Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Thương lắm những cây Gòn

Miền Tây quê tôi đâu đâu cũng có dáng của những cây Gòn. Gòn mọc ở hàng rào, Gòn hiện diện đâu đó xen lẫn giữa những vườn cây trái.

Tuổi thơ tôi có rất nhiều kỉ niệm đẹp với cây Gòn. Chúng tôi thường hái thật nhiều lá Gòn non vò với nước tạo thành thứ dịch sền sệt để thổi bong bóng. Bong bóng từ lá Gòn cũng đâu thua kém gì bong bóng xà phòng. Rồi đến mùa trái Gòn khô, nứt ra khoe những chùm bông trắng muốt, lũ trẻ chúng tôi lại được mẹ giao nhiệm vụ tìm hái trái đem về để mẹ lấy ruột bên trong làm gối nằm. Những cơn gió mạnh làm bông Gòn bay tung toé khắp vườn, tôi thích mê và cùng tụi bạn hò reo “cảnh tiên, cảnh tiên!”

Gòn còn ban tặng cho người dân quê một đặc sản ngọt lành: mủ Gòn. Thật là tuyệt vời nếu giữa những ngày Hè oi bức mà được thưởng thức một ly mủ Gòn ướp đá nhuyễn cho thêm một ít đường cát, ngon bá chấy bồ chét luôn á. Kakaka

Gỗ Gòn không dùng làm củi đốt và cũng không thể dùng làm cột cất nhà vì độ bền kém. Song bù lại thân Gòn dùng để bắt cầu vì Gòn có đặc tính là chỉ cần tiếp xúc với đất là lại đâm chồi nảy lộc. Có lẽ vì thế mà Gòn dùng để làm cầu khỉ, cầu tỏm không bao giờ bị mục, ở hai đầu cây cầu còn mọc lên những đọt non nho nhỏ nữa.

Lá Gòn còn là nguyên liệu để xay thành bột sử dụng trong nghề làm nhang. Ngày xưa, ngoại tôi sống bằng nghề nhang nên hai bà cháu thường đi hái lá Gòn về phơi khô rồi chở ra nhà máy cho người ta xay thành bột. Và từ thứ bột ấy ngoại tạo thành những cây nhang đem bán. 
Cây Gòn đã trở thành hình ảnh thân thuộc của người dân miền Tây Nam Bộ. Gòn hiện diện trong đời sống hằng ngày. Có lẽ vì thế mà cây Gòn còn được dùng để đặt tên cho những quán ăn vùng quê như: quán Cây Gòn, quán Hàng Gòn… Cảm ơn cây Gòn đã dành tặng cho tôi những ký ức tuổi thơ tươi đẹp và những bài học ân tình sâu đậm. Thương lắm! Những cây Gòn…

Câu cá HE bằng hạt bông gòn| In |
Người đưa bài: Bích Nga   
29/04/2011
 Nói đến câu cá, người ta thường nghĩ đó là việc làm giải trí, nhưng đôi khi đôi lúc cũng là cách giết thời giờ, suy ngẫm chuyện đời, chuyện đại sự như người xưa ngồi câu cá để chờ thời, đợi dịp ra hoạt động, thi thố tài năng cứu dân độ thế. Có nhiều người, câu cá là nghề làm ra tiền. Câu cá thường dùng ba cách: có mồi, không mồi và mồi giả. Ở Mỹ, câu cá với mồi giả rất thạnh hành. Còn ở quê nhà, có những cách câu cá mà ở Mỹ không thể nào bắt gặp.

Vùng thôn quê của các tỉnh giáp với biên giới Miên như Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường có nhiều cách câu cá độc đáo, câu cá he bằng mồi hột bông gòn chẳng hạn. Thông thường, người ta câu cá, móc mồi vào lưỡi câu thả xuống nước, cá ăn giựt lên. Tùy theo loài cá mà dùng mồi thích hợp. Muốn câu cá he to và bắt được nhiều, người dân quê của xứ Bà Bài chuẩn bị thu nhặt hột bông gòn từ năm ba tháng trước.
Vào cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch, thế hệ cá sinh sản  vào  tháng  tư,tháng  năm  nay  đều  lớn.  Khi  nước"đứng", dòng nước ở sông rạch không còn luân lưu chảy siết, chỉ chảy lờ đờ. Trong đồng ruộng nước "lình bình", đây là thời điểm lý tưởng nằm đâm cá bông và câu cá he bằng hột bông gòn. Hột bông gòn, có người gọi là hột gòn, ngâm nước một đêm hoặc lâu hơn để nước thật ngấm vào, làm cho hột gòn nặng thêm một chút, nếu không chúng nhẹ tưng dễ bị gió thổi bay đi nơi khác.
Một năm, có độ hai tuần để câu cá he bằng hột bông gòn và cũng chỉ bắt được cá he mà thôi. Còn các loài cá khác, mồi này không hấp dẫn được chúng. Cá he, một loài cá quý, ngon vào loại bậc nhứt của dòng họ cá trắng, nhưng ngặt một nỗi cá he có nhiều xương.                         
Đợi nắng lên, sau khi cơm nước xong khoảng chín mười giờ sáng, ở nhà quê ăn cơm trưa rất sớm. Đàn ông đi nằm tum đâm cá bông, đàn bà đi câu cá he, người phụ nữ có tính kiên nhẫn hơn giới đàn ông. Một người đi một xuồng, không bao giờ hai người cùng ngồi câu cá he một xuồng cả. Ngồi câu cá he, người ta không dám ho, không nhúc nhích sợ làm động, xuồng nghiêng, lắc, cá he lặn đi mất.
Chống xuồng vào những khu vực có lúa hoặc cỏ rậm, người thợ câu vẹt (vạch) ra một lỗ tròn bằng miệng cái thúng nhỏ, rải xuống một nắm hột gòn. Nhờ hột gòn ngấm nước nên không bị gió đẩy đưa trôi ra ngoài xa. Sau đó, đánh dấu tất cả lỗ tròn có rải hột gòn bằng cách làm một cái nơ với những ngọn lúa, hoặc ngọn cỏ cao cột dính lại để dễ nhận biết từ xa. Mỗi ngày, ra "thăm" chỗ đánh dấu, nơi nào hết hột bông gòn, rải tiếp một nắm khác. Chỉ có cá he là thích ăn hột bông gòn. Nơi nào hột bông gòn còn nguyên, chứng tỏ nơi đó không có cá he, chỗ  đó bỏ, không tiếp tục thả mồi nhử cá he nữa.Mỗi chỗ cách nhau chừng mười, hai chục thước. Người thợ câu  phải  mất ba bốn ngày mới tìm được năm bảy chỗ có nhiều cá he đến ăn hột bông gòn và cá cũng quen dần sự khuấy động nước nên chúng cũng dạn. Một cách làm cho cá he không còn sợ nữa là tiếp tục thả hột gòn xuống khi cá he đang tranh giành quẫy đuôi đớp mồi, nhìn chúng đùa giỡn, để rồi hôm sau đến ngay địa điểm đó ra tay.
Người thợ câu cá he thường mang theo hai, ba cần câu, khi gỡ cá không kịp, dùng cần câu khác thay. Chỉ may quần áo se đôi lại làm nhợ câu, lưỡi câu thường dùng một cái nỏ uốn những cây kim may bị "sứt đít", lưỡi câu không có ngạnh; cái ngạnh của lưỡi câu làm chậm trễ mất thời giờ phải gỡ cá ra. Câu cá he là một nghệ thuật: kiên nhẫn, nhanh nhẹn nhưng không bộp chộp và nhứt là tránh làm sẩy cá vì sẩy cá rất tai hại, nước bị khuấy động, cá he sợ lặn mất. Cần câu cá he là một nhánh tre thật nhỏ hoặc một thanh tre được "vuốt" nhỏ láng mềm dẻo.
Ngồi câu cá he không được ăn trầu hoặc hút thuốc, tập chú vào câu cá đang tranh ăn hột gòn, rải tiếp và cũng không được rải mồi nhiều quá, cá he ăn no cũng lặn mất. Gặp những chỗ có nhiều cá he, chúng phơi kỳ vi đỏ chói, đưa bụng trắng toát hoặc bụng vàng tươm của các con cá he nghệ, tranh giành mồi, nước bắn tung tóe. Thời điểm này, người thợ câu không cần phải móc mồi bằng hột gòn nữa, chỉ thả lưỡi câu xuống ca cũng đớp dính, giựt lên nhanh cho vào xuồng mà trong xuồng lại có nước để rộng cá. Chỉ có khoang mũi xuồng là có vạt để người thợ câu ngồi, còn các khoang khác để trống và có nước.Mục đích để khoang trống, khi giựt cá lên, lưỡi câu không ngạnh nên dính không chắc dễ bị sứt ra, rơi vào xuồng, và có nước, cá sống tiếp tục. Xuồng cho nước vào để be xuồng thấp xuống khi người ta ngồi làm nghiêng một bên chỉ cách mặt nước chừng một tấc hay hơn một chút, cá dễ rớt vào xuồng, không rơi lại ra ngoài. Sự tính toán của người dân quê rất khoa học, hợp lý.
Một địa điểm, câu được cá he chỉ trong vòng mười, mười lăm phút là tối đa. Cá he rất tinh khôn, hơn nữa, lâu quá, thả mồi nhiều cá ăn no bụng, cá đi mất. Người thợ câu giỏi, có khiếu, "sát cá" chỉ trong thời gian ngắn ngủi đó cũng câu được có đến trên dưới hai mươi con cá he to, khoảng bốn, năm ký cá. Một buổi trưa đi câu chừng hai hoặc ba địa điểm cũng mệt đừ. Có nơi câu được nhiều cá, có nơi câu ít cá. Vì vậy, người thợ câu luôn luôn tìm chỗ mới để tiếp tục câu cho hết mùa.
Cá he câu được, đem ra chợ bán hoặc rộng lại để ăn dần khi người ta không còn câu được nữa. Dù ở nhà quê, kỹ thuật câu cá he bằng hột bông gòn cũng ít người biết. Thông thường, câu cá ở nhà quê, chỉ để ăn một bữa hoặc hai bữa là cùng.Còn câu cá he một năm chỉ có khoảng hai tuần nên người ta tận dụng tối đa, chịu khó, câu được càng nhiều càng tốt.
Không phải ai đi câu cá he đúng kỹ thuật đã được hấp thụ trước mà có nhiều cá; có người được nhiều, có người được rất ít. Ở ấp Bà Bài, chỉ có vài người là hạp với cách câu cá he, mỗi lần đi câu là mỗi lần có cá he rất nhiều để sáng sớm hôm sau bơi xuồng ra chợ Núi Sam, Nhà Bàng bán và khi nào có nhiều quá thì bơi ra chợ tỉnh Châu Đốc, xa hơn, bán được giá hơn.
Hồi nhỏ, Ngọc thắc mắc không hiểu tại sao, đồng thời cũng đi câu cá, có khi hai người cách nhau chừng vài thước, một khu vực, mồi, cần câu, cách câu như nhau mà có người giựt không kịp, còn người kia mãi nhìn trời hiu quạnh, bồn chồn và liếc qua người bên cạnh như tiếc rẻ, sốt ruột. Người lớn giải thích là người đi câu hoặc giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp, được nhiều cá là người ấy có tính "sát cá". Ai sát cá thì dùng bất cứ cách gì cũng bắt được nhiều cá hơn người khác. Có  điều  lạ  khác, có người câu được loại cá này nhiều mà câu loài cá khác lại ít; mỗi người hình như đi câu hạp với một loài cá                 
Cá he ngon, béo, cao cấp nhứt của loài cá trắng, thuộc họ hàng cá mè ở vùng nước ngọt. Cá he là một trong ba loại cá mè ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở miệt Châu Đốc, cá mè có rất nhiều mà cá he thì nhiều nhứt và cũng thuộc vào loài cá quý hơn hai loài cá kia: cá mè dảnh và mè dinh, mà người dân quê chỉ gọi gọn lại là cá dảnh, cá dinh. Hình thù của ba giống cá này tương đối giống nhau nhưng ai cũng dễ phân biệt được.
Cá he: kỳ, vi, đuôi đỏ, vẩy trắng, mịn, mềm; cá dảnh về hình dáng, màu vẩy trắng toát giống y chang cá he, nhưng kỳ vi, đuôi lại cùng màu với vẩy, hơi sậm hơn màu trắng của vẩy một chút. Cá dinh, màu trắng của vẩy sậm hơn, vẩy cứng hơn, kỳ,vi, đuôi cùng màu với vẩy. Có hai loại cá he: cá he nghệ và cá he thường. Cá he nghệ ngon béo nhứt và cũng quý hiếm nhứt trong dòng họ cá mè. Cá sanh cùng một lứa con lớn con nhỏ khác nhau, không phải như câu thành ngữ: Cá mè một lứa. Ám chỉ cá mè sanh cùng một lứa, hình dáng, giá trị giống nhau.Nghĩa bóng nói những người cùng một lò, một hội, tổ chức làm điều gì đó thường là việc xấu, người nầy giống y như ngườikia, không có phẩm chất khác biệt nhau. Cá he nghệ và cá he thường, nếu trọng lượng bằng nhau, người ta thấy cá he thường to con hơn, chiều dài, chiều ngang lớn hơn cá he nghệ. Nhìn, quan sát kỹ mới thấy được cá he nghệ, mình dầy hơn, cái nọng to hơn. Tại sao gọi là cá he nghệ ? Cá he nghệ, cái nọng to vàng tươm và đậm, chỗ nầy là chỗ ngon nhứt của cá mè nói chung. Vẩy cá he nghệ cũng trắng nhưng màu trắng có pha ẩn màu vàng nên người ta mới gọi là cá he nghệ.
Nói đến nghệ là nói đến màu vàng của nó. Cái cổ cúc của cá he nghệ cũng dầy, thịt nhiều hơn cá he thường. Trong bagiống  ca ï: dinh, dảnh và he, cá dinh lớn con hơn hai giống cá kia. Cá dinh lớn, hai ba con là được một ký lô, còn cá he, cá dảnh cũng phải bốn, năm con mới được một ký. Cá he ngon nhứt, rồi mới tới cá dảnh, cá dinh đứng vào hàng thứ ba.


                            Cá he chiên xì dầu
Cá he làm món ăn ngon nhứt là chiên tươi. Có người đánh vẩy và cũng có người không, chỉ mổ bụng lấy lòng ruột bỏ đi, nhưng để lại mỡ và Gan. Mỡ cá he dùng để chiên lại cá vẫn thừa, người ta nhét một ít mỡ lại vào bụng cá, chặt bỏ một chút cái mỏ nhọn, vạt hai cái vách của mang cá, mang cá lại để nguyên. Rửa thật sạch nhiều lần, mang cá có rất nhiều nhớt, kỹ hơn một chút, dùng muối bọt rửa mang cá mới sạch hết nhớt. Cá để nguyên con, chảo thật nóng đã có mỡ phi hành tỏi thơm phức. Mỡ có thể dùng mỡ heo hoặc mỡ cá he vừa mới làm, hoặc dầu ăn, cho cá he vào. Xuống lửa thấp ngọn, lửa liu riu cá lâu chín nhưng chiên cách này ngon hơn và ăn luôn vẩy rất dòn, còn chiên lửa háp, ngọn cao, mau chín, cũng dễ bị khét, lại không ăn được vẩy, dục tốc bất đạt là như vậy đó.
Ở nhà quê, thường làm nước mắm Me để ăn cá nhưng cá chiên lại không dùng nước mắm me mà dùng nước mắm pha loãng có nặn thêm chanh hoặc pha giấm. Chỉ có ăn cá nướng, cá hấp và các món ăn rùa, rắn, lươn mới dùng nước mắm me. Nước mắm chanh (giấm) có tỏi ớt, pha loãng cho con cá chiên ngập nước mắm.
Dân quê ăn mặn hơn dân thành thị nhiều, nên họ cũng khỏe mạnh hơn. Một con cá chiên cho vào một dĩa nước mắm, loại dĩa có đáy sâu để chấm bông điên điển hay bông súng làm dưa chua ăn rất bắt. Cả ba giống cá he, dinh, dảnh có những món ăn gần giống nhau. Món cá dảnh kho mềm rục, lửa liu riu kho lâu, có khi mất cả buổi - ăn luôn cả xương, xương và vẩy rất bùi. Kho cách này, thường sắp ở đáy nồi một lớp mía được róc vỏ, chẻ ra từng miếng ngắn, để cá nằm lên trên. Nước  mắm pha  loãng, có  thể  cho vào một chút đường hoặc bột ngọt, nếm thử, đổ vào nồi chỉ vừa đủ ngập cá một chút, nếu muốn cá kho khô cạn.
Muốn kho còn nước để chan cơm ăn hoặc dùng chấm Rau ghém hay bông điên điển tươi, người ta đổ nước mắm pha loãng nhiều hơn. Các bà các cô kho cá, kho thịt thường ướp nước màu. Kho cá cách này, không ướp nước màu để nước trong, đẹp hơn và ănkhoái khẩu hơn. Ba giống cá: he, dinh, dảnh có rất nhiều xương nhỏ lí tí, trẻ con ăn phải cẩn thận, dễ bị mắc xương.Cái bụng cá là chỗ không có xương nhỏ, chỉ có xương hai bên lườn to và xuôi xuống, rất dễ tách ra. Từ họng đến hết lườn cá là chỗ ngon nhất, lại kể như không có xương, cha mẹ cưng con thường cho con ăn phần nầy. Còn cái đầu cá dù nhỏ nhưngăn rất béo, bùi, cánh đàn ông ưa nhứt.
Cách chế biến các món ăn cũng quanh quẩn chiên tươi, chiên cá muối, nướng, kho, nấu canh. Cá he nhiều lại bị chết cũng làm khô, làm mắm như các giống cá khác. Một món ăn đặc biệt khác, cá chết hơi lâu, vài tiếng trở lên, người ta làm cá he hoặc cá dảnh, cá dinh rửa sạch, xẻ rãnh từ lưng đến bụng, muối sả ớt, nhét sả vào những cái khe nhỏ của đường xẻ và nhét sả vào bụng cá, chiên, nướng rất thơm ăn với cơm nóng hổi hết sẩy. Muốn làm món ăn tươi ngon, người ta mua hoặc bắt những con cá còn đang giẫy đành đạch, còn cá chết rồi chỉ có nước là muối để chiên hoặc nướng hay làm mắm làm khô.
Ở nhà quê, có nhiều cá, không khi nào người ta ăn cá đã chết lâu dùng vào các món ăn chiên, nướng tươi hoặc kho, nấu canh... Còn cá đông lạnh, như xứ Mỹ nầy, ở quê của Ngọc, đem cho chắc ai cũng chả thèm lấy đừng nói chi là mua. Cá thịt đông lạnh phẩm chất làm sao mà ngon cho bằng được cá thịt còn tươi.
 Theo thatsonchaudoc

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Canh chua trái giác

Mỗi mùa mưa về, tôi lại nhớ món canh chua trái giác do ba nấu. Ba thường bơi chiếc xuồng ba lá đi hái trái giác dọc con sông. Ba tôi mê món này, mê thưởng thức, mê cả nấu... Hễ nhà có khách đang mùa trái giác ngon là ba lại đi chài cá dưới đìa lên, rồi hăng hái đi tìm trái giác về nấu nồi canh chua đãi khách.

Dây giác mọc quấn quanh những lùm cây ven sông rạch miền Tây Nam bộ quê tôi. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và dính nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín lại có màu đen thẫm, bên trong tím lịm như mực mồng tơi. Trái giác non có vị chua chát, càng lớn vị thay đổi từ chua thanh đến chua ngọt. Bởi vậy, ai ưa vị canh chua thế nào thì canh trái giác lứa đó mà hái về nấu.
Trái giác
Trái giác - Ảnh: Hà Linh
Ba tôi thích nấu canh với trái giác “già”, nghĩa là trái đã đến độ sắp chín nhưng màu vẫn còn xanh. Ba nói những trái như vầy làm cho nồi canh chua chua thanh ngon hết ý. Ba hái nhiều chùm trái giác về rồi lặt từng trái một, sau đó rửa sạch và bắt tay vào nấu canh. Để nồi canh chua ngon, trái giác phải được tung hứng cùng với cá rô phi, rau muống đồng, ngò om thơm lựng và một số gia vị.
Ba bắc nồi nước lên nấu cho thật sôi rồi thả trái giác vào nấu đến khi trái mềm rệu rã thì lược lấy trái cho ra tô. Sau đó, ba cho một ít nước sôi vào tô, dầm vừa tay cho trái giác nhuyễn từ từ, cho thêm một ít nước sôi nữa hòa vào phần đã dầm để lọc lấy nước trút lại vào nồi canh đang nấu. Lược nước chua xong là cho cá đã làm sạch vào nồi. Trong lúc này, ba tôi sẽ nêm nếm cho nồi canh vừa ăn với các gia vị: ớt, bột ngọt, nước mắm và ít đường. Đợi cá chín, cho tiếp rau vào. Nồi canh vừa ăn, cá và rau chín đều thì ba nhấc nồi khỏi bếp lửa. Rau ngò om được rửa sạch và cắt nhỏ sẽ cho vào nồi canh sau cùng, để mùi thơm của rau dậy hơn. Vậy là có nồi canh chua ngon như ý.
Ba tôi nói, ai thích ăn canh chua trái giác tím thì lúc hái trái sẽ chọn thêm một ít trái chín, nhưng hương vị chủ đạo vẫn phải chọn trái giác “già” mới ngon. Chỉ cần thêm một đến hai chùm trái chín mùi, nồi canh đã có màu tím rất đẹp. Trái giác mát lành, có thể đi hái chứ không tốn tiền mua, vì thế người dân quê luôn ưng bụng mỗi khi nấu nồi canh chua cho bữa cơm gia đình.
Hà Linh- TTO

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Bí ẩn ngôi mộ cổ bị xiềng ở Tiền Giang

Tại xã Long Khánh (Cai Lậy, Tiền Giang) có hai ngôi mộ cổ từng bị vua Gia Long cho xiềng xích. Xung quanh mộ có nhiều truyền thuyết bí ẩn.

Hai ngôi mộ cổ của ông Lê Phước Tang và vợ được thiết kế theo hình lá sen úp, nằm trong khu đất 200 m2, cây cối cỏ dại mọc um tùm, từ lâu đã hoang phế. Khu mộ được chôn theo nguyên tắc nam tả, nữ hữu, có bốn trụ hình búp sen nhưng hiện đã bị gãy mất hai trụ. Ngoài ra, còn có bình phong hậu và bình phong tiền.
Điều đặc biệt là khu mộ được xây dựng bằng chất liệu vôi và ô dước. Được mệnh danh là "hợp chất huyền thoại", ô dước trước khi đắp lên mộ ở thể lỏng sền sệt như nham thạch của núi lửa, hoặc ươn ướt như keo dán. Nhưng khi đắp xong, nó khô đặc lại và các chất tổng hợp được giã nát trong đó tự kết dính, quyện vào nhau thành một khối rắn chắc, bất khả phân ly.
d
Toàn cảnh khu mộ cổ và hai cây thị. Ảnh: An ninh thế giới.
Một số bô lão địa phương kể, ông Lê Phước Tang là trại chủ thời khẩn hoang miền Nam ở giai đoạn nửa thế kỷ 17. Thuở đó, chính sách của chúa Nguyễn là khích lệ người dân từ miền Trung tiến về phía Nam khai khẩn đất rừng hoang lập ấp. Người đứng ra dẫn đoàn khai khẩn được gọi là trại chủ - một danh xưng tương đương với địa chủ thời Đông Dương thuộc địa.
Truyền thuyết dẫn rằng, ông Tang làm trại chủ đưa một nhóm tráng đinh từ miền Trung vào làng Hòa Thuận (nay là ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy) khai khẩn đất hoang, lập nghiệp. Là trại chủ, ông được quyền thu thuế suất của dân trại, trích giữ một phần rồi đóng thuế cho nhà cầm quyền. Ông không hề kiêu ngạo mà thường giúp đỡ những người nghèo khó, cực khổ nên được người dân địa phương hết lòng yêu mến, kính trọng. Để tưởng nhớ công lao khẩn hoang của ông, người dân dùng tên ông đặt cho một con rạch cạnh xã Long Khánh - rạch Ông Tang.
Sau khi ông Tang mất hơn một trăm năm, những chuyện xung quanh cuộc sống gia đình ông bỗng dưng "sống dậy" thành những chuỗi giai thoại huyền bí được nhiều người dân kể cho nhau vào những lúc trà dư, tửu hậu. Trong đó, phổ biến nhất là chuyện hai người con ông Tang mặc áo vua đi thăm đồng ruộng khiến cả gia đình bị tru di tam tộc.
Theo truyền thuyết này, lúc thất thời, chúa Nguyễn Phúc Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi phải chạy trốn vào làng Hòa Thuận, được ông Tang cưu mang, che giấu nuôi dưỡng một thời gian dài. Trước lúc rời nhà ông Tang đi Xiêm cầu viện, chúa Nguyễn Phúc Ánh tấn phong cho ông Tang giữ chức Khâm sai Cai cơ, đồng thời gửi lại một số hành lý nhờ ông trông giữ. Ông Tang ngày một già, sức khỏe yếu dần mà vẫn chưa thấy Nguyễn Phúc Ánh quay về lấy hành lý. Sợ không qua khỏi nên ông dặn dò con cháu bảo quản kỹ lưỡng hành lý chúa gửi. Sau đó, ông Tang qua đời.
Tuy đã được dặn dò nhưng hai con trai của ông Tang là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa (tục gọi cậu Gương và cậu Sen) vẫn tò mò mở rương hành lý ra xem thử. Họ chỉ thấy triều phục vua chúa chứ không thấy thứ gì quý giá cả. Nghĩ rằng cha quá cường điệu sự quý giá của những bộ đồ diêm dúa, hai cậu con trai vô tư lấy ra khâm liệm cho cha. Số còn lại, hai anh em Gương, Sen lấy ra mặc khi đi thăm đồng. Một số người thấy họ làm vậy là mắc tội khi quân, đã khuyên rằng: "Sau này chúa Nguyễn phục quốc sẽ bị xử trảm".
Vào thời điểm đó, quân Tây Sơn rất mạnh, còn chúa Nguyễn thì bôn ba ở tận nước Xiêm. Nghĩ rằng chúa Nguyễn không còn cơ hội phục quốc, hai anh em Gương, Sen cười cợt với những người khuyên ngăn bằng câu ca dao: "Khi nào chó đẻ bằng da/ Gia Long phục quốc thì ta rụng đầu".
Vài năm sau, nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh phục quốc, lên ngôi và lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn ông Tang, nhà vua sai người tìm gia đình ông để đền ơn. Thế nhưng nghe chuyện hai anh em Gương, Sen từng miệt thị mình, vua Gia Long nổi giận ban lệnh tru di tam tộc, tịch thu toàn bộ tài sản của dòng họ Lê Phước. Riêng vợ chồng ông Tang đã qua đời, vua cho lính đánh roi khu mộ, sau đó xiềng xích để đời đời không đầu thai. Chưa hết, vua Gia Long còn cho người trồng hai cây thị bên cạnh khu mộ với hàm ý "khinh thị", xem thường dòng họ Lê Phước.
Trước truyền thuyết đó, một số nhà nghiên cứu sử học địa phương khẳng định, chuyện hai con trai ông Tang mặc áo vua đi thăm ruộng chỉ là giai thoại dân gian, chứ không đúng với lịch sử. Căn cứ vào những chữ khắc trên bia mộ còn nhìn thấy, tên hai người con đứng ra lập mộ cha đúng là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ "Lão tiên sinh", ắt hẳn ông Lê Phước Tang mất khi tuổi đã cao. Phần sứt mẻ trên bia mộ lại trùng vào chỗ khắc năm sinh, nên không xác định được ông Tang gặp chúa Nguyễn vào khoảng thời gian nào.
Tuy nhiên, căn cứ theo thời gian ông qua đời là tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức là năm 1779 dương lịch. Khoảng thời gian đó, Nguyễn Phúc Ánh lúc chưa lên ngôi vua. Có nghĩa là Nguyễn Phúc Ánh chưa có triều phục thì chuyện hai anh em Gương, Sen mặc áo vua đi… thăm ruộng và khâm liệm Lê Phước Tang không thể xảy ra.
Theo nhiều tư liệu, thư tịch cổ thì dòng họ Lê Phước vốn là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn. Điều này chứng tỏ việc Nguyễn Ánh xin tá túc tại nhà ông Tang khi chạy loạn hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng việc gia đình ông Tang bị trị tội thì thiếu cơ sở khoa học.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho hay, chính tên trộm đã giúp giải mã sự thật của truyền thuyết dân gian. Theo ông Tường, năm 1985, một tên trộm quá tin vào những giai thoại đã bí mật đào mộ ông Tang để tìm báu vật. Vì ngôi mộ quá kiên cố nên tên trộm phải cất công đào một căn hầm bên cạnh rồi mở ngách từ bên hông huyệt mộ để đột nhập quan tài. Tuy nhiên, tường huyệt mộ quá dày, tên trộm dùng cuốc chim phá không được nên ra chợ Cai Lậy mượn dụng cụ của một người thợ mộc. Người thợ mộc không cho mượn dụng cụ mà đòi "hợp tác chia phần".
Cả hai dùng dụng cụ thợ mộc khoét huyệt mộ, phá quan tài. Khi khoét vào quan tài, 2 kẻ trộm móc ra hộp sọ, xương, ống ngoáy trầu, lược sừng… Gom hết những vật dụng trong quan tài, 2 tên trộm đem về bán mãi không ai mua. Bực tức, gã trộm vừa đi vừa chửi đổng giữa chợ và lọt đến tai các cơ quan chức năng. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường được phân công kiểm tra ngôi mộ ông Tang. Ông Tường xác nhận, trong ngôi mộ cổ không hề có áo mão vua hay báu vật quý gì cả.
Căn cứ vào nhiều tài liệu nghiên cứu sử học ghi lại, ông Tường nhận định, gia đình Lê Phước bị trị tội là do cậu Gương và cậu Sen cộng tác với nhà Tây Sơn. Vào năm 1785, quân Tây Sơn làm chủ được nhiều làng dọc theo sông Ba Rài sau chiến thắng trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Rất có thể hai con trai của ông Tang đã hỗ trợ, cung cấp lúa gạo cho quân Tây Sơn.
d
Ngôi mộ ông Tang nhìn từ phía trước và phía sau. Ảnh: An ninh thế giới.
Đến năm 1788, quân của Nguyễn Ánh trở lại đánh đuổi quân Tây Sơn và chiếm đóng lại vùng Ba Rài. Lúc này, Nguyễn Ánh ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản dòng họ Lê Phước vì tội giúp giặc Tây Sơn. Sau đó, chúa Nguyễn cấp cho Tiền quân Tôn Thất Hội trông coi và quản lý hai đồn Mỹ Trang, Thanh Sơn, nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Theo thống kê trong địa bạ Minh Mạng năm 1836, số ruộng đất gia đình Lê Phước tới 125 mẫu đồng quan. Tuy lúc này ông Tang đã qua đời, nhưng vẫn bị kết tội dưỡng bất giáo, vua Gia Long ra lệnh xiềng xích khu mộ để trị tội.
Từ những cứ liệu đó cho thấy, chuyện mộ vợ chồng ông Tang bị xiềng xích là có thật nhưng không phải vì tội "lạm dụng hoàng phục". Ngôi mộ có bị xiềng nhưng không đến nỗi tạo thành gân lá sen trên bia mộ. Khu mộ của vợ chồng ông Lê Phước Tang đã trải qua hàng trăm năm nhưng hiện trạng vẫn còn khá nguyên vẹn tại một khu đất rộng lớn. Cạnh khu mộ vẫn còn 2 cây thị cổ thụ.
Ông Trương Ngọc Tường khẳng định, những cây thị này được con cháu ông Tang trồng như một hàng rào để bảo vệ khu lăng mộ chứ không phải do vua Gia Long trồng để "miệt thị" như dân gian truyền tụng. Ông phân tích: "Trong Hán tự, chữ thị và chữ khinh thị có nét viết khác nhau, nghĩa cũng khác nhau".
Tuy bị tru di tam tộc nhưng dòng họ Lê Phước vẫn chưa tuyệt tự. Gia tộc này vẫn còn con cháu bàng hệ, sống rải rác ở khắp nơi. Hằng năm, dịp thanh minh, họ vẫn về tảo mộ hai ông bà.
Theo An ninh thế giới