Hôm chở hai cậu thăm trại ngựa, ngang qua cái lò rèn, tò mò quay lại để tìm thử có cái dao phay hay dao yếm nào vừa tay mua về dùng. Thất vọng vô cùng. Cái lò rèn thời hiện đại có khác. Nào là mô tơ mài, nào là quạt máy thổi than, hàn khí đá, búa, kẹp, dũa...cái gì cũng khác quắt so với Lò rèn nhà Nội khi xưa. Họ làm nhàn hạ và không tốn nhiều công sức. Không biết phải do những điều đó mà cầm cái dao lên mình...muốn liệng trở lại vô lò.
Cái lò rèn của Nội, trong ký ức mình là một sự đoàn kết và gắn bó của ba gia đình đời Ông Nội. Thợ cả là Ông Ba Chuột, hai thợ chánh là Ông Nội và Ông Mười Kèn, và một dàn thợ phụ là con trai của ba gia đình. Mỗi người một việc, răm rắp đâu vào đấy. Ông Ba là bậc thầy về trui, rèn, lựa thép, hoàn tất sản phẩm. Mấy bác, mấy chú là cỗ máy quay búa lực lưỡng còn hơn máy nén, máy dập. Tất cả đều làm bằng tay và máy cơ chạy... bằng cơm, công suất "10 mã lực" của Chú Tư Chẳng, Chú Sáu Đoàn, Bác Sáu Nhái, Chú Tuấn, Chú Cường.
Lửa than được duy trì bằng cách kéo hai bể thổi bằng gỗ, cao gần 2 mét, với hai cái bít tông vải đường kính khoảng 25 cm. Ống bể được nối sang lò bằng hai ống tự làm bằng bùn móc dưới bến sông trộn vỏ trấu, ép thành ống rồi phơi khô. Gió từ hai ống gỗ này thổi ra sang lò nghe "hù hù" như bão. Thường thì Chú Tám hay phụ trách khâu này nhất vì lúc đó còn nhỏ, không quai nổi búa.
Đã mắt nhất là cảnh quay búa phối hợp giữa 3 hay 4 người nện lên một mặt đe chừng 15 phân, vào điểm được thợ cả đệm búa con chỉ trên miếng sắt. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định hình hài cơ bản và độ bén (non hay già) của vật dụng tùy theo ngọn lửa lò, thời điểm trui và độ nén vật liệu. Tất cả đều làm trong thinh lặng, tập trung, nhịp nhàng và chính xác. Búa nặng (từ 10-15 kg), các chú bác phải đứng tấn chữ đinh, kéo búa về sau, vòng lên đầu rồi giáng xuống, rút búa về... liên tục chu trình vậy.chùng 20-30 vòng. Đến nghe tiếng "Hự" của Ông Ba thì mới được dùng lại, lau mồ hôi. Từ một cục sắt hay thép chẳng ra hình thù gì, không mẫu, không thước đo, Ông Ba hết đút vào lò, để lên đe, nện búa, ngâm vào bể trui, lật ngắm ngắm, đút vào lọ, chặt bớt cạnh...một lát sau, miếng sắt đã thành hình khá rõ về vật dụng muốn làm, cái nào cũng giống như cái nấy nhưng thật sự là các tác phẩm độc bản.
Tới đây,miếng sắt sẽ được làm nguôi (không đút vô lủa nữa) và hoàn thiện. Khúc này mất nhiều thời gian và sự tỉ mẩn. Công cụ được một trong hai người thợ chánh gò lại cho đẹp để người kia bào lưỡi. Gò thì "dễ hơn" nên được giao cho Ông Mười, bào lưỡi phải dùng sức và sự chuẩn xác nhiều hơn. Phần này thường là Ông Nội làm. Công cụ được Nội kẹp chặt vào "chân ngựa", dùng một cái bào bằng thép "chiến đấu" để bào thành cạnh bén của công cụ bằng sắt hay thép(!). Từng sợi thép bị gọt, cuộn lên như dăm bào gỗ và công cụ cũng rõ nét dưới bàn tay của Nội. Cuối cùng là mài bén và tra khâu, cán.
Mài dao hay các công cụ không dễ chút nào dù trông có vẻ nhàn hạ. Nó đòi hỏi bàn tay cảm nhận mặt đá mài ăn lên công cụ, cảm giác ngón tay vuốt ngang để tìm chỗ "cuốn mép" mà mài cho "đứt mép". Vụ này Chú Tu Chẳng là nghề nhất. Chú Sáu Đoàn (biệt danh là Sáu Tài Tộ- Tay tổ) thì hay bị Ông Ba la hoài vì "cái thằng vụt chạc". Chú Tám, Chú Tuấn, Chú Cường hay Bác Sáu thì thường gọt cán, cắt khâu (vòng trên cổ dao, liềm, hái ...chống vỡ cán, tụt dao). Công đoạn này nhiều khi các chú bác cũng sáng tạo nhiều kiểu cán đẹp, lạ mắt, mang dấu ấn riêng. Nhưng sáng tạo gì thì cũng phải cầm vừa và êm tay.
Sau này lớn lên, đọc mấy bài viết về cách rèn kiếm của Nhật, mình thấy các Ông, các Chú Bác nhà mình làm cũng nhiêu khê không thua gì họ (!). Tỷ như "cắt" lưỡi hái, hay liềm. Đầu tiên là cái hái được làm giống cái dao cong đúng dạng thế, trui đúng nước (thép). Tùy theo người cắt thuận tay nào thì một mặt sẽ được cắt khía, mặt kia để lại. Ông Nội thường gò lưng, dùng dũa để cắt. Các đường cắt phải đều nhau, xéo một góc so với lưỡi tùy theo kinh nghiệm của Nội, độ sâu và độ dài đường cắt cũng phải bằng nhau và chỉ với bằng 1 cái dũa đuôi sam. Cắt xong thì chỉ cần mài mặt bên kia, răng lưỡi hái sẽ hiện ra dều tăm táp. Hay mài một cái phảng có khi mất nguyên 1 ngày. Ác cái là phải mài từ từ, không được miết mạnh bất kỳ đoạn nào trên lưỡi phảng vì như vậy sẽ làm lưỡi phảng bị lõm vô. Hai cánh tay người mài phải dang ra và "ru" cái phảng liên tục trên mặt đá mài cho đến khi được thợ cả kiểm tra ưng bụng.
Thời đó, thường nhất là làm dao phay, chét, mác vót, mác thông, dao dâu, dao yếm, dao bằng, phảng, lưỡi hái, cù nèo, búa kinh củi, búa đẽo...thỉnh thoảng cũng có bừa cào, đòn xóc, lưỡi cưa cá mập.. Phảng thì Ông Ba chuyên trị. Tay nào phát thế giỏi trong vùng đều nhờ chính tay Ông Ba rèn mới chịu. Ông Nội thì "cắt" lưỡi hái siêu đẳng, đến cánh thợ gặt vùng Thối Nốt, Cờ đỏ, Miệt Thứ cũng sang đặt làm. Ông Mười thì dao các loại với búa đẽo. Chú Sáu và Chú Tám thì hay lượm thép vụn làm dao gọt trái cây, dao cắt chỉ lưới làm đáy, dao bổ cau...bá cháy. Chú Sáu Tài tộ còn lén Ong Nội làm một con dao găm bén ngót mà sau này chuyền qua làm cá, chú cũng còn mang theo phòng đám cướp Chòm Xoài.
Năm 76, Ông Nội mất vì tai biến khi mới 49 tuổi, lò rèn vẫn duy trì hoạt động tiếp tục thêm gần 3 năm nữa vẫn dưới sự chỉ huy của Ông Ba. Sau đó, Ông Ba và Ông Mười về nhà lập lò rèn riêng. Sau này chỉ còn Chú Tuấn và Bác Sáu Nhái giữ nghề. Hai cái ống bể, nghe đâu chú Tuấn giữ nhưng không biết còn mất. Tới giàn cháu thì không đứa nào còn nhớ tới cái lò rèn vì bọn nó còn quá nhỏ, thậm chí có đứa chưa ra đời. Không còn đứa nào phải lấm lem than bụi, nhể nhại mồ hôi mà được ăn trắng, mặc trơn, học hành đầy đủ.
Lò rèn không còn đỏ lửa, Các Chú bỏ nghề nhưng mỗi người đều còn mang dấu ấn của thời làm rèn thuở trước. Ông nào cũng mạnh khỏe như trâu nhờ rèn thể lực bằng búa tạ hàng chục năm. Chú Tư phiêu bạt làm lái khoai, bắp tận Sài Gòn vói biệt danh Tư Trời biển lẫy lừng Xóm củi. Chú Sáu chuyển làm đáy. Sức ông này vặn cái là vỡ toát hoáci cái ghế đôn bằng gõ đỏ. Chú Tám Thâm thì chắc đậm, học được nhiều nhất các tuyệt kỹ của Ông Ba Trần Văn Bá nhưng chưa bao giờ lớn tiếng với ai. Chú Tám giống Ông Nội nhiều nhất ở chỗ tính tình nhân hậu, hiền hòa. Lẫy lừng nhất là Chú Cường Sên, hậu vệ đội bóng làng dám cho Lưu Kim Hoàng (Thủ môn đôi Cảng Sài Gòn vang bóng thời Tư Lê, Cù Sinh, Cù Hè) ra ngã ba lượm banh vì chú sút phát, trái banh xé rách lưới, bay tuốt ra tới lộ.
Còn nhiều giai thoại đã được kể và nhiều điều nhân nghĩa được dạy quanh ánh lửa của Lò rèn này. Cái Lò rèn đó là nghề truyền thống của gia đình, là sinh kế của ba anh em ruột không mang cùng họ (?). Nó cũng là nơi cho con cháu biết thế hệ những người đi trước đấu tranh tồn vong trong thời chiến loạn như thế nào, y như bếp lửa trong nhà rông của đồng bào miền Thượng. Ba anh em đó giờ đã cùng nằm cạnh nhau, gắn bó như thủa đành đoạn ly hương vì lý tưởng sống hòa thuận, hữu hảo chán ghét chiến tranh của mình. Họ đã về lại cố hương nhưng con cháu vẫn còn ở lại quê hương thứ hai, nơi có CÁI LÒ RÈN mang nhiều giai thoại đó.
BS Từ Nhân Dân