Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Góc kỷ niệm tuổi thơ 3: THẦY BA HỌC

Chiều nay chạy kiếm quà quê đi đám giỗ, ghé qua tiệm nem Cô Hoàn trên đường Hồng Bàng, đối diện Bệnh viện Hùng Vương. Chỗ này là nem Lai Vung chính hiệu, theo mình nó ngon hơn cả nem Giáo Thơ, ăn ghiền. Cứ tưởng gặp mấy đứa nhỏ dưới quê, ai dè gặp lại Thầy Ba Học. Thật là mừng vì Thầy gần 80 mà vẫn còn "ngon lành" đi đứng vững trân, gặp mình là nhận ra ngay "Con thằng Ba Ngọc!".
Đúng ra mình phải gọi Thầy là SƯ TỔ vì Thầy dạy cả ba mình. Nói tới tên Thầy, hầu hết đứa nào 40 trở lên ở Lai Vung cũng biết vì hồi đó Thầy nổi tiếng là nghiêm khắc với học trò. Mấy anh lớn lớp chín quậy cỡ nào, phá làng phá xóm ra sao Thầy cũng biết và gọt đầu không còn cọng tóc, đứng trước Thầy mà run hơn cầy sấy.
Những năm đầu thập niên 80 mà Thầy tổ chức được chương trình tập thể dục buổi sáng cho đám học trò từ lớp 5 trở lên trên địa bàn khắp mấy xã. Từ Lai Vung xuống Cái Sơn, lên Cái Đôi, vào Tắc Cây Me, giáp đến Kinh Cụt, Tân Phước. Sáng sáng, tiếng tu huýt của thầy nổi lên gần xóm nhà Thầy Thơ (Giáo Thơ- Ông Trùm nem của Lai Vung). Lần lượt đầu trên xóm dưới cũng rộn ràng tiếng í ới của đám học trò gọi nhau đi tập thể dục. Thầy biết hết từng đứa, con nhà ai, ở khúc nào và Thầy phân ra thành từng tổ, mỗi tổ có tổ trưởng chịu trách nhiệm, Sáng nào Thầy cũng cỡi chiếc xe 'đòn dông", cây roi cày giắt sau yên, vung vẩy như chiếc đuôi ...chó Phú Quốc chạy giáp vòng các nơi để kiểm tra. 5 giờ trở lên mà chưa tập họp xong tổ mình thì liệu thần hồn.
Tập thể dục mùa hè thì chẳng sao, mùa gió bấc lạnh thấu xương mà chui khỏi mền thì thật là một cực hình. Lạnh gì thì cũng phải tới giờ chui ra. Tập xong, chạy truyền lao đến tổ kế đó rồi quay về thì cả tổ gom lại đốt un cho ấm chờ Thầy "duyệt' xong mới được về nhà. Không thì thế nào ba má đứa vắng mặt cũng được Thầy kêu cửa hỏi thăm sao sáng đó không đi tập?
Ờ, con nhỏ Quynh Nhu Cam nhắc mới nhớ vụ học xong ra là phải đi hàng 1 bên lề phải cho đến khi ra khỏi khu thị tứ nữa chứ. Thầy mà gặp đứa nào đi hàng hai, ba là bị...xách lỗ tay đến hổng giò chứ chẳng chơi. Bị một lần là tởn tới...ra trường lớp chín luôn.
Thầy nghiêm khắc lắm nhưng suốt mười mấy năm, mình chưa thấy cây roi cày của Thầy quất vô đít đứa nào. Quá lắm thì Thây kêu lên hỏi lý do rồi ra..quỳ cột cờ cho mấy đứa con gái ngắm chơi thôi. Cũng vài đứa bị bộp tay nhưng thật sự lỗi quá nặng như đánh nhau, trốn học nhiều lần. Thời đó, Thầy giáo đánh học trò là chuyện được phụ huynh ủng hộ, không ai than phiền gì thậm chí còn cảm ơn Thầy Cô vì đã bỏ công kèm cặp con mình.
Có lẽ nhờ những Thây Cô như Thầy Ba Học, Thầy Đảnh, Thầy Thơ...mà bọn quỷ sợ như tụi mình ngoan, lễ phép và học hành đàng hoàng, nhiều đứa giờ cũng có những thành công nhất định.
Chiều nay gặp lại Thầy mà trong lòng có nhiều cảm xúc. Ông thần ve chai Thiệu Vương Tiến, Tran Phan và Phương Mập ơi! Mấy thằng giờ đang vi vu trên đất Mỹ, bây có nhớ Thầy Ba Học không?

CẢM NHÂN NGÀY HỌC CUỐI ĐỢT

Trong sân trường vắng lặng, ve đã không còn vang tiếng, vài cây phượng lá cũng đã xanh rì như báo đã vào giữa mùa hạ. Lui ra một góc, nhìn những bạn đồng môn đang túm tụm lại như cố níu kéo những phút cuối cùng của đợt học, trong lòng mình cũng dâng lên những cảm xúc đan xen.
Một tuần không dài nhưng mọi người ai cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đối với mình, điều học được nhiều không kể xiết, cảm giác choáng ngợp như đứng ngay trước biển, mênh mông, vô tận, thẳm sâu. Trải nghiệm thì đong đầy cảm xúc. Từ lo lắng để chuẩn bị trình ca, thấy tự tin khi được đồng trị liệu, cảm thấy đầy biết ơn khi được mọi người góp ý như một cuộc giám sát nhóm, sợ hãi như bị đang bị mang ra lột trần. Cũng có một vài sự tấn công nho nhỏ nhưng sau đó là một sự chia sẻ máng tính chuyên môn rất cao, tính nâng đỡ chuyên nghiệp làm mình cảm thấy phấn kích và tự tin hơn. Một cảm giác nhẹ nhõm, bay bổng khi được Thây Nicolas trị liệu lâm lý Nhân văn dù chỉ trong 15 phút ngắn ngủi. Tôi biết rõ, tôi hiểu cảm nhận về điều đó như thế nào và bệnh nhân tôi sẽ cảm nhận như thế nào khi tôi thực hiện các liệu pháp với họ rồi Thầy ạ!
Lời cuối trước khi chia tay, Nicolas nhấn mạnh :" Bản thân tôi tin các bạn đều có thể thực hiện một cách hoàn hảo những gì đã được học và trải nghiệm.t. Bản thân các bạn nên tự hiểu vì điều đó". Một sự ám thị nhẹ nhàng nhưng như nâng bước chân mình từ ngày hôm nay. Cám ơn GS Nicolas, Thầy đã truyền cho mọi người nguồn năng lượng mạnh mẽ. Thầy đã trao những tấm hải đồ để mọi người vững tay cheo. Xin Cám ơn vì tất cả.

BS Đoàn Nhật Trung

Góc kỷ niệm tuổi thơ 2: BÔNG TRA

Nhìn hình này của Út Trần tui nhớ Bà Nội vô cùng. Không phải vì Bà Nội tui... đep như người mẫu này (?) mà là vì phía sau Út Trần đang đứng là cây tra- Một thứ cây chỉ có miền sông nước.
Nhà Nội tui ngày xưa hứng gió lồng lộng từ sông Hậu . Buổi trưa, Nội nằm đưa Cô Út ngủ trong cháy cạnh lò rèn. Gió mơn man lẫn tiếng hát nho nhỏ của Nội. "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ...". Cảm giác nhẹ nhàng, yên ả và mát rượi như vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Những ngọn gió không bao giờ ngừng nghỉ, có khi gào thét trong những ngày mưa bão.
Không có mấy cây tra chắn gió, chắc nhà Nội tui bay từ ...tám kiếp. Cái thứ cây hoang dại chỉ thích mọc ở bờ sông. Mà cũng ngộ, nó cũng chỉ thấy nhiều ở dưới bến nhà Nội vô một khúc sông Lại Vung. Vô sâu nữa thì hoàn toàn không thấy bóng dáng của một cây nào.
Mà nói thật, có cây tra dưới bến cũng được mà không cũng được vì nó chỉ được cái giữ bờ và chắn gió. Ai cũng thấy rằng, cái cây tùm lùm mà chẳng làm được nên tích sự gi nên nó muốn mọc như thế nào mặc kệ. Lâu lâu thì phải mé bớt nhánh để lấy lối cho ghe xuồng vô. Chỉ có một điều mà tui không cảm thấy nó vô dụng vì hoa tra đẹp lạ lùng.
Hoa tra hình chuông 5 cánh, mỏng manh, mọc thành chùm nhưng thưa thớt. Sáng thì hoa mang sắc vàng tươi, chiều thì hơi ngã màu đỏ thẩm. Ngắm hoa trên cây không có gì ấn tượng nhưng chiều xuống, khi con nước đầy chảy vô, từng dòng hoa tra phiêu diêu trên mặt nước. Nó trôi dài trên sông như có ai đang đứng trên cầu chợ rải xuống. Hoa rơi cũng rất khéo, không bao giờ để một giọt nước nào vào trong nhụy, nên khi vớt lên, nó tươi nguyên như từ trên cây mới hái xuống. Bởi vậy mỗi chiều tắm sông, bọn tui thường lội ra để vớt vô chơi.
Cũng cái vụ vớt hoa tra này mà một lần tui xuýt chết. Cũng tại con nhỏ Thủy Tiên sún răng (Các bạn đã biết qua vụ cây bần rồi đó!). Cái con nhỏ ham hố! Chiều đó, tui vớt được bao nhiêu, nó lấy rổ gom hết. Vậy mà còn mấy cái trôi ngoài vọt nước nó cũng biểu tui vớt thêm. Ờ, tao lội giỏi mà. Biểu diễn cho em coi nè cưng! Tui xoải tay lướt trên nước như con rái cá vớt cái bông gần tầm tay nhứt. Nhưng có ngờ đâu, nước đạp mạnh quá nên "cái quần cộc dây thun giãn" của tui nó phản chủ, tuột khỏi eo, xuống "trói" ngang mắt cá chân. Không thể tưởng nổi lúc đó tui như thế nào. Vùng vẫy đã đời, uống hết mấy ngụp nước vây mà cái tay vẫn cố cầm mấy bông tra giơ lên khỏi mặt nước cho nó...khỏi ướt. Cái tay còn lại vói hoài mà cũng không chạm tới được..cái quần để cởi nó ra hay kéo lên. Thôi thì cứu mạng trước, Tui đạp mấy cái để nổi lên vá cái quần thì...trôi tuốt.
Đứng trên bờ, con nhỏ cứ léo nhéo" Anh làm ướt mấy cái bông hết rồi, anh đền em cái khác đi!" Trời ơi, lúc đó tui không biết làm sao với con nhỏ sún răng, nhiều chuyện này. Muốn chạy lên vố cho nó mấy cái mà làm sao lên được trong tình trạng bi đát như vậy? Tui đứng nửa người trong nước, nước mũi tèm lèm, cái bông tra bẹp dúm, rúm ró...y như tui lúc đó. Tui vụt cái bông vô giữa mặt nó và quát đuổi nó về nhà. Tội nghiệp con nhỏ nào biết mô tê gì mà tui thô lỗ vậy. Nó ngơ ngác rồi cắp rổ, vừa đi vừa khóc bù lu bù loa. Tiếng khóc "dậy sóc" của con nhỏ làm hại ba tui chayj xuống bến. Tui bị ba kéo đầu lên và phát hiện nửa dưới trống trơn của tui. Ông già lôi vô hàng ba bắt nằm xuống rồi quất cho mấy cây vì 3 tội: lội ra sông nguy hiểm xuýt chết, làm con Thủy Tiên khóc và vì ...làm mất cái quần. Tui lại một lần giận con nhỏ căm gan tím ruột. Tui thề trong bụng là cả đời đừng bao giờ để tui gặp con nhỏ xúi quẩy đó nữa
Lâu rồi tui không về quê nên cũng không biết bây giờ còn cảnh bông tra trôi êm đềm trên sông nữa không và còn những đứa nhỏ vớt bông tra như tui ngày trước? Nội cũng già đi nhiều. Con Thủy Tiên đi rồi cũng không về chỗ cũ. Nó đi luôn rồi! Tui hình như đánh mất một điều gì đó rất đẹp, rất đáng quý.
Dĩ nhiên điều mất mác đó là quý hơn... cái quần dãn dây thun đã bị trôi mất vì vớt hoa tra cho gái của tui.


BS Từ Nhân Dân

CẢM NHẬN: TỪ CHUYẾN KHÁM TỪ THIỆN Ở MỎ CÀY NAM 20.072014

Trải qua hàng trăm chuyến đi công tác xã hội, trong mỗi chuyến đều để lại trong lòng mình nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong lần này cũng không ngoại lệ.
Từ năm 1994, khi mới năm 2 mình chập chững theo các bậc đàn anh đàn chị rong ruổi trên những “chuyến xe bão táp” của Trung tâm Bảo trợ Bà Mẹ cô đơn do Cô Mười Mỹ (Cô Trần Thị Mỹ, một vợ liệt sĩ) tổ chức. Mỗi hai tuần một lần cứ thế, chiếc xe bán lam bán tải, ra đường là bị công an vịn, mang đầy ắp đến mức chật ních những niềm nâng đỡ đến những thân phận đơn chiếc, nghèo nàn của khắp các xã khó khăn của Cần Giờ, Bình Chánh, Quận 8, Hóc Môn…và 23 xã của Củ Chi không sót một xã nào. Những chuyến đi dài cùng Thầy Trần Văn Nhơn hay cùng với BS Nguyễn Quốc Bình- Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115- trong đoàn thầy thuốc tình nguyện phía Nam …về Miền Tây giữa những mùa nước lũ. Có chuyến đi qua đêm hay cả nửa hoặc nguyên tuần lễ như đi Tây Nguyên hoặc ra Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu hay sang tận Kandal- Xiemriep- Campuchia…Trong những năm làm tại BVND 115, BS Nguyễn Quốc Khánh giao cho nhiệm vụ “mở rộng mặt trận” khắp nửa phía Nam của đất nước, dấu chân mình cũng in khắp vùng miền . Từ Sông Bé- Lộc Ninh, lên đến Buôn Hồ, Buôn ma Thuột, Buôn Đôn-Đak Lắc, lên tận Krong-Pa, vào Plây- me, Mang Yang, Phú Bổn, Tuy Hòa…Xuôi về Miền Tây đến tận Miệt Thứ, Cà Mau, Đồng Tháp Mười. Nhớ Nghệ sĩ Thanh Sang cầm loa tay hát giữa đồng lộng gió, hay Thiệu Ánh Dương lên xe về chỉ còn nói hơi gió phều phào vì khan tiếng. Rồi những thân phận nghèo khổ, bệnh tật đeo đằng là đối tượng mỗi lần đi là mỗi lần tiếp xúc nhưng có những ca suốt 20 năm cũng không thể nào quên được.
Rất nhiều kỷ niệm, không thể kể xiết. Những đứa trẻ chưa tới 4 tuổi đã lội như nhái khi bị chìm tàu do sóng tàu của đoàn đi qua trên sông Cao Lãnh. Nhớ những đứa trẻ người Ê đê oi nồng khét nắng mà cặp mắt trong veo, run run xé bao mì rồi bẻ từng cọng, ăn nhín nhín. Hay những đứa trẻ Khơme ở Lai Hòa- Vĩnh Châu mắt trắng tròng vì viêm giác mạc trên khuôn mặt thơ ngây. Những già làng Ba Na cứ gọi mình là “con trai Sài Gòn”, áo cài tay manchette bên còn nút, bên không, ngậm cần rượu xong đưa sang mình rồi vỗ vai “Làm đi!”. Hai lão hom hem bảy mấy, nhậu như hũ chìm trên vùng đèo heo hút gió vùng Cheo Reo đó lại có thể bật ra hàng tràng tiếng Pháp trôi chảy đến mức trong đoàn chỉ có BS Vũ Bằng Giang mới đối đáp nổi…Rồi cái thùng cua đá cỡ 2- 3 ngón tay của bệnh nhân khám hồi trưa, là chồng “nữ chúa đảo” Côn đảo , đến tối lại đội đèn đi bắt rồi rụt rè mang tặng đoàn khám trong khi quần áo còn ướt nhẹp... Mình nhớ hoài chiếc áo ấm của một bà mẹ ở phường 3 quận 8 làm bằng chiếc áo mưa được phân phát từ thời bao cấp. Nó cũ lắm, đã cứng quèo từ đời thuở nào, già cỗi và tội nghiệp như chính người đang mang nó. Năm đó trời lạnh thấu xương, mọi người đều co ro, bà mẹ nghèo lập cập, môi tím ngắt trong cái gọi là áo ấm đó. Thật xót xa! Trong đầu mình đã bật ra một điều, bên kia bờ sông hào nhoáng ánh đèn phố thị còn những phận nghèo lắt lay như chính những ngọn đèn dầu trong căn nhà của họ chứ không cần phải tìm kiếm đâu xa. Mình làm được gì cho họ đây? Thuốc ư? Giải quyết được gì với dăm ngày uống theo toa? Sau đó thì thế nào? Công tác xã hội làm được thật sự điều gì cho người bệnh nghèo?
Ô hay! Suốt 6 năm đi học, hai năm chuyên khoa, chưa một người nào, một khóa nào dạy cho mình điều này ngoài môn gọi là Tâm lý Y học cũ rich với nào Mác nào Lê đầy máu và một chủ nghĩa tôn thờ vật chất đến bất chấp thủ đoạn. Đó là chủ nghĩa ông thần ở trời Tây, lý luận lòng vòng, trong lòng hổ báo, ăn cháo đái bát, hoang tưởng điên khùng. Sau này có dịp sang Bỉ, mình vào tận cửa nhà của ông ta để xem thử. Đó là một căn nhà nhỏ xíu, tấm bảng cũng nhỏ xíu, lờ mờ nếu không để ý hay không ai giới thiệu thì chắc chắn sẽ bị bỏ qua. Có vẻ người ta chú ý đến bức tượng của một anh hùng của thành phố là một vị triết gia bị cắt lưỡi cùng với con chó của mình ở bên hông hơn là ngôi nhà tối tăm cũ kỹ đó. Bọn tư bản nó rất dã man và thủ đoạn. Phải chăng bọn nó muốn khuyến cáo rằng ai mà gan trời, dám nhắc đến vị chủ nhân ngôi nhà này ở đây thì coi chừng bị trừng phạt như thế, nên mình cũng chẳng nhắc ở đây (!)
Chuyến đi lần này lai mang cảm xúc khác biệt bởi vì nó là chuyến xuất quân đầu tiên mang thương hiệu Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố. Trong đoàn, lực lượng chủ yếu là các bác sĩ mới, tràn đầy nhiệt huyết nhưng là lính tập mới toe mang ống nghe còn bị ngược. Cứ tưởng đóng vai phụ, ai dè cả nhóm phải nhận hát chính với 600-800 khán giả trong khi kép chánh lẫn kéo màn chỉ vỏn vẹn 7 mống. “Sân khấu” lại dựng ngay trên đất Mỏ Cày, Bến Tre của Thầy Trần Hồng mới khổ. Thôi thì, soạn nhanh lại kịch bản, dàn dựng lại sân khấu cho phù hợp. Hai chú điều dưỡng góp vé thu tiền (đo huyết áp, điều phối bệnh nhân) 5 bác sĩ gồng mình chiến đấu, dược là chốt riêng cuối cùng. Thống nhất chung, mỗi bệnh nhân giải quyết trong ba phút, 2 phút vừa rờ rẫm nghe ngóng, hỏi chuyện, 1 phút ghi toa và dặn dò. Sau 3 tiếng quần thảo, non nửa số bệnh nhân đã được khám xong. Lúc này lại xuất hiện 2 đồng nghiệp chi viện từ một nhóm khám nhi sản ở xã bên sang. Sau buổi cơm trưa (lúc hơn 1 giờ), đoàn bắt đầu khám lại và giải quyết toàn bộ bệnh nhân khi quá 16 giờ một chút. Quá tuyệt vời những đồng đội của tôi ơi!
Nhiều người cho rằng, khám 3 phút thì làm được gì? Thoạt nhìn thì quả là như vậy nhưng mục tiêu thật sự của công tác xã hội trong những trường hợp này là phát hiện vấn đề cần lưu ý hoặc nguy hiểm cho bệnh nhân để tham vấn hướng can thiệp cần thiết, một chút nâng đỡ cho bệnh nhân là vô cùng quý báu. Thuốc là chuyện nhỏ. Ai dám quyết định cho bệnh nhân các thuốc chuyên khoa trong lần khám đầu tiên, ngoại trừ các ca đã có bằng chứng đã được điều trị từ trước thông qua các toa hay giấy xuất viện? Mục tiêu kế tiếp là cho các BS mới tiếp cận cộng đồng để hình thành nhận thức về bệnh tật và các điều kiện kinh tế xã hội , xây dựng thêm các giao tiếp xã hội trong việc hỏi bệnh, trao đổi giao lưu với các đồng nghiệp khác trong hoặc ngoài đơn vị. Mục tiêu thứ ba là xây dựng và quảng bá thông tin hình ảnh của Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố đến với người dân và các đối tác

Rất mừng và hãnh diện khi các thành viên trong đoàn đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Dĩ nhiên, để làm hết mọi chuyện trở nên thuận lợi và thành công trong chuyến đi thì có nhiều thành phần, cá nhân khác đóng góp. Ở đây xin nói riêng về nhóm của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM mà thôi. Anh em đã quá nhiệt tình, hết lòng vì công việc. Điều dưỡng Hồng- Phương bóp bóng máy đo huyết áp rã rời tay, điều bệnh nhân mỏi miệng. BS Đăng bỏ cơm để giải quyết ca Cao huyết áp cấp cứu (Có 5 ca tổng cộng, huyết áp tâm thu từ 190 đến 220mmHg), BS Oanh và BS Xuân mỗi người đều đảm bảo tốc độ làm việc với những biểu hiện vô cùng tích cực. BS Xuân trước khi lên xe đã dán thuốc chống say xe, đi một đoạn tới trạm dừng đã leo lên võng nằm dã dượi vậy mà khám xong vẫn tươi rói, cười nói bình thường. Thấy các bạn ánh mắt ấm áp hướng về bệnh nhân, ân cần khi hỏi chuyện, trân trọng đặt loa nghe trên người bệnh nhân, dặn dò bệnh nhân chu đáo, thế là quá đủ rồi. Lại thấy anh em quây quần với nhau sau buổi khám, trong bụng mình biết rằng sự tin cậy, tinh thần làm việc nhóm đã có vài nét khá rõ ràng, báo hiệu một sự thay đổi đầy mới mẻ cho phong cách làm việc của những người năng động.
Ông Hồ có câu nói mà không biết có phải của ông ấy hay không, chỉ thấy rất phù hợp khi vận dụng vào thực tế: Muốn xây dựng thành công XYZ thì phải có những con người (có tư duy kiểu) XYZ. Nhân sự hay cụ thể hơn là nhận thức của từng thành viên trong một tập thể về hình ảnh của cá nhân mình sẽ tạo nên hình ảnh của đơn vị. Đó là nền tảng của phát triển tổ chức. Làm vô tư, làm tích cực, làm một cách chuyên nghiệp để tồn tại và góp phần phát triển Trung tâm Cấp cứu 115 nhé các đồng đội năng động và đáng yêu của tôi!


BS Từ Nhân Dân

Góc hoài niệm tuổi thơ 1: NHỮNG CÂY BẦN


Hôm qua, về lại một khúc sông, cảm giác yên bình đến lạ. Con nước lững lờ nhẹ chảy, chút xôn xao những con sóng nhỏ trong lòng. Những cây bần bao năm vẫn như những nhân chứng thầm lặng cho dòng sông bên bồi bên lỡ. Những rễ bần đang chen như muốn níu giữ lại nguyên trạng của dòng sông cũng như những kỷ niệm của thời con trẻ.
Hồi đó, những cây bần đã mọc tự bao giờ, bự lắm. Bãi sình dưới gốc cây chứng kiến những trận chiến "long bùn lở đất" của đám "con nít quỷ" trong xóm mà kết thúc lúc nào cũng có đứa về mét má vì cặp mắt đỏ hoạch, sưng vù bởi lãnh mấy ệ bùn non. Chí ít thì cũng lãnh vài cục đầy miệng, lấp mũi, bít tai. Cứ nhớ cảm giác mùi bùn tanh tanh với vị chát chát, lặn ra xúc miệng rồi mà cát vẫn còn dính kẻ răng, nhai cứ nghe tiếng rào rạo. Chiến xong, ngồi ký cọ cả buổi mà lên bờ vẫn bị má bắt xuống tắm lại vì ngâm nước đến đóng rong, mọc râu, chà hoài mà vẫn còn sót sình.
Hôm nào nước kiệt, cả đám con nít tụi tôi lại lội xuống bãi bùn đi kiếm những trái bần rụng để đem về ăn. Trái bần chín mọng căng, vỏ hơi trong trong, sứt cuốn rớt xuống sình nằm tênh hênh như mời gọi. Thứ này rửa sạch, bẻ ra làm hai rồi quẹt muối hột, cắn một cái mà nghe hai hàm răng sít lại, đau buốt cạnh lỗ tai. Cái vị chua thanh thao, lẫn vị chát, cảm giác giòn giòn của hạt bần lẫn những hạt muối, cái mùi bần chín thơm thoảng đặc biệt cứ xông lên mũi, nuốt xuống tới ruột mà vị chua còn đọng lại trong cuống lưỡi. Siêng nữa thì lượm nhiều nhiều về nấu canh chua ăn bá phát.
Mấy thằng trộng trộng thì thường đợi nước đầy, leo ra nhánh bần đâm ngang để nhảy xuống sông, thách nhau coi thằng nào làm văng nước lên cao nhất. Thôi thì đủ kiểu, dừa khô rụng- cuộn hai chân sát người khi tiếp nước, thả bom- một chân co, một chân duỗi, mông và lưng dưới tiếp nước. Nhớ lần thằng Hậu Hai Tuấn leo ra nửa đường hứng chí thẳng đơ người nhảy cắm hai chân xuống. Chỉ nghe cái chụt, sình bựng bựng một lúc mà không thấy nó trồi lên. Cả đám nhảy xuống, nắm đầu kéo. Lú đầu lên khỏi mặt nước, nó hớp hớp, nước trong mũi trộn với nước mắt trào ra, nó bườn lên bờ rồi đi thẳng một lèo về nhà. Còn thằng Tý Hon con Tư U thì leo ra xong, bò vô cũng không được vì nhánh bần cong xuống run bần bật, mà nhảy xuống thì không dám vì quá cao, cứ nằm ôm nhánh bần khóc tu tu. Bị cản đường, anh em tức mình đứng nhún nhánh bần, nó tuột tay từ từ rồi ...rớt xuống như trái bần chín. Từ đó tới sau hai thằng tởn luôn, không léo hánh tới gốc bần đó trừ khi bị má nó kêu đi chặt c...t bần về làm nút chai.
.
Cái vụ nút chai rễ bần này cũng nhiêu khê. Mỗi lần nấu nước mắm cá linh, tới lúc lược nước đầu thì má tuii thế nào cũng sai đi cắt rể bần về tiện ra làm nút chai. Khúc rế bần đem về, róc vỏ, cắt khúc đem phơi khô rồi tùy miệng chai lớn nhỏ mà gọt lại cho vừa nhét vô cổ chai. Má biểu, nước mắm đựng trong chai nút c..t bần kín hơi, giữ mùi thơm lâu lắm. Nghe vậy, biết vậy, mà hình như cũng đúng vậy. Nút bần khô, gặp hơi nước mắm, nở ra, bít chịt, chai nước mắm để cả năm vẫn trong khe, vàng óng, khỏi bỏ chất bảo quản như bây giờ mà vẫn không lo hư hay ruồi tửa vô chai nước mắm.
Có hai loại côn trùng khoái quanh quẩn cây bần, đương nhiên đó là con ong bần và con đom đóm. Tối tối, đám đom đóm cứ xà quần quanh cội bần chớp tắt liên hồi, đẹp còn hơn giàn đèn led ở Đầm Sen vì đèn này chuyển động được, khi bung ra khi lại chụm vào. Còn ong bần thì tui nhớ đời. Số là gần nhà có con nhỏ tên Thủy Tiên con Ông Hai nhà mới (Lúc đó, nhà nó mới chuyển từ Sài Gòn về nên kêu ba nó như vậy) Theo tui, con nhỏ không đẹp nhưng má tui lại nói nó dễ thương, Dễ thương gì? Hàm răng nó sún hết trơn vì siết ăn, chỉ có mái tóc cắt "bum bê" gắn vô cái mặt nó nhìn tiếu hết sức. Một bữa chiều tui đang chuẩn bị tắm, nó chạy lon ton lại nói tui hái cho nó mấy cái "bông lồng đèn tím" cho nó về chơi nhà chòi. Con nhỏ này còn một cái tật là khi nó đòi cái gì là cứ đeo theo nhèo nhẹo hoài, phát bực. Tui tót lên cây bần, chồm ra mấy cái bông bần đang nở, ngắt cho nó một chùm, thảy xuống. Trời xui đất khiến, vừa định bẻ chùm thứ hai thì cái mặt tui ịn thẳng vô ổ ong bần đóng trên nhánh đó. Chỉ nghe "róc róc" mấy cái đau điếng, tui vội đạp nhánh bần vọt thẳng xuống sông. Trên đầu, mí mắt, gò má, sau lỗ tai tổng cộng 6 vít. Bữa sau, ngoài cái mặt sưng chà bá dù có bẻ đọt môn xức tui còn bị hành nóng lạnh. Trùm mền mà hận con nhỏ sún răng thấu xương, và cho tới bây giờ cũng còn...nhớ nó.
Ngồi gõ mấy dòng này, nhớ lại chuyện xưa, lại chợt thèm một tô canh chua cá dứa hay cá lăng nấu bần. Cái mùi của nồi canh chua bần không thể nào quên được cũng như tui không quên được con nhỏ Thủy Tiên sún răng đó. Mà bây giờ nói thiệt, gặp lại nó, nếu nó không trồng răng sứ hay cắm implant thì bảo đảm cái hàm răng của con nhỏ cũng y chang hồi lúc nó bắt tui hái bông bần cho nó chơi nhà chòi. Già hết rồi Thủy Tiên ơi!
BS Từ Nhân Dân

BỆNH NHÂN ĐÂU?

Hơn 1 giờ đêm, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM nhận được điện thoại báo một ca cấp cứu vì khó thở ở Phường HT, Quận XY. Kíp trực hướng dẫn người nhà gọi cho Bệnh Viện Quận, người nhà nhất quyết không đồng ý và yêu cầu phải là Trung tâm Cấp cứu 115. Điện thoại viên hỏi tình trạng bệnh nhân thì người nhà bảo đang mệt lắm. Điện thoại viên ái ngại báo rằng ít nhất 25 phút mới đến được, người nhà vẫn bảo "Bao lâu cũng chờ!" Bệnh nhân chờ thì phải đi thôi.
Kíp cấp cứu mắt nhắm măt mở lên đường. Gió mát mát, xe chạy rì rì, anh nào cũng lim dim nhưng rồi cả đám cũng dần tỉnh ngủ. Đi đâu vậy ta? Sao không chạy trên đường mà xe cấp cứu lại vòng vòng rồi rẽ luôn ra...cánh đồng.vậy bác tài? Anh lái xe nhăn nhó bảo đi đúng hướng dẫn nhưng sao nó lại rẽ ra đay không biết! Gọi điện về Trung tâm yêu cầu người nhà ra dẫn đường thì được báo lại người nhà sẽ ra đón tại điểm đó.
Điện thoại cháy máy vì không liên lạc được bệnh nhân.Gần 30 phút nữa trôi qua, anh em ai cũng sốt ruột sợ bệnh nhân có gì bất trắc thì cả đám "lãnh đủ" vì chậm trễ. Ngay khi đó, có ánh đèn pin chấp chới từ ven cây đi ra. Ánh đèn đi thẳng tới xe cấp cứu. Một chú lục tuần trông rất hom hem, tay cầm đèn, tay xách một túi nylon gọn gọn hỏi "Mấy chú Cấp cứu hả?" " Dạ. Chú dẫn đường cho tụi con hả?". "Thôi khỏi! Mấy chú lên xe đi!". "Nhưng...Bệnh nhân đâu? Tình trạng sao rồi chú?". "Bệnh nhân hả? TUI NÈ! Mấy chú mở cửa cho tui đi!" Cả đám đứng hình. " Tui bị COPD, hồi nãy lên cơn tưởng chết, Xịt hai nhát nên hơi khỏe rồi. Mấy chú làm ơn đưa tui tới bệnh viện ABC nghe" Nói xong, chú "người nhà ra dẫn đường" tự động lên xe, nằm xuồng băng ca. "Ai đi với chú?". " Bả cũng bệnh. Còn mình con út đang coi! Chú làm ơn cho tui miếng ốc xi. Còn nghẹt quá!" Trời ơi! nghe có lầm không?
Thiệt tình! Chưa thấy ai có hoàn cảnh tội nghiệp mà lại "khôn tổ cha" hơn bệnh nhân này. Muốn đi viện trong lúc khó khăn vậy mà nghĩ ra được chiêu lấy xe cấp cứu chở đi vừa rẻ, vừa sang, vừa nhanh lại vừa an toàn như vậy. Tính ra, trên xe có điều dưỡng lẫn bác sĩ, oxy đầy bình, đồ chơi đầy đủ, còi hụ ưu tiên, tiền thì bằng nửa giá taxi. Tại sao không gọi Trung tâm Cấp cứu 115 đi bệnh viện cho...bảnh?
Nghĩ vừa tức cười vừa quạu. Ông bà nào định giá thế này thì...giết anh em. Người dân biết được điều này, cũng cầu như vậy, thì mấy ông bà xuống đây mà ngồi xe đi cấp cứu cùng tụi tui nghe. Ai cũng như bệnh nhân này thì đám Cấp cứu 115 chuẩn bị...thở oxy là vừa. Độc còn hơn thịt vịt xiêm hầm măng nữa hả Bác sĩ To Quang Dinh ?

BS Từ Nhân Dân

BỆNH NHÂN NẶNG LẮM, XIN HỖ TRỢ.

Khoảng 24 giờ đêm, Trung tâm Cấp cứu 115 nhận một cuộc gọi yêu cầu cấp cứu cho một bệnh nhân người nước ngoài đang ngụ tại khách sạn gần với Bệnh viện Quận XX vì mệti. Sợ kíp cấp cứu Trung tâm đến không kịp, nên Trung tâm yêu cầu Bệnh viện Quận XX hỗ trợ và được chấp nhận nhanh chóng. Sau 20 phút, Trung tâm tiếp nhận cuộc gọi từ kíp cấp cứu BV XX yêu cầu Trung tâm cử người xuống tiếp vì bệnh nhân QÚA NẶNG nên không xử trí được.
Xe xuống đến nơi, cả nhóm hào hển leo lên đến ...lầu 4 khách sạn. Cửa phòng mở ra, bệnh nhân đang nằm tỉnh queo nhưng cao khoảng 1 mét 90, nặng sơ sơ khoảng... 120 kg, nằm chềnh ềnh chiếm gần hết chiếc giường đôi khách sạn. Đồng đội BV kia nhăn nhó:

-Bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn, đi ngoài nhiều, mất nước nên kiệt sức thôi. Ttụi em có 3 đứa ốm nhom, Bệnh nhân nặng quá nên...khiêng xuống không nổi, phải nhờ các anh....khiêng tiếp.

Trời ạ! 6 người khiêng bệnh nhân xuống 4 lầu còn mệt hơn cả bệnh nhân trong khi hắn thì nằm cười cười. Đúng là BỆNH NHÂN QUÁ NẶNG. BÓ TAY!

BS Từ Nhân Dân

ĐẦU HÈ NHỚ BẠN

Trường Thạnh Hưng những cuối những năm 80.
Lớp 10 trường huyện thằng nào cũng ngu ngơ như vịt đực lên bờ. Chỉ có Thằng Tiến- biệt danh Ông thần ve chai là to đầu nhất đám năm đó bắt đầu biết kiếm "ghệ". Hắn khoái nhỏ Trang Cầu Kinh Thầy Lâm. Cả năm học thằng Tiến ngày nào cũng 7 cây số đạp đi học, 7 cây đưa nàng về, 14 cây ngược lại nhà. Nó đi học bằng hai người khác, đúng là không khùng nào bằng. Một bữa giờ chơi cuối mùa thi, cả lớp xuống hết dưới sân, Ông thần đứng cạnh nhỏ Trang bên khung cửa sổ lãng mạn còn hơn Romeo và Juliet. Gió đồng mát rượi, mấy cây phượng thì đỏ rực cả góc sân. Kẻng vào lớp, anh em ùa lên thấy ông thần tui mặt đỏ lựng, tay bưng gò má. Xúm lại hỏi. hắn xoa gò má lầm bầm: "Hun có cái, nó táng tao hai bạt tai!". Cả đám cười ầm lên. Công nhận, con nhỏ coi nhỏ con mà táng mạnh thiệt. Bàn tay năm ngón vành vạnh. Nói thiệt, nếu nhỏ Trang đó mà đẹp được cỡ ...phân nửa cô người mẫu này thì tôi cũng chấp nhận cho nó muốn làm gì thì làm. Đằng này...

Giờ Ông thần bỏ ve chai đi làm bánh mì xứ Cờ Hoa. Nhỏ Trang lên chức ngoại rồi, 19 tuổi có chồng, con gái đầu nó cũng vậy. Anh Viet Dung Nguyen chụp mấy cây phương chi cho nhớ bạn bè muốn chết hè!

BS Từ Nhân Dân