Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Thương lắm những cây Gòn

Miền Tây quê tôi đâu đâu cũng có dáng của những cây Gòn. Gòn mọc ở hàng rào, Gòn hiện diện đâu đó xen lẫn giữa những vườn cây trái.

Tuổi thơ tôi có rất nhiều kỉ niệm đẹp với cây Gòn. Chúng tôi thường hái thật nhiều lá Gòn non vò với nước tạo thành thứ dịch sền sệt để thổi bong bóng. Bong bóng từ lá Gòn cũng đâu thua kém gì bong bóng xà phòng. Rồi đến mùa trái Gòn khô, nứt ra khoe những chùm bông trắng muốt, lũ trẻ chúng tôi lại được mẹ giao nhiệm vụ tìm hái trái đem về để mẹ lấy ruột bên trong làm gối nằm. Những cơn gió mạnh làm bông Gòn bay tung toé khắp vườn, tôi thích mê và cùng tụi bạn hò reo “cảnh tiên, cảnh tiên!”

Gòn còn ban tặng cho người dân quê một đặc sản ngọt lành: mủ Gòn. Thật là tuyệt vời nếu giữa những ngày Hè oi bức mà được thưởng thức một ly mủ Gòn ướp đá nhuyễn cho thêm một ít đường cát, ngon bá chấy bồ chét luôn á. Kakaka

Gỗ Gòn không dùng làm củi đốt và cũng không thể dùng làm cột cất nhà vì độ bền kém. Song bù lại thân Gòn dùng để bắt cầu vì Gòn có đặc tính là chỉ cần tiếp xúc với đất là lại đâm chồi nảy lộc. Có lẽ vì thế mà Gòn dùng để làm cầu khỉ, cầu tỏm không bao giờ bị mục, ở hai đầu cây cầu còn mọc lên những đọt non nho nhỏ nữa.

Lá Gòn còn là nguyên liệu để xay thành bột sử dụng trong nghề làm nhang. Ngày xưa, ngoại tôi sống bằng nghề nhang nên hai bà cháu thường đi hái lá Gòn về phơi khô rồi chở ra nhà máy cho người ta xay thành bột. Và từ thứ bột ấy ngoại tạo thành những cây nhang đem bán. 
Cây Gòn đã trở thành hình ảnh thân thuộc của người dân miền Tây Nam Bộ. Gòn hiện diện trong đời sống hằng ngày. Có lẽ vì thế mà cây Gòn còn được dùng để đặt tên cho những quán ăn vùng quê như: quán Cây Gòn, quán Hàng Gòn… Cảm ơn cây Gòn đã dành tặng cho tôi những ký ức tuổi thơ tươi đẹp và những bài học ân tình sâu đậm. Thương lắm! Những cây Gòn…

Câu cá HE bằng hạt bông gòn| In |
Người đưa bài: Bích Nga   
29/04/2011
 Nói đến câu cá, người ta thường nghĩ đó là việc làm giải trí, nhưng đôi khi đôi lúc cũng là cách giết thời giờ, suy ngẫm chuyện đời, chuyện đại sự như người xưa ngồi câu cá để chờ thời, đợi dịp ra hoạt động, thi thố tài năng cứu dân độ thế. Có nhiều người, câu cá là nghề làm ra tiền. Câu cá thường dùng ba cách: có mồi, không mồi và mồi giả. Ở Mỹ, câu cá với mồi giả rất thạnh hành. Còn ở quê nhà, có những cách câu cá mà ở Mỹ không thể nào bắt gặp.

Vùng thôn quê của các tỉnh giáp với biên giới Miên như Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường có nhiều cách câu cá độc đáo, câu cá he bằng mồi hột bông gòn chẳng hạn. Thông thường, người ta câu cá, móc mồi vào lưỡi câu thả xuống nước, cá ăn giựt lên. Tùy theo loài cá mà dùng mồi thích hợp. Muốn câu cá he to và bắt được nhiều, người dân quê của xứ Bà Bài chuẩn bị thu nhặt hột bông gòn từ năm ba tháng trước.
Vào cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch, thế hệ cá sinh sản  vào  tháng  tư,tháng  năm  nay  đều  lớn.  Khi  nước"đứng", dòng nước ở sông rạch không còn luân lưu chảy siết, chỉ chảy lờ đờ. Trong đồng ruộng nước "lình bình", đây là thời điểm lý tưởng nằm đâm cá bông và câu cá he bằng hột bông gòn. Hột bông gòn, có người gọi là hột gòn, ngâm nước một đêm hoặc lâu hơn để nước thật ngấm vào, làm cho hột gòn nặng thêm một chút, nếu không chúng nhẹ tưng dễ bị gió thổi bay đi nơi khác.
Một năm, có độ hai tuần để câu cá he bằng hột bông gòn và cũng chỉ bắt được cá he mà thôi. Còn các loài cá khác, mồi này không hấp dẫn được chúng. Cá he, một loài cá quý, ngon vào loại bậc nhứt của dòng họ cá trắng, nhưng ngặt một nỗi cá he có nhiều xương.                         
Đợi nắng lên, sau khi cơm nước xong khoảng chín mười giờ sáng, ở nhà quê ăn cơm trưa rất sớm. Đàn ông đi nằm tum đâm cá bông, đàn bà đi câu cá he, người phụ nữ có tính kiên nhẫn hơn giới đàn ông. Một người đi một xuồng, không bao giờ hai người cùng ngồi câu cá he một xuồng cả. Ngồi câu cá he, người ta không dám ho, không nhúc nhích sợ làm động, xuồng nghiêng, lắc, cá he lặn đi mất.
Chống xuồng vào những khu vực có lúa hoặc cỏ rậm, người thợ câu vẹt (vạch) ra một lỗ tròn bằng miệng cái thúng nhỏ, rải xuống một nắm hột gòn. Nhờ hột gòn ngấm nước nên không bị gió đẩy đưa trôi ra ngoài xa. Sau đó, đánh dấu tất cả lỗ tròn có rải hột gòn bằng cách làm một cái nơ với những ngọn lúa, hoặc ngọn cỏ cao cột dính lại để dễ nhận biết từ xa. Mỗi ngày, ra "thăm" chỗ đánh dấu, nơi nào hết hột bông gòn, rải tiếp một nắm khác. Chỉ có cá he là thích ăn hột bông gòn. Nơi nào hột bông gòn còn nguyên, chứng tỏ nơi đó không có cá he, chỗ  đó bỏ, không tiếp tục thả mồi nhử cá he nữa.Mỗi chỗ cách nhau chừng mười, hai chục thước. Người thợ câu  phải  mất ba bốn ngày mới tìm được năm bảy chỗ có nhiều cá he đến ăn hột bông gòn và cá cũng quen dần sự khuấy động nước nên chúng cũng dạn. Một cách làm cho cá he không còn sợ nữa là tiếp tục thả hột gòn xuống khi cá he đang tranh giành quẫy đuôi đớp mồi, nhìn chúng đùa giỡn, để rồi hôm sau đến ngay địa điểm đó ra tay.
Người thợ câu cá he thường mang theo hai, ba cần câu, khi gỡ cá không kịp, dùng cần câu khác thay. Chỉ may quần áo se đôi lại làm nhợ câu, lưỡi câu thường dùng một cái nỏ uốn những cây kim may bị "sứt đít", lưỡi câu không có ngạnh; cái ngạnh của lưỡi câu làm chậm trễ mất thời giờ phải gỡ cá ra. Câu cá he là một nghệ thuật: kiên nhẫn, nhanh nhẹn nhưng không bộp chộp và nhứt là tránh làm sẩy cá vì sẩy cá rất tai hại, nước bị khuấy động, cá he sợ lặn mất. Cần câu cá he là một nhánh tre thật nhỏ hoặc một thanh tre được "vuốt" nhỏ láng mềm dẻo.
Ngồi câu cá he không được ăn trầu hoặc hút thuốc, tập chú vào câu cá đang tranh ăn hột gòn, rải tiếp và cũng không được rải mồi nhiều quá, cá he ăn no cũng lặn mất. Gặp những chỗ có nhiều cá he, chúng phơi kỳ vi đỏ chói, đưa bụng trắng toát hoặc bụng vàng tươm của các con cá he nghệ, tranh giành mồi, nước bắn tung tóe. Thời điểm này, người thợ câu không cần phải móc mồi bằng hột gòn nữa, chỉ thả lưỡi câu xuống ca cũng đớp dính, giựt lên nhanh cho vào xuồng mà trong xuồng lại có nước để rộng cá. Chỉ có khoang mũi xuồng là có vạt để người thợ câu ngồi, còn các khoang khác để trống và có nước.Mục đích để khoang trống, khi giựt cá lên, lưỡi câu không ngạnh nên dính không chắc dễ bị sứt ra, rơi vào xuồng, và có nước, cá sống tiếp tục. Xuồng cho nước vào để be xuồng thấp xuống khi người ta ngồi làm nghiêng một bên chỉ cách mặt nước chừng một tấc hay hơn một chút, cá dễ rớt vào xuồng, không rơi lại ra ngoài. Sự tính toán của người dân quê rất khoa học, hợp lý.
Một địa điểm, câu được cá he chỉ trong vòng mười, mười lăm phút là tối đa. Cá he rất tinh khôn, hơn nữa, lâu quá, thả mồi nhiều cá ăn no bụng, cá đi mất. Người thợ câu giỏi, có khiếu, "sát cá" chỉ trong thời gian ngắn ngủi đó cũng câu được có đến trên dưới hai mươi con cá he to, khoảng bốn, năm ký cá. Một buổi trưa đi câu chừng hai hoặc ba địa điểm cũng mệt đừ. Có nơi câu được nhiều cá, có nơi câu ít cá. Vì vậy, người thợ câu luôn luôn tìm chỗ mới để tiếp tục câu cho hết mùa.
Cá he câu được, đem ra chợ bán hoặc rộng lại để ăn dần khi người ta không còn câu được nữa. Dù ở nhà quê, kỹ thuật câu cá he bằng hột bông gòn cũng ít người biết. Thông thường, câu cá ở nhà quê, chỉ để ăn một bữa hoặc hai bữa là cùng.Còn câu cá he một năm chỉ có khoảng hai tuần nên người ta tận dụng tối đa, chịu khó, câu được càng nhiều càng tốt.
Không phải ai đi câu cá he đúng kỹ thuật đã được hấp thụ trước mà có nhiều cá; có người được nhiều, có người được rất ít. Ở ấp Bà Bài, chỉ có vài người là hạp với cách câu cá he, mỗi lần đi câu là mỗi lần có cá he rất nhiều để sáng sớm hôm sau bơi xuồng ra chợ Núi Sam, Nhà Bàng bán và khi nào có nhiều quá thì bơi ra chợ tỉnh Châu Đốc, xa hơn, bán được giá hơn.
Hồi nhỏ, Ngọc thắc mắc không hiểu tại sao, đồng thời cũng đi câu cá, có khi hai người cách nhau chừng vài thước, một khu vực, mồi, cần câu, cách câu như nhau mà có người giựt không kịp, còn người kia mãi nhìn trời hiu quạnh, bồn chồn và liếc qua người bên cạnh như tiếc rẻ, sốt ruột. Người lớn giải thích là người đi câu hoặc giăng câu, giăng lưới, đặt lờ, đặt lọp, được nhiều cá là người ấy có tính "sát cá". Ai sát cá thì dùng bất cứ cách gì cũng bắt được nhiều cá hơn người khác. Có  điều  lạ  khác, có người câu được loại cá này nhiều mà câu loài cá khác lại ít; mỗi người hình như đi câu hạp với một loài cá                 
Cá he ngon, béo, cao cấp nhứt của loài cá trắng, thuộc họ hàng cá mè ở vùng nước ngọt. Cá he là một trong ba loại cá mè ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở miệt Châu Đốc, cá mè có rất nhiều mà cá he thì nhiều nhứt và cũng thuộc vào loài cá quý hơn hai loài cá kia: cá mè dảnh và mè dinh, mà người dân quê chỉ gọi gọn lại là cá dảnh, cá dinh. Hình thù của ba giống cá này tương đối giống nhau nhưng ai cũng dễ phân biệt được.
Cá he: kỳ, vi, đuôi đỏ, vẩy trắng, mịn, mềm; cá dảnh về hình dáng, màu vẩy trắng toát giống y chang cá he, nhưng kỳ vi, đuôi lại cùng màu với vẩy, hơi sậm hơn màu trắng của vẩy một chút. Cá dinh, màu trắng của vẩy sậm hơn, vẩy cứng hơn, kỳ,vi, đuôi cùng màu với vẩy. Có hai loại cá he: cá he nghệ và cá he thường. Cá he nghệ ngon béo nhứt và cũng quý hiếm nhứt trong dòng họ cá mè. Cá sanh cùng một lứa con lớn con nhỏ khác nhau, không phải như câu thành ngữ: Cá mè một lứa. Ám chỉ cá mè sanh cùng một lứa, hình dáng, giá trị giống nhau.Nghĩa bóng nói những người cùng một lò, một hội, tổ chức làm điều gì đó thường là việc xấu, người nầy giống y như ngườikia, không có phẩm chất khác biệt nhau. Cá he nghệ và cá he thường, nếu trọng lượng bằng nhau, người ta thấy cá he thường to con hơn, chiều dài, chiều ngang lớn hơn cá he nghệ. Nhìn, quan sát kỹ mới thấy được cá he nghệ, mình dầy hơn, cái nọng to hơn. Tại sao gọi là cá he nghệ ? Cá he nghệ, cái nọng to vàng tươm và đậm, chỗ nầy là chỗ ngon nhứt của cá mè nói chung. Vẩy cá he nghệ cũng trắng nhưng màu trắng có pha ẩn màu vàng nên người ta mới gọi là cá he nghệ.
Nói đến nghệ là nói đến màu vàng của nó. Cái cổ cúc của cá he nghệ cũng dầy, thịt nhiều hơn cá he thường. Trong bagiống  ca ï: dinh, dảnh và he, cá dinh lớn con hơn hai giống cá kia. Cá dinh lớn, hai ba con là được một ký lô, còn cá he, cá dảnh cũng phải bốn, năm con mới được một ký. Cá he ngon nhứt, rồi mới tới cá dảnh, cá dinh đứng vào hàng thứ ba.


                            Cá he chiên xì dầu
Cá he làm món ăn ngon nhứt là chiên tươi. Có người đánh vẩy và cũng có người không, chỉ mổ bụng lấy lòng ruột bỏ đi, nhưng để lại mỡ và Gan. Mỡ cá he dùng để chiên lại cá vẫn thừa, người ta nhét một ít mỡ lại vào bụng cá, chặt bỏ một chút cái mỏ nhọn, vạt hai cái vách của mang cá, mang cá lại để nguyên. Rửa thật sạch nhiều lần, mang cá có rất nhiều nhớt, kỹ hơn một chút, dùng muối bọt rửa mang cá mới sạch hết nhớt. Cá để nguyên con, chảo thật nóng đã có mỡ phi hành tỏi thơm phức. Mỡ có thể dùng mỡ heo hoặc mỡ cá he vừa mới làm, hoặc dầu ăn, cho cá he vào. Xuống lửa thấp ngọn, lửa liu riu cá lâu chín nhưng chiên cách này ngon hơn và ăn luôn vẩy rất dòn, còn chiên lửa háp, ngọn cao, mau chín, cũng dễ bị khét, lại không ăn được vẩy, dục tốc bất đạt là như vậy đó.
Ở nhà quê, thường làm nước mắm Me để ăn cá nhưng cá chiên lại không dùng nước mắm me mà dùng nước mắm pha loãng có nặn thêm chanh hoặc pha giấm. Chỉ có ăn cá nướng, cá hấp và các món ăn rùa, rắn, lươn mới dùng nước mắm me. Nước mắm chanh (giấm) có tỏi ớt, pha loãng cho con cá chiên ngập nước mắm.
Dân quê ăn mặn hơn dân thành thị nhiều, nên họ cũng khỏe mạnh hơn. Một con cá chiên cho vào một dĩa nước mắm, loại dĩa có đáy sâu để chấm bông điên điển hay bông súng làm dưa chua ăn rất bắt. Cả ba giống cá he, dinh, dảnh có những món ăn gần giống nhau. Món cá dảnh kho mềm rục, lửa liu riu kho lâu, có khi mất cả buổi - ăn luôn cả xương, xương và vẩy rất bùi. Kho cách này, thường sắp ở đáy nồi một lớp mía được róc vỏ, chẻ ra từng miếng ngắn, để cá nằm lên trên. Nước  mắm pha  loãng, có  thể  cho vào một chút đường hoặc bột ngọt, nếm thử, đổ vào nồi chỉ vừa đủ ngập cá một chút, nếu muốn cá kho khô cạn.
Muốn kho còn nước để chan cơm ăn hoặc dùng chấm Rau ghém hay bông điên điển tươi, người ta đổ nước mắm pha loãng nhiều hơn. Các bà các cô kho cá, kho thịt thường ướp nước màu. Kho cá cách này, không ướp nước màu để nước trong, đẹp hơn và ănkhoái khẩu hơn. Ba giống cá: he, dinh, dảnh có rất nhiều xương nhỏ lí tí, trẻ con ăn phải cẩn thận, dễ bị mắc xương.Cái bụng cá là chỗ không có xương nhỏ, chỉ có xương hai bên lườn to và xuôi xuống, rất dễ tách ra. Từ họng đến hết lườn cá là chỗ ngon nhất, lại kể như không có xương, cha mẹ cưng con thường cho con ăn phần nầy. Còn cái đầu cá dù nhỏ nhưngăn rất béo, bùi, cánh đàn ông ưa nhứt.
Cách chế biến các món ăn cũng quanh quẩn chiên tươi, chiên cá muối, nướng, kho, nấu canh. Cá he nhiều lại bị chết cũng làm khô, làm mắm như các giống cá khác. Một món ăn đặc biệt khác, cá chết hơi lâu, vài tiếng trở lên, người ta làm cá he hoặc cá dảnh, cá dinh rửa sạch, xẻ rãnh từ lưng đến bụng, muối sả ớt, nhét sả vào những cái khe nhỏ của đường xẻ và nhét sả vào bụng cá, chiên, nướng rất thơm ăn với cơm nóng hổi hết sẩy. Muốn làm món ăn tươi ngon, người ta mua hoặc bắt những con cá còn đang giẫy đành đạch, còn cá chết rồi chỉ có nước là muối để chiên hoặc nướng hay làm mắm làm khô.
Ở nhà quê, có nhiều cá, không khi nào người ta ăn cá đã chết lâu dùng vào các món ăn chiên, nướng tươi hoặc kho, nấu canh... Còn cá đông lạnh, như xứ Mỹ nầy, ở quê của Ngọc, đem cho chắc ai cũng chả thèm lấy đừng nói chi là mua. Cá thịt đông lạnh phẩm chất làm sao mà ngon cho bằng được cá thịt còn tươi.
 Theo thatsonchaudoc

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Canh chua trái giác

Mỗi mùa mưa về, tôi lại nhớ món canh chua trái giác do ba nấu. Ba thường bơi chiếc xuồng ba lá đi hái trái giác dọc con sông. Ba tôi mê món này, mê thưởng thức, mê cả nấu... Hễ nhà có khách đang mùa trái giác ngon là ba lại đi chài cá dưới đìa lên, rồi hăng hái đi tìm trái giác về nấu nồi canh chua đãi khách.

Dây giác mọc quấn quanh những lùm cây ven sông rạch miền Tây Nam bộ quê tôi. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và dính nhau thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín lại có màu đen thẫm, bên trong tím lịm như mực mồng tơi. Trái giác non có vị chua chát, càng lớn vị thay đổi từ chua thanh đến chua ngọt. Bởi vậy, ai ưa vị canh chua thế nào thì canh trái giác lứa đó mà hái về nấu.
Trái giác
Trái giác - Ảnh: Hà Linh
Ba tôi thích nấu canh với trái giác “già”, nghĩa là trái đã đến độ sắp chín nhưng màu vẫn còn xanh. Ba nói những trái như vầy làm cho nồi canh chua chua thanh ngon hết ý. Ba hái nhiều chùm trái giác về rồi lặt từng trái một, sau đó rửa sạch và bắt tay vào nấu canh. Để nồi canh chua ngon, trái giác phải được tung hứng cùng với cá rô phi, rau muống đồng, ngò om thơm lựng và một số gia vị.
Ba bắc nồi nước lên nấu cho thật sôi rồi thả trái giác vào nấu đến khi trái mềm rệu rã thì lược lấy trái cho ra tô. Sau đó, ba cho một ít nước sôi vào tô, dầm vừa tay cho trái giác nhuyễn từ từ, cho thêm một ít nước sôi nữa hòa vào phần đã dầm để lọc lấy nước trút lại vào nồi canh đang nấu. Lược nước chua xong là cho cá đã làm sạch vào nồi. Trong lúc này, ba tôi sẽ nêm nếm cho nồi canh vừa ăn với các gia vị: ớt, bột ngọt, nước mắm và ít đường. Đợi cá chín, cho tiếp rau vào. Nồi canh vừa ăn, cá và rau chín đều thì ba nhấc nồi khỏi bếp lửa. Rau ngò om được rửa sạch và cắt nhỏ sẽ cho vào nồi canh sau cùng, để mùi thơm của rau dậy hơn. Vậy là có nồi canh chua ngon như ý.
Ba tôi nói, ai thích ăn canh chua trái giác tím thì lúc hái trái sẽ chọn thêm một ít trái chín, nhưng hương vị chủ đạo vẫn phải chọn trái giác “già” mới ngon. Chỉ cần thêm một đến hai chùm trái chín mùi, nồi canh đã có màu tím rất đẹp. Trái giác mát lành, có thể đi hái chứ không tốn tiền mua, vì thế người dân quê luôn ưng bụng mỗi khi nấu nồi canh chua cho bữa cơm gia đình.
Hà Linh- TTO

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Bí ẩn ngôi mộ cổ bị xiềng ở Tiền Giang

Tại xã Long Khánh (Cai Lậy, Tiền Giang) có hai ngôi mộ cổ từng bị vua Gia Long cho xiềng xích. Xung quanh mộ có nhiều truyền thuyết bí ẩn.

Hai ngôi mộ cổ của ông Lê Phước Tang và vợ được thiết kế theo hình lá sen úp, nằm trong khu đất 200 m2, cây cối cỏ dại mọc um tùm, từ lâu đã hoang phế. Khu mộ được chôn theo nguyên tắc nam tả, nữ hữu, có bốn trụ hình búp sen nhưng hiện đã bị gãy mất hai trụ. Ngoài ra, còn có bình phong hậu và bình phong tiền.
Điều đặc biệt là khu mộ được xây dựng bằng chất liệu vôi và ô dước. Được mệnh danh là "hợp chất huyền thoại", ô dước trước khi đắp lên mộ ở thể lỏng sền sệt như nham thạch của núi lửa, hoặc ươn ướt như keo dán. Nhưng khi đắp xong, nó khô đặc lại và các chất tổng hợp được giã nát trong đó tự kết dính, quyện vào nhau thành một khối rắn chắc, bất khả phân ly.
d
Toàn cảnh khu mộ cổ và hai cây thị. Ảnh: An ninh thế giới.
Một số bô lão địa phương kể, ông Lê Phước Tang là trại chủ thời khẩn hoang miền Nam ở giai đoạn nửa thế kỷ 17. Thuở đó, chính sách của chúa Nguyễn là khích lệ người dân từ miền Trung tiến về phía Nam khai khẩn đất rừng hoang lập ấp. Người đứng ra dẫn đoàn khai khẩn được gọi là trại chủ - một danh xưng tương đương với địa chủ thời Đông Dương thuộc địa.
Truyền thuyết dẫn rằng, ông Tang làm trại chủ đưa một nhóm tráng đinh từ miền Trung vào làng Hòa Thuận (nay là ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy) khai khẩn đất hoang, lập nghiệp. Là trại chủ, ông được quyền thu thuế suất của dân trại, trích giữ một phần rồi đóng thuế cho nhà cầm quyền. Ông không hề kiêu ngạo mà thường giúp đỡ những người nghèo khó, cực khổ nên được người dân địa phương hết lòng yêu mến, kính trọng. Để tưởng nhớ công lao khẩn hoang của ông, người dân dùng tên ông đặt cho một con rạch cạnh xã Long Khánh - rạch Ông Tang.
Sau khi ông Tang mất hơn một trăm năm, những chuyện xung quanh cuộc sống gia đình ông bỗng dưng "sống dậy" thành những chuỗi giai thoại huyền bí được nhiều người dân kể cho nhau vào những lúc trà dư, tửu hậu. Trong đó, phổ biến nhất là chuyện hai người con ông Tang mặc áo vua đi thăm đồng ruộng khiến cả gia đình bị tru di tam tộc.
Theo truyền thuyết này, lúc thất thời, chúa Nguyễn Phúc Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi phải chạy trốn vào làng Hòa Thuận, được ông Tang cưu mang, che giấu nuôi dưỡng một thời gian dài. Trước lúc rời nhà ông Tang đi Xiêm cầu viện, chúa Nguyễn Phúc Ánh tấn phong cho ông Tang giữ chức Khâm sai Cai cơ, đồng thời gửi lại một số hành lý nhờ ông trông giữ. Ông Tang ngày một già, sức khỏe yếu dần mà vẫn chưa thấy Nguyễn Phúc Ánh quay về lấy hành lý. Sợ không qua khỏi nên ông dặn dò con cháu bảo quản kỹ lưỡng hành lý chúa gửi. Sau đó, ông Tang qua đời.
Tuy đã được dặn dò nhưng hai con trai của ông Tang là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa (tục gọi cậu Gương và cậu Sen) vẫn tò mò mở rương hành lý ra xem thử. Họ chỉ thấy triều phục vua chúa chứ không thấy thứ gì quý giá cả. Nghĩ rằng cha quá cường điệu sự quý giá của những bộ đồ diêm dúa, hai cậu con trai vô tư lấy ra khâm liệm cho cha. Số còn lại, hai anh em Gương, Sen lấy ra mặc khi đi thăm đồng. Một số người thấy họ làm vậy là mắc tội khi quân, đã khuyên rằng: "Sau này chúa Nguyễn phục quốc sẽ bị xử trảm".
Vào thời điểm đó, quân Tây Sơn rất mạnh, còn chúa Nguyễn thì bôn ba ở tận nước Xiêm. Nghĩ rằng chúa Nguyễn không còn cơ hội phục quốc, hai anh em Gương, Sen cười cợt với những người khuyên ngăn bằng câu ca dao: "Khi nào chó đẻ bằng da/ Gia Long phục quốc thì ta rụng đầu".
Vài năm sau, nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh phục quốc, lên ngôi và lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn ông Tang, nhà vua sai người tìm gia đình ông để đền ơn. Thế nhưng nghe chuyện hai anh em Gương, Sen từng miệt thị mình, vua Gia Long nổi giận ban lệnh tru di tam tộc, tịch thu toàn bộ tài sản của dòng họ Lê Phước. Riêng vợ chồng ông Tang đã qua đời, vua cho lính đánh roi khu mộ, sau đó xiềng xích để đời đời không đầu thai. Chưa hết, vua Gia Long còn cho người trồng hai cây thị bên cạnh khu mộ với hàm ý "khinh thị", xem thường dòng họ Lê Phước.
Trước truyền thuyết đó, một số nhà nghiên cứu sử học địa phương khẳng định, chuyện hai con trai ông Tang mặc áo vua đi thăm ruộng chỉ là giai thoại dân gian, chứ không đúng với lịch sử. Căn cứ vào những chữ khắc trên bia mộ còn nhìn thấy, tên hai người con đứng ra lập mộ cha đúng là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ "Lão tiên sinh", ắt hẳn ông Lê Phước Tang mất khi tuổi đã cao. Phần sứt mẻ trên bia mộ lại trùng vào chỗ khắc năm sinh, nên không xác định được ông Tang gặp chúa Nguyễn vào khoảng thời gian nào.
Tuy nhiên, căn cứ theo thời gian ông qua đời là tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức là năm 1779 dương lịch. Khoảng thời gian đó, Nguyễn Phúc Ánh lúc chưa lên ngôi vua. Có nghĩa là Nguyễn Phúc Ánh chưa có triều phục thì chuyện hai anh em Gương, Sen mặc áo vua đi… thăm ruộng và khâm liệm Lê Phước Tang không thể xảy ra.
Theo nhiều tư liệu, thư tịch cổ thì dòng họ Lê Phước vốn là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn. Điều này chứng tỏ việc Nguyễn Ánh xin tá túc tại nhà ông Tang khi chạy loạn hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng việc gia đình ông Tang bị trị tội thì thiếu cơ sở khoa học.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho hay, chính tên trộm đã giúp giải mã sự thật của truyền thuyết dân gian. Theo ông Tường, năm 1985, một tên trộm quá tin vào những giai thoại đã bí mật đào mộ ông Tang để tìm báu vật. Vì ngôi mộ quá kiên cố nên tên trộm phải cất công đào một căn hầm bên cạnh rồi mở ngách từ bên hông huyệt mộ để đột nhập quan tài. Tuy nhiên, tường huyệt mộ quá dày, tên trộm dùng cuốc chim phá không được nên ra chợ Cai Lậy mượn dụng cụ của một người thợ mộc. Người thợ mộc không cho mượn dụng cụ mà đòi "hợp tác chia phần".
Cả hai dùng dụng cụ thợ mộc khoét huyệt mộ, phá quan tài. Khi khoét vào quan tài, 2 kẻ trộm móc ra hộp sọ, xương, ống ngoáy trầu, lược sừng… Gom hết những vật dụng trong quan tài, 2 tên trộm đem về bán mãi không ai mua. Bực tức, gã trộm vừa đi vừa chửi đổng giữa chợ và lọt đến tai các cơ quan chức năng. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường được phân công kiểm tra ngôi mộ ông Tang. Ông Tường xác nhận, trong ngôi mộ cổ không hề có áo mão vua hay báu vật quý gì cả.
Căn cứ vào nhiều tài liệu nghiên cứu sử học ghi lại, ông Tường nhận định, gia đình Lê Phước bị trị tội là do cậu Gương và cậu Sen cộng tác với nhà Tây Sơn. Vào năm 1785, quân Tây Sơn làm chủ được nhiều làng dọc theo sông Ba Rài sau chiến thắng trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Rất có thể hai con trai của ông Tang đã hỗ trợ, cung cấp lúa gạo cho quân Tây Sơn.
d
Ngôi mộ ông Tang nhìn từ phía trước và phía sau. Ảnh: An ninh thế giới.
Đến năm 1788, quân của Nguyễn Ánh trở lại đánh đuổi quân Tây Sơn và chiếm đóng lại vùng Ba Rài. Lúc này, Nguyễn Ánh ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản dòng họ Lê Phước vì tội giúp giặc Tây Sơn. Sau đó, chúa Nguyễn cấp cho Tiền quân Tôn Thất Hội trông coi và quản lý hai đồn Mỹ Trang, Thanh Sơn, nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Theo thống kê trong địa bạ Minh Mạng năm 1836, số ruộng đất gia đình Lê Phước tới 125 mẫu đồng quan. Tuy lúc này ông Tang đã qua đời, nhưng vẫn bị kết tội dưỡng bất giáo, vua Gia Long ra lệnh xiềng xích khu mộ để trị tội.
Từ những cứ liệu đó cho thấy, chuyện mộ vợ chồng ông Tang bị xiềng xích là có thật nhưng không phải vì tội "lạm dụng hoàng phục". Ngôi mộ có bị xiềng nhưng không đến nỗi tạo thành gân lá sen trên bia mộ. Khu mộ của vợ chồng ông Lê Phước Tang đã trải qua hàng trăm năm nhưng hiện trạng vẫn còn khá nguyên vẹn tại một khu đất rộng lớn. Cạnh khu mộ vẫn còn 2 cây thị cổ thụ.
Ông Trương Ngọc Tường khẳng định, những cây thị này được con cháu ông Tang trồng như một hàng rào để bảo vệ khu lăng mộ chứ không phải do vua Gia Long trồng để "miệt thị" như dân gian truyền tụng. Ông phân tích: "Trong Hán tự, chữ thị và chữ khinh thị có nét viết khác nhau, nghĩa cũng khác nhau".
Tuy bị tru di tam tộc nhưng dòng họ Lê Phước vẫn chưa tuyệt tự. Gia tộc này vẫn còn con cháu bàng hệ, sống rải rác ở khắp nơi. Hằng năm, dịp thanh minh, họ vẫn về tảo mộ hai ông bà.
Theo An ninh thế giới

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Kỳ bí Vàm Nao


Kỳ 1: Nghiệt súc Năm Chèo

Là con sông ngắn nhất miền Tây, nhưng sông Vàm Nao ẩn chứa bao điều kỳ bí với nhiều cái nhất…             

Sông Vàm Nao chảy qua địa phận các xã Kiến An, Mỹ Hội Đông (H.Chợ Mới), xã Tân Trung (H.Phú Tân), xã Bình Thủy (H.Châu Phú, An Giang) có chiều dài trên 7 km, độ sâu trên 17 m. Sông Vàm Nao là con sông nổi tiếng với nhiều cái “nhất”, như: là con sông duy nhất nối sông Tiền và sông Hậu, ngắn nhất trong hệ thống sông ngòi Việt Nam, có nhiều cá khổng lồ có tên trong Sách đỏ Việt Nam nhất; có nhiều cá dữ, cá lạ nhất…
“Nước chảy đứt đuôi xà”
Nhắc tới tên sông, lão ngư Ba Trường (63 tuổi, ngụ ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân) đôi mắt xa xôi hồi tưởng: “Ông bà tôi kể, gọi tên sông là Vàm Nao vì khi mùa lũ qua, ngã ba sông này nhìn nước chảy như thác cuộn, ghe tàu nào cũng khiếp, sợ bị lật nên nao lòng, thối chí, thế nên mới có câu “Đố ai ve được con đò Vàm Nao”. Về sau, triều Nguyễn thấy tên gọi nghe sầu não đã đổi tên sông là Thuận Giang cho dân yên lòng, nhưng dù gọi thế nào tên con sông ví như cửa tử thần vẫn không thay được”.
 Cá hô xuất hiện nhiều ở Vàm Nao
Cá hô xuất hiện nhiều ở Vàm Nao - Ảnh: H.T
Ngồi nhớ lại chuyện xưa, ông Ba Trường lạnh toát mồ hôi. Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu... Những thợ lặn gan lì nhất cũng sợ đánh đổi mạng nên không dám lặn mò xác tàu, xác ghe nằm vất đáy sông, còn dân bản địa dù thuộc làu nhưng qua lại cũng dè chừng.
Ba Trường giải thích, các thương hồ ngán Vàm Nao nhưng muốn xuôi ngược tứ xứ hay lên Nam Vang (Campuchia) thì không còn đường nào khác, buộc phải qua đây. Bất thần Ba Trường rùng mình ngâm nga: “Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi, Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” và giải thích đây là bài thơ của ông Bùi Hữu Nghĩa lúc bị đày lên Châu Đốc, ngang qua Vàm Nao thấy sóng to gió dữ đã hoài cảm than.
Theo ghi chép của cụ Vương Hồng Sển, Vàm Nao tên chữ Hồi Oa do thế nước chảy như cắt, sóng to xoay tròn khu ốc rất dễ đắm thuyền. Còn theo quyển sưu khảo Tân Châu xưa của Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh biên soạn thì Vàm Nao còn gọi là xoáy Hồi Oa vì nước chảy cuộn xoáy dữ tợn, đến nỗi rắn bơi qua bị xoáy nước cuốn vào vặn đứt đuôi. Nơi đây có loài cá dữ rình rập người bơi qua sông, ghe thuyền bị lật để ăn thịt người. 
Sấu thần
Dòng chảy dữ dội, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá đặc thù nặng hàng trăm ký trên sông Mê Kông về trú ẩn, như cá hôcá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối. Ngoài ra còn có các loài cá đặc dị như cá đao, cá mập, cá sấu... Ông Ba Trường kể cá tôm ở Vàm Nao nhiều lắm, có các loài cá lạ, cá đẹp nuôi kiểng được như cá hồng vện với màu sắc sặc sỡ, cá ngựa - nhỏ như cá linh nhưng vì nhảy loi choi nên gọi là cá ngựa; các loài cá tra nghệ, cá sửu, cá bông lau… Nhưng theo ông Ba Trường, dòng Vàm Nao luôn bí hiểm do người đời còn tin rằng “ổng” còn nằm ẩn mình dưới đáy Vàm Nao.
Ba Trường kính cẩn giải nghĩa: “Ổng là Năm Chèo - tức ông sấu thần năm chân trong truyền thuyết. Hồi tóc để chỏm, chú nghe các cụ lão kể ổng nằm tu sám hối dưới ngã ba Vàm Nao, nơi mà ghe thuyền nào cũng phải ngang qua. Ổng nằm ẩn mình, lâu lâu trồi lên há miệng rất to đón lõng ghe tàu, gặp người hiền thì ông độ, gặp người dữ thì trừ”. Theo ông Trường, dù chuyện Năm Chèo là chuyện xưa, ngư dân, thương hồ qua lại Vàm Nao không xa lạ gì nhưng họ vẫn luôn rờn rợn không dám gọi tên tục cá sấu mà gọi bằng ông Năm Chèo.
Có rất nhiều câu chuyện về Năm Chèo ở miệt sông nước, như sau các trận đất lở, thợ lặn được thuê tới Vàm Nao lặn mò đồ nhưng sau đó hớt hải trồi lên bỏ ngang. Hỏi thì họ trả lời thấy một khối đen dài nằm dưới đáy có hai con mắt to bằng cái chén sáng quắc nhìn họ trừng trừng… Những câu chuyện như vậy càng khiến người đời tin do “ổng” nằm lâu quá nên mỏi bèn cựa mình, hắt hơi hay quẫy đuôi gây sạt lở! Cũng có người cho rằng dòng Vàm Nao chảy xiết do hơi thở Năm Chèo tạo ra, ngã ba Vàm Nao dữ tợn bởi nằm ngay cửa họng ông Năm Chèo. Cũng có người cho rằng nhìn bản đồ sông Vàm Nao có hình thù như cá sấu. Cũng có chuyện kể rằng có nhóm thợ săn sấu từ miệt U Minh ỷ tài lên Vàm Nao bắt Năm Chèo lấy tiếng nhưng rốt cuộc kẻ mất mạng, người chạy trối chết...

Diệt trừ nghiệt súc
Các cụ lão nhắc lại, thời xa xưa, ông Đình Tây theo thầy là Đức Phật thầy Tây An đi khẩn hoang ở miệt Thất Sơn. Vì có ơn cứu người nên ông Đình Tây được tặng một con sấu nhỏ dị hình mũi đỏ, có 5 chân. Ông Đình Tây lén thầy nuôi sấu, nó lớn rất nhanh và một đêm mưa to gió lớn sấu bứt xích thoát ra sông. Hay tin sấu dữ hoành hành bắt gia súc, rượt đuổi dân lành, đức thầy phiền muộn cho ông Đình Tây các bảo pháp gồm một cây mun cổ phụng, một lưỡi câu và hai cây lao đi diệt trừ nghiệt súc. Sấu rất khôn, đang phá phách nghe tiếng ông Đình Tây lặn trốn mất, túng thế ông Đình Tây bèn nói giữa thinh không: “Bớ nghiệt súc, nếu chưa tới số thì từ nay yên lặng, đừng nổi lên gây hại xóm làng, còn như mạng căn đã hết thì hãy sớm chịu oai trời…”. Từ đó sấu nằm im dưới đáy sông.

Kỳ 2: Hội ngộ “ngũ bá”

Miệt sông nước còn đó câu hát huê tình: “Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao. Thấy con cá đao nó nhảy nhào vô lưới. Anh ngồi chắc lưỡi. Không biết khi nào mới cưới đặng em”. 

Bao đời nay, ngư dân Vàm Nao không lạ lùng gì các loài cá sông nhưng bất lực không hiểu vì sao cá mập, cá đao vốn là loài hung tợn ở biển khơi lại xuất hiện ở Vàm Nao. 
Những câu chuyện huyền bí...
Sông Vàm Nao kỳ bí bởi từng được mệnh danh là ổ cá mập, cá đao khiến dân hải hồ rợn óc. Theo sách Tân Châu xưa, năm 1819, Thoại Ngọc Hầu cho đào kinh Vĩnh Tế, dân phu ngán rừng thiêng nước độc đã bỏ trốn, chạy tới Vàm Nao, gặp sông nên đốn cây chuối ôm bơi qua. Đâu dè bơi tới giữa dòng bị nước xoáy cuốn chìm, cá mập lao tới xâu xé, ăn thịt.
Chuyện xưa kể rằng có đôi vợ chồng trẻ khi chạy ghe tới Vàm Nao trời đã sụp tối. Thấy sông to, gió lớn dữ dằn nên neo lại. Đang đêm đứa con ỉa, người vợ bèn nhúng con xuống sông rửa đít thì đứa bé đau đớn ré lên. Chị vợ giật mình kéo con lên thấy hai chân trẻ tươm máu ròng ròng, đưa con lên bờ tìm người giúp, chị muốn rụng rời khi dân bản xứ cho biết con chị bị cá mập táp, rất may không bị cắn đứt ngang.
 Hội ngộ “ngũ bá”
Nhiều cá vồ con bị dính lưới, dính câu ngư dân - Ảnh: Thanh Dũng
Lão ngư Ba Trường kể hồi nhỏ ông bà hay kể cá dữ quấy phá quá nên dân lành sợ ra sông, bèn nghĩ kế diệt trừ. Để giết các loài cá dữ, họ nảy sáng kiến để nguyên trái bí đao đem nấu chín quăng xuống sông, thấy động cá hung hăng lao đến há mõm nuốt trái bí và bị bỏng ruột chết…
Chúng tôi xuôi dòng đến cuối bờ Vàm Nao, gặp ngư dân Năm Thứ - người nổi tiếng “sát cá” một thời ở cù lao Bình Thủy, H.Châu Phú. Ngồi tư lự nhìn ra bến sông, Năm Thứ kể: "Mấy năm trước cá mập, cá đao hay xuất hiện trên đoạn sông này. Tôi không biết cá mập hồi xưa ở Vàm Nao mà ông bà kể to hay nhỏ, giống cá mập biển hay không nhưng tới đời hậu bối thì cá mập nhỏ lắm, hình thù khác cá mập biển, có vây nhỏ trên lưng như vây cá da trơn”. Cũng theo lời Năm Thứ, lạ cái là chẳng ai rõ giống cá dữ đó từ đâu tới, có người nói do đáy sông Vàm Nao có lòng chảo sâu ăn thông với biển nên lâu lâu có cá mập, cá đao bơi lạc vào! Bởi vậy chỉ vùng Vàm Nao mới có chúng, hiếm hoi lắm mới nghe sông Tiền hay sông Hậu có cá đao, cá mập. Ngư dân còn gọi cá mập sông là cá biệt động vì màu da nó vằn vện như áo lính biệt động. Thường ngư dân chỉ bắt được cá mập, cá đao nhỏ, con nặng khoảng 7 kg trở xuống.
Theo lời Năm Thứ, khi bắt được cá dữ, chẳng ai dám dùng tay bắt mà phải dùng vợt hớt, sau đó lanh lẹ túm vợt lại rồi dùng chày vồ đập tới tấp vào đầu cá. Năm Thứ nhớ lại mũi đao của cá đao dài hơn 1,5 tấc rất cứng, phải dùng kìm, mỏ lết vặn khá lâu mới bẻ gãy được mũi đao, ngư dân lấy đem về treo ngó chơi. Năm Thứ quả quyết, trong đời ngư dân ông đã nếm đủ món ngon từ mọi loài cá, nhưng không có món nào tuyệt ngon như cá mập nhúng giấm, còn thịt cá đao cũng như cá ngát.
Nhưng lâu rồi Năm Thứ không còn thưởng thức được món ngon sông nước. Bởi lũ cá mập, cá đao bặt bóng lâu nay, bỏ lại bao hoài nghi cùng những câu chuyện huyễn hoặc không hồi kết. 
Nơi hội ngộ "ngũ bá" sông ngòi
Nghe chúng tôi nhắc lại chuyện mới đây ngư dân H.An Phú (An Giang) lần lượt bắt được hai con cá tra dầu nặng trên 80 kg, lão ngư Sáu Viên (ngụ cù lao Bình Thủy) đang bị bệnh nằm ỉu xìu trên võng vội bật dậy to giọng: “Cá cỡ đó ở Vàm Nao có lủ khủ”. Rồi ông gượng dậy, lục tìm cái lưỡi câu khá to được cất kỹ, hắng giọng: “Đây là lưỡi để câu cá vồ cờ, cá tra dầu đó. Nó được đặc chế bằng căm cây dù, chứ lưỡi câu thường nó táp kéo một cái gãy liền”.
Các lão ngư khẳng định sông Vàm Nao là hang ổ của thủy quái miền Tây và “ngũ bá” trên dòng Mê Kông gồm cá hô, cá tra dầu, cá nược (hay còn gọi cá heo), cá vồ cờ, cá đuối theo ma lực của dòng chảy Vàm Nao gom hội về đây vẫy vùng, phá nước. Cá hô được ngư dân ví von là cá vua, cá tra dầu được xem là loài cá nước ngọt lớn nhất địa cầu, cá vồ cờ là loài cá nước ngọt khỏe nhất thế giới… Sáu Viên nói: “So với các loài cá da trơn, cá vồ cờ rất kỳ dị nhờ cái vây dài như cây cờ, khi nổi lên mặt nước, vây lưng rẽ nước nhấp nhô như vây cá mập nên người ta gọi chúng là cá mập sông”.
Nghe nói hiện nay các nhà khoa học đang khổ tâm tìm cá vồ cờ bảo tồn vì chúng sắp tuyệt chủng, Sáu Viên cả quyết dòng Vàm Nao còn nhiều cá vồ cờ, bằng chứng là xác mèo, xác gà hay chó trôi sông hay bị cá vồ cờ theo rỉa thịt. Giờ thịt cá vồ cờ chẳng ai còn chê như hồi xưa, nên thấy vây kỳ chúng nổi lên là ngư dân theo dấu giăng câu. Ngoài ra, dòng Vàm Nao còn nhiều cá có tên trong Sách đỏ vẫn hay bị mắc lưới, mắc câu như cá trà sóc, cá tra dầu, cá hô…
Nghe theo lời Sáu Viên, chúng tôi luẩn quẩn quanh chợ cá Bình Thủy rồi qua chợ cá xã Mỹ Hội Đông (H.Chợ Mới) tìm cá quý. Dịp may đưa đến, quá bất ngờ chúng tôi giáp mặt loài cá trứ danh nằm lẫn lộn với bầy cá vồ đém. Đó là con cá vồ cờ con nặng khoảng 1 kg, hỏi giá, chị chủ cá cho biết giá 1 kg là 30.000 đồng.
Định móc điện thoại báo tin vui cho bạn là nhà khoa học đang truy tìm thu gom cá vồ cờ nghiên cứu, nhưng đành gác lại bởi tiếng chị bán cá thẽ thọt: “Nó bị mắc lưới hồi khuya qua nên chết rồi, để tôi mần cá giùm luôn nghe”. 

Kỳ 3: Loài cá bí ẩn

Cùng với cá mập, cá bông lau vẫn là một phần bí ẩn của Vàm Nao. Nhiều ngư dân cố đi tìm hiểu nhưng hành tung của chúng vẫn mịt mờ.

Mùa “heo nước” hội
Chúng tôi gặp may vì ngay lúc các ngư dân đang làm lễ hội xuống lưới cá bông lau, chiều hôm ấy, căn nhà của Tám Hổ (ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân, An Giang) trở nên náo nhiệt bởi các tay lưới bông lau đang tụ hội bàn tán rôm rả. Rất trịnh trọng, Tám Hổ cùng Ba Trường, đại diện cánh ngư dân ấp Vàm Nao, thắp nén nhang van vái, cúng thần sông bằng 4 cặp vịt. Nhìn khói nhang thơm bay quyện lên, những gương mặt đen đúa tươi rói hy vọng một mùa cá hội (bắt đầu từ tháng 11 tới tháng 4 âm lịch năm sau).
Tám Hổ (56 tuổi), hơn 30 năm bắt cá bông lau giải thích nghề hạ bạc có luật riêng. Như ngư dân mới vào nghề thả mẻ lưới bắt được con cá hô đầu tiên dù lớn hay nhỏ phải xẻ thịt khao cả xóm ăn đến hết mới thôi. Sau đó tới những con cá hô sau thì họ tự quyền định đoạt. Còn với nghề cá bông lau, ngư dân mới vào nghề bắt được con cá đầu tiên cúng bà cậu bằng cặp vịt. Theo Tám Hổ, cá bông lau xuất hiện ở nhiều sông rạch nhưng Vàm Nao mới đúng là rốn cá bông lau. Tám Hổ nói: “Ngư dân gọi nó là heo nước vì cứ độ gần tết cổ truyền chúng xuất hiện lội từng bầy trên Vàm Nao. Lúc này cá béo ú, con nhỏ nhất cũng nặng trên 3 kg, nhờ vậy dân nghèo đeo theo chúng là có tiền ăn tết”.
Xong lễ, những chiếc xuồng con lặng lẽ tiến ra Vàm Nao. Ở đây có quy luật, ngư dân nào ra bến trước thì được quyền bủa lưới trước, ai tới sau cứ theo thứ tự không tranh giành nhau. Sông Vàm Nao có hàng chục bến cá, mỗi bến có từ 10-20 tay lưới bông lau. Các ngư dân nói ở Vàm Nao không ai câu cá bông lau mà hầu hết đều dùng lưới. Lưới bắt cá bông lau dài 400-500 m, mắt lưới rộng khoảng 14 cm, chỉ bắt được cá to. Thả lưới bông lau phải theo con nước đêm, còn về sáng cá lặn trốn sâu ở tận nơi nào.
 
Ngư dân làm lễ xuống lưới
 
Ngư dân Vàm Nao vui khi cá bông lau xuất hiện sớm - Ảnh: Thanh Dũng
Sông Vàm Nao về đêm sáng lóa ánh đèn dầu giăng ngang dọc như mắc cửi trên sông, nhìn từ xa con sông lóng lánh như đêm hội hoa đăng. Gió sông lạnh lẽo, những câu chuyện tự sự về đời hạ bạc tăm tối càng buồn nao. Tám Hổ bật quẹt soi nhìn đồng hồ. Đã 21 giờ đêm, tức hơn 3 tiếng đồng hồ xuống lưới. Tôi hồi hộp khi Tám Hổ ra hiệu kéo lưới và vụt thất vọng khi trong lưới trơ rác rến. Đã quá quen, Tám Hổ cười móm xọm, rít thuốc cho ấm người, nói: “Nghề hạ bạc vậy đó. Thức trắng cả đêm hứng sương gió, mưa to nhưng có bữa về tay không”. Vài chiếc xuồng câu lướt qua, những tiếng thở dài khắc khoải thay câu trả lời có dính cá không.
Lần kéo mẻ lưới sau ánh mắt Tám Hổ tươi tỉnh, mặt thoáng nét vui khi lưới hơi rung nhẹ. Oa, một chú cá bông lau to đùng dính lưới cố vẫy vùng. Tám Hổ cười toe, cầm cá phỏng đoán con này không dưới 6 kg và nhẩm tính: “Cá đầu mùa có giá lắm, 1 kg bán nguyên con không dưới 200.000 đồng/kg đâu, còn xẻ khúc bán thì giá từ 220.000 - 250.000 đồng/kg tùy theo khúc đầu, đuôi hay mình cá”. Tám Hổ khá vui, sáng mai có thể ngủ ngon vì mẻ lưới đầu dính cá là hên lắm.
Loài cá bí hiểm
Ông Tư Đựng (ngư dân ở Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới) có thâm niên trên 30 năm trong làng hạ bạc, thủng thỉnh nói: “Năm nay lũ nhỏ, kinh nghiệm cho thấy có thể mùa này luồng cá bông lau đi nhiều à nghe”. Theo Tư Đựng, đây là điểm lạ lùng của cá bông lau vì thường lũ lớn tôm cá mới tràn nhiều về sông rạch, còn bông lau lũ càng lớn chúng càng thưa thớt. Một chuyện lạ khác là cứ tháng 11 âm lịch không biết từ đâu cá bông lau xuất hiện dày đặc trên sông Vàm Nao, đến tháng 4 âm lịch năm sau chúng tan biến như chưa từng tồn tại.
Nghe đến chuyện lạ cá bông lau, các ngư dân xúm xít bàn cãi râm ran hành tung bí ẩn của chúng. Ngư dân Bảy Thiện nói ông đã 25 năm trong nghề  lưới bông lau, nhưng chưa bắt được con cá nào dưới 3 kg trên sông Vàm Nao. Cũng bấy nhiêu năm trong nghề, Bảy Thiện chưa từng nghe hay thấy ngư dân nào bắt được cá bông lau ôm trứng. Một điểm khác không thể bỏ qua, tuy cùng họ cá da trơn nhưng cá bông lau rất sạch, thịt cá rất thơm, lúc mổ bụng bộ lòng, bao tử trắng phau… Có người suy luận chúng là tiền thân của cá dứa ở vùng nước mặn, có người nói chúng xuất thân ở Biển Hồ nhưng thông tin này bị phản bác vì chưa thấy, chưa nghe ngư dân bắt được cá bông lau ở vùng đó có trứng…
Tám Hổ nói ngày xưa đi đò, đi tàu qua Vàm Nao là đi trên đầu ổ cá, nay nghe như nói dóc. Cá bông lau là loài cá da trơn nhưng thịt của chúng xếp vào loại cao cấp nên giá luôn đắt đỏ. Do vậy nhiều người không rõ chuyện cứ suy đoán rằng ngư dân Vàm Nao giàu lắm vì mỗi mùa bắt được cơ man nào là cá bông lau. Thế nhưng về nơi mệnh danh là ổ cá thì đời ngư dân cũng đâu khác gì, cũng mái nhà tuệch toạc, cũng đói no theo luồng cá… Ngày xưa ngư dân hào sảng lắm, đãi khách bằng cá bông lau, nay thì…

Các nhà khoa học phỏng đoán cá bông lau là cá di cư, từ Biển Hồ (Campuchia) cá con theo nước trôi trên dòng Mê Kông ra biển đụng luồng nước mặn lội ngược về Biển Hồ. Cá bơi đến Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh hãy còn nhỏ nên ngư dân bắt được gọi là cá dứa. Bơi tới Cần Thơ, An Giang đã lớn, có con nặng trên 17 kg, nhưng vẫn chưa có trứng...

Kỳ 4: Khai thác Vàm Nao

Vàm Nao một thời cá mập, cá sấu nhảy khỏi sông đã trôi dần trong dĩ vãng. Các nhà khoa học, ngành chức năng đã tận dụng dòng chảy chế ngự con sông dữ phục vụ sản xuất nông nghiệp, khai thác du lịch.

Chế ngự Vàm Nao
Theo ngư dân Ba Trường, nước lũ Vàm Nao sau này bớt phần hung hãn nhờ đó ghe đò qua lại con sông dữ bớt lo toan. Sự đổi thay ấy bắt đầu từ dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao do chính phủ Úc tài trợ với tổng kinh phí trên 13 triệu AUD (khoảng 286 tỉ đồng) được triển khai từ năm 2002.
 Du khách tham gia mò ấu trên cồn Vàm Nao
Du khách tham gia mò ấu trên cồn Vàm Nao - Ảnh: Thanh Dũng
Một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, vùng dự án Bắc Vàm Nao được triển khai trải rộng qua 22 xã, thị trấn thuộc H.Phú Tân và thị xã Tân Châu, với diện tích 30.836 ha. Trong đó xây dựng hệ thống vành đai các tuyến đê bao chiều dài hơn 100 km với hơn 100 cống hở, cống tròn... vừa có chức năng ngăn nước lũ, vừa dẫn nước từ sông lớn vào nội đồng phục vụ tưới tiêu cho ruộng lúa, rau màu. Ngoài ra vào mùa lũ, các kênh đê bao còn có chức năng tải lượng phù sa từ sông Tiền, sông Hậu vào nội đồng; dẫn nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ sông lớn vào các tuyến kênh mương giúp ngư dân đánh bắt, khai thác nuôi trồng thủy sản... Mặt khác, các tuyến đê bao phát huy tác dụng giúp người dân vận chuyển nông sản, hoa màu thuận lợi hơn so với bằng ghe xuồng.
Theo tính toán, từ khi triển khai dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao thì 22 xã, thị trấn, phường trong vùng dự án không còn ngập lụt khi lũ về, nhờ đó người dân có thể yên tâm sản xuất lúa vụ 3, chọn cây trồng, nuôi thủy sản thích hợp theo mùa nên hiệu quả kinh tế tăng nhiều lần so với lúc chưa có dự án. Do hiệu quả dự án cao, trong năm 2013, UBND tỉnh An Giang dự kiến triển khai xây dựng thêm hệ thống kiểm soát lũ Nam Vàm Nao ở H.Chợ Mới, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
Du lịch trên ổ cá
Nói về Vàm Nao, ông Nguyễn Thanh Tùng, chuyên viên chuyên trách du lịch của Trung tâm du lịch nông dân (Hội Nông dân tỉnh An Giang) cho biết, mùa lũ sông rất dữ nhưng mùa khô với dòng chảy đặc thù nên ngã ba sông rất thơ mộng, thích hợp cho khai thác du lịch. Vàm Nao tuy không còn cá đặc sông như xưa nhưng nơi đây vẫn gọi là ổ cá với 52 loài cá phong phú của sông Mê Kông. Vì thế trung tâm đã sàng lọc chọn ra tuyến du lịch trên sông Vàm Nao thành một trong những điểm kết nối du lịch trong khuôn khổ dự án du lịch do Tổ chức Nông dân Hà Lan tài trợ, với kinh phí trên 9 tỉ đồng. Theo ông Tùng, yêu cầu của tour du lịch là người dân trong vùng giữ được bản sắc tự nhiên, dân vẫn sinh hoạt, làm đồng áng, thả lưới như thường khi có du khách.
Theo chương trình, du khách đến đây đi thuyền ngắm cảnh sông Vàm Nao, nghe thuyết minh về chuyện xưa tích cũ Vàm Nao như chuyện ông Năm Chèo, mùa hội cá hô, cá bông lau... Du khách có thể trải nghiệm một đêm trên sông nước với ngư dân để thấu hiểu cảm giác hồi hộp, nôn nao khi trong lưới có cá hay thất vọng khi lưới chỉ đầy rác rến sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi. Lãng mạn hơn, du khách mua cá bông lau dính lưới chế biến thành món ăn tại chỗ để vừa ngồi thuyền hay xuồng nhấp ly rượu nếp ngắm sông Vàm Nao lung linh trong ánh đèn đêm; hoặc trầm mình theo ven sông cùng ngư dân mò cá, kéo chà bắt các loài cá hay mò ốc, hái ấu...
Còn trong mùa nước nổi, Vàm Nao có một số cù lao đặc thù như cù lao ấp Vàm Nao (xã Tân Trung, H.Phú Tân) khi lũ về dù lớn hay nhỏ vẫn bị ngập chìm lênh đênh trong biển nước. Lúc đó các loài cá tôm tới trốn sóng gió trong các rặng lau sậy nên thích hợp cho khách du lịch câu cá, kéo cá, chài cá theo đúng phong cách ngư dân. Để có cảm giác mạnh hơn thì lặn hụp theo con nước đục cùng dân bản địa hái bông súng, bẻ điên điển, mò ốc bươu... Du khách có yêu cầu, người dân sẽ chế biến những con cá tôm bắt được theo cách dân dã, miệt vườn nhưng đảm bảo hương vị sẽ lạ miệng, theo đúng đồng quê như canh chua điên điển, mắm kho cá linh điên điển, cá linh nướng, cá sửu chiên...
 Một du khách hớn hở sau những giây phút hồi hộp kéo lưới bắt cá trên Vàm Nao
Một du khách hớn hở sau những giây phút hồi hộp kéo lưới bắt cá
trên Vàm Nao - Ảnh: Thanh Dũng
Ngư dân Tám Hổ (ấp Vàm Nao), người tham gia vào dự án du lịch cho biết du khách đến đây thích lắm vì họ được trải nghiệm tự nhiên, sống đơn giản cùng dân nghèo trong căn nhà đơn sơ, cùng nông dân ra đồng lội ruộng trồng cà, hái ớt; cùng tham gia lênh đênh tìm cá nếm mùi nắng gió trên sóng nước... Tám Hổ kể: “Nhiều du khách không quen hái ấu khi lội xuống bị trái ấu quẹt, đâm vào chân rất đau, hay đi kéo cá dở chà không quen nên bị rớt xuống sông. Lúc ấy họ nói bấy lâu nay ăn củ ấu thấy ngon mà đâu biết người trồng ấu cơ cực vậy”. Theo Tám Hổ, nhờ tham gia du lịch nên mỗi tháng ông thu nhập kiếm thêm được 2 triệu đồng, số tiền này khá lớn ở vùng quê.
Chiều tối. Sông Vàm Nao lãng đãng khói sương, ghe tàu ngang dọc nhộn nhịp. Những chiếc xuồng câu lặng lẽ buông lưới. Đâu đó tiếng hò, tiếng hát vút lên lướt trên tiếng sóng: “Sông sau, sông trước hai dòng/Phân ra hai ngã ngoài trong vận đào/Các ngã gần chảy nhập vào/Tục kêu là xứ Vàm Nao rõ ràng...”. Bóng chiều buông hết, con sông lấp lóa ánh đèn câu mênh mang một vùng sông nước.

Thanh Dũng
http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20130110/Ky-4-Khai-thac-Vam-Nao.aspx

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Y tế Việt Nam nên bắt đầu từ định nghĩa!


Thứ sáu, 02 Tháng 3 2012 22:30
http://camranh.khanhhoa.gov.vn/Resources/Images/logo%20doan%20the/5-11-2009_4.jpgHôm nay, xin hân hạnh giới thiệu một bài viết của một người em: Bs Nguyễn Minh Mẫn. Mẫn với kinh nghiệm lâm sàng dồi dào và được đào tạo từ nước ngoài về y tế công cộng, nên lúc nào cũng đau đáu những suy nghĩ cách phòng bệnh ở qui mô cộng đồng. Bài viết này chỉ bàn về định nghĩa y tế, với một số suy nghĩ theo tôi là đáng chú ý. Bản ngắn bài này đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, còn đây là bản đầy đủ hơn. Xin nói thêm rằng tác giả còn giỏi làm thơ nữa nhé! (GS Nguyễn Văn Tuấn)
Y tế Việt Nam nên bắt đầu từ định nghĩa!
Trong các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực y tế của Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa chính thức sức khỏe là gì. Khi nói đến sức khỏe nhiều người, kể cả cán bộ y tế, nghĩ ngay đến việc khám, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh. Hoặc xa hơn, đó là dự phòng bệnh tật, nghiên cứu khoa học. Nhưng yếu tố tinh thần và xã hội của sức khỏe thì hình như chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Do vậy, các hoạt động và phát triển của y tế Việt Nam, thực sự còn lúng túng, do thiếu một triết lý.
Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO, 1947) định nghĩa “Sức khỏe là sự vẹn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh tật”. Có thể xem định nghĩa này như là triết lý y tế. Chúng ta có thể dùng định nghĩa này để soi rọi lại sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân trong nhiều năm qua. Ngay từ lúc còn trong trường y, sinh viên chủ yếu học về sức khỏe thể chất. Theo đó, chương trình giảng dạy chú tâm vào việc huấn luyện cho các sinh viên y khoa việc truy tìm, xử lý bệnh tật bằng thuốc men, tham gia dự phòng bệnh tật. Hệ quả là khi ra trường và trở thành bác sĩ, kiến thức và nhận thức về tâm lý, và kém kỹ năng trong cách đối nhân xử thế với bệnh nhân, thân nhân, đồng sự, cấp trên, cấp dưới trong môi trường bệnh viện cũng như ở cộng đồng.
Ngoài ra, còn có một nghịch lý về giảng dạy kinh tế. Thật vậy, điều mà bác sĩ quan tâm là kinh tế y tế, cân bằng lợi ích lâm sàng và chi phí điều trị cho bệnh nhân, nhưng họ chỉ được học kinh tế chính trị ! Hiếm khi sinh viên được học về các quy trình vận hành, tổ chức, quản lý bệnh viện. Thay vào đó, họ được học về dược lý chứ không biết về giá thuốc và hầu như “mờ mịt” về luật chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, luật dược, pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, luật khám bệnh, chữa bệnh và đặc biệt sinh viên y khoa lâu rồi chưa được học “nghĩa vụ y khoa”!
Tập trung vào sức khỏe thể chất dẫn đến một nền y tế thiếu toàn diện. Nhiều bác sĩ khi ra trường họ chỉ biết đến “bệnh” mà ít chú ý đến “người bệnh”, tập trung trí tuệ để xử lý tốt bệnh tật mà quên đi những giá trị mang tính nhân văn đó là tâm lý và xã hội. Họ tự cho mình là “mẹ”, có toàn quyền ra lệnh, quyết định, la rầy “con bệnh” của mình mà quên rằng, thực sự họ chỉ là những “người bạn” của bệnh nhân. Họ nhận lương bổng, thậm chí trang thiết bị, cả chiếc ghế ngồi của họ đều được đóng góp bằng tiền thuế và các khoản khác của người dân, trong đó, có những người bệnh đang ở trước mặt của họ. Khi ra toa thuốc, họ không biết được giá của ngày công lao động tay chân là bao nhiêu, không biết được giá của một kilogram lúa gạo là bao nhiêu, nên “vung tay quá trán”.
Bs Đỗ Hồng Ngọc từng nói các bác sĩ chữa được cái “đau” mà không giải quyết được cái “khổ”, giải quyết được “bệnh” mà không giải quyết được “hoạn”. Nhưng chữa được cho cái “xác” mà lờ đi cái “hồn” và các “mối quan hệ xã hội”, vốn dĩ không ít là cội nguồn của bệnh tật, là một khiếm khuyết. Nếu một bệnh nhân bị stress, đến bác sĩ đo huyết áp thấy cao, được chẩn đoán bệnh tăng huyết áp, dặn dò ăn uống và được “đe nẹt” một số biến chứng, ra toa thuốc, ra về. Nhiều bác sĩ ít khi biết được bệnh nhân ấy đang bị stress, vừa làm ăn thua lỗ, ly dị, đang chia của, con cái bỏ học, nói chung là có nhiều yếu tố xã hội và tâm lý khác. Có thể nhiều bác sĩ cho là bệnh quá tải, không có thời gian nhiều với bệnh nhân (cũng đúng), nhưng cho dù có nhiều thời gian đi nữa thì thực sự rất ít bác sĩ quan tâm đến những chuyện “ngoài bệnh tật” kể trên (trừ các bác sĩ có kinh nghiệm sống, hoặc đã được huấn luyện “lâu lắm rồi”) vì họ thiếu được rèn luyện những kỹ năng và phương pháp chuẩn mực để tiếp cận các vấn đề tâm lý và xã hội.
Các vấn đề vĩ mô khác về y tế theo tôi cũng xuất phát từ sự xa rời định nghĩa sức khỏe. Chúng ta quen đánh giá nền y tế bằng những chỉ số như tỷ trọng thầy thuốc trên vạn dân, số giường bệnh trên vạn dân, và dựa vào đó, các quan chức y tế kết luận rằng chúng ta thiếu bác sĩ, thiếu giường bệnh, bệnh viện quá tải. Những kết luận đó không hẳn sai, nhưng trong thực tế thì không bao giờ cho đủ số lượng bác sĩ theo nhu cầu, chứ chưa kể chất lượng bác sĩ, lại còn phải hòa nhập với khu vực, quốc tế. Nhưng chúng ta ít quan tâm đến cái gốc xã hội của tình trạng quá tải, của thiếu giường bệnh.
Cái gốc đó là chúng ta quên đi hai yếu tố tinh thần và xã hội của sức khỏe. Quay lại ví dụ về bệnh nhân stress, có thể được giảm nhẹ hoặc “chữa khỏi” nhờ chuyên gia tư vấn, thầy tu, hay một ai đó có uy tín trong họ hàng, bè bạn, trong gia đình hòa giải, tránh cuộc ly dị; con cái bỏ học có thể nhờ giáo viên giúp đỡ, và stress được kiểm soát, huyết áp của bệnh nhân cũng ổn theo, biến chứng có thể không xảy ra, thì đâu cần phải có nhiều bác sĩ điều trị tăng huyết áp, đội ngũ điều trị, chăm sóc biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, suy thận mãn. Có lẽ chúng ta chưa quan tâm đúng mức hai yếu tố tâm lý và xã hội của sức khỏe nên quên đi việc chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân (tự chăm lo cho mình), của toàn xã hội (trong chăm sóc sức khỏe toàn diện) chứ không chỉ của riêng ngành y tế.
Do thiếu cái nhìn toàn diện nên chúng ta đã không huy động triệt để được tất các nguồn lực của xã hội để phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân. Chúng ta cũng đã kêu gọi “xã hội hóa y tế”, nhưng không kêu gọi “xã hội hóa sức khỏe”, chúng ta đã quen gọi “Bộ Y tế” mà thực sự phải là “Bộ Sức khỏe” (Ministry of Health). Danh không chính nên “ngôn không thuận”, khó mà hiệu triệu mọi nguồn lực đi đúng một mục đích và hoạt động có hiệu quả nhất!
Cũng từ nhận thức thiên lệch về sức khỏe thể chất nên việc đầu tư các nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe cũng thiếu hiệu quả. Nguồn tài chính của nhà nước đầu tư cho y tế, đa số chỉ tập trung cho việc xây dựng các bệnh viện, trung tâm chẩn đoán và điều trị, trang bị kỹ thuật càng chuyên sâu, cao cấp ở các thành phố lớn, bệnh viện tuyến tỉnh, còn lại một ít cho bệnh viện huyện, cũng nhằm để “chữa cháy” việc quá tải. Tuy nhiên, các địa chỉ trên chỉ chăm lo sức khỏe cho khoảng 10% dân Việt Nam, còn lại khoảng 90% cần được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu (cũng là cách giảm tải bệnh viện bền vững) thì đầu tư còn rất yếu kém. Qua thực tế, các khoa quá tải ở các bệnh viện thường là khoa Nội Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương, Ung thư, Thần kinh. Hơn phân nửa số bệnh nhân nội trú ở Nội tim mạch là tăng huyết áp, gần 1/3 là bệnh mạch vành, có thể kiểm soát tốt ở ngoại trú; đa số bệnh nhi đến phòng khám bệnh viện là các bệnh nhiểm khuẩn, virus đường hô hấp, tiêu hóa, v.v. có thể chữa tại trạm y tế, chăm sóc tại nhà; nếu tuyên truyền tốt về an toàn giao thông, sử dụng rượu bia thì không có nhiều chấn thương do tai nạn giao thông; giảm thuốc lá, thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt, thì ngừa nhiều bệnh ung thư, bệnh chuyển hóa, giảm các bệnh nhập viện vì tai biến mạch não, tiểu đường.
Giải quyết những vấn nạn vừa nêu không nhất thiết phải đầu tư nhiều tiền của mà cần phải chuyển hướng nhận thức đầu tư hiệu quả vào cộng đồng để giải quyết cho 90% nhu cầu xã hội trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là việc đầu tư vào các chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe, sức khỏe học đường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi không có thầy thuốc. Đó là việc đào tạo rất ngắn hạn nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm nhiều đối tượng, kể cả thầy tu, sư sãi, ni cô, các sơ, v.v. các tình nguyện viên chăm sóc theo nhu cầu (không nhất thiết họ phải có nhiều kiến thức chuyên môn y tế). Đó là việc kêu gọi các thầy tu dùng chính chùa, nhà thờ làm cơ sở chăm sóc sức khỏe (sau khi được huấn luyện), là việc tăng cường chăm sóc bệnh tại nhà hơn là xây thêm bệnh viện, tăng số giường. Đó là việc kêu gọi gia đình, nhà trường, ngành giáo dục, phối hợp y tế, xã hội tham gia dạy dỗ, hỗ trợ con cái, tăng cường đào tạo kỹ năng sống của học sinh, sinh viên để giảm bớt bạo lực học đường, biết nói không với rượu bia, thuốc lá, lái xe lạng lách và có thể chính các em vận động gia đình mình tham gia giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Đó là việc dạy cho các bác sĩ ở các trạm y tế khoảng 10 bệnh thường gặp ở tại cộng đồng của mình cho thật tinh tường hơn là dạy cho họ chương trình chuyên khoa cấp I để rồi họ không sử dụng tốt ở cộng đồng, họ “bay” về huyện, tỉnh, gây mất nguồn nhân lực tại chỗ. Đó cũng là việc chúng ta cần tập trung đầu tư hỗ trợ “kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu” cho tuyến dưới hơn là việc “chuyển giao kỹ thuật” theo chương trình 1816 như hiện nay.
Nói tóm lại, để sự nghiệp chăm sóc sức khỏe thực sự có hiệu quả, bước đầu tiên, cơ bản, quan trọng nhất là phải khẳng định lại một triết lý chăm sóc sức khỏe toàn diện trên cả ba mặt: thể chất, tinh thần lẫn xã hội như định nghĩa sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô lẫn vi mô sẽ dựa trên định nghĩa này triển khai các bước đi tiếp theo sao cho toàn diện, không thiên lệch. Từ việc xác định triết lý này, sẽ có cơ sở tập trung các dạng nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực, thiên nhiên, xã hội và văn hóa nhằm vào mục đích chăm sóc sức khỏe cho chính mình và xã hội. Nhà nước sẽ giảm bớt gánh nặng trong việc lo cho sức khỏe người dân, góp phần đảm bảo “an sinh xã hội”. Hồ Chủ tịch cũng đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Muốn “dân liệu” hiệu quả phải chỉ ra vai trò người dân một cách rõ ràng, tạo điều kiện để mọi tầng lớp tham gia tích cực, riêng trong định nghĩa sức khỏe, đa số người dân hoàn toàn có thể làm tốt việc chăm lo sức khỏe tinh thần và xã hội, bên cạnh thầy thuốc họ có quyền và có khả năng tự chăm sóc mình và gia đình, cộng đồng trong một chừng mực nhất định nhưng lại hiệu quả rất lớn.
Ths. Bs. Nguyễn Minh Mẫn
Nguồn:http://nguyenvantuan.net/health/45-agent-orange/1456-y-te-viet-nam-nen-bat-dau-tu-dinh-nghia

Tục thờ Thông Thiên


Thứ Ba, 02/08/2011 02:00

Tục thờ Thông Thiên là một tín ngưỡng thờ Trời phổ biến ở miền Nam nước ta. Theo tín ngưỡng dân gian, Trời được xếp trước Phật trong các đối tượng được thờ, theo thứ tự "Trời - Phật - Thánh - Thần", nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà.

Trước năm 1975, ở các vùng quê Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có đặt một bàn thờ Thông Thiên trước nhà (nhiều khi gọi là bàn thờ Ông Thiên). Bàn thờ thường được làm bằng gỗ đơn sơ, gồm một cây cột cao khoảng 1,5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m, khá giả thì đổ cột bê-tông và dán gạch men. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một lư hương và mấy ly nước mưa (loại ly nhỏ uống trà).
 
Vào những ngày quan trọng như mồng một, ngày rằm thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và mấy dĩa hoa quả. Hằng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được "thông" đến Trời (thông thiên), để Trời phù hộ cho người thân và gia đình mình.
 
 
Bàn thờ Thông Thiên

Bàn thờ Thông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, với tổ tiên, nơi giữ mối liên hệ giữa Trời và Đất, giữa người sống và người đã khuất. Điều này thể hiện bằng việc thắp nhang thường xuyên mỗi ngày, vào lúc chập tối - là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, nén nhang được cắm trên lư hương - nơi ở giữa Trời và Đất.
 
Hình thức thờ Trời cũng được thực hiện trong nhiều tôn giáo xuất hiện ở miền Nam. Đạo Cao Đài thờ Thiên Nhãn, có nghĩa là "mắt của Trời", với biểu tượng hình một con mắt, tượng trưng cho Thượng Đế toàn năng, thấu rõ tất cả những hành vi của con người. Đạo Hòa Hảo ngoài việc thờ Cửu Huyền Thất Tổ và các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, mỗi gia đình tín đồ còn có một bàn thờ Thông Thiên trước sân nhà để tưởng nhớ Trời Đất.
 
Đối với người nông dân, ông Trời được xem là đối tượng có tài năng, có phép màu và có lòng từ bi để cứu giúp con người, nên mỗi khi gặp tai nạn thì "cầu Trời, khẩn Phật" để cho "tai qua, nạn khỏi". Trời có khi lại hữu hình, và cũng đồng dạng với con người nên được gọi là "Ông", ông Trời có mắt: "Trời ơi ngó xuống mà coi. Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu" (ca dao), và cũng có tai "Ai ơi chớ có ăn lời. Bụt kia có mắt, ông Trời có tai" (ca dao). Và ông Trời là người có trách nhiệm nên người ta tin rằng "Trời sinh voi, Trời sinh cỏ", "Trời sinh, Trời dưỡng", "Trời không phụ lòng người".
 
Như vậy, ông Trời từ một "đấng siêu nhiên" đã đi vào nhà người nông dân Nam Bộ, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, chứng kiến những vui buồn, thấy được những khó khăn, vất vả của người nông dân và sẵn sàng ra tay cứu giúp. Ông Trời trở nên gần gũi như ông bà, cha mẹ, như người thân trong gia đình, nên việc thờ Trời là hết sức bình thường, hết sức tự nhiên.
 
Người Nam Bộ vốn chất phác và phóng khoáng trong cuộc sống và sinh hoạt nên sự hỗn dung trong việc thờ tự cũng được biểu hiện rõ nét. Người ta dễ nhận thấy nhiều bàn thờ Thông Thiên đôi khi còn có kết hợp thờ ông Tà bên cạnh, có khi là mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương, có khi là một góc nhỏ dưới chân bàn thờ Thông Thiên. Gặp ngày giỗ ông bà, hoặc ngày lễ, ngày Tết, cúng tổ nghề, tổ nghiệp… người ta cũng kết hợp luôn để cúng "ông Trời".
 
Nếu trong nhà có một mâm cơm cúng thì trên bàn thờ Thông Thiên cũng có lễ vật, hoặc là hoa quả, hoặc dĩa xôi, có khi rượu thịt. Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ Thông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời, cầu nguyện cho sự sung túc cả năm.
 
Hiện nay, nhiều địa phương ở Nam Bộ vẫn còn giữ tục lệ này, nhất là những vùng nông thôn. Quan sát bàn thờ Thông Thiên có thể nhận thấy sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân đất phương Nam. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là triết âm - dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông - tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Lạc Việt.
 
Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người phương Nam được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: có vuông - có tròn, có âm - có dương.
 
Theo Huỳnh Thăng (Cà Mau Online)