Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Triết lý “rạp xiếc”

20072011
Bác sĩ Beat Richner mở đầu câu chuyện xây bệnh viện của mình bằng một ký ức đẹp. Bác sĩ luôn thích rạp xiếc và thích nhìn những nghệ sĩ đu dây. Thậm chí tháng 5-2007, nhà vua Campuchia Norodom Sihamoni đến Thụy Sĩ dự một buổi nói chuyện về bệnh viện tại đây, Beat Richner đã đưa nhà vua đi… xem xiếc.
Bệnh viện và… rạp xiếc
Nhiều chuyên gia nước ngoài đến thăm và nói ở đây có hệ thống quản lý tốt nhất mà họ từng thấy. Nó tốt bởi vì chúng tôi không có hệ thống gì cả. Bác sĩ chia sẻ với nhau công việc chung của cả bệnh viện, và chịu trách nhiệm nhiều hơn với việc khám chữa bệnh hơn là chỉ ngồi trong phòng với chức vụ cao – Bác sĩ Beat Richner
Bác sĩ thích nói về những chú voi trong rạp xiếc Circus Knie. Ông mô tả công việc của các bác sĩ: “Giống một rạp xiếc, tôi rất thích rạp xiếc, ở đó anh ngôi sao đi dây ban ngày vẫn phải phụ quét dọn khu lều diễn hoặc phụ bán vé ở quầy hay bán kem. Không ai có quyền làm ngôi sao cả. Họ phải như một diễn viên đi dây, đi trên một sợi dây của nhiều công việc và phải giữ được thăng bằng. Vì thế các nhân viên hiểu tinh thần chung của công việc khám chữa bệnh và nắm rõ tình hình thông qua bác sĩ.
Bác sĩ sẽ tỏ ra có trách nhiệm hơn với bệnh viện, họ không phải chỉ có một công việc đơn giản là làm ngôi sao và nhìn khinh thường những người xung quanh mình”.
Tại Kantha Bopha, người kiểm soát các nhân viên lau dọn, tạp vụ là một bác sĩ. Bác sĩ đó truyền đạt tất cả kiến thức quan trọng về nhiễm trùng, sự lây lan của vi khuẩn, bệnh tật thông qua nhà vệ sinh, vòi nước hay nền nhà. Vì thế, việc lau dọn và hướng dẫn người nhà bệnh nhân tuân thủ yêu cầu giữ vệ sinh được thực hiện khắt khe ở mức tối đa theo chuẩn kiến thức của bác sĩ. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ khi các bác sĩ đầu bộ môn nhận thêm một nhiệm vụ nào đó ngoài khám chữa bệnh.
Đối mặt với nhiều vấn đề do y tế nghèo đói gây ra như nạn ăn cắp thuốc, nhận tiền của người nhà bệnh nhân, mở phòng mạch tư và lén đưa bệnh nhân về để vòi vĩnh tiền bạc, Beat Richner đã siết chặt bệnh viện của mình bằng những luật lệ nghiêm khắc và khoa học nhất.
“Tôi nhận ra các bác sĩ ăn cắp thuốc và thiết bị y tế, như kim tiêm, dây truyền dịch, bông băng… đem bán ở chợ đen. Họ có phòng mạch riêng và làm mọi việc rất nhanh ở bệnh viện. Họ về nhà và chăm sóc phòng mạch của mình. Họ nhận tiền của bệnh nhân để ưu tiên hơn cho một số người bệnh” – bác sĩ Beat Richner nhớ lại. Tình trạng của bệnh viện là một ác mộng. Điều kiện y tế cũng là một ác mộng.
Năm 1995, Beat chính thức tự tay tuyển mộ lại từng bác sĩ, y tá từ Trường đại học Y của Phnom Penh bằng chính những phỏng vấn, đánh giá của riêng mình. “Chỉ hai tháng để họ làm việc, tôi sẽ có thể nhận ra họ là người thế nào, thích hợp với việc gì”. Đến cả người quét dọn và nhân viên vệ sinh, Beat Richner cũng tự mình phỏng vấn.
Ông tái cơ cấu toàn bộ hệ thống của mình bằng một tuyên bố sắt đá: “Không ai được có việc làm khác ở ngoài và không ai được nhận tiền của bệnh nhân cả. Đổi lại chúng tôi trả cho họ mức lương xứng đáng, bác sĩ 1.000-1.500 USD/tháng, nhân viên làm vệ sinh trong bệnh viện cũng nhận mức lương 300 USD/ tháng. Không bác sĩ nào có thể sống với mức lương 25 USD/tháng như các bệnh viện tỉnh ở đây cả”.
Hàng chục bác sĩ và y tá liên tục bị sa thải theo luật mới của Beat Richner khi những câu chuyện về đút tiền, nhận tiền hoặc có phòng mạch riêng đến tai ông.
Hiện đại cho người nghèo
Beat Richner nhớ lại: “Tôi phải mời từ Thụy Sĩ sang một chuyên gia về vệ sinh bệnh viện”. Quá nhiều người dồn trong bệnh viện. Nếu một em bé bị bệnh, cả gia đình em dắt díu nhau từ quê lên, vật vạ khắp nơi trong bệnh viện. Người nghèo ở quê thậm chí còn đi vệ sinh và xả rác ở mọi nơi. Kantha Bopha luôn trong điều kiện nguy hiểm hơn cho chính bệnh nhân. Ông nhún vai: “Thà chết ở nhà còn hơn là đến bệnh viện để nhiễm thêm các bệnh nguy hiểm khác phải không?”.
Một hệ thống vệ sinh mới ra đời. Một bệnh nhân nhí chỉ đi với một người thân vào bệnh viện. Tất cả nhân viên vệ sinh và y sĩ đều phải nhắc nhở, ép buộc và nghiêm khắc với việc giữ gìn vệ sinh của bệnh nhân. Khi vào phòng bệnh, tất cả phải bỏ giày dép ở một kệ ngoài cửa. Hàng chục quy định mới ra đời và được huấn luyện trực tiếp trên đội ngũ nhân viên vệ sinh.
Và ngày nay, ở cả năm bệnh viện với hơn 2.000 bệnh nhân ra vào mỗi ngày, Kantha Bopha sạch như ly như lau và hoàn toàn yên tĩnh cho trẻ em giữ giấc ngủ của mình. Hai nghìn bệnh nhân không làm tắc nghẽn bất cứ khâu nào trong quá trình đưa trẻ đến đúng phòng điều trị.
Tại Kantha Bopha IV, Denis Laurent, một nhà sinh học người Pháp đang quản lý bốn bệnh viện Kantha Bopha I, II, IV, V ở Phnom Penh, dắt chúng tôi đến phòng CT của Bệnh viện Kantha Bophan IV. Bác sĩ Kysanty đang điều khiển chiếc máy hiện đại để đưa ra hình ảnh não của bệnh nhân nghi ngờ bị lao màng não.
Bác sĩ Kysanty hào hứng cho biết: “Năm 1995 tôi tốt nghiệp và năm 1996 được bác sĩ Beat tuyển về làm ở đây. Tôi chuyên về X-ray. Sau nhiều năm, khi bệnh viện mua thêm các máy siêu âm, CT và MRI, tôi được đào tạo chuyên sâu hơn về sử dụng các thiết bị này. Bây giờ tôi phụ trách hoàn toàn về hình ảnh và hệ thống máy móc này ở đây, đồng thời hằng năm đào tạo lại cho các bác sĩ trẻ”.
Ở bệnh viện giữa một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, Denis Laurent và Kysanty tự hào nói bệnh viện mình có tất cả thiết bị chuyên nghiệp nhất để phát hiện những tổn thương phức tạp nhất trong cơ thể trẻ bị bệnh.
Bác sĩ Beat Richner tâm niệm: “Nhà vua nhờ tôi xây dựng lại bệnh viện. Tôi sẽ cố gắng hết sức để thuê những người Campuchia ở đây làm. Bác sĩ đứng đầu về phẫu thuật của chúng tôi là người Campuchia. Ông đã chứng tỏ cho các đồng nghiệp cấp cao của tôi ở Thụy Sĩ thấy ông không hề kém họ. Thậm chí với hàng chục ca mổ phải xử lý một ngày, ông chuyên nghiệp hơn”.
Beat Richner thuê người địa phương với mong muốn xây dựng thật sự một thế hệ bác sĩ mới cho Campuchia, không lệ thuộc bất cứ chuyên gia nào từ phương Tây tới, vốn phải trả nhiều tiền để thuê họ.
Năm bệnh viện, 2.200 bác sĩ, y tá, nhân viên, Kantha Bopha chỉ có hai người nước ngoài là Beat Richner và người quản lý chung Denis Laurent. Bác sĩ hiểu rằng chính tình thương và sự gắn bó với quê hương sẽ khiến những thầy thuốc ở đây chăm lo tận tụy cho những đứa trẻ trên đất nước mình hơn bao giờ hết.
Ở một quốc gia đói nghèo thuộc thế giới thứ ba, chính tay những bác sĩ chuyên nghiệp địa phương đang từng ngày tái thiết đất nước bằng sức lực và tài năng của mình.
LAN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét