá ( ?) bằng mồi kiến non, gián, thuốc ủ. Từ rằm tháng 10 âm lịch, nước giựt, khai thác cá linh bằng chài, lưới và vó. Đặc biệt là cách dùng lưới giựt giúp ngư dân thu hoạch cá “bể tay”, có khi được 20 giạ cá/lần giựt (13kg/giạ), thậm chí đạt 40 giạ cá một lần giựt. Đó là chuyện trước đây, còn bây giờ cá cũng có nhiều nhưng chẳng bằng. Mùa thu hoạch cá linh dần thưa và chấm dứt sau 30 ngày.
Từ tháng 11 âm lịch, đến sau Tết Nguyên đán là mùa “săn” cá bông lau. Địa phương có phường chài, phân chia khu vực đánh bắt. Mỗi ghe có hai người, thường là vợ chồng, một người chèo, một người phơi (thả lưới). Nước dâng bắt đầu đánh. Trước khi nước rút, khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, thì kéo. Mỗi đợt kéo người ta thu hoạch trung bình chừng 4-5 con. Cá ở đây có con nặng tới 10kg. Để thu hoạch được nhiều cá, ngư dân nhìn dòng nước phán đoán “ổ cá” nằm ở nơi nào, thường là nơi ngã ba khúc sông nước chảy mạnh.
Đánh bắt cá sữu và cá linh diễn ra vào ban ngày. Riêng cá bông lau thì ngư dân hoạt động suốt đêm. Hàng trăm ghe đánh cá cùng hàng bao nhiêu ngọn đèn phao thả đầy khúc sông như một trời sao sa đọng lại, lấp lánh, đẹp mê hồn! Tất cả đều diễn ra nơi khúc Bắc sông Hậu nhánh Lai Vung. Chứng kiến cảnh “dọc ngang sông nước” của các con “kình ngư biết nói” vào ban ngày hoặc ban đêm đều là kỷ niệm nhớ đời của khách phương xa.
Cá sữu, đặc sản Tân Lộc chế biến thành nhiều món ăn: nướng, chiên, hấp gừng, muối sả ớt, chiên xù, kho, nấu canh chua... đều sự “khoái khẩu”. Mùa cá linh bạn sẽ được “nếm” cá linh chiên, kho lạt, kho me, nấu chua so đũa đầu mùa... Mùa cá bông lau thì cũng ngần ấy món nhưng cũng khiến bạn mê mẩn vì cái ngon của loài cá được mệnh danh là “thủy sâm”! Các món cá nước ngọt được quán Thiên Phúc (ấp Phước Lộc) phục vụ quanh năm, giá cả phải chăng, chừng 30.000-40.000 đồng/món. Riêng cá sữu đã chế biến giá 130.000 đồng/kg.
Du lịch ẩm thực miệt vườn Sơn Ca (ấp Tân Mỹ) trên cù lao có những món ăn “lạ”: gỏi bò ba khía, 40.000 đồng; gà ta xào lăn giả cầy, 50.000 đồng; cá hú nấu chua, 60.000 đồng...; đặc biệt là món gà hấp lá trúc, bán theo thời giá; tôm nướng lá trúc cay, 40.000 đồng. Lá trúc mùi vị giống lá chanh nhưng dầy và sậm màu hơn, là đặc sản vùng núi Ba Chúc (An Giang). Trái trúc được nhân dân Bảy Núi sử dụng nhiều nhất trong việc lấy chất chua thay nước cốt chanh tươi cho món cháo bò Tri Tôn nổi tiếng. Từ nhiều năm qua, loại cây này đã có mặt ở Thốt Nốt đi vào ẩm thực.
Theo PHƯƠNG KIỀU - Báo Cần Thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét