Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Chuyện lạ về những tên trộm thờ... "tổ ăn trộm"


Một cảnh sát khu vực của quận Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, từng được xem như khắc tinh của trộm tại địa bàn cho biết: “Đối với loại trộm “rày”, trộm “đột xuất”, trộm không đẳng cấp thì liệu pháp giáo dục có tác dụng, chứ loại trộm có thờ tổ nghiệp thì phải dùng chiêu mới trị được.

 Khổ nữa, cứ hễ được thả ra là chúng lại chứng nào tật ấy”. Ăn trộm có tổ nghiệp, nghe thật lạ đời, nhưng đó là chuyện có thật. Vậy chúng là ai?

Huyền thoại tổ nghiệp
Ông Ba (đã đổi tên - NV) ngụ tại quận Cờ Đỏ từng làm cán bộ công an thị trấn (thời Cần Thơ chưa được nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương) "xẩu mình, xẩu mẩy" nhiều lần vì "thành tích" ăn trộm. Cả chục lần "tù vặt" và tập trung cải tạo, tổng cộng không dưới 15 năm, tay đạo chích vẫn không bỏ nghề.
Bị kiểm điểm trước dân, tay trộm chuyên nghiệp này... khóc: "Mong bà con thứ lỗi trước, vì ngày mai tui vẫn phải ăn trộm!". Mấy ngày sau một hàng xóm bị mất gà, tìm đến nhà thì thấy ông Ba đang chưng con gà luộc lên bàn thờ. Xì tiền ra trả cho nạn nhân, ông gãi đầu thú nhận: "Tui bồi thường tiền con gà. Tui hổng ăn trộm cúng, tổ hành tui".
Tổ nghề trộm là Bạch Mi Thần hay Bạch Mi Lão Thần, xuất xứ từ Trung Hoa. Bạch Mi Thần là tổ chung của giới trộm, cướp, ca kỹ, ăn mày. Bạch Mi có nhiều tên gọi và hiện thân khác nhau: Bạch Nhãn Thần, Quản Trọng, Câu Lan Nữ thần (tức Câu Lan Thổ địa), Lữ Đồng Tân, Thiết Bản Kiều Chân Nhân Tiên Sư, Ngũ Đại Tiên, Kim Tướng Quân, Nữ Hồ Tiên, Lưu Xích Kim Mẫu, Giáo Phường Đại Vương... Dù là tên gọi nào thì vị thần này cũng được phác họa thân hình to lớn, râu dài, lông mày trắng, mắt đỏ, mặc giáp, tay cầm đao, cưỡi ngựa oai phong.
Sách Lã Thị Xuân Thu cho rằng, Linh Luân (một trong bát tiên) là người chế ra nhạc luật, nhạc lý. Linh Luân căn cứ vào tiếng chim kêu định ra 12 luật nhạc và đúc 12 chiếc chuông hòa với ngũ âm để dạy cho các kỹ nữ chơi nhạc, trở thành tổ nghề ca kỹ. Kỹ nữ dần dà bị "đồng tiền hóa" trở thành gái mại dâm ngày nay. Linh Luân là Bạch Mi Thần tức Hồng Nhai Tiên Sinh.
Đến thời "Phản Thanh phục Minh", thành viên các "hội kín" được huấn luyện 5 kỹ năng tình báo gồm: hành thích (ám sát), hành tẩu (bỏ chạy), hành ẩn (ẩn trốn), hành quy (hóa thân) và hành phục (nhập vai) theo từng đẳng cấp. Căn cứ vào đẳng cấp, họ được phân vào vai ăn mày, thích khách, kỹ nữ để làm "tình báo" lấy thông tin.
Có thuyết còn cho rằng, các lực lượng phản Thanh phục Minh lấy các lầu xanh làm trạm giao liên. Để phân biệt với các lầu xanh bình thường, họ thờ Bạch Mi Lão Thần để làm ám hiệu. Công cuộc phản Thanh phục Minh thoái trào, nhân sự Thiên Địa Hội tỏa khắp các nơi, bị mất gốc và chuyển hóa thành... tệ nạn xã hội, một phần nhập cư vào Việt Nam bằng đường "tiểu ngạch".
Ông Đặng Văn Niềm, 98 tuổi, cư ngụ ở xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An từng là "thảo khấu" vùng Bà Chiểu thời trước 1975. Sau khi có vợ con, ông kiên quyết "rửa tay gác kiếm". Ông kể rằng, thuở đó một hành giả muốn gia nhập Thiên Địa Hội đều phải làm lễ cúng gà bái tổ. Căn cứ vào chân gà, sư phụ biết tổ chấp nhận môn đệ mới hay không.
Luật tổ, nghề này chỉ được truyền cho con cái ruột hoặc con rể chứ không được truyền cho người dưng. Nếu tuyệt tự thì có thể chọn con nuôi. Sau khi được tổ "ô kê", môn sinh uống rượu thề có pha tiết gà sống và bắt đầu theo chân sư phụ (thường là cha) học nghề ngay đêm đầu tiên.
Nếu là nữ thì môn sinh chỉ được học "bảy chữ, tám nghề". Theo "Điển hay tích lạ" của Nguyễn Tử Năng thì đó là tiểu mục của một bộ sách, có thể đã được biên soạn trước cả Ngũ kinh của Nho giáo dùng để "dạy nghề, hướng nghiệp" cho các kỹ nữ. "Bảy chữ" gồm: Khấp (nghệ thuật khóc, nũng nịu), tiễn (đưa tiễn), thích (xăm tên), thiêu (đốt hương xông thơm), giá (hẹn hò), tẩu (lẩn tránh, từ chối), tử (dọa chết).
"Tám nghề" làm khách thỏa mãn gồm: Kích cổ thôi hoa (dành cho khách nhỏ con), kim liên song tỏa (khách to béo), đại xiển kì cổ (khách nóng tính), mạn đả khinh khao (khách lãnh đạm), khẩn thuyên tam trật (khách chưa có kinh nghiệm), tả trì hữu trì (khách sành đời), tỏa tâm truy hồn (khách si tình), nhiếp thần nhiệm tỏa (khách lạnh lùng). Nữ môn sinh chỉ học cách làm gái bán hoa chứ không được học nghề trộm.
Nếu là nam thì được nhập môn với cấp "lôi". Môn sinh chỉ theo sư phụ để cảnh giới, cũng là học điều nghiên hiện trường. Đúng một năm sau, môn sinh sẽ được lên cấp "điện", được truyền dạy lý thuyết "phép" ẩn thân, độn thổ và được phép leo vô hàng rào phụ giúp khuân đồ mang ra ngoài.
Một năm sau, môn sinh mới được luyện thực hành ẩn thân và độn thổ, đồng thời học thêm "phép" bấm độn, đoán ngày xui, tháng hạn, giờ xuất hành. Thành thục phép này, có khi 2 - 3 năm, môn sinh mới được "thi" lên cấp "phong". Không vượt qua được cấp này, môn sinh sẽ bị sư phụ làm phép giải nghệ, cho đi... ăn mày.
Sau khi đạt cấp "phong", môn sinh phải thực hiện thành công đủ 99 vụ trộm mà không bị nạn nhân bắt quả tang mới được tiếp tục vượt qua một bài thi rất đơn giản để leo lên cấp "hỏa": Sư phụ bảo học trò nhập nha vào một nhà. Chờ cho học trò chui khuất vào trong, sư phụ... la làng: "Bớ làng xóm! Có ăn trộm!". Gã học trò phải tìm đủ mọi cách thoát thân an toàn. Đạt cấp "hỏa" xem như gã học trò được giữ chức "trợ lý ăn trộm" và có quyền lập bàn thờ tổ và nhận đệ tử. Gã trộm đạt cấp "hỏa" có đủ bản lĩnh xuất quỷ nhập thần, lỡ vận thất thời còn có thể làm thầy tử vi xem ngày giờ cưới gả, xuất hành, mua may bán đắt để độ nhật.
Từ cấp "hỏa" gã trộm phải tiếp tục nhập nha thành công 99 vụ để lên cấp, tuần tự theo: hỏa, sơn, thủy, thổ, mộc. Ở mỗi cấp cao hơn, đạo chích có thêm một số quyền năng nhiệm mầu hơn. Đạt cấp "mộc", gã trộm bắt đầu luyện võ thuật và có quyền xưng danh là thích khách. Phong trào Thiên Địa Hội bị phân rã, các thích khách trở thành tướng cướp. Họ tự nhận mình là "Bàng môn tả đạo" nhưng là thứ tà đạo "trượng nghĩa", chỉ trộm của người có của. Ở cấp "mộc", đạo chích còn phải làm "từ thiện" sau mỗi vụ trộm bằng cách trích một phần của trộm bỏ vào nhà người nghèo.
Khi Bạch Mi thần đến Việt Nam thì... không râu tóc như thế này (ảnh chụp trong nhà một tay trộm chuyên nghiệp ở Cờ Đỏ, Cần Thơ).
Bà Bùi Thị Ngon, 87 tuổi, cư ngụ ở phường Hiệp Ninh, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh xác nhận: Trước năm 1970, địa phương nơi bà ở có một trộm đạo thờ tổ tên Tràng, sống độc thân trong một ngôi nhà rách nát. Ông ta luôn tự hào nhận mình là ăn trộm có tổ. Làm tờ khai thẻ căn cước, ông khai nghề nghiệp rất rõ ràng: ăn trộm. Xã trưởng tên là Sùng, đến tận nhà hỏi, ông điềm nhiên trả lời: "Nghiệp tổ phải theo, không thể bỏ được".
Xã trưởng Sùng thắc mắc: "Ông ăn trộm chuyên nghiệp vậy, sao không giàu nổi?". Ông Tràng tỉnh bơ: "Đạo của tôi không cho phép để dành của ăn trộm được. Xài không hết phải cúng tổ rồi chia cho người nghèo". Ông xã thách thức: "Nếu ông cho ăn trộm là cái đạo không bỏ được vậy đêm nay ông phải ăn trộm nhà tôi. Nếu bị bắt, tôi không bỏ tù ông nhưng ông phải hứa dẹp bàn thờ tổ, bỏ nghề. Nếu tôi không bắt được ông thì tôi để cho ông hành nghề".
Đêm đó, xã trưởng Sùng cho một trung đội dân vệ đến nhà canh bắt trộm. Canh đến sáng không thấy động tĩnh gì, ông xã trưởng Sùng xách súng đến nhà Tràng toan bắt làm tờ cam đoan dẹp bàn thờ tổ. Khi bước vào nhà, xã trưởng Sùng ngơ ngác khi trông thấy cái hộp nữ trang của vợ mình đang nằm trên bàn thờ tổ ăn trộm. Sau này, Tràng bị bắn chết khi leo rào đột nhập vào một ngôi nhà nghèo xác xơ.
Ăn trộm thời nay
Chuyện ăn trộm có tổ, có ấn pháp, có môn quy gần như đã thất truyền, tuyệt tự. Tuy vậy, qua một số vụ trộm xảy ra, người ta thấy "hơi hướm" của loại đạo đi đêm vẫn còn tồn tại.
Hồi năm 1993, nhà thơ Phùng Quán có viết một hồi ký, trong đó, nhắc đến xuất xứ cặp ngà voi tại biệt thự Phan Đình Phùng của ông cậu Tố Hữu. Đó là cặp ngà voi kỷ vật 3 đời của một người dân tộc Ê Đê làng Rô tặng nhà thơ Tố Hữu vì quý trọng ông. Năm 2002, một tên trộm trẻ tuổi đã đột nhập lấy đi cặp ngà voi, bị Công an Ba Đình tóm cổ cùng tang vật.
Tên trộm ấy tên Nguyễn Tiến C., mới hơn 30 tuổi, cư ngụ Ứng Hòa, Hà Tây. Sau khi mãn hạn 36 tháng tù về vụ cặp ngà voi, C. tiếp tục rời quê ra Hà Nội hành nghề. Trong 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 9/2007, gã đã thực hiện thành công 7 vụ nhập nha trong quận Ba Đình, trong đó, 4 vụ đột nhập trụ sở Bộ Tư pháp, 2 vụ đột nhập Văn phòng Tổng Công ty Vinacafe, 1 vụ đột nhập Cục Bưu điện Trung ương, tổng "thu nhập" lên đến hơn nửa tỉ đồng.
Lần đột nhập Bộ Tư pháp, khi trở ra gặp trận mưa to, gã quay trở vào nằm dưới mái hiên ngâm thơ chờ trời tạnh mới biến. Đột nhập Công ty Vinacafe, khi hốt được mấy cái laptop thì trời đã sáng, gã chui vô công trường xây dựng gần đó ngủ ngon lành chờ đến trưa vắng người mới rút êm mặc cho bên kia mọi người nháo nhào báo công an khám xét. Ở Hà Tây, gã xây một ngôi nhà to vật vã. Sau mỗi phi vụ, gã lại thuê taxi về quê cúng tổ và nghỉ dưỡng sức. Tuy cao tay nhưng cuối cùng gã cũng bị công an bắt giữ.
Ở làng Át, xã Minh Xuân, Lục Yên, Yên Bái có gia đình họ Vương cũng thuộc hàng "phong" trong đẳng cấp đạo chích. Ông Vương Văn Y., gần 60 tuổi, có 6 người con trai, tất cả đều được ông truyền thụ “kỹ năng” ăn trộm. Người con lớn nhất hơn 40 tuổi và nhỏ nhất hơn 30 tuổi đều đạt đẳng cấp "điện".
Điều đáng nguy là đám con của ông Y. không theo nguyên mẫu đạo trộm mà "nâng cấp" lên thành trộm có hung khí. Hai đứa con lớn là Th. và T. đều đã từng ngồi tù nhiều lần. Ngay khi còn trong tù, Th. đã chuẩn bị kế hoạch "xuất quân". Trong đám em của Th. có H. và Ch. hung hãn đao búa. Năm 2006, Công an huyện Lục Yên đã mai phục tóm gọn khi chúng đang "độn thổ" ở Hà Giang.
Thời nay, bọn trộm không thờ Bạch Mi Lão Thần mà chỉ "thờ"... tiền. Chúng hành nghề mà không tuân theo bất cứ loại quy tắc, bài bản nào cả. Một gã trộm ở quận 10, TP HCM hốt đồ đạc có giá trị xong, thấy chiếc điện thoại di động trên đầu tủ bèn bỏ túi luôn. Sáng sớm, chủ nhà điện vào số máy của mình với hy vọng mong manh. Gã trộm bắt máy. Chủ nhà năn nỉ: "Chú cho anh chuộc lại cái điện thoại 10 triệu, còn tài sản chú lấy trộm, anh cho chú hết". Gã trộm tham lam đồng ý ngay và bị công an tóm gọn khi vừa lò dò đem điện thoại đến đổi tiền chuộc!
"Ma nhớt" ở Long An cũng tạo nên "sóng gió" một thời, không những trộm tài sản mà còn trộm... tình. Gã này, khi hành sự chỉ mặc độc chiếc quần lót và thoa nhớt khắp người. Nhớt trơn trợt giúp gã dễ dàng vùng thoát. Để bắt được gã, lực lượng công an, dân phòng địa phương phải thủ sẵn giẻ lau nhà mới tóm được sau hàng tháng trời phục kích.
Ông Ba D. ở Trảng Bàng (Tây Ninh) thì có cách bẫy trộm rất dân gian. Trước khi ngủ, ông đặt bẫy: hàng chục thau nhôm đựng bột màu pha với vôi để quét tường đặt trên các thanh đà, mỗi thau buộc một sợi nilon thả giăng chằng chịt dưới nền nhà. Sau hàng tháng giăng bẫy, cuối cùng gã trộm cũng mò đến, vướng dây bị mấy thau bột ụp xuống đầu. Chủ nhà không vội vã đuổi theo mà đủng đỉnh đến tận nhà gã trộm bắt giữ khi thân hình gã còn lấm lem màu bột.
Mới đây, ở phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP HCM xảy ra vụ vây bắt một tên trộm thật... vui. Một gã trộm chưa kịp khoắng đồ đã... ngủ quên trên sân thượng. Chủ nhà phát hiện tri hô. Bị bao vây, tên trộm cố thủ trên sân thượng và đe dọa nhảy lầu tự tử. Công an phải ra sức thuyết phục và nhờ người mua bánh mỳ, nước uống chuyển lên cho tên trộm. Cù nhằng đến trưa nắng gắt, chịu hết nổi, tên trộm mới chịu mò xuống đất chịu bị bắt.
Dù rất bảo thủ nhưng hiện nay tay trộm có thờ tổ ở quận Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cũng đã dẹp bàn thờ tổ, bỏ nghề. Trung úy N. cho biết bí quyết: "Sau này phát hiện ra ổng có thờ tổ, tôi phân tích cho ổng thấy cái vị tổ nghiệp của ổng chỉ là một truyền thuyết Trung Hoa xa xưa, mắc gì thờ? Nghe có lý, ổng bỏ bàn thờ tổ. Thế là dứt căn cái nghề ăn trộm mấy chục năm".
Theo Nông Huyền Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét