Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

Lần đầu tiên trong đời mình được 8 điểm môn văn năm lớp 8. Đây là một kỳ tích.
Suốt từ năm lớp 6 trở đi, và sau này lên cấp 3 cũng vậy văn mình được 5-5,5 điểm là mừng lắm rồi. ngay cả thi tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12, hai lần đều là 5 điểm … vớt.
Nguyên do của chuyện này là tính mình vốn phóng khoáng mà dàn bài văn mẫu thì đọc lên chán gần chết. Văn gì mà viết thế nào câu kết luận cũng có “Là học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa…” thì mới được chấm điểm cao, là sao? Là sao?
Nguyên nhân thứ 2 là lần đó Cô giáo ra đề mở, lại còn chủ đề là “nói về ước mơ của em”, nó có sẵn trong đầu nên…tuôn xối xả,dạt dào 2 đôi giấy chi chít chữ. Viết với cảm xúc tuổi …dậy thì.
Cái ước mơ đó là được học ngành y trong khi mình đang ở cái xứ khỉ ho cò gáy, cái xứ Lai Vung quê mùa xa tít. Ước mơ đó thật là xa xỉ nhưng có cơ sở.
Trí nhớ của mình thuộc dạng dai hơn đỉa. Từ những ngày nhỏ lắm, mình còn nhớ, Bà cố cứ hay bảo mẹ cho mình mặc cái “áo bác sĩ” (là kiểu áo cài nút một bên dành cho các bé nhỏ dưới 3 tuổi). Bà bảo, nó mặc áo này nhìn sạch sẽ và ra dáng.
Hồi đó, Ba mình là một điều dưỡng trưởng trại Nội khoa của Bệnh viện Sa Đéc nên từ… 5 tuổi mình đã được huấn luyện đốt lò nấu nước luộc kim, đón khách, gọi ba khi khách tới nhà. Cảnh đo huyết áp, tiêm thuốc, ra toa, chống sốc…nhìn hàng ngày, nên tất cả trở nên quen thuộc.
Động cơ lớn nhất của mình là chứng kiến ông Nội mất vì đột quỵ năm 49 tuổi. Lúc đó mình được 4 tuổi. Ba mình khóc vì trong ngành nhưng không làm gì được vì vừa sau giải phóng, nhiều bác sĩ giỏi đã bị đi học tập cải tạo. Thuốc men thì chỉ có ABC, Xuyên tâm liên, và những thứ vặt vảnh khác,..Xe cộ lại khó khăn, không đủ điều kiện để cấp cứu và điều trị cho Ông Nội.
Đến năm 1983, Ông ngoại cũng bị đột quỵ, không bại liệt nhưng mất hết trí nhớ, ăn uống vệ sinh không kiểm soát. Tình hình lúc này của ngành y tế cũng chẳng khá khẩm gì. Nên sau mấy năm chịu đựng, khổ sở, không đủ thuốc men, cơ sở y tế phù hợp, Ông cũng ra đi theo bà Ngoại đã mất từ 1958.
Từ “mối căm thù” đó, mình đã âm thầm học lệch hẳn cho khối B, Toán Sinh sau này là Hóa. Môn văn là cực tệ, môn tệ nhất lại là… giáo dục công dân. Khi được 8 điểm, lại còn được đọc văn mẫu trước lớp nữa, mấy “con nhỏ” giỏi văn nhìn mình ái mộ.
Nhà mình cách xa trường, phải đạp xe đi về 14km mỗi ngày, nhưng trường này chỉ là trường làng, học xong về thì cứ gã chồng, cưới vợ, làm vườn, cày ruộng. Muốn thoát cảnh đó thì phải qua tới Sa Đéc, lúc đó như thủ phủ của tỉnh Đồng Tháp, xa nhà đến 24km, đi về ngót ngét 50 cây số.
Thế mà hàng tuần, mình và vài đứa bạn thân cặm cuội chay qua đó sau giờ học buổi chiều, học xong đạp xe về tới nhà là hơn 9g30, trong bụng đói meo, suốt gần 2 năm như vậy. Ba mẹ thấy cực nên quyết định chuyển cho mình sang học trường Sa Đéc luôn cho tiện.
Từ sau khi bài văn được điểm lớn như vậy, mình hạ quyết tâm “chưa vào đại học, chưa có người yêu” nên nhiều bạn gái thích mình đã chuyển thành ghét vì sự lạnh lùng của mình. Lạng quạng chết như chơi chứ đùa à? Sang trường mới thì bọn con gái tỉnh đâu thèm nhìn tới thằng học trò nhà quê như mình. Đỡ ghê!
Thời những năm cuối thập niên 80, vô trường Y Sài Gòn là thử thách mình phải vượt thắng mấy chục ngàn thí sinh. Cú đầu mình rớt tuốt, nhưng khoảng cách điểm chuẩn không xa lắm. Mình quyết làm lại.
Mình xin ở trọ nhà người quen vừa làm nem thuê, vừa luyện thi. Thế là sáng sáng lãnh 5 ngàn chạy khắp hang cùng ngỏ hẻm Sài Gòn để nê 2 bao lá dong về, chiều đi học về thì nhảy vô cột nem. Năm đó mình thiếu nửa điểm Y nhưng đậu Bách Khoa Xây dựng TPHCM.
Nhờ điều kiện đó, mình xin được vô KTX 497 Hòa Hảo để….luyện thi tiếp Y. Một năm nữa cắm đầu vừa học vừa làm. Chắc trời cao động lòng vì thằng nhà quê lỳ đòn nên lần này ổng cho qua. Nhận giấy báo sướng rơn cả người.
Ôi thôi! Ba mình mừng vô kể. Lúc đó, mẹ mình đang nuôi một con heo hơn 30kg, không hiểu “sư phụ” làm cách nào mà con heo lăn ra ngáp ngáp, sẵn đó Ba cho người mổ luôn, cúng tạ tổ tiên. Mẹ mình biết bị vô thế nhưng cũng đành chịu. Cả dòng họ mừng vui chứ đâu phải chỉ nhà mình.
Trong 2 năm luyện thi đó, ngoài Ba mẹ là những người đã hỗ trợ mình, lòng mình vẫn thầm biết ơn một người, bây giờ đã xa lắm rồi, nhưng vẫn nhớ về nhau như một phần hành trang của đời mình. Trong chủ đề tới mình sẽ kể cho bạn nghe về người ảnh hưởng nhất của đời mình cho tới bây giờ.
Sau 2 cú nốc ao, tới cú thứ ba mới vô được ngôi trường mơ ước. Và bài văn 8 điểm là cái mốc giúp cho mình thay đổi toàn bộ nhận thức và đưa ra những quyết định mang tính ….định mệnh.
Với mối hận cũ mình định trở thành bác sĩ tim mạch nhưng lăn lộn hàng chục năm, mình thấy rằng đợi tới bệnh mới chữa là thua. Mình chọn chuyên ngành Bác sĩ Gia đình và học thêm Tâm lý Lâm sàng đề ngăn chặn và giải quyết những đau khổ vì SINH, LÃO, BỆNH, TỬ một cách toàn diện.
Mình nghiệm lại thấy rằng: “Với Tình yêu và Uớc mơ đủ lớn, nếu có động lực đủ mạnh và lòng Kiên trì thực hiện hàng ngày, thì công việc khó khăn mới trở thành hiện thực”. Làm web hay Marketing online cũng vậy, có đúng không?
Xin cảm ơn Bạn đã đọc.
Ngày 13.01.2022
Bác sĩ Đồng hành.
Không có mô tả ảnh.
Thơ Đoàn, Phúc Đinh và 1 người khác


Gặp lại người anh ở Sài Gòn, người trước đây ngăn cản tôi về quê lập nghiệp trong khi công việc đang vô cùng thuận lợi, thu nhập ổn định, các con được học những trường tốt, ảnh hỏi “Em ổn không?” Tôi tự tin trả lời “Em khỏe Anh!”
Tôi là một trong những người thuộc lớp tiên phong “Bỏ phố về vườn” để đi tìm chính mình, tìm hạnh phúc đời mình và cho gia đình mình. Bỏ để bắt đầu thực hiện kế hoạch ấp ủ từ nhiều năm nếu ở Sài Gòn khó lòng thực hiện. Có khi chưa thực hiện xong đã già khú đế, bệnh tật đầy người thậm chí xanh cỏ.
Thật sự tôi không giàu có, thu nhập chỉ đủ sống nhưng ở vùng đất yên bình như Vĩnh Long thì việc có một căn nhà, một mảnh vườn đủ rộng để trồng trọt mọi thứ mình thích, một mảnh ruộng để dành cho kế hoạch lâu dài thì đã lắm rồi.
Ở Sài gòn, việc đi làm là một cực hình. Còn ở đây, việc di chuyển không phải gặp khói bụi, kẹt xe, ngập nước thì sướng hơn thần tiên. Con cái tôi cũng được học các trường có truyền thống, không gian rộng rãi. Người dân hiền hòa, hiếu khách. Rau củ, trái cây, cá tôm… đủ món muốn là có ngay, tươi rói.
Ở Thành phố Vĩnh Long này, muốn học hỏi thứ gì cũng có, dĩ nhiên là không bằng Sài Gòn nhưng đối với tôi và gia đình thế là quá đủ. Vì thế khi có nhiều người cũng e ngại việc học hành của các con tôi, tôi lại nghĩ rằng, rất nhiều người và bản thân mình là một học trò vùng quê, vẫn học hành thành đạt.
Các con tôi còn quá sướng khi được đi học ở trường điểm của Thành phố, nơi có nhiều học sinh quán quân của “Đường lên đỉnh Olypia” trong nhiều mùa.
Tôi không quan trọng chuyện bằng cấp, ngành học vì mỗi thời khác nhau. Điều cần thiết là các con mình có được đào tạo để tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hạnh phúc chính chúng sau này hay không, ngay ở đây, ngay bây giờ.
May mắn bản thân mình được gia đình huấn luyện nghiêm ngặt. Chính vì thế dù ngày xưa sống trong buổi giao thời thiếu thốn, anh em tôi vẫn vượt lên, đường hoàng đặt chân đến những nơi nhiều người mơ ước, làm ở những chỗ đáng tự hào, ở những chỗ nhiều người thích thú.
Tôi không ở quá gần người thân, đủ để có một sự độc lập nhưng cũng thuận tiện thăm nom cha mẹ hai bên mà nếu thích, tôi có thể phi xe về ngay và luôn. Họ hàng hai bên đều gần gũi, dễ dàng gặp mặt nhau trong những lần giỗ, chạp.
Tôi cũng đã có những người bạn ngoài xã hội đầy quan tâm, tình cảm, đầy khí chất Miền Tây bộc trực, đáng mến. Họ tin cậy và tôn trọng tôi hết mực. Gặp người mới, họ đều giới thiệu tôi với một sự hãnh diện, chân tình.
Công việc của tôi dù không phải là một bác sĩ nổi tiếng nhưng được sự tin yêu của đa số bệnh nhân. Tôi cũng là một lãnh đạo khoa, tham gia nhiều công việc quan trọng của nơi làm việc. Nó làm tôi cảm giác mình phải có trách nhiệm hơn.
Ngoài giờ làm việc, tôi có thời gian để ăn cùng bữa cơm gia đình, đưa các con đi chơi, tập thể thao, tập bơi thuyền, thả lưới. Nhưng quan trọng hơn là có nhiều thời gian hơn để trau dồi kiến thức chuyên môn của mình.
Nơi làm gần tầm 4km nên tôi thoải mái đi làm bằng xe đạp. Nhà gần sân vận động thích thì vào đó mà tập luyện (nói vậy thôi chứ cả năm nay chưa được vào do dịch bệnh)…Mảnh vườn rộng nên mỗi chuyện tưới cây làm cỏ, bón phân, thu hoạch cũng mệt bở hơi tai. Sức khỏe của tôi hiện giờ cũng thấy cải thiện hơn nhiều so với trước đây ở SG một bước lên xe, suốt ngày ngồi trong mát.
Như bạn thấy đó, Bảy tử huyệt cảm xúc tôi vẫn có một. Tôi chỉ còn thiếu một chuyện đó là mong muốn phổ biến những kiến thức giữ gìn sức khỏe một cách khoa học, với các bằng chứng y học rõ ràng, càng ngày càng rộng rãi. Việc trao giá trị là muc tiêu duy nhất và tôi đang thực hiện điều đó mỗi ngày, ngay bây giờ.
Trong chuyên ngành Bác sĩ Gia đình, chúng tôi tiếp cận vấn đề sức khỏe trên 3 góc độ: đặc điểm sinh học của người bệnh (tuổi, giới, tiền sử bệnh, vấn đề hiện tại…), các vấn đề tâm lý đang tác động và các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe người đó như thế nào trong mô hình Bio-Psycho-Social model.
Chính nhờ mô hình này, các bác sĩ sẽ tiếp cận toàn diện các vấn đề của người bệnh, quan tâm đến từng ngóc ngách của những yếu tố có thể tác động lên vấn đề sức khỏe của từng trường hợp cụ thể ngồi ngay trước mặt mình hay đang đặt ra câu hỏi với mình.
Mỗi ngày một chút, tôi chia sẻ cho người bênh của mình bằng các phương tiện sẵn có qua các cuộc nói chuyện trị liệu, qua các bài viết (content) trên Facebook Bác sĩ Đồng hành hay sắp tới đây là website dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia về marketting online hay trên kênh youtube 3 phút khỏe mà tôi đã triển khai bấy lâu.
Tôi đang tham gia lớp học "21 ngày viết content" của Thầy Eroca Thanh cũng vì mong muốn những kiến thức kinh nghiệm của mình đến gần, đến nhanh với người dân. Lớp học này như một bước chân trên con đường hạnh phúc này.
Ai hỏi tôi đã thật sự hạnh phúc chưa? Thành thật mà nói tôi thật sự đang hài lòng về bản thân mình hiện tại và tôi đang đi trên con đường hạnh phúc bởi “ Hạnh phúc là con đường, không phải đích đến”, con đường của trao đi giá trị.
Mỗi ngày tôi giúp được nhiều người bệnh hiểu rõ bản thân mình và vạch ra cho họ con đường đạt được sức khỏe một cách bền vững, thấu suốt. Tôi đang làm cho mỗi ngày mình hạnh phúc hơn bằng cách chia sẻ nhiều hơn.
Ly sinh hỉ lạc. Tôi đã rời bỏ những thứ từng giam lỏng đời mình.
Niệm sinh hỉ lạc. Tôi đã tìm thấy con đường thiện lành mà mình sẽ theo đuổi
Tôi chỉ ước mong được độc lập để dành hết tâm huyết cho những gì mình ấp ủ.
Và thật lòng mong mỏi Thầy Eroca Thanh Và Cộng Sự cùng các bạn hỗ trợ tôi đạt được điều đó. Mong lắm! Quý lắm!
Bác sĩ Đồng hành
(Cảm ơn mọi người đã đọc một bài dài thòong lòong này!)




BÀ NỘI TÔI.

 #ngày2, #BácsĩĐồnghành, #ngày12012022

Trong đám con cháu, có thể nói tôi và Ba tôi là ảnh hưởng Bà Nội nhiều nhất. Đó là tánh “bao đồng” và nghiệp y. Tôi có viết về Nội trên trang “Phèn’s Blog” về nghề bán tương và biệt danh Bà Tám Tương.(1) Ở bài này tôi sẽ nói tại sao tôi lại yêu quý Nội nhất trong những người tôi biết trên cõi đời này.
Bà chỉ là một mụ vườn nhiều năm trước khi qua lớp hướng dẫn ngắn hạn đỡ sinh vào những năm 69- 70 của thế kỷ trước. Bà đã giúp đỡ đẻ hàng trăm ca trong làng nhất là giai đoạn sau ngày giải phóng, tình hình y tế khó khăn. Bà tự đỡ đẻ cho chính mình 9 người con. Và cả đám cháu nội ngoại sinh trước năm 1986 đều qua tay Bà, trong đó có 4 anh em chúng tôi.
Bà làm công việc này không nhận một đồng thù lao nào nhưng nửa đêm hôm nhà ai hữu sự tới báo Bà đều lập tức đi, không từ nan. May mắn trong hàng trăm ca đó, có những ca khó như ngôi mông, thai suy… nhờ Ông Bà độ hay sao mà qua hết. Tới giờ, nhiều người vẫn còn nhắc ca đẻ ngược của nhỏ Cẩm Hồng con Thiếm Ba Nhì, hay trường hợp thằng Triệu Khiết con Chú Tư Chẳng đẻ ra nín thinh, tái nhợt, vỗ đít, hà hơi cả buổi nó mới chịu khóc tướng lên. Hay cả em Út nhà tôi đẻ bọc điều, Bà đã nhanh chóng phát hiện, xé bọc để lôi con nhỏ ra.
Năm 1976, ông Nội bị tai biến mất khi vừa 49 tuổi, bà một mình chèo chống, Cô Út mới được 3 tuổi, còn nhỏ hơn tuổi tôi. Ngày thường, hàng tuần bà đi bơi xuồng đi múc tương ở Chùa Phước Huệ- Sa Đéc về bán ở chợ mỗi sáng nên mọi người cũng gọi là Bà Tám Tương thay vì gọi Bà Tám Tăng theo tên Ông Nội.
Bày hàng xong, Bà Tám Tương lượn đầu trên xuống dưới, tới đâu bạn hàng đều réo nhờ Bà mở hàng giúp vì bà mua xong mọi người bán rất đắc hàng. Cũng vì vậy mà tiền vốn bán tương cứ hụt lên thiếu xuống. Bà lại cũng hay mua “vé số kiến thiết” mong “trúng số cho con cháu đỡ khổ”, nhưng thực tế là mua tới chết cũng có trúng được gì ngoài mấy lần trúng số đầu, không đủ tiền uống cà phê đá.
Nói về uống cà phê, Bà cũng có cái tật uống cà phê rất ngộ. Mỗi lần mua là phải lấy cái ca nhựa to, kêu một ly cà phê đá để vô, mua thêm một ly cà phê dảo đổ chung và thêm 4-5 muỗng đường, thêm đá. Ca cà phê thành thứ nước đường có mùi cà phê thoang thoảng, ứ hự, uống cả buổi mới hết. Cả chợ ai cũng cười, Nội cứ mặc kệ. Tao thích vậy!
Sau năm 1986, việc hành nghề đòi hỏi gắt gao hơn, Nội tôi không đủ băng cấp nên không được làm nữa. Bà cũng không còn đủ sức bơi xuồng đi về gần 60km để múc tương bán. Bà sống chung với vợ chồng Cô Út. Bà rất thương con cháu, có tiền bà cứ dấm dúi cho hết.
Nhớ năm lớp 9 vào lớp 10, Bà biết tôi thích cây đàn guitave, nên khi thấy một ông đi ghe kêu bán cây đàn còn mới, bà mua rồi giấu trên bồ lúa và kêu tôi ra để thưởng sau kỳ chuyển cấp. Ai ngờ đó là cây đàn phím lõm dành cho vọng cổ, thứ này thì hồi đó tôi chưa có mê.
Rời quê lên thành phố học rồi đi làm nhưng mỗi lần về tới quê là tôi ghé thăm Bà trước nhất để mang ít quà, một ít tiền để Bà…đánh vé số cho vui tuổi già. Mấy Cô chú thường rày tôi làm Bà hư. Tôi thì nghĩ không biết Bà không biết còn dò số được bao nhiêu lần nữa. Kệ đi! Vui là chính.
Nhưng không may, một ngày Bà trượt chân ngã gãy cổ xương đùi, không đi được. Tội vợ chồng Cô Út phải xoay sở chăm sóc cho Bà hàng ngày. Vậy mà mỗi lần anh em tôi về ghé qua “Thưa Nội!” thì Bà cũng nhổm lên nheo nheo mắt hỏi “Đứa nào dzậy bây!”, rồi nắm tay, sờ đầu từng đứa. Gần 10 năm Bà chỉ loay hoay trên chiếc giường nhỏ như vậy.
Chuối chín cây rồi cũng rụng. Bà ra đi nhẹ nhàng vào buổi chiều ngày cúng Tiên Thường của Ông Nội, 29 tháng giêng âl. Các Cô Chú cứ bảo ”Chắc Bà chờ Ông về rồi cùng đi một thể!” Bà mất mà con cháu cứ bảo nhau giờ Ông Bà đã đoàn tụ rồi. Nghĩ cũng lạ! Mỗi lần đám giỗ là mạnh ai nấy kể về kỷ niệm với Bà. Có người được Bà đỡ đẻ ngày xưa, giờ đã có cháu nội ngoại vẫn ghé thắp nhang cho Bà. Không khí thật vui và ấm lòng.
Còn tôi thì nhớ về Nội tôi như một bậc tiền bối trong nghề, hết lòng vì bệnh nhân, bất vụ lợi, làm hết sức khả năng mình có thể. Bà còn truyền cho tôi máu lỳ, làm bất kể thiên hạ muốn bàn tán gì. Và trên hết, sự chung thủy của Bà làm tôi kính phục và thương cảm. Bà đã chờ đợi suốt hơn 40 năm mới hội ngộ cùng Ông chốn cửu tuyền.
Bác sĩ Đồng hành
Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà
Phan Toàn, Quàng Hồng Nhung và 7 người khác

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

BÁC SĨ HỌC VIẾT CONTENT!

 #ngay1, #BácsĩĐồnghành, #ngày11012022


Xin chào Thầy Eroca Thanh cùng các Cộng sự và Các Bạn!
Tôi là Trung, Bác sĩ Đoàn Nhật Trung, tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa hơn 20 năm, Chuyên ngành Bác sĩ Gia đình hơn 10 năm và Tâm lý Lâm sàng 8 năm.
Trong quá trình hành nghề, tôi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong chuyên ngành của mình. Tôi luôn truyền đạt lại cho người dân để họ hiểu, biết, và có quyết định đúng đắn cho vấn đề sức khỏe của họ.
Gần 3 năm qua, tôi đã có hơn 9000 bệnh nhân theo khám ở đây. Tư vấn trực tiếp cho từng bệnh nhân hay qua điện thoại trong mùa dịch là một việc làm hiệu quả, nhưng tôi vẫn thấy tốc độ như vậy là quá chậm so với tốc độ thông tin "đểu" lan truyền như vũ bão hiện nay.
Cơn đại dịch làm cho người ta càng gắn bó với cái điện thoại thông minh trên tay, nhiều giờ trong ngày. Thế nhưng có rất nhiều luồng thông tin về sức khỏe, cách chữa bệnh ...đang nhiễu loạn từ khi mạng internet bùng nổ. Người dân đang bơi trong đó với những "kiến thức" hỡi ơi, trên trời dưới đất... Bác sĩ nghe qua đã lùng bùng lỗ tai!
Từ bỏ Sài Gòn, từ bỏ những bệnh viện lớn, những trường y nổi tiếng, tôi quyết định về Miền Tây để tìm cách phổ biến cho Bà con cách thật sự để giữ gìn sức khỏe một cách khoa học và thực tế. Xem như tôi lập nghiệp ở tuổi 50 ở một vùng quê hiền hòa này vậy!
Tôi không biết cách nào để có thể giúp bà con tốt hơn. Chỉ biết rằng sẽ phải lấy điểm mạnh của truyền thông online để chiến đấu là cách tốt nhất.
Vậy thì đầu tiên mình sẽ phải xuất hiện thế nào? Chủ đề gì là cần kíp cho Bà con lúc này? Tại sao phải chọn chủ đề đó? Viết, trình bày thế nào để đi vào lòng Bà con? Ai sẽ chỉ cho mình viết tốt hơn...
Đó là lý do tại sao tôi theo lớp 21 ngày thử thách viết Content này.
Mong Thầy Eroca Thanh và các Cộng sự cũng như các bạn trong nhóm này giúp tôi hoàn thành tâm nguyện: "Người dân xứng đáng được chăm sóc y tế đúng cách"
Trân trọng cảm ơn!
Bác sĩ Đoàn Nhật Trung



Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Đề xuất dùng màn ngăn cách giường bệnh Covid-19 để tránh sốc tâm lý

 TTTĐ - Bác sỹ Đoàn Nhật Trung ở Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Vĩnh Long kể về một người bệnh Covid-19 vừa qua đời trong hoảng loạn và đề xuất dùng màn, vải ngăn cách giường người bệnh để tránh sốc tâm lý.

Câu chuyện bác sỹ Đoàn Nhật Trung kể vào ngày 21/8, mở đầu: “Đêm qua tôi mất một bệnh nhân còn trẻ lắm. Bệnh nhân ở một quận của TP HCM. Anh ấy 33 tuổi, có vợ và con 3 tuổi, vào viện vì u trung thất. Hậu phẫu cắt u, nằm hồi sức 6 ngày. Ở đó, sau khi tỉnh lại anh đã chứng kiến bệnh nhân Covid-19 suy hô hấp và chết, nên anh bị khủng hoảng bởi vì sau mổ một ngày anh đã tỉnh táo hoàn toàn”.

Lý do bệnh nhân hậu phẫu nằm cạnh bệnh nhân Covid-19, theo bác sỹ Trung là vì thiếu máy thở, dù giường đã bố trí giãn cách nhưng không khuất tầm mắt. Bệnh nhân vừa mổ xong, tỉnh táo nên thấy bệnh nhân Covid-19 hấp hối và chết trước mắt mình, dẫn đến bị khủng hoảng. Điều không may nữa là sau mổ 8 ngày, đã tạm ổn thì bệnh nhân 33 tuổi lại bị lây nhiễm Covid-19, khó thở, phải trở vào ICU.

Bác sỹ Trung kể tiếp: “Lần này anh hoảng loạn thật sự. Người nhà gọi vào thì anh trăng trối có lúc bảo nhờ công an, chính quyền can thiệp để đưa anh về nhà! Liên tục mấy đêm anh không ngủ được. Đêm trước, người nhà nhờ tôi tư vấn. Gọi điện, vì viêm thanh quản từ lần trước nên anh chỉ thều thào “Bác sĩ...chết...sát tôi...bác sĩ cứu...về... bác sĩ ơi!”. Tôi đã cố trấn an anh nhưng thấy rõ chưa hiệu quả. Sáng gọi người nhà thì chưa nghe tin tức gì. Tối nay nghe tin, anh đã không qua khỏi! Buồn cho gia đình anh nhưng đó là kết cuộc thấy trước”.

Bác sỹ Trung phân tích: “Tất cả bệnh nhân có sức thở yếu như có bệnh nền, phẫu thuật... mắc Covid-19 đã lo rồi, thấy chết trước mắt ai không tim đập, chân run, lại nhiều đêm không ngủ? Người thường còn chịu không nổi. Bao nhiêu năng lượng, oxy đưa vào bị hoang phí và suy hô hấp càng nhanh do nhu cầu tăng cao, tăng công thở bù đắp”.

Tuy nhiên, việc đưa nhiều người bệnh vào một chỗ để điều trị và khống chế dịch trong tình hình hiện nay là bất khả kháng. Hơn thế, trong lịch sử cũng đã xảy ra nhiều lần, những khi có dịch bệnh lớn. Bác sỹ Trung đồng ý: “Việc đưa bệnh nhân vào một chỗ để điều trị và khống chế dịch là việc làm từ hơn 100 năm trước, chẳng hạn từ dịch cúm Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lúc đó xem ra có chỗ đã làm tốt hơn bây giờ về mặt tránh truyền nhiễm và ổn định tâm lý bệnh nhân”.

Một giải pháp bác sỹ Trung nêu ra là: “Một cách rất đơn giản là dùng màn che từng giường cách biệt, dễ làm mà không tốn kém. Nên lúc này rất cần làm những việc nhỏ, cụ thể và thiết thực như thế bên cạnh nhiều việc lớn, để giảm bệnh nặng và tử vong do yếu tố tâm lý. Dẫu biết u trung thất như bệnh nhân vừa kể khó trụ lâu nhưng anh ra đi nhanh chóng trong lúc lòng đầy sợ hãi và cô đơn như thế thì thật đau xót và rất đáng nghĩ suy”.

Thái Đào - Sáu Nghệ

Những người dễ mắc di chứng Covid-19

 F0 nặng phải nằm ICU, người có bệnh nền mạn tính như suy thận, tăng huyết áp, tiểu đường dễ mắc các di chứng kéo dài sau khỏi Covid-19.

Bác sĩ Đoàn Nhật Trung (Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long) cho biết nhiều người có các triệu chứng mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn lo âu, khó thở, đau ngực, ho dai dẳng, mất ngủ, sốt kéo dài... từ vài tuần đến vài tháng sau dù đã âm tính Covid-19. Những trường hợp này được xem là di chứng hậu Covid-19, còn gọi hội chứng Covid kéo dài.

Trong đó, F0 nặng và nguy kịch từng phải nằm hồi sức (ICU) là nhóm bị di chứng trầm trọng. Bệnh nhân có thể phải nhập viện trở lại vì suy nhược cơ thể, kiệt sức - hậu quả của nằm ICU (hội chứng sau chăm sóc đặc biệt), PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý), hay do những tổn thương lớn của các cơ quan nội tạng. Một số biến chứng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Các di chứng ở nhóm này nặng và kéo dài, ảnh hưởng đồng loạt nhiều bộ phận cơ thể.

Người trong độ tuổi lao động, trung niên, là nhóm F0 chiếm số đông, hội chứng hậu Covid nhiều song triệu chứng tương đối nhẹ. Nhân viên tại các cơ sở y tế, nhất là những người không có chuyên môn và phụ nữ dễ bị di chứng Covid-19 hơn. Trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên cũng có nguy cơ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau khỏi.

Theo bác sĩ Lữ Hữu Tuấn (Phó trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long), F0 có bệnh nền như béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, thận, lao phổi... đã trải qua "thập tử nhất sinh", ở giai đoạn hồi phục sau nhiễm vẫn phải đối mặt với các di chứng lớn, kéo dài. Họ có thể suy nhược về thần kinh, thể chất, sức đề kháng giảm tạo cơ hội cho các bệnh nhiễm trùng xâm nhập, gây viêm tắc phổi, mạch máu, hay viêm não, màng não; hoặc bị tăng đông máu gây đột quỵ nhồi máu não. Bệnh viện Xuyên Á đã tiếp nhận nhiều ca đột quỵ sau Covid-19.

Hội chứng Covid-19 kéo dài được ghi nhận trên nhiều bệnh nhân Covid-19 tại nhiều quốc gia. Theo một nghiên cứu của Anh đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hôm 15/7, trung bình mỗi bệnh nhân Covid-19 gặp 56 triệu chứng khác nhau. Tổng cộng, 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể. Một phần ba số đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất 6 tháng kể từ khi khỏi Covid-19.

Một khảo sát khác từ Tổ chức Hợp tác nghiên cứu dựa trên bệnh nhân (PLRC) cho kết quả, trong số hơn 3.700 người mắc Covid-19 kéo dài không nhập viện, có 77% còn cảm thấy mệt mỏi sau 6 tháng, 72% vật lộn với tình trạng khó chịu và đuối sức, 55% rối loạn chức năng nhân thức và 36% bệnh nhân nữ có vấn đề kinh nguyệt.

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng hậu Covid-19. Chủ yếu là do cơ thể phải chống chọi với bệnh tật thời gian dài, dẫn đến suy kiệt về thể lực; giãn cách xã hội nhiều tháng làm ảnh hưởng đến tâm lý, dễ bị lo lắng, sợ hãi.

Bác sĩ Trung cho hay những triệu chứng hậu Covid-19 thường gặp là mệt mỏi kéo dài, suy nhược cơ thể - khó điều trị dứt điểm trong thời gian ngắn. Nhiều bệnh nhân đau mỏi cơ nhiều chỗ mà không rõ nguyên nhân, tê mỏi tứ chi, cảm thấy khó chịu, đổ nhiều mồ hôi, ớn lạnh kéo dài và rối loạn tiêu hóa

Các triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn là tổn thương những cơ quan quyết định sinh tồn, như phổi, tim. Phổi thương tổn nhiều gây ra xơ hóa, hoặc bị viêm tái lại khiến phổi không hoạt động được; tim thiếu máu, nhồi máu cơ tim... có nguy cơ khiến người bệnh tử vong. Bên cạnh đó, nhóm di chứng liên quan đến não như chóng mặt, nhức đầu, xây xẩm, khó tập trung, mất ngủ, trạng thái lâng lâng, mờ mịt về nhận thức hay được gọi là "sương mù não" cũng rất thường gặp. Một số bệnh nhân khác gặp những triệu chứng rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm... khó phát hiện.

Để biết chính xác những triệu chứng này thực sự do Covid-19 hay một bệnh lý khác gây nên, người bệnh nên đến bệnh viện khám ít nhất một lần, thay vì tự chịu đựng hay tự chữa ở nhà. Các bác sĩ sẽ khám lâm sàng xác định tình trạng bệnh ban đầu, làm xét nghiệm cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá chức năng và chẩn đoán bệnh lý, đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Bác sĩ Hồ Minh Đức (Phó trưởng khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long) khuyến cáo trường hợp bệnh nặng và có di chứng tổn thương tim phổi, nên khám cả chuyên khoa tim phổi và phục hồi chức năng để được theo dõi dấu hiệu sinh tồn, nhịp thở, chức năng hô hấp, sức cơ các chi, tầm vận động của khớp, chức năng thăng bằng, tâm lý để hồi phục tốt nhất.

Thư Anh

1.       https://nguoi-noi-tieng.com/suc-khoe/nhung-nguoi-de-mac-di-chung-covid-19-1332963