Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Ý kiến: BÁC SĨ GIA ĐÌNH: PHÒNG MẠCH TƯ HAY TRẠM Y TẾ?

Ý kiến: BÁC SĨ GIA ĐÌNH: PHÒNG MẠCH TƯ HAY TRẠM Y TẾ?

Ngày 4/3/2016, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (sau đây viết là BSGĐ) giai đoạn 2016-2020 tại TP.HCM. Hội nghị này đã nhắm vào hai đối tượng là Phòng mạch tư và Trạm y tế sẽ là ưu tiên để đi đầu trong trọng tâm giảm tải bệnh viện bằng mô hình BSGĐ. Nói như thế là chưa đầy đủ và chưa thấy rõ mục tiêu trước mắt và lâu dài. 

Bản chất của phòng khám BSGĐ là PHÒNG KHÁM NGOẠI TRÚ, nghĩa là khám- quản lý cho tất cả người có nhu cầu y tế và chỉ điều trị bệnh nhân không có chỉ định nhập viện, tính từ cửa phòng cấp cứu bệnh viện trở ra. Như vậy, tất cả các dạng phòng mạch tư, phòng khám chuyên khoa, trạm y tế, phòng khám đa khoa, phòng khám ngoại trú bệnh viện...đều là có thể là phòng khám BSGĐ.

Theo báo cáo trong hội nghị, đã có 240 phòng khám BSGĐ đã thành lập trên cả nước. Các phòng khám này đã thực hiện gần 4000 ca cấp cứu, hơn 800 ngàn lượt khám bệnh, thực hiện hơn 12 ngàn ca thủ thuật, chuyển tuyến hơn 14 ngàn ca, tư vấn hơn 10 ngàn ca. Qua nguồn báo chí, các phòng khám thành công đa số nằm trong bệnh viện tuyến quân ở  TPHCM như Quận 2, Quận 10, Tân Phú, Bình Tân. Một con số khá ấn tựơng khi mô hình này triển khai chi trong hơn 2 năm (thực tế là tròn 4 năm) 

Việc chọn ra ưu tiên triển khai phòng mạch tư và trạm y tế mà không bàn tới các đối tượng tiềm năng khác, theo ý kiến cá nhân, là chưa toàn diện và còn nhiều bất cập, đi ngược nguyên tắc chọn mục tiêu ưu tiên. Điều này có thể dẫn đến lệch mục tiêu (giảm tải bệnh viện) và đầu tư dàn trải. Đơn cử, phòng mạch tư nào, trạm y tế nào sẽ đi đầu trong mô hình này? Công tác đầu tư nhân sự đủ điều kiện để hoạt động BSGĐ, và sẽ mất bao lâu để đạt "chuẩn coi đựơc", đủ sức đảm đương công việc tại địa bàn, khu vực ảnh hưởng? .Thực tế, hai đối tượng này vừa thiếu (kiến thức, kỹ năng về BSGĐ) vừa chưa tạo được niềm tin từ người bệnh và nhân dân.

Việc bổ sung nhân sự cho đủ các nơi hay mời gọi các phòng mạch tư, phòng khám chuyên khoa, phòng khám đa khoa tham gia vào hệ thống BSGĐ cần thiết phải có hành lang pháp lý- đang được xây dựng, kể cả BHYT. Việc phải trang bị kiến thức kỹ năng về y học gia đình, về sơ cấp cứu, xử trí các bệnh thường gặp, quyết định chuyển viện hay chuyên khoa... trong tình hình hiện nay là gây quá tải cho các đơn vị đào tạo, chưa kể chất lượng rất khó kiểm định trong điều kiện gấp rút. Chưa kể các hệ luỵ về quản lý con người, thuốc bảo hiểm y tế, trang thiết bị...

Tại sao không phải là chọn các phòng khám ngoại trú của các bệnh viện từ tuyến quận, huyện lên đến thành phố hay tỉnh và các trung tâm BSGĐ có đủ điều kiện được chọn để thực hiện đồng bộ trước? Điều kiện về nguồn lực (quản lý, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính...) và cơ chế chính sách, kể cả vấn đề BHYT ở các nơi này cũng đã có sẵn. Việc còn lại chỉ cần là đào tạo thêm về các kiến thức, kỷ năng liên quan của mô hình BSGĐ theo hình thức đào tạo liên tục trong khi uy tín của các bác sĩ tại đơn vị của họ đã có sẵn với bệnh nhân?

Bác sĩ phòng mạch tư, các phòng khám ngoài giờ, đa khoa ngoài giờ đều hầu như từ trong các bệnh viện mà ra. Nếu đã được đào tạo liên tục về BSGĐ, khi về làm việc ít nhất cũng đã được trang bị và thay đổi nhân thức về BSGĐ. Riêng các Bác sĩ trạm y tế thì khó mong tạo một cái nhìn mới mẻ, tin tưởng từ người bệnh trong một thời gian ngắn.

Việc được quan tâm từ các cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu như Bộ Y tế, Bí thư Thành uỷ TPHCM, ông Đinh La Thăng là một dấu hiệu tích cực, đáng mừng. Nhưng cần lắm sự lựa chọn đầu tư mang tính chiến lựợc vững chắc nhằm nuôi sống và phát triển cho mô hình y tế tiến bộ mà còn non trẻ tại Việt Nam này. Chỉ cần 20% nguồn lực đầu tư đúng đối tượng thì đã đạt được 80% mục tiêu giảm tải bệnh viện rồi.

ĐOÀN NHẬT TRUNG
Bác sĩ Chuyên khoa Y học Gia đình.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét