Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

CẢM NHẬN TỪ MỘT CA CẤP CỨU LẠ LÙNG!


Chiều muộn. Từng chiếc xe vội vã như muốn chen với xe cấp cứu đang lao nhanh trên đường. Thông tin được điện thoại viên ghi nhận ngắn gọn: Một người đàn ông bất tỉnh và lủi xe vào nhà một người dân đường A4, khu K 300. Người chủ nhà nơi nạn nhân té ngã gọi 115 vì hơn 5 phút không thấy anh này cử động. Ông ta bảo không biết làm sao nên chỉ cố giữ an toàn tài sản cho người bị nạn. Hơn 10 phút, đội cấp cứu tới nơi. Một đám đông lố nhố có 3 người mặc sắc phục công an, một đôi vợ chồng chắc hơn 70 tuổi, đẹp lão, nổi bật là 01 ông to lừng lững như gấu , đầu trọc bóng, xăm trổ đầy người và một mớ vây quanh nạn nhân. (Hiện trường được xem là an toàn) Nạn nhân hơi gầy, đang nằm ngửa trên vỉa hè, còn thở, không nghe mùi rượu, đầu vẫn nguyên nón bảo hiểm gối lên bệ gạch, đôi giày bám đầy bụi như vừa ở công trường về. 01 Cấp cứu viên bước tới lay gọi, bất ngờ người đàn ông choàng dậy, ngơ ngác đứng lên nhìn chung quanh rồi ngồi thụp ngay xuống, tự lột nón bảo hiểm, vò trán. Chờ khoảng 20 giây Cấp cứu viên bắt đầu công việc như thông lệ. Người đàn ông 38 tuổi này cho biết đây là lần đầu tiên bị như vậy. Hiện tại anh không khó thở, anh xin một ly nước uống vội, anh cũng bảo mình không đau ngực, không đau đầu hay yếu tay chân gì. Thấy nạn nhân đã tỉnh táo, hai vợ chồng già đưa cho người đàn ông chiếc điện thoại của anh ta và chỉ chiếc xe máy đang dựng trong sân còn cắm chìa khóa. Người đàn ông nói trong điện thoại "Mẹ ơi, con bị ngã xe ở khu K300 nhưng không việc gì. Mẹ gọi em ra đón con nghe. Có nhiều người ở đây đang giúp con, họ tốt lắm. Mẹ an tâm". Nói xong, anh quay lại ôm cánh tay đôi vợ chồng già nói lời cảm ơn rồi lần lượt bắt tay cám ơn từng người trong nước mắt, kể cả anh gấu trọc vì biết anh chàng có vẻ giang hồ này lại là người gọi báo công an và đứng đó chặn đám cóc ké lượn lờ định nhào vô hôi của. Ngay lúc đó, tự dưng không ai bảo ai, mọi người từ công an, anh xăm mình, đôi vợ chồng già, nhân viên y tế, bệnh nhân...lại bắt tay nhau và ai cũng nói lời cám ơn trong cái bắt tay mạnh mẽ, ấm áp. 


Lên xe ngồi ra về mà tự nhiên thấy lòng thật vui. Có lẽ người ta gần nhau hơn, chân tình với nhau hơn khi đang cùng nhau trải qua những ngày bão nổi ngoài biển Đông?

Tản mạn: Nhớ mảnh vườn nhà


Mảnh vườn dâu đó có gần 15 nặm,


Cứ mỗi dịp 30/04 dl đến mồng 5 tháng 5 âm lịch là vươn bắt đầu mở cửa đón khách. Ba má tui lại tất bật bán dâu. Ngày cao điểm có thể đến 300 lượt tham quan. 10 nghìn 1 người bao ăn. Cái thứ này mấy trái đầu ăn ngon, sau một lát là nặng bụng, ngã ngang. Người nào muốn mua vế thì 10k/kg. Bán như vầy vừa nhàn, vừa được giá. Trái dâu giống trái trâm, bẻ phải nâng niu như trứng vì mạnh tay thì nó thành te tua tơi tả, đầy dấu thâm, rớt giá thảm hại. Khách vào thấy ham, cốt xuống cả đống, một lát phải vác về gần chết. Bởi vậy, có người "gian hùng", ăn xong no bụng, thấy chủ vườn (là ba má tui) quay lưng là ném hết xuống mương, có khi chiều gom lại gần thúng giạ- khoảng 30-33 kg.



Có lần ca sĩ Kim Anh về "tổ chức live show không micro" tại vườn, thiên hạ coi rần rần như đám đình. Vui thiệt vui nhưng khi tàn cuộc rồi thì vườn của tui cũng giống bãi chiến trường, trụi lũi trái luôn. Coi ca sĩ hải ngoại hát không cần vé mà còn tiện tay vặt dâu ăn, cười đã đời thì...mấy cây dâu với ba má tui chỉ có nước khóc ròng. Cũng may, đầu mùa tới lúc đó cũng đủ sở hụi rồi.

Mấy năm nay mưa muộn, trái chẳng được to, mà lại thưa nữa. 30 tháng 4 rồi cũng có khách vào nhưng trái nhỏ xíu, chọi chó cũng mất công mỏi tay. Vườn vắng teo,
Thằng em bỏ Sài Gòn về đòi đốn dâu trồng cam vì thấy người ta hốt bạc tỷ. Cái thằng! Cam có thời, dâu thì càng lớn càng có năng suất nếu chăm sóc đủ. Cam thì phân thuốc liên tục, mỗi đợt thuốc trùng trồi đầu chết thúi đất. Dâu thì một năm chỉ cần 15 ngày công là tạm ổn.

Nói hoài mà nó chẳng nghe. Tiếc đứt ruột. Sợ mai mốt lại phải hát bài "được mùa rớt giá" muôn thủa của nhà vườn thì ông bà bô càng buồn thêm, Chó thì bị bắt thịt hết, không biết lấy cam chọi cái gì nữa. Chẳng lẽ lại ép ra ủ rượu? Ừ, có khi đó là một giải pháp lý tưởng nếu kế hoạch bỏ dâu trồng cam nếu đụng hàng.


DrTrungGP
P/S Hình trên là của Tía tui với cháu ngoại

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

NHỮNG MÓN ĂN NGHE QUA "NỔI SẢY"

1. Hến sống phơi nắng:


Hến phơi nắng
Vùng Hồng Ngự kể cả từ phía cửa khẩu Xâ Mát Tây Ninh dài sang Campuchia, đều có món lạ lùng này (Chổ khác thì chưa biết). Đó là những con hến sông còn sống nhăn, rửa sạch bùn rong rồi trộn với muối, sả, ớt...trải mỏng trên mâm nhôm hay nóc nhà tôn kẽm phơi trong nắng mạnh một buổi là mang xuống "làm liền tại chỗ" (!). Dĩ nhiên không có nấu nướng gì hết. Cầm con hến trên tay đưa vào miệng cắn "bụp" một phát, lừa vỏ hến nhả ra, nhai phần thịt hến còn lại ngẫm nghe nước hến ngọt lừ trộn với vị mặn, cay, thơm nồng. Lỳ một lam là làm một ly. Cái này phải rươu đế, bia là trớt quớt. Lưu ý, ngon nên từ từ thưởng thức kẻo..nuốt cả vỏ hến. Khà.

2. Cá "thủm": 


Thường cá chết nổi lên, người nuôi cá vớt bỏ, nhưng có người dứt khoát không bỏ. Họ vớt cá đã chết nổi hơi hơi, bóp thịt thăn lưng còn chắc (nổi quá thối chịu không nổi) làm cá vừa làm vừa nín thở bịt mũi, rửa sạch chắc cũng phải 5-7 nước rồi ướp muối, có khi có sả, tiêu ớt, bột nêm...rồi đem ra phơi. Ôi thôi là ruồi. Để chống ruồi, người ta có thể phun lên ít rượu. Sau một ngày nắng tốt, con cá săn lại, đỏ au, chỉ còn "thoang thoảng hương đưa". Khi chế biến, thường là chiên hoặc nướng, đảm bảo cả xóm vẫn điếc mũi, nhiều bà nhiều cô la làng bỏ chạy. Món này kèm xoài sống băm nhuyễn cộng ít rau răm trộn mắm đường kẹo rưới lên dĩa xoài, cá để riêng. Gắp một miếng cá, cặp miếng gỏi xoài đưa vào miệng rồi nín thở nhai. Ối chà chà. Chất thịt cá bùi bùi, mùi thum thủm, da giòn tan trong miệng. Vô một cốc nữa.

Khô cá tra phồng là làm kiểu này nhưng hơi ớn người ta bỏ chất bảo quản và muối quá mặn mà tính tiền mắc gần chết. Một dĩa kêu ra có vài miếng ăn chẳng sướng miệng. Giá cao là chắc tính tiền công làm cực khổ.

Từ cá chết sình sình người ta còn om cũng với sả ớt. Món này chưa đụng nên chưa biết thế nào

3. Hột vịt thúi

Hột vịt ung
Thường thì trong ổ vịt- gà âp thể nào cũng có vài ba trứng "dữa", nặng hơn là trứng thúi luôn. Thứ này ghét ai mà ném vào thì ...đúng bài, nhất là mấy tay hát dở còn làm kiểu "ngôi sao ngồi mé ao". Nghe nói ăn thứ này, thứ kia "ngon lành" lắm nhưng chẳng biêt sao nhưng mấy ông nhậu kiếm được mừng hơn trúng số.

Cảnh luôc thứ này cũng đã nhiêu khê, phải bọc trong mấy lớp bao nylon và đun từ từ. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn nghe "bốp, bốp". Thúi rầm trời! Qua được cái đoạn này là tới đoạn lên bàn, chủ thớt xăm xoi từng trứng một để tìm "hàng chất lượng cao" giành phần mình. Chia chác xong xuôi, hồn ai nấy giữ, có ông tiếc còn vét "tàn dư" trong cái bọc luộc hồi nãy ...trút vô chén luôn.

Tới màn thưởng thức món này cũng phải nói. Mỗi cha có một cây tăm, có khi là một khúc cọng gân lá dừa cắm vô chỗ vỏ trứng bị đập một lỗ. Khi ăn thì quẹt quẹt cọng tăm, vít một chít muối tiêu rồi đưa lên...mút cọng tăm, chép chép cái miệng rồi cầm ly rượu lên quất một phát. Ăn kiểu này có khi xỉn bò càng cái trứng cũng còn.

4. Huyết đỉa trâu nướng chấm nước mắm:

Hình minh họa Con đỉa
Hàng này bây giờ hiếm vì đỉa trâu cỡ đại, dài mười mấy phân khó kiếm.  Nhớ lần về Tây Ninh, thấy ba cục xám đen như ba củ khoai nướng đặt trang trong giữa bàn, thơm phức mà không biết cái giống gì. Nhập tiệc, gia chủ lầy con dao nhỏ, cắt ngang mấy "củ khoai" rồi chia vòng vòng. Mấy trự thổ địa bắt đầu đố đám ngố Sài Gòn biết đó là cái gì. Gắp lên nhìn thì thấy đó là một cục huyết nhão nhão, bốc khói, được bọc bên ngoài một lớp vỏ mỏng, cháy đen, tỏa mùi thơm lừng. Gia chủ hướng dẫn lột bỏ lớp vỏ, chấm một góc  cái đồ yêu đó vào chén nước mắm sống dầm ớt, rồi đưa lên miệng thử. Ớn tới óc o nhưng vừa tự ái, vừa tò mò nên cũng nhắm mắt mũi đưa lên miệng nhắp. Đúng là huyết! Nhưng là một thứ huyết có mùi của đồ nướng, bùi bùi, hòa với vị nước mắm mặn mặn, miếng cắn vỡ tan trong miệng. tạo nên một hương vị lạ lùng. Ngon quá, lủm cái hết luôn. Thắc mắc, mấy cha thổ địa bắt đầu giải thích đây là nguyên con đỉa trâu được dí miệng vô con trâu cho hút máu đến no, rơi ra, lấy dây cột hai đầu con đỉa lại rồi ...nướng trên lửa than, đến khi con đỉa chín đều, teo lại. Má ơi! Lỡ nuốt rồi làm sao mà nhả ra? Ờ mà đỉa thì có sao đâu? Nó ngon quá mà. Mười mấy năm còn chưa được ăn lại. Nhắc tới thèm mà kiếm đâu ra?

DrTrungGP
(Hình chôm của Anh Gút)

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Loài cây hoang miền Tây làm cánh mày râu thích thú

Ở miền Tây Nam bộ dọc theo các mé kênh, rạch hay trong các vườn tạp, đất hoang luôn có mặt của cây nhàu. Đây là loài cây thân gỗ, mọc đứng. Nhàu sống lâu năm, có cây cao cả năm, bảy thước tây.

Cành non mập, có 4 cạnh rõ, màu lục hoặc nâu nhạt, có rãnh, nhẵn; cành già tiết diện tròn, màu nâu xám. Lá mọc đối, hình bầu dục dài một, hai gang tay, mép uốn luợn, lá màu xanh bóng đậm ở mặt trên, mặt dưới nhạt hơn. Cụm hoa là đầu hình tròn hay hơi bầu dục, ở ngoài nách lá. Trục cụm hoa hình trụ, màu xanh, nhẵn. 
Trái nhàu còn non màu xanh nhạt, hình trụ tròn nhỏ dần về cuối. Khi già màu trái ngà vàng, nhẵn bóng, mùi khai. Bên trong lớp da mỏng là lớp thịt, hình trứng gồm nhiều hạch dính vào nhau, chứa cơm mềm, ăn được, vị cay nồng.
Trong dân gian, nhiều bộ phận của cây nhàu được tận dụng để phục vụ cho đời sống con người. Trái nhàu chín rụng lượm về chấm ăn với muối, có tác dụng làm gảm cơn đau lưng, nhức mỏi. Lá nhàu non có thể hái về rửa sạch ăn sống kèm với cá nướng trui, chuột khìa, tép luộc, …
Cây nhàu
Cây nhàu.

Trái nhàu trên cây
Trái nhàu trên cây.
Trái nhàu chín
Trái nhàu chín.
Cầu kỳ hơn, người ta tận dụng vị nhẫn đắng của nó để đem um với lươn. Món ăn này có lá nhàu vừa đỡ ngán vừa có tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Khi nấu các món giả cầy, lá nhàu cũng thường xuyên có mặt.
Đặc biệt, ở miền quê, dân gian hay dùng lá nhàu gói với cật heo rồi đem nướng. Lá cháy sém, miếng cật nướng vàng ươm vừa là món lý tưởng để đưa cay cùng bè bạn bên chung rượu đế ngãi tình, vừa là món ăn mà cánh mày râu ưa chuộng vì họ tin rằng nó sẽ … bổ thận tráng dương!
Lươn um lá nhàu
Lươn um lá nhàu
Lá nhàu non được xắt nhuyễn để xào với thịt rắn trun, rắn nước. Mấy miếng bánh tráng, bánh phồng nướng xúc thịt rắn xào lá nhàu chấm nước mắm ớt thì đối với người miền quê quả là món ngon tuyệt hảo khó có cao lương mỹ vị nào bằng.
Rắn trun xào lá nhàu
Rắn trun xào lá nhàu
Ngoài ra, dân gian còn dùng lá nhàu giã nát rồi đắp chữa nhọt mủ. Có ngưới sắc nước lá nhàu để uống chữa sốt, lỵ, bệnh tiêu chảy.
Trái nhàu ngoài chuyện dùng để ăn khi chín, người ta còn dùng nó để ngâm rượu. Có hai cách ngâm. Một là hái trái nhàu già còn cứng về xắt lát phơi khô rồi xao vàng, ngâm với rượu đế cao độ. Hai là, lượm nhàu chín về rửa sạch, để ráo nước rồi xếp vô keo chế rượu vào.
Cả hai loại này sau chừng vài tháng thì gạn bỏ xác, lấy nước thêm chút đường phèn vào rồi để uống dần. Các bậc cao niên thường uống một hai chung nhỏ khi ăn cơm. Họ cho rằng rượu nhào có tác dụng lưu thông khí huyết lại mạnh gân, khỏe cốt, … Không biết tự bao giờ, người ta còn truyền câu ca đong đầy cảm xúc:
"Rượu nhàu tay rót mời anh/ Xa quê, anh có nhớ tình nghĩa quê"

Chôm của Út Tèo
.